Cuối năm, nhớ những người hiền

Thứ Ba, 13/02/2018, 13:38
1. Nhân dịp có đoàn nhà báo ở phía Bắc vào rủ tôi tháp tùng tới thăm ông Trương Vĩnh Trọng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nay đã về hưu, ở tại Giồng Trôm, Bến Tre. 

Nói thật, tuy là người cùng quê nhưng tôi không có mối giao tình với ông Hai Nghĩa hay ông Hai Trọng, tên thường gọi của ông từ lúc ông làm Bí thư tỉnh Bến Tre đến khi ra Trung ương làm Phó Thủ tướng rồi nghỉ hưu. 

Ông Hai Trọng giữ nhiều chức vụ, nhưng theo nhiều người nói ông là một người rất liêm khiết, khiêm tốn, thẳng tính, nói chung là rất... Nam Bộ. Chính điều này khiến tôi muốn ghé thăm ông, lúc ông đã nghỉ hưu, nhất là mấy anh em trong giới báo chí thân tình.

Khi đến nơi, không phải chỉ có đoàn chúng tôi mà có tới 3-4 đoàn khác, có đoàn đông hàng chục người, chật kín nhà. Ông Hai Trọng mặc quần dài, áo sơ mi bình thường, mang dép, đích thân ra tận cửa đón và tiếp chúng tôi rất thân tình, không kiểu cách. Ông vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe, tác phong rặt nông dân Nam Bộ. Điều này gây cho tôi ấn tượng ngay từ cái bắt tay không quan cách lãnh đạo, cư xử xuề xòa, không diễn...

Trước khi đến đây, tôi cứ nghĩ nhà của một nguyên Phó Thủ tướng từng là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre chắc phải là một dinh thự nguy nga, rộng lớn có chế độ phục vụ và bảo vệ. Nhưng không, chỉ là một ngôi nhà bình thường, trên một khu đất rộng 5 công vườn xung quanh trồng toàn bưởi da xanh do chính tay ông Hai Trọng trồng và chăm sóc từ ngày ông về hưu. 

Miếng đất này cũng không phải Nhà nước cấp, hay của ông Hai Trọng mà do gia đình bên vợ ông cho từ khi ông bà cưới nhau để ra ở riêng. Như vậy là ông Hai Trọng theo quê vợ ở Giồng Trôm (vì quê ông theo tôi biết là ở Mỏ Cày).

Ông Hai Trọng hoạt động cách mạng từ thời bà Ba Định, là cán bộ đi ra từ chiến tranh, làm tới chức Phó Thủ tướng nhưng khi nghỉ hưu không có nhà riêng ở Hà Nội, TP HCM mà ở một ngôi nhà bình thường tại quê hương mình, điều này đã khiến tôi hết sức ngạc nhiên. 

Vài người trong đoàn kể, Nhà nước có chế độ phân nhà cho ông Hai Trọng nhưng ông không nhận. Nhà này cũng được xây mấy năm nay từ khi ông nghỉ hưu, cũng không phải do tiền của ông (vì ông không có tiền) mà do chính cô con gái làm ở sân bay Tân Sơn Nhất xin nghỉ ra bán bánh xèo ở TP HCM dành dụm tiền cất lên, thiết kế do chính cô vẽ, thuê một người bạn không phải là kỹ sư xây dựng hay kiến trúc sư mà là một cựu sinh viên sư phạm phụ trách thi công.

Ngôi nhà đơn sơ nhưng rất đẹp, có hồ cá xây theo phong thủy, trang trí nội thất toàn đồ gỗ giá trị xuất xứ từ thương hiệu gỗ Đồng Kỵ, có những phần xi măng giả gỗ y như gỗ mà tôi rất thích. Cô gái này chẳng ai xa lạ mà chính là chủ nhân của thương hiệu bánh xèo "Ăn là ghiền" ở TP HCM, hiện đã phát triển tới 3 chi nhánh và một trung tâm bánh xèo "Ăn là ghiền" ờ đường Sương Nguyệt Anh. Cô còn khá trẻ, xinh xắn, giống tạc cha và rất lễ phép với khách. Cô về thăm nhà dịp cuối tuần và tình cờ gặp chúng tôi tới thăm ba cô.

Ông Hai Trọng còn một người con trai đang làm ở hải quan, nhưng khi ông Hai Trọng làm Phó Thủ tướng thì anh cũng xin nghỉ hải quan ra làm công ty, cũng như cô em gái xin nghỉ làm ở sân bay Tân Sơn Nhất vì sợ... mang tiếng dựa hơi cha. 

Bà Hai Trọng suốt thời gian chồng mình làm Phó Thủ tướng đã không ra Bắc mà vẫn ở Giồng Trôm, mỗi khi ra thăm chồng chỉ ở vài ngày, mang cho ông Hai Trọng những món mà ông thích do chính tay bà nấu, chế biến... trong đó có món bánh xèo "Ăn là ghiền" mà bà truyền lại cho con gái.

Ông Hai Trọng trở về cuộc sống đời thường.

Hôm ấy, ông bà đãi chúng tôi món chủ yếu là bánh xèo, bánh khọt với rau trong vườn nhà, bảo đảm các loại rau này ngoài chợ không có bán, cơm trắng ăn với thịt kho trứng cút, cơm nếp, lẩu chay. Tráng miệng bằng bưởi da xanh, sầu riêng, khoai tím luộc xắt miếng. 

Nói chung là cây nhà lá vườn. Ông bà xoay như chong chóng, bưng bê từng món đãi khách, ông Hai Trọng còn tự tay cắt bánh xèo, chia cơm nếp cho từng người, giục khách ăn no còn ông bà chỉ đứng tiếp khách chứ không ăn. 

Có một loại rượu ngâm lá cây trong vườn do chính ông ngâm chứ không thấy rắn rít, hải mã, bò cạp gì..., cũng chính ông dẫn tôi xuống xem tận mắt. Phải nói là rượu ngon vì tôi uống vô thấy... ngọt.

Một cô trong đoàn hình như từng là lính của ông Hai Trọng kể: Lúc còn làm Phó Thủ tướng, sếp em ăn uống cũng rất đơn sơ, bữa sáng có khi chỉ là mì gói, bữa trưa chủ yếu là cá khô, rau luộc. Nhưng khi đi công tác thì bảo chúng em chuẩn bị chu đáo bánh trái, cơm nếp để đãi khách nơi đoàn đến kể cả khi ông còn kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc. Cô gái vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.

Khi các đoàn khách khác về hết, đoàn chúng tôi ngồi nán lại uống trà, ông Hai Trọng mới cho biết sở dĩ gần đây có nhiều đoàn tới thăm ông như vậy là do ông... bệnh. Rồi ông nói luôn, ông bị bệnh ung thư gan, mới đầu phát hiện trong gan ông có 3 cục u, bệnh viện ngoài Bắc khám bảo u lành, theo dõi thời gian xem sao. 

Ông qua Singapore điều trị, thấy ổn ổn, còn đang theo dõi, họ yêu cầu nằm vài tháng, ông lo tốn tiền nên xin về nhà, sắp tới lại phải trở qua tái khám và điều trị tiếp, không ổn chắc phải mổ.

Bây giờ chúng tôi mới hết thắc mắc tại sao hôm nay lại có nhiều đoàn đến thăm ông đến thế, có lẽ vừa thăm ông bệnh vừa kết hợp với thăm tết, còn chúng tôi thì hoàn toàn không biết, chỉ thăm ngẫu hứng, hoàn toàn xuất phát từ tình cảm cá nhân. 

Và ông làm chúng tôi lặng người, “Đừng ngạc nhiên khi chủ nhà đãi bánh xèo nghen, vì bánh xèo là món cây nhà lá vườn, chỉ tốn công chứ không tốn tiền nhiều, bột do con gái cung cấp, rau ngoài vườn, chỉ thêm tí giá, tí thịt... chứ đãi liên tục đoàn này tới đoàn kia mà món này món nọ ông chịu sao xiết?”. Chúng tôi lặng người thật sự với phút nói thật bằng tấm chân tình của một nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tất nhiên, đoàn này, đoàn kia liên tục tới thăm ông vì cái tình chứ không chấp nệ chuyện ăn uống. Hình như tôi đã nói với ông Hai Trọng rằng, đây là niềm vui và hạnh phúc đối với một vị lãnh đạo về hưu, có quý ông thật sự người ta mới lặn lội tới tận Giồng Trôm thăm ông chứ đâu phải tới nhờ ông việc gì nữa đâu. Niềm vui và hạnh phúc này đâu phải ai muốn cũng được.

2. Ông Sáu Tường tên thật là Nguyễn Vĩnh Nghiệp, giữ nhiều chức vụ của Đảng và Nhà nước, nhưng có một “chức vụ” khi về hưu đến cuối đời khiến người ta nhớ mãi, những bệnh nhân nghèo, người mù, tàn tật, trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch... mang ơn mãi. 

Con người như cây đại thụ tỏa rợp bóng mát nhân ái xuống thế gian ấy đúng nghĩa là một “ông tiên” bước ra từ chuyện cổ tích lúc còn sống cũng như khi đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Ông Sáu Tường, cố Chủ tịch UBND TP HCM, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM đã vĩnh biệt cõi nhân gian của chúng ta vào chiều ngày 9-11-2007 sau khi đã dốc toàn tâm lực cho bệnh nhân nghèo, giúp người sắp mù sáng mắt, trẻ em khuyết tật có xe lăn, có được nụ cười trên đôi môi lành lặn, nhưng không chống chọi được hơn nữa với cơn bệnh ngặt nghèo của chính mình: Ung thư tủy sống.

Ông Sáu Tường mất đi, tuy là quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” trong cõi nhân gian nhưng lại là một sự mất mát lớn lao cho cuộc sống luôn đầy bất trắc và có quá nhiều số phận không may, hoàn cảnh bất hạnh cần những người có tấm lòng nhân ái bao la như ông cứu giúp. 

Ông Sáu Tường.

Người viết bài này và có lẽ mọi người đều không thích thống kê những con số khô khan, nhưng những “con số” thuộc về ông Sáu Tường thì hoàn toàn khác, nó không khô khan mà lại có linh hồn, mang thật nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Trong khoảng trên 10 năm làm công việc từ thiện, ông Sáu Tường và những người bạn chí cốt của ông trong Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo đã làm được những việc và con số khổng lồ: Cứu giúp hơn 800.000 người mù sáng mắt, hơn 400.000 trẻ em hở hàm ếch lấy lại được nụ cười trên đôi môi tươi thắm, hơn 300.000 cháu bé khuyết tật được đi trên xe lăn, nghe được bằng máy... 

Lòng nhân ái và việc làm nghĩa tình này không chỉ đến tận vùng sâu, vùng xa đối với người Kinh, tới tận các bản, làng người dân tộc ở miền rừng núi trong nước mà còn được trải rộng ra khỏi biên giới sang cả Campuchia, Lào... Chỉ với con số và khối lượng công việc đã thấy ông Sáu Tường thật vĩ đại, rất xứng đáng là một anh hùng trong thời kỳ mới, một người cộng sản chân chính.

Nhưng đâu chỉ có một bề mặt phẳng lặng từ những con số và khối lượng công việc đã mang lại kết quả tốt ấy. Quá trình để ông Sáu Tường “ngộ” ra việc làm từ thiện xuất phát từ trái tim nhân ái, tấm lòng thương người nghèo bao la của ông và đi đến việc hình thành Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố thật không dễ dàng.

Đó là một quá trình vạn dặm, đầy gian khổ đòi hỏi người đi phải có sự kiên trì, nhẫn nại, và quên chính bản thân mình để đạt được mục đích cuối cùng là vì mọi người, vì bệnh nhân nghèo, trẻ em bất hạnh. 

Bởi lẽ, việc tìm ra những người tâm huyết, cùng chí hướng, có tấm lòng nhân ái để hình thành một tổ chức, một hội từ thiện trong cơ chế thị trường như hiện nay đã khó, nhưng việc đi vận động xin tiền cho Hội hoạt động, cứu giúp bệnh nhân nghèo chữa bệnh, giúp người mù mổ mắt, giúp trẻ em khuyết tật hở hàm ếch có được sự nguyên lành, các cháu tật nguyền có xe lăn, có máy nghe... mới cực kỳ gian nan. 

Nếu không có một người cộng sản chân chính, quên mình vì nghĩa lớn như ông Sáu Tường thì không thể chinh phục được lòng người để mang lại thành công, gây được tiếng vang, thu hút nhiều nguồn tài trợ trong nước lẫn nước ngoài như chúng ta đã thấy.

Cố chống chọi với chứng bệnh nan y, dành từng phút giây hiếm hoi có được trong cuộc sống ngắn ngủi để chăm lo cho người nghèo, trẻ em khuyết tật đến giờ phút cuối cùng mới chịu buông tay từ biệt cõi nhân gian. 

Ông Sáu Tường đã hơn ý nghĩa của một tấm gương sáng cho mọi người học tập vì chưa chắc chúng ta đã học tập được một phần công đức của ông, tấm lòng thương người nghèo bao la của ông mà đó chỉ có thể là một “ông tiên” giữa đời thường. 

Ông Sáu Tường là hình ảnh “ông tiên” có thật giữa đời thường đã khiến cho nhiều người xúc động vì tấm lòng nhân ái hiếm có. Để dù cho trong quãng đời còn lại của cuộc sống nhân gian này đôi khi có những chuyện trái với lương tâm con người, những điều phẫn hận, u sầu làm lòng chúng ta tan nát cũng còn hình ảnh “ông tiên” Sáu Tường, cây đại thụ tỏa rợp bóng mát nhân ái xuống cuộc đời để ta nuôi niềm tin và tiếp thêm hy vọng.

Từ Kế Tường
.
.