Thi sĩ Bàng Bá Lân: Không đành múc trăng vàng đổ đi

Thứ Hai, 17/12/2018, 23:43
Đã 30 năm, kể từ ngày thi sĩ Bàng Bá Lân qua đời ở tuổi 76, hình ảnh của ông vẫn lãng đãng trong nhân gian và sự nghiệp của ông vẫn bàng bạc trên văn đàn.


Rời khỏi cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941”, thi sĩ Bàng Bá Lân sống chủ yếu bằng nghề dạy học và nghề chụp ảnh. Một tâm hồn quê kiểng không còn thong dong giữa những con đường làng quanh co, liệu có tạo ra một thi sĩ Bàng Bá Lân khác không? Số lượng thơ tương đối khiêm tốn mà thi sĩ Bàng Bá Lân để lại, ít nhiều giúp độc giả giải mã nỗi băn khoăn ấy!

Xưa nay, thơ viết ngàn trang mà nhạt nhẽo thì cũng hao giấy tốn mực. Thi sĩ đôi khi chỉ cần có một bài thơ, thậm chí thi sĩ đôi khi chỉ cần có một câu thơ có thể an ủi người khác lúc trống vắng hoặc lúc bâng quơ, cũng đã đáng được thiên hạ tri ân. Nếu xét trên phương diện đong đếm cụ thể, thi sĩ Bàng Bá Lân chỉ cần bài thơ Tiếng hát trong trăng để lưu danh lịch sử văn học. 

Bài thơ Tiếng hát trong trăng có tất thảy 6 câu, chia làm 3 cặp lục bát: “Trời cao, mây bạc, trăng tròn/ Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non/ Diều ai gọi gió véo von/ Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng/ Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?”.

Bài thơ Tiếng hát trong trăng được in lần đầu trong tập Tiếng thông reo xuất bản năm 1934. Bốn câu trước không có gì đặc biệt, một lối tả cảnh ngụ tình mà nhiều người cũng viết được. Tuy nhiên, hai câu sau đã cho tác phẩm một cái kết thật độc đáo, hành vi thật “tát nước” chuyển hóa vào bức tranh ảo “múc trăng vàng” để trở thành một câu hỏi thẩm mỹ ấn tượng. 

Sáng tạo của thi sĩ Bàng Bá Lân thâm nhập sâu rộng vào đời sống tinh thần người Việt mà biến tấu chút đỉnh trong cảm thức ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”.

Hai khái niệm “trăng vàng” và “ánh trăng vàng” không dị biệt nhau nhưng tình cảm của thi sĩ Bàng Bá Lân nằm ở chữ “lại” mà câu thơ bị ngộ nhận là ca dao để gạt ra ngoài. 

“Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” đơn thuần gợi lên một vẻ đẹp, còn “Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi” khi gắn vào văn bản Tiếng hát trong trăng với những “trời cao”, “mây bạc” và “đê than”, “tre buồn” thì còn có ý nhắc nhở vẻ đẹp có thể bị bỏ quên trong cuộc sống nhọc nhằn. 

Nói cách khác, theo nguyên tác, thi sĩ Bàng Bá Lân không đành múc trăng vàng đổ đi. Còn hai câu thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân được mặc định như ca dao, cũng có tiêu chí tồn tại riêng!

Thi sĩ Bàng Bá Lân (17-12-1912 - 20-10-1988) sinh ra và lớn lên ở Bắc Giang. Từng có nhiều năm học hành ở Hà Nội, sau ba lần thi hỏng tú tài, thi sĩ Bàng Bá Lân về lại miền quê có tên gọi Kép để sống chung với bố mẹ. Tập thơ đầu tay Tiếng thông reo ra đời trong giai đoạn này, khi thi sĩ Bàng Bá Lân ở độ tuổi 22. 

Trong quyển phê bình trứ danh Thi nhân Việt Nam 1932-1941, Hoài Thanh - Hoài Chân không đề cập trực tiếp đến chất lượng tập thơ Tiếng thông reo mà chỉ nhận định về tập thơ Tiếng sáo diều của Bàng Bá Lân lúc ấy chỉ nằm ở dạng bản thảo. Điều này cũng dễ thông cảm vì điều kiện xã hội thời bấy giờ không thể lưu truyền sách báo đầy đủ để một người đọc được tiếp cận trọn vẹn những tác phẩm của một người viết.

May mắn thay, tập thơ Tiếng thông reo của thi sĩ Bàng Bá Lân đã lọt vào mắt xanh của một đồng nghiệp là thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp. Trên báo LAnnam Nouveau số ra ngày 11-4-1935, thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp viết bài ca ngợi tập thơ Tiếng thông reo.

Chính thi sĩ Bàng Bá Lân trong cuốn sách Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại xuất bản năm 1962, đã kể tỉ mỉ: “Bỗng một hôm, một người em cô cữu đến chơi cho tôi hay là anh vừa được coi bài phê bình tập thơ Tiếng thông reo trên báo LAnnam Nouveaudo Nguyễn Nhược Pháp viết. Tôi vội cho người đi tìm số báo đó của ông điền chủ ở gần bên. Vì ông này là bạn thân của ông Nguyễn Văn Vĩnh (thân sinh Nguyễn Nhược Pháp) nên tất cả báo chí do ông Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản, chủ trương ông đều mua cả... Tôi chăm chú đọc bài phê bình dưới cái đề mục Le coin des remeurs. Đọc xong, tôi cảm động và thấy mến anh vô cùng. Cảm mến không phải vì anh đã quá khen tôi mà vì văn anh viết rất lưu loát, lời nhã nhặn và duyên dáng; hơn nữa anh tỏ ra hiểu tôi nhiều. Tôi liền viết một bức thơ cảm ơn và nhân tiện để làm quen, gởi về tòa soạn LAnnam Nouveau. Ít ngày sau thì nhận được thư trả lời đề ngày 20-4-1935...”. 

Và thật thú vị, ngay trong bức thư giao lưu của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã dung chứa thêm một... bài phê bình về thơ Bàng Bá Lân: “Tôi rất lấy làm mừng vì đã hiểu được tâm hồn anh. Cái vui nhất của người phê bình là hiểu thấu được tâm hồn tác giả cuốn sách. Như ý tôi, thì phải thật là thi sĩ mới biết yêu thú quê, cái thú vui mộc mạc. Ca hát tình yêu thì hỏi người trai trẻ nào mà không ca? Đã là văn thì phải cần có cái gì xuất sắc. Thơ anh hơi điểm chút buồn nhưng cái buồn êm ái, điềm đạm. Thơ cảnh lại có tình thì hoàn toàn vậy. Tôi dám quả quyết rồi sau này anh sẽ chiếm một địa vị độc nhất trong làng thơ: anh sẽ là thi sĩ của thôn quê. Chắc anh không quên thi sĩ Latinh trứ danh Virgile, một người yêu cảnh thôn quê một cách lạ lùng. Anh nên lấy mà làm gương...”.

Thế hệ Thi nhân Việt Nam 1932-1941 có nhiều người chuyên chú viết về làng quê mà mỗi người đều có phong cách. Thi sĩ Nguyễn Bính đồ sộ nhất nhưng cũng không thể phủ bóng lên thi sĩ đồng hương Nam Định - Đoàn Văn Cừ hoặc hai thi sĩ xứ Bắc Giang là Anh Thơ và Bàng Bá Lân. Ngược lại, dù thân thiết đến mức in chung tập thơ Xưa thì thi sĩ Bàng Bá Lân cũng khác thi sĩ Anh Thơ. 

Những ngày xa lánh phố xá để ngụp lặn trong không khí thôn dã, thi sĩ Bàng Bá Lân luôn mang nỗi ưu tư “Em ơi, vui thú phồn hoa mãi/ Có biết đồng quê đang nhớ mong” để viết những câu thơ da diết về mảnh đất ấp ôm mình. 

Những cơn mưa rũ buồn nơi vắng tiếng lao xao, thi sĩ Bàng Bá Lân không chỉ nhìn thấy cảnh Nhà dột thấm thía:Bốn bề gió lạnh vào thăm/ Ba gian mưa ướt biết nằm nơi nao/ Dế ngâm thơ ở khe nào/ Báo cho ta biết ta vào trú mưa” mà còn nhìn thấy Tình trong mưa nôn nao hoài niệm: “Buổi một nàng qua dưới mái hiên/ Đường mưa in một gót chân tiên/ Ta nhìn theo bước đi ren rén/ Bỗng cả lòng yêu náo nức liền.../ Từ ấy trên đường loang loáng mưa/ Tìm hoài đâu thấy gót chân xưa/ Đường mưa bao gót chân mưa bước/ Gợi mãi tình yêu buổi dại khờ!”.

Làng quê trong thơ Bàng Bá Lân không dừng ở trạng thái tĩnh lặng mà lúc nào cũng sinh động. Cổng làng sinh động nhờ vệt nắng mai nhen nhóm “Cổng làng rộng mở. Ồn ào/ Nông phu lững thững đi vào nắng mai”, còn Chiều quê sinh động nhờ một bè rau tìm chốn nương náu lúc chạng vạng “Mặt trời đỏ thẫm sau tre/ Tiếng trâu nghé ọ trên đê gọi đàn/ Buồn thiu trong mảnh ao làng/ Bè rau rút ngủ lá vàng héo hon”. 

Quan trọng hơn, làng quê của thi sĩ Bàng Bá Lân luôn sinh động nhờ người quê giăng mắc nhớ thương “Ta giống làng khuya, em giống trăng/ Làng buông diều sáo tới cung Hằng/ Làng kia còn có diều xe mối/ Ta gối tình yêu chẳng nói năng”.

Sau năm 1945, thi sĩ Bàng Bá Lan di cư vào Đồng Nai, rồi lên Sài Gòn lập nghiệp. Ngoài niềm vui dạy học và đam mê chụp ảnh, thi sĩ Bàng Bá Lân còn có thời gian làm chủ bút nguyệt san Bông Lúa. 

Một thi sĩ sở trường viết về làng quê như Bàng Bá Lân mà không còn được tắm gội trong hơi gió mặn mòi của làng quê thì chẳng khác gì trăng vàng đã đổ đi theo nhịp gầu tát nước bên đàng. 

Bên cạnh vài náo nức dành cho đất mới “Ở đây dừa mọc liền chen/ Đổ muôn bóng rợp đầu hiên cuối hè/ Chân thành một tấm tình quê/ Sớm chiều đon đả đi về đón đưa.../ Xa xôi nhớ mãi vườn dừa/ Thương về nàng ấy bây giờ thương ai” thì thơ Bàng Bá Lân chỉ còn nỗi khắc khoải cố hương, khi bâng khuâng “Bắc, Nam từ buổi chia lìa/ Xuân sang mỗi độ nhớ về xa xưa/ Đã tàn hơn một giấc mơ/ Ngược dòng kỷ niệm ấu thơ ngại ngùng” và khi cô quạnh “Ngày ngâu gió kép mưa đơn/ Mái tranh rỏ những lệ buồn vu vơ/ Đêm dài, nhịp tiếng võng đưa/ Lời ru ời ợi ngàn xưa vọng về.../ Nhớ nhung, sầu mắc lê thê/ Xa xôi, nghe dậy hồn quê não nùng!”.

Đời thơ rất khó đoán định, sau năm tháng tuổi trẻ dạt dào thì cảm xúc cũng vơi cạn dần. Thi sĩ Bàng Bá Lân cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, thơ Bàng Bá Lân khi rời làng quê dan díu ân tình, có một tác phẩm cần phải lưu ý là bài thơ Đói viết năm 1957. 

Tức là, vào năm Đinh Dậu, thi sĩ Bàng Bá Lân đã hồi tưởng nạn đói năm Ất Dậu thập kỷ trước, để ghi lại những xót xa giùm đồng bào: “Khắp đường xa những xác đói rên nằm/ Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp/ Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt/ Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma/ Những cánh tay gầy quờ quạng khua khoa/ Như muốn bắt những gì vô ảnh/ Dưới mớ tóc rối bù và kết bánh/ Một làn da đen sạm bọc xương đầu/ Răng nhe ra như những chiếc đầu lâu/ Má hóp lại, răng hằn sâu gớm ghiếc/ Già trẻ gái trai không còn phân biệt/ Họ giống nhau như là những thây ma”.

Bài thơ Đói dài hơn 100 câu, gần như khác hẳn lối viết quen thuộc của thi sĩ Bàng Bá Lân. 

Có thể tạm hiểu, thi sĩ Bàng Bá Lân không dụng công làm thơ khi viết Đói mà ông muốn san sẻ một bi kịch dương gian mà bản thân từng chứng kiến trong kiếp phận lênh đênh: “Ta nhớ mãi cái thời kỳ đen tối/ Quên làm sao tội lỗi kẻ xâm lăng/ Quên làm sao mối thù hận khôn cùng/ Quên sao được hai triệu người chết đói/ Năm Ất Dậu tháng ba, còn nhớ mãi/ Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương/ Những thây ma thất thểu đầy đường/ Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói/ Đói tự Bắc Giang đói về Hà Nội/ Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm...”.

Lê Thiếu Nhơn
.
.