Bài toán nan giải về đất rừng Tây Nguyên

Kì 1: Nóng bỏng việc tranh chấp đất rừng

Thứ Ba, 01/11/2016, 08:30
Từ nhiều năm qua, việc người dân âm thầm lấn chiếm đất rừng ở Tây Nguyên diễn ra khá phức tạp. Đây là hệ quả của quá trình quản lý lỏng lẻo về dân di cư tự do, sự thiếu trách nhiệm của các chủ rừng, doanh nghiệp (DN) được giao đất, rừng...

Pháp luật quy định rõ: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý, còn rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên thuộc vốn quý của quốc gia, cần được bảo vệ và khai thác sao cho thật hiệu quả về mọi mặt. Thế nhưng, trong quá trình quản lý và sử dụng đất rừng Tây Nguyên lâu nay đã nảy sinh những bất cập, bộc lộ nhiều yếu kém.

Từ nhiều năm qua, việc người dân âm thầm lấn chiếm đất rừng ở Tây Nguyên diễn ra khá phức tạp. Đây là hệ quả của quá trình quản lý lỏng lẻo về dân di cư tự do, sự thiếu trách nhiệm của các chủ rừng, doanh nghiệp (DN) được giao đất, rừng...

Huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai được xem là vùng đất phát triển hồ tiêu số 1 ở Tây Nguyên. Những năm trước, đất rừng nơi đây còn khá nhiều, nhưng sau khi thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang phát triển cây công nghiệp, rừng đã bị… cạo trọc. Không chỉ vậy, nhiều vùng đất lại trở thành tranh chấp giữa người dân xâm chiếm với DN được giao dự án. 

Tại các tiểu khu 1130, 1134, 1144...  ở xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn, sau khi được giao cho Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai thực hiện chuyển rừng nghèo sang trồng cao su thì phát hiện hàng trăm hộ dân lấn chiếm canh tác với diện tích gần 160ha.
Hiện trường và tang vật thu giữ sau vụ ẩu đả, xô xát giữa người dân với bảo vệ Công ty TNHH Thương mại Long Sơn làm 3 người thiệt mạng.

Chúng tôi gặp cụ Rơ Ma Cuch trong lúc cụ đang dọn rẫy ở tiểu khu 1137, xã Ia Blứ. Cụ Rơ Ma Cuch cho biết, đất này gia đình cụ đã khai phá từ lâu rồi. Nhà Rơ Ma Cuch ở xã Ia Le nhưng thường ngày đi xe công nông hàng chục cây số vào đây làm rẫy. 

Anh Hồ Hữu Ngọc, cán bộ địa chính nông nghiệp xã Ia Blứ cho biết, khu rẫy này thuộc đất lâm nghiệp của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn quản lý, nhưng người dân phát rẫy sản xuất nhiều năm, đó là tập tục của người dân địa phương nên rất khó xử lý. Ban đầu có DN vào đây xin dự án trồng cây công nghiệp nhưng chưa thỏa thuận được với dân nên bỏ luôn...

Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh (Gia Lai) cho biết, trên địa bàn huyện có 11 dự án chuyển đổi từ rừng nghèo sang trồng cao su và trồng rừng kết hợp chăn nuôi, sản xuất... với tổng diện tích hơn 7.000ha, đã được UBND tỉnh Gia Lai giao cho các DN thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, một số DN kém năng lực, chậm triển khai để dân lấn chiếm, có hàng trăm ha đất dự án dính tranh chấp với rẫy của dân khai phá trước đây nên không thể thực hiện được dự án...

Ở tỉnh Đắk Nông, Tuy Đức được xem là một trong những điểm “nóng” để xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, mâu thuẫn gay gắt giữa người dân với các DN, công ty lâm nghiệp kéo dài trong nhiều năm qua. 

Chỉ tính riêng từ 2008 đến nay, trên địa bàn huyện này đã xảy ra hàng chục vụ xung đột, xô xát giữa người dân với các đơn vị quản lý bảo vệ rừng, trong đó có nhiều vụ đẩy lên đỉnh điểm dẫn đến đánh nhau gây thương tích, thậm chí có cả chết người. 

Mới đây nhất là vụ người dân nổ súng tự chế làm 3 người chết và 16 người bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức xảy ra ngày 23-10-2016, khi Công ty TNHH Thương mại Long Sơn tổ chức san ủi mặt bằng đất dự án được giao... (Báo CAND đã thông tin).

Theo ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, tình trạng tranh chấp đất rừng ở địa phương, đặc biệt là khu vực huyện Tuy Đức đã kéo dài từ nhiều năm nay. Dự báo tình hình phức tạp, tỉnh đã và đang có một kế hoạch nhằm ổn định lại khu vực này. 

Trong đó, tất cả các vấn đề liên quan như tình hình dân cư, đất đai bị xâm lấn, diện tích rừng bị phá, tình hình hoạt động của các DN... sẽ được rà soát xem xét một cách kỹ lưỡng. 

Riêng tại địa bàn huyện Tuy Đức, UBND tỉnh sẽ tiến hành rà soát lại dân cư, đất đai, với tinh thần định cư, định canh tại chỗ, tỉnh đang xúc tiến đề nghị thành lập xã mới, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng để an cư cho người dân.

Theo báo cáo của ngành chức năng, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên hiện đang bị lấn chiếm trái phép lên tới 282.896ha, chiếm 8,43%, trong đó diện tích đất lâm nghiệp đã giao quyền sử dụng đất là 197.365ha, chiếm 70% và diện tích chưa giao quyền sử dụng đất là 85.261ha, chiếm 30%. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tập trung chủ yếu tại các ban quản lý rừng phòng hộ: 56.456ha; các DN Nhà nước: 51.750ha; rừng do UBND cấp xã quản lý: 164.90ha...
Ngọc Như - Văn Thành
.
.