Nhà thơ Ngô Văn Phú: Nhớ người trong mộng

Thứ Năm, 22/01/2015, 16:03
Cứ mỗi lần đến thăm ông, tôi luôn cảm giác rằng có thể đến một lúc nào đó, không gian sống của ông sẽ đặc quánh bởi bụi sách và bụi thời gian cùng nỗi cô quạnh, đơn lẻ của tâm hồn nhà thơ vốn dĩ đeo mang nhiều nỗi đa sầu đa cảm.

Nhà thơ của bài thơ nổi tiếng đến nỗi mọi người nhầm tưởng là ca dao: Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng trong một ngày đông giá lạnh, đã thổ lộ rằng, dù nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi nhưng cuộc đời ông vẫn ẩn chứa nhiều nỗi niềm trắc ẩn từ trong sâu thẳm không mấy khi chia sẻ…

Căn nhà cũ kỹ trên tầng năm của khu tập thể cũ, nơi nhà thơ Ngô Văn Phú đã gắn bó cả cuộc đời, dường như chẳng hề thay đổi sau mấy chục năm sinh sống. Vào gõ cửa nhà ông, tôi luôn bị ám ảnh bởi chiếc cửa gỗ đã sờn màu, nứt mẻ với thời gian và chiếc xe đạp đầy thân phận bởi ông chủ của nó không bao giờ tân trang lại cho nó một diện mạo mới để hãnh diện đi ra phố. Tôi luôn thương căn bếp nhỏ xíu, nơi hàng ngày ông vẫn lặng lẽ đun nấu những món ăn đạm bạc cho riêng mình. Chiếc bếp ga cũ kỹ, hoen rỉ, cái chạn bát đầy muội đen với những chiếc bát cổ đã có nhiều vết rạn, những đôi đũa lệch, những chiếc thìa méo mó lâu không có người dùng đã bắt đầu chuyển màu trong ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn điện nhỏ ở góc nhà.

Ở phía bên trong, ông vẫn dự trữ nước trong những bồn bê tông không nắp đậy để sẵn trong nhà. Mùi nước, mùi của tường vôi đã lâu không sơn quét bị bong tróc… khiến tôi cố lý giải lý lẽ của nhà thơ, bởi trong khi nhà nhà đều lên đời, người người đều cố cơi nới, cố làm cho căn nhà của mình hiện đại lên, sáng sủa lên thì nhà thơ Ngô Văn Phú có lẽ đang tự cho phép mình giữ lại một căn nhà với nguyên trạng như mấy chục năm trước, thời ông mới bước về đây, để lấy cảm hứng viết văn, cảm hứng sống. Căn nhà nhỏ bề bộn, góc bàn cũ kỹ, những chiếc bút đã bắt đầu nhòe nét mực trên tờ giấy A4 úa vàng đã là nơi làm nên hàng trăm tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà thơ Ngô Văn Phú.

Và đối với ông, đây là thế giới sống đầy viên mãn. Thế giới để cho trí tưởng tượng và tâm hồn nhạy cảm với những áng văn thơ của ông thăng hoa. Và ông sống theo cách của mình: từ chối tất cả mọi vật dụng hiện đại, không điện thoại cầm tay, không máy tính, không Internet, chỉ có chiếc tivi đã gắn bó với ông cả chục năm nay, là được bật lên suốt ngày, để có tiếng người và để đồng hành cùng ông với những thông tin về đời sống.

Nhà thơ Ngô Văn Phú là một người viết cần mẫn. Ở tuổi gần bát thập như ông, khỏe mạnh đã là một điều thiên phú, ông hơn người ở chỗ, năng lực viết hình như chưa bao giờ vơi cạn. Trên bàn làm việc của ông, lúc nào cũng có kính lúp, sách chữ Hán, chữ Nho, từ điển Tiếng Việt, giấy bút sẵn cả. Nhiều người thường cho rằng, viết văn cần phải có cảm hứng, thì ông cho rằng, văn chương, đã có trong con người mình, chỉ chờ vào sự mẫn cán và năng lực viết để tạo nên tác phẩm.

Có lẽ bởi vậy, thời gian của ông bây giờ chỉ dành để sáng tác bên chiếc bàn có khung cửa sổ, khung cửa sổ nhìn ra một bầu trời cao rộng, khung cửa sổ cũng thu vào tầm mắt cả con đường Kim Mã ngút ngàn những tán cây xà cừ cổ thụ và ồn ào những phố xá. Bởi cần mẫn với cây bút, nên bây giờ gia tài văn chương của ông có tới cả trăm đầu sách gồm tác phẩm đủ các thể loại văn thơ, dịch thuật, nghiên cứu phê bình, truyện lịch sử, tuyển chọn, giới thiệu.

Ông miệt mài với tiểu thuyết lịch sử, miệt mài đọc hàng trăm cuốn sách lịch sử để cuối cùng còn lại vài chục trang tiểu thuyết hay đơn giản, chỉ để lấy một vài chi tiết cho các truyện ngắn lịch sử mà ông tâm đắc. Một điều kỳ lạ ở ông, là vào những lúc rối bời với những trang tiểu thuyết, ông lại đắm chìm, bay bổng với những trang thơ. Tôi ấn tượng với những bài thơ giản dị nhưng ẩn chứa trong đó nhiều nỗi niềm trắc ẩn, thậm chí là cả những nỗi đau.

Ông có nỗi đau đớn trong trái tim nhưng không phải bao giờ cũng thể hiện trong đời thực, mà nỗi hoang mang, bất ổn, nỗi khổ vì một tình yêu không tới bến bờ hạnh phúc đã níu những vần thơ của ông trũng xuống như một dấu lặng buồn trong cuộc đời: Em có nhớ góc phố buồn u tối/ Ta thường qua, lặng lẽ, bước thâm trầm/ Nhạc dang dở than nỗi đời rắc rối/ Không gian thầm dâng nhẹ hương hoàng lan/ Yêu đến đỗi. Lòng cũng buồn đến đỗi/ Nói hoài rồi. Cần lắm phút lặng im/ Hơi thở nhẹ lẫn mùi hoa bối rối/ Dáng em đi, tóc xoã phủ vai mềm/ Phố u tối. Tình yêu không lối thoát/ Lòng chơi vơi theo tiếng lá thu buông/ Đêm Hà Nội. Hai người. Hai cái bóng/ Nhạc tắt rồi giai điệu vẫn còn vương/ Anh đếm được những bước chân quanh quẩn/ Đang dẫn vào những lối hẹp mê cung/ Phố u tối. Những nỗi buồn thăm thẳm/ Cắm sâu vào ván gỗ đời mình.

Tôi hỏi ông về hình bóng người phụ nữ trong thơ của ông, người phụ nữ đã khiến ông làm nên những vần thơ đầy nỗi ưu phiền, ông dần kể cho tôi nghe về một cuộc tình câm lặng đầy khổ đau với người đàn bà, người là nguyên mẫu của hầu hết những bài thơ tình của ông. Thuở ấy, ông trời đã khéo trêu ngươi vì đã đem nàng đến ở cạnh ông trong căn nhà tập thể đầy chật hẹp, một nửa căn nhà bây giờ ông đang sống. Mỗi người 13 mét vuông tròn trịa. Nàng kém ông đến cả chục tuổi, mê thơ và phải lòng thi sĩ sống cô đơn bên cạnh căn gác của mình.

Từ sự cảm mến đến yêu đương trong gang tấc. Họ quyết tâm đến ở cùng nhau nhưng ông trời không thương. Một mối tình đầy ngang trái, hai người không đến được cùng nhau bởi cả hai đều có quá nhiều ràng buộc. Rồi nàng rời xa Hà Nội, để lại một khoảng trống vô bờ bến trong trái tim thi nhân. Ông mua lại căn phòng của nàng…

Những bài thơ đôi khi đau đớn, đôi khi nuối tiếc, đôi khi đầy tang thương, đôi khi đầy hy vọng nhưng kết cục vẫn là một nỗi bi ai vì mối tình không đến được cùng nhau: Không lúc nào ta không nghĩ về nhau/ Những ước mơ lặng thầm/ Những khát khao gần gũi/ Bao năm tháng chia xa bao chờ đợi/ Đã bao giờ ta được sống gần nhau/ Gặp gỡ làm chi cho vơ vẩn âu sầu/ Cho trằn trọc nhớ thương, thương nhớ/ Khi cái thiếu tìm về nơi sẵn có/ Chưa đắp bù càng thiếu vắng cô đơn/ Đôi mắt em ẩn náu nỗi niềm riêng/ Câu cửa miệng em mong chờ kiếp khác/ Anh cũng thế cứ như người bước hụt/ Nửa sống cho mình nửa biết sống cho ai/ Vẫn cứ đi khắp bể rộng sông dài/ Để lại phía sau lời yêu thương chưa bao giờ nói được/ Để lại phía sau một tâm hồn đói khát/ Để lại sau mình hoa trắng tình yêu.

Có lẽ bởi ám ảnh về một mối tình si ấy, nên trong căn nhà đơn lẻ của mình, nhà thơ Ngô Văn Phú treo đầy ảnh vẽ người yêu trong mộng, những bức chân dung ông tự vẽ với những nét thô ráp nhưng ông khẳng định là “giống lắm”, giống nàng ở đôi mắt đăm chiêu. Mỗi khi buồn, ông nhấp chén rượu nhạt độc ẩm với hoa quỳnh, ngắm trăng suông từ tầng 5 của khu nhà tập thể và ngắm bức họa chân dung của người yêu dấu.

Cuộc sống đạm bạc trôi qua hàng ngày như thế đã mấy chục năm trời đằng đẵng. Nhà ông vắng khách, không gian chật hẹp lại càng bé lại khi những cuốn sách cứ lặng lẽ phủ bụi thời gian mỗi ngày một cao thêm.

Ông lặng lẽ khép cửa phòng văn, những người bạn tâm giao của ông đã dần dần đi về nơi thiên cổ, ông đối diện với chính mình với những vần thơ tự bạch nghe đến nao lòng: Có khi rót nước mà quên uống/ Ra đường chẳng biết phải đi đâu/ Thường hay suy nghĩ thời xa vắng/ Lắm lúc soi gương ngắm mái đầu.

Mọi dạo ông hay đạp xe đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nơi ông đã làm Giám đốc kiêm Tổng biên tập một thời gian dài, để lấy thư báo. Nhưng bây giờ thì ông ít ra đường, họa hoằn ông chỉ ra ngoài khi phải đi chợ mua đồ ăn, hoặc bách bộ dạo phố chốc lát để cảm nhận cái lạnh mùa đông. Bây giờ ông thường ăn cơm nếp, để đỡ phải lui cui trong căn bếp toàn muội đen và bụi thời gian bám đầy. Nấu cơm nếp bằng nồi cơm điện, có khi nấu một lần ăn cả ngày. Khi muốn đổi món, ông xuống tầng 1 ăn một bát phở bò, nghe thiên hạ bàn chuyện thời sự, xã hội. Ông bảo, bây giờ thì mọi thứ đối với ông không còn điều gì quá quan trọng nữa, bởi vì tất cả mọi hỷ, nộ, ái, ố ở đời ông đều đã trải qua rồi.

Thời điểm vàng son nhất khi văn chương là một “khu đền thiêng” chính là thời điểm ông làm việc ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Hơn bao giờ hết, ông là người rất trân trọng những bạn văn của mình, trân trọng tác phẩm của mình và trên hết, ông rất trân trọng các tác phẩm văn chương giá trị.

Thời ông làm giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ông đã nâng đỡ và in ấn được nhiều tác phẩm mang tính lịch sử xã hội. Ông bảo, đó là thời kỳ người ta trân quý văn chương, một tác phẩm viết ra được sẻ chia và bình luận nhiều lắm. Rồi ông lật giở từng tấm hình đen trắng, có những người bạn lớn như Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, Xuân Quỳnh… Ông nâng niu như thể đó là những kỷ vật làm nên dấu ấn một thời của ông và những người bạn văn mà lịch sử văn học không thể nào phủ nhận được.

Nhà thơ Ngô Văn Phú là người “biết mình biết người”, với bản tính con nhà Nho, ông thừa nhận, cả cuộc đời theo văn nghiệp, có hàng chục giải thưởng lớn nhỏ nhưng ông ít giao du, ít bè bạn, ít những cuộc xôm tụ, thậm chí không có một chút “gây hấn” với chính mình để cuộc sống bớt đi những tẻ nhạt. Đôi khi tôi vẫn cứ đinh ninh rằng, người viết văn, làm thơ có nghĩa là được thiên phú cho một sứ mệnh nào đó, hoặc cuộc đời của họ gặp rất nhiều trắc trở.

Nhà thơ Ngô Văn Phú cũng không phải là một ngoại lệ dù cuộc đời ông nhìn bên ngoài khá bình lặng, ít tai tiếng. Ông có một miền quê Vĩnh Phúc để nhớ, để trở về, ở đó có người vợ đã luống tuổi vẫn cứ chăm chỉ ruộng đồng dù biền biệt xa chồng trong suốt cả cuộc đời làm vợ. Bà là người không chịu được phố xá, cũng chả hiểu được văn thơ, chả đọc các tác phẩm của chồng bao giờ. Bà chấp nhận làm một cái bóng xa vời để cho ông tự do tự tại với thế giới của riêng ông ở nơi phồn hoa đô hội.

Nhà thơ Ngô Văn Phú chấp nhận mọi thực tại, một tay ông giúp vợ xây cửa dựng nhà, nuôi ba người con khôn lớn, thành đạt. Bây giờ, thỉnh thoảng người đàn bà trong mộng của ông vẫn thăm hỏi ông để vơi bớt đi nỗi cô đơn tuổi già.

Ông kể: mùa đông vừa rồi, nàng gửi ra cho ông một chiếc chăn đông ấm áp. Rồi ông chỉ lên cái gác nhỏ đầu giường ông nằm: Chăn đấy! Tôi hỏi sao ông không bỏ ra đắp cho ấm, nhà thơ đọc một câu thơ chữ Hán, dịch ra thì có nghĩa là chăn cất đi không đắp vì muốn giữ hơi ấm của người yêu thương!

Tôi bỗng hiểu vì sao ông muốn giữ nguyên trạng căn nhà với hàng nghìn cuốn sách ngổn ngang, hành lang hẹp nơi ông để chiếc xe đạp cà tàng vẫn nguyên vẹn như vài chục năm trước, chiếc giường đơn lẻ ông nằm bao nhiêu năm nay vẫn ở nguyên vị trí cũ, cả chiếc gương soi, cả những bức ông tự vẽ chân dung người yêu vẫn ở nguyên như khi nàng còn hiện hữu… là vì ông muốn giữ lại tất cả như thuở xa xưa có bóng dáng của người yêu dấu, để trong ngày ba bữa cơm đạm bạc lẻ loi một mình đối diện với chính mình trong căn nhà ít có bàn tay dọn dẹp.

Có khi ông lẩn thẩn đứng ngồi ngắm nhìn mây trắng bay đi bay về qua khung cửa sổ, thổn thức như thể dỗi hờn với chính trái tim mình vì không được cùng ai thắp lên ngọn lửa tình yêu trong suốt những tháng năm lạnh giá: Người ấy chắc em thường vẫn nhớ/ Dải hành lang hẹp lối em qua/ Ban mai đang hửng lên ráng đỏ/ Ủ nóng trong tay một chén trà/ Người ấy chắc em thường vẫn nhớ/ Buồn thường uống rượu một mình thôi/ Chén đã kề môi mà chẳng nhấp/ Buông mắt nhìn ra một khoảng trời…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.