Đặc công - Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam

Chuyện ở đơn vị 3 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (bài 1)

Thứ Sáu, 13/12/2024, 08:25

Được thành lập từ năm 1972, Lữ đoàn Đặc công bộ 113, Binh chủng Đặc công đã tham gia chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ biên giới Tổ quốc cũng như làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn. Lữ đoàn Đặc công bộ 113 đã vinh dự 3 lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Truyền thống hào hùng của một lữ đoàn

"Chiến thắng nào cũng ghi dấu các anh/ngày vinh danh tìm các anh nơi vạt đồi, mỏm đá biên cương/nơi máu đào các anh đã đổ cho đất mẹ hiền mãi mãi bình yên/ Độc đảm kiên cường, luồn sâu đi trước/ hoá thân mình vào đá, hoá thân mình vào cây…", lời bài hát vang lên, âm hưởng sôi động trong từng khúc nhạc, khiến tôi lặng đi vì xúc động.

Câu chuyện giữa tôi và Thượng tá Đỗ Mạnh Hoài, Phó Chính ủy Lữ đoàn Đặc công bộ 113, mở đầu một cách tự nhiên như vậy. Qua những ca từ giản dị trong sáng tác của người phó chính uỷ, tôi phần nào hiểu được truyền thống hào hùng của Lữ đoàn Đặc công bộ 113, một trong những đơn vị lá cờ đầu của Binh chủng Đặc công, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu theo các phương án A, A2, A3, A4, chống khủng bố…, cũng như nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

"Lữ đoàn còn có sự khác biệt với các đơn vị trong toàn quân, xuất phát từ nghệ thuật tác chiến đặc công, làm những nhiệm vụ đặc biệt, lực lượng tinh, gọn, mạnh, với lối đánh du kích phát triển ở trình độ cao…", Thượng tá Đỗ Mạnh Hoài tiếp lời.

Kể về truyền thống hào hùng của đơn vị, tôi thấy đôi mắt của Thượng tá Đỗ Mạnh Hoài ánh lên niềm tự hào, xen lẫn xúc động: Lữ đoàn Đặc công bộ 113 ra đời từ chiến khu D, trong kháng chiến chống Mỹ, tại Đồng Nai. Đơn vị đã tham gia 407 trận đánh, trong đó có nhiều trận đánh tiêu biểu như trận Cầu Gệnh, cầu Hóa An, căn cứ Hốc Bà Thức, Khu kho 53, tổng kho Long Bình…, tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc; cũng như làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Lào và tham gia chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng của Pôn Pốt - IêngXaRi… viết nên 24 chữ vàng truyền thống "Độc đảm kiên cường, luồn sâu đi trước, bám chắc nhân dân, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, chiến thắng vẻ vang". Trong kháng chiến cũng như trong thời bình, CBCS của đơn vị đều được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ đặc biệt.

Ở những nơi tưởng như con người không sống được thì đặc công ở đó. Bởi muốn tiếp cận được mục tiêu, đến những nơi kẻ thù không ngờ đến, họ phải chọn những nơi hiểm yếu nhất. Đó là lối đánh gần, tiếp cận, áp sát mục tiêu nên mỗi người lính đặc công phải có sức khoẻ bền bỉ, dẻo dai; chịu được gian khổ, sự khắc nghiệt của điều kiện thời tiết và địa hình. Đó còn là khả năng độc lập tác chiến; làm những nhiệm vụ đặc biệt và có khả năng thích nghi sinh tồn trong nhiều ngày, nhiều giờ theo yêu cầu, nhiệm vụ; với kỹ thuật cực kỳ điêu luyện, thực hiện lối đánh bí mật, bất ngờ; luồn sâu, áp sát trận địa và mục tiêu của địch bằng nghệ thuật ngụy trang độc đáo, hoá đá, hòa mình vào đất, vào cây, phù hợp với điều kiện địa hình.

Bởi thế, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, mỗi chiến sĩ đặc công đều phải trải qua quy trình huấn luyện từ thấp đến cao; tuân thủ theo đúng phương châm huấn luyện cơ bản, thiết thực, vững chắc, chuyên sâu, từ thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp, từ chưa biết đến biết. Ngoài huấn luyện trong chính khoá còn có hoạt động bổ trợ…

"Bộ đội đặc công huấn luyện đêm nhiều. Ngày đánh, đêm mới là thực chiến, đưa sát bộ đội vào thực chiến. Khi đã thuần thục thì phải tổ chức cho đi vào những nhiệm vụ cụ thể như diễn tập theo các tình huống trên các địa bàn; ở những nơi hiểm yếu nhất để gắn giữa lý luận và thực tiễn… Nếu đánh trong rừng phải đưa lên những ngọn đồi cao, hào sâu, vách núi hiểm trở, khắc nghiệt. Huấn luyện chống khủng bố phải đến các toà nhà cao tầng, tụt dây chiến thuật từ nóc xuống dưới. Khi mới vào, nhiều CBCS cũng lo lắng nhưng với tình yêu người lính và xu hướng nghề nghiệp lựa chọn nên chỉ một thời gian ngắn, họ đều nhanh chóng tiếp cận" - Thượng tá Đỗ Mạnh Hoài chia sẻ.

Bởi một động tác sơ suất có thể trả giá bằng máu và nước mắt. Một kỹ thuật không đúng khi tụt dây trên nhà cao tầng; hay vào hàng rào dây thép gai sáng, sắc như dao tem thì máu, thịt phải trả giá trên thao trường… Nhắc đến bộ đội đặc công thì không thể không nói đến nghệ thuật ngụy trang độc đáo, gắn liền với lối đánh "xuất quỷ, nhập thần". Tùy vào những địa hình cụ thể để lựa chọn phương thức ngụy trạng phù hợp với môi trường xung quanh.

bài-1-2.jpg -0
Cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công tập luyện trên thao trường, chuẩn bị cho Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Mình đồng, da sắt

"Nếu được lựa chọn một lần nữa, tôi vẫn muốn làm lính đặc công. Tự hào lắm lối đánh, nghệ thuật tác chiến của đặc công…", Thượng tá Đỗ Mạnh Hoài chia sẻ. Nói về công việc của mình, anh cho biết: Môi trường đặc công rất đặc thù. Bởi lực lượng ít, tinh nhuệ nên hầu các thế hệ đều biết nhau. Bởi thế, ngày mỗi ngày, mỗi người lính đặc công không chỉ vun đắp truyền thống của đơn vị anh hùng mà còn truyền ngọn lửa nhiệt huyết và niềm say nghề đến với lớp lớp chiến sĩ đặc công trẻ…

Trung sĩ Nguyễn Quang Minh, chàng trai quê Nam Định thì ấn tượng nhất là bài học về kỹ thuật ngụy trang. Minh cho biết: Tôi đam mê võ thuật, vì thế khi đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đã đăng ký và được trở thành người chiến sĩ đặc công,... Với Trung sĩ Minh, khó nhất có lẽ là việc nguỵ trang; người lính đặc công phải đảm bảo hòa mình vào môi trường xung quanh, lặng lẽ tiếp cận áp sát mục tiêu. Yêu cầu đặt ra không chỉ đúng động tác kỹ thuật mà còn đòi hỏi phải thuần thục và điêu luyện, bảo đảm bí mật.

Một tháng 30 ngày, chẳng kể mưa hay nắng, một ngày của Trung uý Liễu Xuân Huy bắt đầu bằng bài tập chạy bộ từ 7-10 km. Từ một chàng thư sinh nhập ngũ vào đầu năm 2023, Huy trở nên rắn rỏi, mạnh mẽ. "Trước khi vào môi trường Quân đội, cũng như nhiều người khác, tôi còn ham vui, ham chơi. Vì thế, khi nhập ngũ tại Lữ đoàn Đặc công bộ 113, ban đầu tôi cũng lo không chịu được cường độ tập luyện của đơn vị. Nhưng qua 3 tháng tân binh, tôi đã nhanh chóng thích nghi với môi trường Quân đội. Sau khi được học tập tại Trường Sĩ quan Đặc công, tôi đã được làm quen với nhiều kỹ, chiến thuật và phương pháp huấn luyện của chiến sĩ đặc công", Trung uý Liễu Xuân Huy cho biết.

Ngoài kỷ luật, điều Huy ấn tượng và muốn gắn bó lâu dài, trở thành người chiến đấu viên đặc công đó là tình cảm của những chiến sĩ nơi đây. Huy chia sẻ: Lần đó, Huy cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chạy chiến thuật trên đồi. Để đảm bảo việc huấn luyện sát với thực tế, địa điểm được lựa chọn huấn luyện là điểm cao 118 (dãy núi Thằn Lằn) tại Vĩnh Phúc, khu vực rừng núi có địa hình hiểm trở, nhiều hố sâu. Trước khi vào thực địa, Trung úy Liễu Xuân Huy và đồng đội đã phải trải qua những kỳ tập luyện kỹ càng, với bài tập về vận động, chạy khom, lăn, bò trườn. Song lần này, trong quá trình tập, đồng chí đã không may bị vấp, ngã lăn từ lưng sườn đồi xuống dưới chân…

Trong thời gian điều trị, Huy đã nhận được sự quan tâm của chỉ huy và đồng đội. Những việc làm bình dị đó lại khắc sâu trong tâm trí của anh. Trong dịp này, Huy được vinh dự lựa chọn tham gia tập luyện để chuẩn bị cho Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024. Khối đồng diễn có khoảng 1.000 người cần một sự tập trung cao ở từng động tác, áp lực thời gian và bài tập khá là nhiều. Nhưng với niềm vinh dự, tự hào được lựa chọn huấn luyện, anh đã cùng đồng đội vượt qua được khó khăn, tự tin để luyện tập.

Trên thao trường, các cán bộ, chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công bộ 113 phải rèn luyện trong thời gian dài và công phu để đạt được trình độ kỹ, chiến thuật thuần thục; đồng thời có ý chí, bản lĩnh, tâm lý vững vàng, có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, đủ sức hoạt động với cường độ cao, ở nhiều địa hình hiểm trở, phức tạp. Những động tác như gồng mình đỡ gạch đập, vận công đẩy cong ngọn thương nhọn cắm thẳng vào yết hầu, dùng tay chặt vỡ nhiều lớp ngói có lửa cháy...; những màn biểu diễn nguy hiểm đòi hỏi các chiến đấu viên phải trải qua quá trình huấn luyện gian khổ, khắc nghiệt.

Mặc dù có nhiều khó khăn, gian khổ, trở ngại… nhưng thực hiện lời huấn thị của Bác "Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt/ Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kì được…" những chiến sĩ đặc công vẫn tích cực rèn luyện, nâng cao thể lực, trình độ kỹ, chiến thuật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Xuân Mai
.
.