Phỏng vấn một chiếc điện thoại

Thứ Tư, 09/12/2020, 09:26
Phóng viên (PV): Thưa anh điện thoại di động? Anh nhãn hiệu gì.


Điện thoại: Sao nhà báo hỏi vậy?

PV: Bởi khác với tên con người nhiều khi chả nói lên điều gì cả, tên hay nhãn hiệu điện thoại quan trọng vô cùng, nếu không nói là quan trọng nhất.

Điện thoại: Lạ nhỉ. Trong cuộc sống, ta có thể yêu một con người nếu chỉ căn cứ vào cái tên không?

PV: Không.

Minh họa Lê Tâm

Điện thoại: Lý do?

PV: Dạ, lý do vì cái tên chúng ta chả nói lên điều nào hết. Ví dụ như một cô gái tên Bạch Tuyết có thể da rất đen, và một anh tên Hùng Dũng có thể rất nhát gan và gầy gò.

Điện thoại: Đúng thế.

PV: Nhưng điện thoại thì không vậy. Tên điện thoại là thương hiệu. Thương hiệu là đẳng cấp.

Điện thoại: Ái chà, vậy đẳng cấp ấy do chỗ nào quy định?

PV: Thật ra không có một tổ chức nào quy định tối cao, chủ yếu do trải nghiệm và do... dư luận.

Điện thoại: Dư luận phần lớn xuất phát từ đâu?

PV: Đa số từ người tiêu dùng.

Điện thoại: Nghe cũng hay đấy. Vậy xin trân trọng hỏi nhà báo một câu này: Người tiêu dùng hiện nay của nước ta có thông minh không?

PV: Thú thực, nếu là giới trẻ thì không. Giới trẻ tiêu dùng theo đua đòi là chính.

Điện thoại: Tôi cũng tin thế. Đua đòi và chạy theo thị hiếu là điều mà giới trẻ hay làm nhất. Đặc biệt là một giới trẻ không sâu sắc.

PV: Ý anh định nói gì?

Điện thoại: Ý tôi là cả tháng nay, giới tiêu dùng xôn xao, ầm ĩ và tốn nhiều thời gian về chiếc điện thoại Iphone 12 của hãng Apple. Nhà báo biết chứ.

PV: Ai chả biết.

Điện thoại: Tôi hiểu chiếc điện thoại ấy là một sản phẩm có chất lượng cao, nhưng rõ ràng các chức năng của nó không phải là vô địch.

PV: Vâng.

Điện thoại: Giá của một chiếc điện thoại Iphone đời mới nhất rất đắt, những model cao cấp nhất có thể giá bằng gần một năm lương của giáo viên.

PV: Vâng. Chính xác.

Điện thoại: Tuy nhiên, trong các model đắt nhất ấy có rất nhiều chức năng hoặc ta không cần tới thế, thậm chí có thể không dùng tới bao giờ.

PV: Thú thực đúng như vậy.

Điện thoại: Vậy mà theo các cửa hàng cho biết, đa số người tiêu dùng Việt Nam không mua thì thôi, chứ mua là đòi hỏi loại đắt nhất này.

PV: Trời ạ.

Điện thoại: Phần lớn những người mua iphone đắt nhất không phải nhà quản lý, không phải nhà khoa học, và buồn cười nhất cũng chưa chắc là nhà giàu.

PV: Tại sao họ mua nhỉ?

Điện thoại: Họ cần duy nhất một chức năng theo họ cực kỳ quan trọng: Chức năng khoe!

PV: Tại sao lại khoe điện thoại?

Điện thoại: Thế nếu không họ khoe gì?

PV: Ừ nhỉ.

Điện thoại: Thật là chua chát khi nước ta còn là một nước nghèo, giới trẻ chúng ta cũng không phải đứng đầu về lao động sáng tạo. Nhưng lại đứng đầu về lòng khao khát iphone cao cấp.

PV: Chắc không?

Điện thoại: Chắc chắn. Nếu có dịp đi nước ngoài, bạn sẽ thấy rất nhiều quốc gia người ta không quan tâm đến điện thoại, không háo hức đổi điện thoại một cách mê mẩn say sưa. Đối với họ cuộc sống còn muôn ngàn thứ khác giá trị hơn rất nhiều.

PV: Vâng.

Điện thoại: Với tư cách là một điện thoại, tôi khẳng định chức năng chính của mình chỉ là nghe, gọi và nhắn tin. Và đa số chúng ta chỉ cần đến thế. Mà với ba chức năng này thì giữa các nhãn hiệu điện thoại chả có sự khác biệt nào cả.

PV: Điều đó ai chả biết.

Điện thoại: Nhà báo có hiểu lý do gì nền công nghiệp điện ảnh của Mỹ hàng năm có thể thu nhập hàng chục tỷ đô la không ? Bởi vì các hãng phim bán ra các giấc mơ cho khán giả. Các hãng điện thoại cũng y như thế. Họ đang sản xuất những sản phẩm mà nhiều công năng trong đó tuy rất tinh vi nhưng cũng rất mơ hồ.

PV: Họ đâu có lỗi gì.

Điện thoại: Đúng vậy. Họ đâu có lỗi gì. Chỉ có những cô cậu con trai con gái Việt Nam mới lớn mua điện thoại tối tân mới có lỗi thôi. Nhưng lỗi đó thuộc về chúng hay người giáo dục chúng!

Lê Thị Liên Hoan
.
.