Đặc công - Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam

Đặc công nước và những trận thủy chiến độc đáo (bài cuối)

Chủ Nhật, 15/12/2024, 08:19

Nói đến đặc công nước là nhắc đến một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ đã đi vào huyền thoại với lối đánh thủy chiến truyền thống và độc đáo. Để trở thành những chiến sĩ đặc công nước “đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”, CBCS Lữ đoàn Đặc công nước 5 luôn phải đối mặt với hiểm nguy.

Với chất giọng hào sảng, Trung tá Trần Văn Ánh, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công người nhái 3, Lữ đoàn Đặc công nước 5 giúp tôi cảm nhận một cách sâu sắc hơn những thành tích, chiến tích oai hùng của đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang. Đó là trang sử vàng mà phía sau mỗi thành tích, chiến công là máu và mồ hôi của biết bao thế hệ.

Đặc công nước và những trận thủy chiến độc đáo (bài cuối) -0
Tổ đặc công huấn luyện vượt kè chắn sóng tiếp cận đảo tại Trường Sa.

Lữ đoàn Đặc công nước 5 trực thuộc Binh chủng Đặc công, đơn vị đóng quân trải dài trên trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, xã Tri Hải - huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận và Đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Là lữ đoàn cơ động của Bộ, tác chiến trên hướng biển, đảo, làm nhiệm vụ chống khủng bố; phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác khi được cấp trên giao.

Đặc biệt, đối với nhiệm vụ tác chiến biển, đảo hiện nay thì lữ đoàn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Đặc công nước 5 giao cho đảm nhiệm nghiên cứu, huấn luyện, tác chiến từ cửa vịnh Bắc Bộ; khu vực biển miền Trung; khu vực Trường Sa - DK1 và biển, đảo Tây Nam. Đối với nhiệm vụ tác chiến biển, đảo, lữ đoàn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Đặc công giao đảm nhiệm nghiên cứu, huấn luyện, tác chiến cửa vịnh Bắc Bộ; biển miền Trung, khu vực Tường Sa - DK1 và biển, đảo Tây Nam trong thời gian dài ngày trên biển; tổ chức huấn luyện bơi cự ly 20-25km; thả trôi 24 giờ trên biển, lặn sâu 50-60m.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ đặc công nước luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm bởi các yếu tố bên ngoài tác động như luồng lạch, thủy triều, sinh vật biển. Bởi vậy, huấn luyện sao cho sát thực tế chiến đấu đã từng xảy ra là yêu cầu hết sức khắt khe; đã có chiến sĩ hy sinh trong quá trình huấn luyện. Để hoàn thành nhiệm vụ, người chiến sĩ đặc công nước được rèn luyện một tinh thần thép, ý chí kiên định, mưu trí, linh hoạt sáng tạo, lòng đặc biệt dũng cảm trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình hiện nay.

Để trở thành đặc công nước, ngoài yêu cầu thể lực - sức khỏe hơn người, những chiến sĩ còn phải có thần kinh tiền đình cực tốt; phải tuyển chọn khắt khe như vào phi công, bộ đội tàu ngầm. Những chiến sĩ đặc công phải bơi được từ 20 - 25km trên biển và lặn trong 3 phút; phải biết sử dụng thuần thục những vũ khí hạng nặng để tấn công khi nước ngoài xâm phạm lãnh hải. Trong tình huống khó khăn nhất có thể ngụy trang chỉ trong 1-2 phút; 98% quân số các đơn vị được tuyển chọn từ các tỉnh ven biển theo các yêu cầu đặc biệt, cao hơn hẳn các quân binh chủng khác.

Đặc công nước đã đặc biệt, lực lượng đặc công người nhái còn đặc biệt hơn, bởi ngoài các nội dung huấn luyện, rèn luyện như đặc công nước, họ còn phải huấn luyện những bài tập riêng, lặn sâu 50 - 60m. Tính nguy hiểm của đặc công biển rất cao, nhất là phải đối mặt với các loại sinh vật biển nguy hiểm. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc công người nhái phải đặc biệt dũng cảm; kỹ, chiến thuật điêu luyện; thể lực đặc biệt dẻo dai và mưu trí, thông minh, linh hoạt. Với đặc thù nhiệm vụ đó đòi hỏi việc khám tuyển đặc công người nhái phải được thực hiện rất khắt khe.

Đặc công nước và những trận thủy chiến độc đáo (bài cuối) -0
Tổ đặc công người nhái chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ.

“Để trở thành chiến sĩ đặc công người nhái thực thụ, công tác đào tạo phải mất 2 năm. Kỹ năng của những người nhái đặc công cần phải có: Bơi không tiếng động liên tục tối thiểu 10km, lặn xa tối đa 1.000m, chịu sóng cực tốt để có thể lặn sâu. Khắc nghiệt nhất của khóa huấn luyện là "ép nhái"- đồng chí Ánh cho biết. Chiến sĩ được đưa vào một buồng tăng, giảm áp, điều chỉnh áp suất bằng với áp suất nước biển ở độ sâu tương ứng.

Quy trình này được tuân thủ nghiêm ngặt để rèn luyện sức chịu đựng của bộ đội khi lặn ở từng độ sâu khác nhau. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất để có thể lựa chọn được những người nhái đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong buồng tăng, giảm áp, sức ép sẽ làm cho lồng ngực có cảm giác như sắp vỡ tung ra, gây khó thở, khó chịu vô cùng. Nhưng đã là người nhái thì nhất thiết phải trải qua công đoạn này mới có thể lặn được ở độ sâu hàng chục mét, nếu không sẽ hy sinh bất cứ lúc nào khi thực hiện nhiệm vụ trên biển.

Một trong những chiến công đặc biệt nhất của lực lượng Đặc công ngươi nhái Lữ đoàn Đặc công nước 5 là tham gia tìm kiếm cứu hộ 2 máy bay rơi tại Bình Thuận năm 2015. Thời điểm đó, theo đề nghị của Quân chủng Phòng không - Không quân và được lệnh của Bộ Tư lệnh Đặc công, từ 17/4 đến 1/5/2015, lữ đoàn tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong vụ máy bay Su 22M4 của Trung đoàn Đặc Không quân 937 thuộc Sư đoàn Không quân 370 rơi tại đảo Phú Quý (Bình Thuận).

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảng ủy và chỉ huy lữ đoàn chỉ đạo tiến hành làm tốt công tác chuẩn bị từ con người đến cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, phương tiện tàu xuồng, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu để phục vụ cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; xây dựng kế hoạch cơ động lực lượng, kế hoạch tìm kiếm cứu nạn, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Hải Quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Biên phòng trên vùng biển đảo Phú Quý trong quá trình cơ động thực hiện nhiệm vụ. Lữ đoàn Đặc công nước 5 đã cử 57 đồng chí; được trang bị phương tiện 1 tàu, 3 xuồng (có máy đẩy), 5 bộ máy lặn hở ABM5, 10 bộ máy lặn Secman, 14 bộ máy lặn hở Spiro, 4 bộ máy lặn Shadow, 2 máy nén khí, 1 máy nén khí hạ áp… do Thượng tá Hoàng Hồng Song - Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy trực tiếp.

 Lực lượng cứu nạn của Lữ đoàn Đặc công nước 5 đã cơ động đến đảo Phú Quý đúng thời gian quy định, nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ dưới sự điều hành tập trung thống nhất của sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn của Bộ. Trong quá trình tìm kiếm, đã tiến hành 74 ca lặn tìm kiếm, mỗi ca 6 đồng chí đặc công người nhái bằng 444 lượt lặn; thời gian lặn mỗi ca là 1 giờ, trong điều kiện sóng to, gió lớn, dòng chảy mạnh và độ sâu lớn. Lực lượng cứu nạn của lữ đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối đã tìm và vớt được 1 phi công lái máy bay số hiệu 5857, 11 mảnh vỡ thân và cánh máy bay,… Kết thúc đợt tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn Lữ đoàn Đặc công nước 5 được Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được khen thưởng.

Chia sẻ kỷ niệm đặc biệt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo đơn vị đã kể lại cho chúng tôi câu chuyện xảy ra vào ngày 29 Tết. Khi mâm cơm vừa dọn ra, thì họ nhận được cuộc gọi đột xuất từ chỉ huy tiểu đoàn về việc cứu hộ cứu nạn một cháu bé bị rơi xuống biển. “Nhận được tin báo, chúng tôi nhanh chóng xuống khu vực kho kỹ thuật của lữ đoàn, chuẩn bị các loại máy lặn, xuồng bảo hiểm và các vật chất trang thiết bị cho cuộc lặn và đưa lên xe. Hành trình từ đơn vị xuống tới khu vực biển Mũi Dinh, thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận kéo dài hơn 1 tiếng với quảng đường gần 70km. Trên chặng đường cơ động, chúng tôi tìm hiểu được nguyên nhân đứa bé bị thất lạc, đặc điểm nhận dạng, khu vực bị rơi, và sóng, gió dòng chảy khu vực Mũi Dinh thời điểm cuối năm, từ đó hình thành nên phương án tìm kiếm”- một cán bộ lữ đoàn cho biết. Tới nơi, sau khi nắm lại tình hình của khu vực và làm các thủ tục cần thiết, họ bắt đầu tìm kiếm.

Dòng nước lạnh thấu xương chảy xiết, cùng với áp lực của sóng gần bờ đánh vào mỏm đá “ tử thần” - nơi cháu bé bị rơi khiến chiến sĩ đặc công người nhái khó khăn trong việc cơ động xuồng bảo hiểm ra vị trí lặn. Với kinh nghiệm nhiều năm, đồng chí lái xuồng sau hơn 15 phút cũng đưa họ an toàn ra đúng trung tâm của khu vực tìm kiếm; cùng thời điểm này 2 tổ lặn, mỗi tổ 3 đồng chí bắt đầu liên kết dây để tiến hành tìm kiếm. Chiến sĩ đặc công người nhái đã tìm kiếm tập trung khu vực xung quanh mỏm đá; tiếp đó căn cứ vào tốc độ dòng chảy và hướng để xác định vị trí tiếp theo tìm kiếm. Sau gần 1 tiếng tìm kiếm, may mắn cho gia đình nạn nhân, họ đã tìm thấy cháu bé và tiến hành mang về xuồng để đưa vào bờ. Tuy nhiên, khi còn cách xuồng gần 10m, một đợt sóng mới nổi lên, dòng thay đổi khiến thi thể cháu bé rơi khỏi tay cán bộ đơn vị rồi rơi xuống nước và sau 5 giây thì mất dạng.

Tình huống khá xấu, là những người có kinh nghiệm, họ nhanh chóng giữ nguyên vị trí, xác định lại dòng chảy, tốc độ và tiến hành bơi đón đầu dòng chảy cách 10m. May mắn thay, cuộc tìm kiếm thứ 2 đã hoàn thành, chiến sĩ đặc công người nhái đưa thi thể lên bờ, bàn giao, và chia buồn cùng gia đình nạn nhân…

Lực lượng huấn luyện SSCĐ và chiến đấu hiện nay của Lữ đoàn Đặc công nước 5, bao gồm 3 lực lượng: Đặc công nước, đặc công người nhái và đặc công chống khủng bố. Trải qua 57 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn Đặc công Nước 5 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó tiêu biểu là Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, ngày 22/12/2004, Lữ đoàn Đặc công Nước 5 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Xuân Mai 
.
.