80 năm cuộc vượt ngục Hỏa Lò

Thứ Năm, 01/05/2025, 15:19

80 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc vượt ngục lịch sử diễn ra tại nhà tù Hỏa Lò (tháng 3/1945-3/2025). Chốn ngục tù tăm tối xưa kia nay đã trở thành Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò giữa trung tâm Thủ đô, hằng ngày đón nhiều lượt khách tham quan.

Cho đến nay, trong Di tích vẫn còn trưng bày cửa cống ngầm trước sân trại J - là nơi đồng chí Trần Tử Bình đã tham gia tổ chức cuộc vượt ngục, như một sự nhắc nhớ về tinh thần đoàn kết, đấu tranh bền bỉ của những chiến sĩ cộng sản kiên trung. Trần Tử Bình là một trong số 11 vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được tấn phong năm 1948.

Bước ngoặt

Đồng chí Trần Tử Bình, tên thật là Phạm Văn Phu, sinh ra và lớn lên ở xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, Hà Nam. Từ năm 1930, ông tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi quyền sống của 5 nghìn công nhân đồn điền cao su Phú Riềng ở Bình Phước, làm nên “Phú Riềng đỏ” lịch sử. Sau đó ông bị bắt, bị kết án 10 năm tù và đày ra Côn Đảo. Năm 1936, do ảnh hưởng của Mặt trận Bình Dân, ông được chính quyền thực dân trả về đất liền và quản thúc tại quê nhà Hà Nam. Ông tiếp tục hoạt động bí mật, được chỉ định vào Xứ ủy Bắc Kỳ.

con-trai-tuong-tran-tu-binh-ke-chuyen-ve-xet-xu-vu-an-tham-an-nhung-dau-tien-cua-nuoc-viet-nam-moi-13-.1227.jpg -0
Đồng chí Trần Tử Bình.
 

Ngày 24/12/1943, ông lại bị bắt, sau đó vượt ngục ở Hà Nam nhưng bất thành. Tháng 4/1944, ông bị chuyển về Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Dù khắp mình mẩy thâm tím, đau đớn, đầu váng vất, mắt hoa lên nhưng tinh thần đồng chí Bình lại vô cùng tỉnh táo, bình thản. Ông nhận ra những gương mặt thân quen của các đồng chí đã từng hoạt động với ông, trong đó có đồng chí Trần Đăng Ninh cũng bị giam ở đây.  

Tại Hỏa Lò, đồng chí Bình được các bạn tù thay nhau chăm sóc, nhường thức ăn để bồi dưỡng sức khỏe. Nhờ có thuốc men anh em dành dụm, cất giấu được mà sức khỏe của ông dần khá hơn. Ông được bầu làm Trưởng ban sinh hoạt – một tổ chức công khai do các đồng chí trong đảng bí mật chỉ đạo để giao dịch, đấu tranh công khai với địch trong nhà tù.

Đồng chí Bình đã tranh thủ mọi tình huống để truyền đạt lại những hiểu biết mới mẻ của mình cho các bạn tù. Vấn đề vượt ngục vốn nung nấu từ lâu nay lại càng trở nên cấp bách. Một tối đầu tháng 3/1945, đèn điện trong nhà giam bỗng phụt tắt, tiếng súng nổ ran, tiếng chân người huỳnh huỵch phía ngoài. Tên giám ngục hốt hoảng: “Nhật… Nhật nó đánh”. Anh em tù xôn xao: “Nhật, Pháp đánh nhau rồi !”. Bước ngoặt tình hình đây rồi, dự liệu về một ngày Nhật hất cẳng Pháp để độc chiếm Đông Dương của Thường vụ Trung ương cũng đã xảy đến.

4dc.jpg -0
Các đồng chí tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 (từ trái qua): Trần Tử Bình, Nguyễn Khang, Trần Quang Huy, Lê Liêm.

Nhật đảo chính Pháp, chiếm quyền quản lý Nhà tù Hỏa Lò nhưng còn chệch choạc, lỏng lẻo. Các chế độ thường lệ như đi tuần, giám thị gọi tên, điểm số tù đều không thấy có. Tình trạng hỗn loạn do “thay thầy đổi chủ” là điều kiện vô cùng thuận lợi, phải khẩn trương tìm đường trốn. Để lâu, bọn Nhật vững chân, tổ chức chặt chẽ thì sẽ không còn cơ hội. Anh em tù vắt óc suy tính, căng tai nghe ngóng, căng mắt tìm lối thoát. Một số tìm cách trà trộn sang khu giam tù thường phạm, có người trèo tường thoát. Một số đồng chí nữ trốn được bằng cách thay đổi quần áo rồi đi lẫn vào đám những người bà con tới thăm thân… Tối ngày 11/3, sau khi anh em sắp xếp cho đồng chí Trần Đăng Ninh trèo tường vượt ngục thành công, đồng chí Bình mừng lắm, yên tâm lo cho các đồng chí còn lại…

“Sống thì nhớ, chết thì giỗ cái giờ phút này”

Trong hồi ký “Từ Phú Riềng đỏ đến mùa thu Hà Nội”, Thiếu tướng Trần Tử Bình kể chi tiết về cuộc vượt ngục đầy ngoạn mục ở thời điểm “có một không hai” ấy: “Trời sáng nhanh quá, mải suy nghĩ, lại thức trắng đêm nữa rồi! Tôi vùng dậy, trong đầu vẫn căng thẳng với những tính toán vượt ngục… Tôi liên hệ, hỏi han các đồng chí khác, dòm ngó, ngắm nghía mọi nơi… Bỗng tôi chú ý đến tấm xi măng hình vuông trong sân nhà giam có vòng sắt ở giữa”. Một luồng ý nghĩ loé lên, đó có thể là chiếc nắp đậy cửa cống ngầm, mà đường cống ngầm sẽ ở đâu đó trong khuôn viên nhà giam. Đó có thể là lối ra hay nhất lúc đó, dù không dễ dàng gì.

vuot nguc hoa lo 1.jpg -0
Nhà tù Hỏa Lò – nơi diễn ra cuộc vượt ngục lịch sử tháng 3/1945.

Ông lập tức trao đổi với ba đồng chí Cử, Vân, Hoà và cử họ thăm dò đường cống. Buổi trưa hôm đó, ba đồng chí lẻn vào sân trại J, dùng nẹp cùm bẩy nắp cống lên. Đồng chí Vân canh gác cho 2 đồng chí Hoà và Cử nhỏ người chui xuống. Một lúc sau, khi nghe các đồng chí báo cáo: “Đi được rồi”, Trần Tử Bình khẩn trương trù tính kế hoạch cụ thể. Ông nhẩm tính danh sách các đồng chí đi đợt đầu, trong đó có các đồng chí án nặng. “Có lối đi rồi, chuẩn bị thôi”, “Lối cống”, “Lên đèn thì đi”, kế hoạch chuẩn bị vượt ngục của đồng chí Bình được bí mật truyền tới cho các anh em để chuẩn bị mọi mặt.

Khoảng 4h chiều, tất cả 29 đồng chí được báo đi đợt đầu đã tìm cách có mặt đủ tại trại J - nơi có tường cao 4 phía, kín đáo nên ít ai để ý. Trời đã tối, đèn điện bật lên. “Đến lúc rồi”, đồng chí Bình hạ lệnh mở cống, không quên dặn dò: “Sống thì nhớ, chết thì giỗ cái giờ phút này”. Tổ đầu tiên do đồng chí Bình trực tiếp chỉ huy có 4 đồng chí Hoà, Bình, Vân và Tuân. Cống hẹp, phải cúi rạp người mới chui vừa. Lòng cống tối om, hôi thối, đủ loại rác rưởi. Nhưng không ai còn để ý đến điều đó, ai cũng mải miết di chuyển, có đoạn phải bò.

Chừng 20 phút sau thì tới cửa cống. Đồng chí Hoà lấy hết sức nâng nắp cống lên và thoát ra, sau đó lần lượt các anh em lên khỏi cống. Đường phố vắng tanh, nhận ra đó là cửa cống phía sau nhà tù Hỏa Lò, gần vườn hoa Mê Linh, cả nhóm nhanh chóng nối gót đi tới vườn hoa và nhảy xuống hầm tránh máy bay ngay đó. Trong hầm có vũng nước đọng, họ vớt nước rửa qua quýt cho bớt mùi hôi thối rồi thay quần áo thường dân vào. Những nhóm tiếp theo cũng rải rác chui ra khỏi cống, nhanh chóng tìm đường đi ngay.

Từ ngày 11-16/3/1945, hơn 100 đồng chí đã thoát ra ngoài trót lọt qua đường cống ngầm này. Đó là cuộc vượt ngục lần thứ hai, cũng là cuộc vượt ngục cuối cùng của đồng chí Trần Tử Bình trong quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp. Sau đó ông đã tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945 ở Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Trần Việt Trung, con trai cựu tù chính trị Trần Tử Bình chia sẻ rằng hằng năm gia đình ông đều đến thăm Di tích Hỏa Lò để tưởng nhớ người cha và đồng chí đồng đội, nhớ về sự kiện rất đáng tự hào trong lịch sử đấu tranh kiên cường của tù chính trị Việt Nam trong nhà tù đế quốc.

Tám thập kỷ đã trôi qua, các nhân chứng của cuộc vượt ngục lịch sử tháng 3/1945 đã không còn nữa. Nhưng dấu ấn về tinh thần quả cảm, mưu trí, sáng tạo của những chiến sĩ tham gia cuộc vượt ngục năm xưa vẫn vang mãi, như một minh chứng trường tồn cho lòng yêu nước và khát vọng tự do của nhân dân Việt Nam. Theo chị Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, tại Di tích vẫn tổ chức các chương trình giao lưu, trưng bày chuyên đề và biểu diễn hoạt cảnh nhằm tái hiện lại phần nào cuộc vượt ngục lịch sử năm 1945, để các thế hệ hôm nay hiểu sâu sắc hơn giá trị của hòa bình, tự do ngày hôm nay.

Thái Hưng
.
.