Thi sĩ Phạm Thiên Thư: Thuở ấy tương tư anh theo Ngọ về…

Chủ Nhật, 23/09/2018, 11:20
Những câu hát "Em tan trường về, anh theo Ngọ về. Chân anh nặng nề, lòng anh nức nở. Mai vào lớp học, anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ…" đã quen thuộc với công chúng gần nửa thế kỷ qua. 


Thế nhưng, người đẹp tên Ngọ trong ca khúc là ai, vẫn còn gây tò mò cho không ít người hâm mộ. Phía sau những lời thầm thì ấy, tất nhiên là một mối tương tư không dễ giãi bày!

Nhà thơ Phạm Thiên Thư năm nay đã 78 tuổi, nhưng vẫn còn khoẻ mạnh và minh mẫn. Mỗi ngày, ông vẫn ngồi ở cái bàn góc khuất quán cà phê trò chuyện rôm rả cùng bạn bè và tri âm. 

Thật khó hình dung, một người có vóc dáng gồ ghề như Phạm Thiên Thư lại có thể viết ra những câu thơ mỏng manh và đắm đuối như "Ngày xưa Hoàng Thị". 

Chính nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng thú nhận đã từng đi tu hơn 10 năm rồi hoàn tục cưới vợ sinh con nên thơ của ông cộng hưởng chất thiền và duyên trần: "Tôi là cháu của nhà cách mạng Hào Lịch nổi tiếng Thái Bình. Bố tôi vừa làm thuốc Nam, vừa làm liên lạc cho ông Hào Lịch. Chúng tôi bị giặc Pháp khủng bố gắt gao, nên trôi dạt nhiều nơi. Tôi sinh ra ở Hải Phòng, nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hải Dương. Năm 1954, gia đình tôi di cư vào Sài Gòn".

Con đường đến với thi ca của Phạm Thiên Thư cũng rất tình cờ, bởi ông là người luôn có chí hướng lánh xa chen lấn thị phi. Năm 1968, chàng trai 28 tuổi Phạm Kim Long lấy bút danh Phạm Thiên Thư để in tập thơ đầu tay vỏn vẹn 500 bản. 

Sự thành công giai đoạn khởi nghiệp, được thi sĩ Phạm Thiên Thư nhìn nhận đơn giản: "Tiền nhuận bút tôi đem đi giúp anh em khó khăn và bệnh tật. Tôi cũng không ngờ nhiều người thích thơ tôi, nên thuộc với nhau". 

Nhà thơ Phạm Thiên Thư.

Suốt hành trình sáng tạo, thi sĩ Phạm Thiên Thư có nhiều bước chuyển dịch lạ lùng như viết "Đoạn trường vô thanh" để kể tiếp "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, soạn lại Bộ Kinh Hiền gồm 9 quyển, 46 chương thành 12.062 câu thơ lục bát lấy tên "Kinh Hiền Hội Hoa Đàm", hoặc viết "Từ điển cười - Tiếu liệu pháp" bằng 24 ngàn câu thơ tứ tuyệt. 

Những cú tung tẩy đó cũng giúp thi sĩ Phạm Thiên Thư được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam nhiều lần vinh danh. Tuy nhiên, tên tuổi ông phổ biến rộng rãi nhờ những bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc như "Đưa em tìm động hoa vàng", "Em lễ chùa này", "Gọi em là đoá hoa sầu"… và nổi tiếng nhất là "Ngày xưa Hoàng Thị".

Viết bằng thể thơ 4 chữ giàu nhịp điệu, bài "Ngày xưa Hoàng Thị" hơn 30 câu, chủ yếu kể lại chuyện tình lãng đãng tuổi học trò. Cái độc đáo của bài thơ là tách họ tên người con gái Hoàng Thị Ngọ thành hai phần, phần "Hoàng Thị" nằm ở tựa đề và phần "Ngọ" đưa vào nội dung. 

Trên mặt văn bản, "Ngày xưa Hoàng Thị" không có câu thơ xuất thần, nhưng khả năng cảm thụ thi ca và kỹ thuật sử dụng luyến láy của nhạc sĩ Phạm Duy đã làm nên một ca khúc rung động sâu xa. 

Ai từng nghe ca khúc "Ngày xưa Hoàng Thị" đều tìm thấy cảm xúc về thuở mơ mộng của mình, sự đắm đuối của trái tim mới lớn, sự trong trẻo của kỷ niệm yêu đương "Bao nhiêu là ngày/ Theo nhau đường dài/ Trưa trưa chiều chiều/ Thu đông chẳng nhiều/ Xuân qua rồi thì/ Chia tay phượng nở sang hè"

Những câu 6 chữ trong ca từ, dĩ nhiên là của nhạc sĩ Phạm Duy phóng bút thêm, dựa trên những câu 4 chữ của Phạm Thiên Thư.

Ca khúc "Ngày xưa Hoàng Thị" được công bố lần đầu tiên vào năm 1971, qua tiếng hát Thái Thanh. Sức lan toả "Ngày xưa Hoàng Thị" trong đời sống âm nhạc, khiến không ít người quan tâm đến thân phận thực sự của Hoàng Thị Ngọ và cũng không ít người tự nhận mình là… Hoàng Thị Ngọ. 

Theo bộc bạch của nhà thơ Phạm Thiên Thư thì bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị" được viết vào năm 1966, khi bất chợt ông đi trên con đường cũ và hồi ức về giai đoạn học trò hồn nhiên. 

Trong bài thơ, Phạm Thiên Thư viết: "Mười năm rồi Ngọ/ Tình cờ qua đây/ Cây xưa vẫn gầy/ Phơi nghiêng dáng đỏ/ Áo em ngày nọ/ Phai nhạt mấy màu/ Chân theo tìm nhau/ Còn là vang vọng…". Nghĩa là, trong ký ức nhà thơ Phạm Thiên Thư, chân dung Hoàng Thị Ngọ được ghi tạc lúc còn nữ sinh rất ngây thơ.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư chia sẻ, Hoàng Thị Ngọ sinh năm Nhâm Ngọ 1942 nên bố mẹ đặt tên Ngọ luôn. Hoàng Thị Ngọ nhỏ hơn Phạm Thiên Thư hai tuổi, nhưng học chung lớp ở trường trung học Văn Lang. 

Nhà của cả hai đều nằm ở khu vực Tân Định - Sài Gòn, nên con đường Trần Quang Khải với những cây dầu cao vút mỗi ngày đều chứng kiến nữ sinh Hoàng Thị Ngọ bước chậm rãi phía trước còn chàng trai Phạm Thiên Thư rụt rè đi sau ngắm trộm nhớ thầm: "Em tan trường về/ Cuối đường mây đỏ/ Anh tìm theo Ngọ/ Dáng lau lách buồn…/Lòng sao rưng rưng/ Như trời mây ngợp/ Hôm sau vào lớp/ Nhìn em ngại ngần"

Và tất nhiên, không gian đô thị của mối tình ấy, khác hẳn với chút thôn dã mà nhạc sĩ Phạm Duy cố tình tạo ra trong ca khúc: "Em đi dịu dàng/ Bờ vai em nhỏ/ Chim non lề đường/ Nằm im giấu mỏ/ Anh theo Ngọ về/ Gót giày lặng lẽ đường quê…".

Nhan sắc của Hoàng Thị Ngọ như thế nào, mà đi vào tác phẩm nghệ thuật một cách diễm lệ như vậy? Nhà thơ Phạm Thiên Thư miêu tả sinh động: "Ngọ có dáng người thanh mảnh với mái tóc dài thả ngang vai. Mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô ấy đứng đầu hàng bên nữ, tôi đứng cuối hàng bên nam, tha hồ...chiêm ngưỡng! Vào lớp, cô ấy ngồi bàn đầu, tôi ngồi bàn cuối, cũng tha hồ chiêm ngưỡng! 

Ngọ học rất giỏi, còn tôi chỉ giỏi… đánh lộn!". Trái ngược nhau như thế, nên Phạm Thiên Thư yêu Hoàng Thị Ngọ bằng một mối tình nhẹ nhàng sương khói, chưa bao giờ hẹn hò cũng chưa bao giờ thề nguyện. 

Có chăng, chỉ là một phút giây chàng lấy hết can đảm để bày tỏ chút chân thành với nàng "Em tan trường về/ Đường mưa nho nhỏ/ Trao vội chùm hoa/ Ép vào cuốn vở/ Thương ơi vạn thuở/ Biết nói chi nguôi/ Em mỉm môi cười/ Anh mang nỗi nhớ…", mà khi phổ nhạc thì Phạm Duy nhấn nhá "muôn thuở còn thương, còn thương".

Chân dung Hoàng Thị Ngọ do người cùng thời phác thảo.

Bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị" như một kỷ niệm được đánh thức, khi thi sĩ Phạm Thiên Thư rời trường lớp nương nhờ cửa thiền như ông bộc bạch: "Rồi từ đây - vườn chùa thanh vắng/ Đến thăm em - ngày tháng qua mau/ Một nụ mai - vừa nở trong nắng/ Hỡi em ơi - mây đã qua cầu"

Hình ảnh nữ sinh Hoàng Thị Ngọ trong hồi ức không chỉ dừng ở nỗi thổn thức "Ôi mối tình đầu/ Như đi trên cát/ Bước nhẹ mà sâu/ Mà cũng nhoà mau", đã tiếp tục ám ảnh thi sĩ Phạm Thiên Thư cả lúc tìm được hạnh phúc lứa đôi. 

Khi kết hôn với nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị - con gái của nhà văn chuyên viết truyện đường rừng Hoàng Ly, thi sĩ Phạm Thiên Thư bày tỏ niềm sửng sốt thú vị: "Cô này cũng quê ở Hải Dương, như nhân vật trong bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị" của tôi. Họ giống nhau như hai giọt nước!".

Là một phụ nữ nhan sắc, nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị không chỉ sinh ba người con cho thi sĩ Phạm Thiên Thư, mà còn xuất hiện bên cạnh ông như một đồng nghiệp tài hoa, như một tri kỷ đúng nghĩa. Thế nhưng, nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị lại có phong cách viết khác hẳn với thi sĩ Phạm Thiên Thư. 

Những nhà chung đôi, trong thơ Mai Trinh Đỗ Thị có không ít phút giây tư lự "Anh theo chiếc lá vô thường/ Một hôm rụng xuống nỗi buồn tử sinh" và có không ít khoảnh khắc thảng thốt "Ta với người uống cạn cả dòng sông/ Sao cây trái trong hồn chưa hết đắng/ Ta với người khánh kiệt cả môi hôn"

Đáng tiếc, họ không thể gắn bó với nhau suốt kiếp. Ân nghĩa phu thê của họ, vừa sâu nặng vừa trễ tràng như chính những câu thơ Mai Trinh Đỗ Thị viết: "Gửi anh sợi tóc/ Gói khăn mang về/ Anh ơi tóc bạc/ Có trắng lời thề/ Xin anh giữ lấy/ Ấm tình đêm khuya…".

Trở lại với chuyện tình "Ngày xưa Hoàng Thị" nhiều giai thoại lâm ly. Nhân vật Hoàng Thị Ngọ có thể không biết nỗi tương tư của Phạm Thiên Thư "Dáng ai nho nhỏ/ Trong cõi xa vời/ Tình ơi… tình ơi…"

Thế nhưng, không khó đoán định, với sự nổi tiếng của ca khúc "Ngày xưa Hoàng Thị" thì người đẹp Hoàng Thị Ngọ cũng ngỡ ngàng trước hạnh phúc được làm nguyên mẫu cho một niềm cảm hứng nghệ thuật. Bao nhiêu năm qua, Hoàng Thị Ngọ bằng xương bằng thịt chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng. 

Ngôi nhà ngày xưa của Hoàng Thị Ngọ trên đường Thạch Thị Thanh, quận 1, TP HCM cũng đã đổi chủ từ lâu. Những người thạo tin cho biết, Hoàng Thị Ngọ sau năm 1975, đã định cư ở Mỹ và có một cuộc sống êm đềm. 

Có người cùng thời đã vẽ lại chân dung Hoàng Thị Ngọ với những phác thảo trang nhã, nhằm tri ân một bóng hồng đã góp phần làm nên tác phẩm "Ngày xưa Hoàng Thị" gửi gắm bao nhiêu tâm tư cho những người yêu cái đẹp thánh thiện: "Xưa theo Ngọ về. Mái tóc Ngọ dài. Hôm nay đường này. Cây cao hàng gầy. Đi quanh tìm hoài. Ai mang bụi đỏ đi rồi…".

Trong bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị", thi sĩ Phạm Thiên Thư phấp phổng "Đời như biển động/ Xoá dấu ngày qua" nhưng ký ức về Hoàng Thị Ngọ còn phảng phất trong nhiều bài thơ khác của ông. Đặc biệt, thi sĩ Phạm Thiên Thư có bài thơ "Giai nhân" mang hơi thở kết nối với bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị" làm nên thương hiệu ông: "Em là giai nhân/ Ta là thi sĩ/ Gặp em một lần/ Mà nhớ chung thân/ Nếu ta ở gần/ Chung nhau một lối/ Dễ ngàn bài thơ/ Viết xong một tối/ Vì em là thần/ Phải không giai nhân?".

Tuy Hòa
.
.