Nhịp sống mới ở vùng Bưng sáu xã
Biết bao máu xương của quân và dân vùng Bưng sáu xã (nay thuộc TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã đổ xuống trên mảnh đất bưng biền vốn là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Hòa bình lập lại, vùng bưng xơ xác bởi bom đạn, dân số chỉ còn lại vài ngàn người sống bằng nghề thuần nông với phương tiện đi lại bằng xuồng, ghe. Còn bây giờ Bưng sáu xã được xem là một trong những khu công nghiệp, đô thị sầm uất của TP Hồ Chí Minh.
Nhà truyền thống Di tích lịch sử căn cứ vùng Bưng sáu xã nằm trên đường Lã Xuân Oai, phường Long Trường nơi trưng bày những hình ảnh, hiện vật… trong cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân căn cứ vùng Bưng sáu xã trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thuở xưa, căn cứ Bưng sáu xã là tên gọi của các xã nằm trên vùng đất bưng biền thuộc cánh Nam huyện Thủ Đức xưa (nay là thành phố Thủ Đức). Bưng sáu xã có vị trí chiến lược rất quan trọng, bao gồm các xã Long Trường, Phú Hữu, Phước Long, Bình Trưng, An Phú, Tăng Nhơn Phú thuộc huyện Thủ Đức cũ, nay là TP Thủ Đức.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Bưng sáu xã là địa bàn bám trụ của một số cán bộ, đảng viên. Nhân dân Bưng sáu xã cũng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến dịch tố cộng, diệt cộng của chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhiều người dân đã bị giết hại trong những trận càn, nhiều gia đình bị mất nhà cửa; lực lượng bám trụ nơi đây gặp nhiều khó khăn và một số đồng chí đã hi sinh.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Thủ Đức, quân và dân Bưng sáu xã vẫn sáng tạo, linh hoạt, tìm mọi cách để xây dựng các căn hầm bí mật trong nhà dân, ở nơi kín đáo để nuôi giấu, che chở cho cán bộ, bộ đội như: Hầm bí mật, cơ sở kinh tài của huyện Thủ Đức tại đình Phong Phú; lu đựng nước, hầm bí mật của nhân dân Bưng sáu xã để nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng hoạt động bám trụ.
Giai đoạn từ năm 1961 – 1964, Huyện ủy Thủ Đức đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh diệt ác phá kềm, giải phóng một số xã, ấp, tổ chức trừng trị bọn chỉ điểm, mật thám, chống địch gom dân lập ấp chiến lược, phá ấp chiến lược trở về làng... Nhiều gia đình người dân vùng Bưng là cơ sở của cách mạng như gia đình bà Ngô Thị Ba, bà Huỳnh Thị Túy (xã Tăng Nhơn Phú), gia đình bà Nguyễn Thị Dự (xã Phước Long)… Đặc biệt, khu vườn nhà ông Hai Quảnh (xã Phước Long) là nơi bộ đội đặt pháo bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, dinh Độc Lập, kho xăng Nhà Bè… trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Ngoài ra, quân và dân Bưng sáu xã đã tự tạo một số vũ khí để đánh địch như chông tre, chông bàn, chông rải 4 cạnh…
Một số tấm gương chiến đấu tiêu biểu trong giai đoạn này như: Đồng chí Đặng Thị Liên, người chỉ huy đặt mìn tại quán Minh Tâm (ấp Chợ Nhỏ, Tăng Nhơn Phú) tiêu diệt 23 tên địch vào ngày 4/10/1970; đồng chí Võ Văn Hữu, người trực tiếp tham gia trận đánh mìn tại cầu Bến Nọc ngày 19/1/1970, tiêu diệt và làm bị thương 75 tên địch; các đồng chỉ Ngụy Hữu Mại, Trần Văn Hưởng và Nguyễn Văn Dương tham gia đánh vào sân bay Dĩ An ngày 13/10/1971, phá hủy 8 chiếc máy bay lên thẳng của địch.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 – 30/4/1975), quân và dân Bưng sáu xã phối hợp với các lực lượng vũ trang tiến về giải phóng Sài Gòn. Khi chiến dịch toàn thắng, quân và dân Bưng sáu xã đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực tiếp quản cơ sở, kho tàng và thu gom những loại phương tiện, vũ khí của địch để lại. Kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, để ghi nhận những thành tích của quân và dân, Bưng sáu xã đã được, Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 6 đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 10 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và hàng trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Hòa bình lập lại, Bưng sáu xã vẫn là vùng đất bưng biền, bạt ngàn dừa nước, lau sậy. Cả vùng chỉ có vài tuyến đường đất đỏ, còn lại là mạng lưới sông ngòi chằng chịt, người dân chủ yếu di chuyển bằng xuồng. Ngay cả khi huyện Thủ Đức được chia tách thành 3 quận là 2,9 và Thủ Đức vào năm 1997 thì nơi đây cũng là vùng nông thôn “khỉ ho cò gáy”. Tôi còn nhớ vào năm 1998, khi theo chân cán bộ của Phòng Nông nghiệp quận 9 xuống vùng Bưng Ông Thoàng (nay thuộc 2 phường Tăng Nhơn Phú B và Phú Hữu) để tìm hiểu về mô hình trồng cây ăn trái, chúng tôi phải lội nước ngang các con rạch vì đường Bưng Ông Thoàng chưa được nhựa hóa và thông suốt như bây giờ.
Anh Cường, người cán bộ dẫn tôi đi, gia đình có nhiều hécta đất ở vùng bưng này cũng sửa soạn cải tạo đất để trồng cây trái. Anh nói: “Mai mốt về hưu mình sẽ về đây ở rồi trồng cây, nuôi cá sống cuộc đời thanh đạm lúc tuổi già”. Thuở đó, cả tôi và anh đều không thể nghĩ rằng, vùng đất này sẽ thay da đổi thịt như ngày hôm nay.
Từ cầu Tăng Long, khu vực trước đây được xem là vùng rốn của căn cứ Bưng sáu xã dõi mắt theo con rạch Trau Trảu vẫn là dòng nước hiền hòa với hai bên là hàng dừa nước, cây dại mọc um tùm gợi nhớ một thời xa xưa. Nhưng phía xa xa là hàng loạt khu nhà cao tầng được mọc lên trên khu đất bưng biền của vùng Bưng sáu xã. Nơi đó có hàng loạt khu nhà ở từ bình dân đến cao cấp tạo thành một khu đô thị đẳng cấp không chỉ của TP Thủ Đức mà cả TP Hồ Chí Minh.
Còn hai bên con rạch là sự hiện diện của các nhà máy, xí nghiệp thuộc Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Các tuyến đường bây giờ đều được trải nhựa, thẳng tắp với nhiều làn xe. Đường Mai Chí Công, tuyến đường chính của Khu Công nghệ cao từ Xa lộ Hà Nội hướng về cảng Cát Lái luôn tấp nập xe cộ bật lên sức sống mãnh liệt của một vùng công nghiệp, đô thị sầm uất.
Khu công nghệ cao hiện có hơn 160 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương khoảng 12 tỷ USD. Đây là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Jabil, Rockwell Automation (Mỹ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch)… Trong quy hoạch phát triển, dự kiến năm 2030, dân số toàn TP Thủ Đức sẽ đạt khoảng 1,5 triệu người, năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người và trở thành nền kinh tế thứ 3 cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Vùng Bưng sáu xã thay da đổi thịt, phát triển nông nghiệp gần như không còn, người dân giờ là những công dân đô thị. Họ là những ông chủ của các doanh nghiệp, của các cơ sở kinh doanh, những kỹ sư, công nhân trong khu công nghệ và cuộc sống ngày một được nâng cao.