Gót chân Achilles của thực hành tư tưởng về sự công bằng:

Tại sao con người ngày càng thờ ơ, ít cảm thông?

Thứ Bảy, 31/10/2020, 14:46
Con người trong xã hội hiện đại dường như ngày càng thờ ơ và ít sự cảm thông. Người ta đã đưa ra rất nhiều lí do để lí giải cho điều đó. Từ xã hội hiện đại bận rộn đến nền kinh tế thị trường ích kỷ, từ việc chạy theo vật chất và công nghệ đến một thế giới của smartphone, thiếu thốn văn chương và thi ca, thiếu những khoảng lặng tâm hồn dành cho cảm xúc và tình người.


Mạng xã hội còn tạo ra các thế giới ảo, nơi con người có cùng tư tưởng, quan điểm tương tác với nhau mà quên đi thế giới thực, thậm chí là đóng cửa trước những người khác không có cùng quan điểm hay không chia sẻ ý tưởng với mình.

Ở mức độ lớn hơn, công nghệ được cho là không chỉ thay đổi xã hội mà còn thay đổi bản thân ý nghĩa các nội hàm của khái niệm con người.

Ở nhiều góc cạnh, những điều đó đều đúng. Nhưng, cội rễ đằng sau đó có lẽ là một câu chuyện lớn hơn nằm ở cách thức con người quan niệm về sự vận hành xã hội của mình mà cơ sở của nó bắt nguồn từ chính sự phát triển của và các nguyên lí công bằng hiện đại.

Niềm tin vào một hệ thống giáo dục bình đẳng làm con người lạc lối trong tư duy về thành công và thất bại.

Toàn cầu hóa, chủ nghĩa tự do phương Tây, chính sách bảo trợ của chính phủ, bình đẳng giáo dục cho mọi người... là các thành tựu quan trọng của xã hội hiện đại. Phải mất hàng nghìn năm để con người ra được tuyên ngôn về nhân quyền, nơi tài năng chứ không phải dòng máu quyết định địa vị xã hội của mỗi cá nhân. Thực tế là lịch sử này chỉ mới xuất hiện chưa đầy 3 thế kỷ.

Tuy nhiên, cũng chính điều đó thúc đẩy một dạng kỳ thị mới giữa con người, giữa kẻ thắng và người thua và một xã hội đang cạn kiệt sự cảm thông.

Niềm tin, hệ giá trị thực hành và đặc trưng được tự hào của các xã hội hiện đại, dù Nam Phi, Tây Ban Nha, Cuba hay Lào đó là: họ là các xã hội tự do, bình đẳng, con người được tự do thăng tiến theo tài năng, theo khả năng giáo dục, khả năng đóng góp. Tất cả trẻ em đều được đi học, được hỗ trợ tối đa để ganh đua một cách công bằng, bình đẳng vào trường đại học. Mọi người đều được tạo điều kiện như nhau về tư liệu, sách vở, giáo trình, làm các đề kiểm tra như nhau để trở thành cảnh sát, luật sư, giảng viên, kế toán...

Bức thông điệp của Lý Quang Diệu về một chính quyền của những người tài năng (meritocracy) tạo cơ hội cho mọi người phát triển, các nhà nước phúc lợi châu Âu và kỷ nguyên của chủ nghĩa tự do cuối thời Chiến tranh Lạnh dẫn đắt bởi những ngôi sao như Margaret Thatcher (1979-1990) và Ronald Reagan (1981-1989) đã tạo ra một làn sóng tư tưởng dẫn dắt thời đại về một kỷ nguyên mà ở đó con người được tự do, được chuẩn bị các điều kiện cần thiết và bình đẳng để thành công.

Điều này có ý nghĩa gì?

Đối với con người và tư tưởng chi phối hành động của họ thì thành công hay thất bại của cá nhân giờ đây không phải đến từ vận may, chúa trời, hay dòng máu. Vì thế, những người thành công có xu hướng quy tất cả thành quả về tài năng, sự nỗ lực, luyện tập, hy sinh gian khổ của họ mà có được. Còn người thất bại, chiếm phần quan trọng của dân số, những người không tiếp tục một hệ thống giáo dục cao hơn và thua thiệt về thu nhập kinh tế thì chẳng thế đổ lỗi cho bất cứ ai, mà là chính bản thân mình.

Vì thế, giữa người thắng và kẻ thua trong xã hội bắt đầu hình thành một định kiến ngăn cách sâu sắc, dần trở thành xung đột. Người thắng tin rằng thành công của họ, địa vị của họ, các đặc ân (ví dụ thu nhập cao gấp nhiều lần, hay ra các quyết định giải tỏa đất đai đối với khu lao động nghèo...) là đương nhiên. Họ giành được sự thịnh vượng bằng tài năng trong cuộc ganh đua bình đẳng. Người thua vì thế mang các định kiến mới về sự thất bại mà nguyên nhân nằm ở chính sự kém cỏi tài năng của mình.

Đó là một tâm lí nguy hiểm, đưa xã hội tới bờ vực của một cuộc chiến giai cấp mới, vì giữa hai bên đang ngày càng cạn kiệt sự tôn trọng và cảm thông. Người thành công nghĩ rằng vì cuộc chơi sòng phẳng nên họ chả có gì phải áy náy cho số phận của người khác. Trong khi người không được tham gia hệ thống giáo dục một cách đầy đủ, người có thu nhập thấp thì cho rằng kẻ thắng đang coi thường và rẻ rúng thân phận, đóng góp của họ.

Cuộc chiến này đã và đang diễn ra tại nhiều quốc gia phát triển, nơi mà sự phân tầng kinh tế và chính trị ngày càng sâu sắc. Một phần sức mạnh tạo nên ghế tổng thống của ông Donald Trump đến từ nỗi uất ức của kẻ thua trong xã hội Mỹ. Trong khi các thành thị, trung tâm công nghệ cao, giới trí thức... bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton thì ông Trump nhận được sự ủng hộ của nông dân, các vùng công nghiệp cũ, hay tầng lớp trung lưu đang sa sút tại các vùng đô thị không còn động lực phát triển. Ông ấy biết họ là ai khi thường xuyên nói rằng: "I love the poorly educated" [tôi yêu những người không được giáo dục đầy đủ]. Ông biết họ đã chán ghét tầng lớp elite và không còn tin tưởng vào các cam kết của giới tinh hoa.

Đỉnh cao nhất của sự bình đẳng” này chính là hệ thống giáo dục từ mần non đến đại học. Mọi trẻ em, dù ngậm thìa bạc hay sinh ra trong gia đình khó khăn, đều được tạo điều kiện để học hành như nhau. Tất cả có cơ hội như nhau để cùng thi tuyển vào Harvard hay Đại học Bắc Kinh.

Đó là lý thuyết.

Và trên lý thuyết thì điều đó hoàn toàn đúng. Các trẻ em này đều bình đẳng, học cùng trường lớp, sử dụng một loại giáo trình, sách vở, cùng thầy cô giáo, tham dự cùng một kỳ thi quốc gia được chấm công bằng... để cùng cạnh tranh vào các suất đại học. Cơ hội mọi đứa trẻ trong cuộc thi là như nhau.

Không phủ nhận, đây là điều có ý nghĩa tích cực, đã và đang đóng góp cho lịch sử tiến hóa của loài người. Tuy nhiên, tâm thế của con người tiếp nhận nó và thực hành nó lại là một câu chuyện khác.

Thực tế cho thấy, số lượng sinh viên tại các trường Ivy League (Hiệp hội 8 trường tư hàng đầu của Mỹ) đến từ top 1% các gia đình giàu có nhiều hơn tổng số sinh viên từ 50% các gia đình top dưới cộng lại.

Không khó để tìm thấy số liệu về việc sinh ra trong các gia đình kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng đến số phận tài chính của thế hệ tiếp theo. Chỉ có một số lượng ít những người sinh ra nghèo khó bứt phá khỏi truyền thống gia đình. Mặc dù vậy, ở các xã hội phát triển thì cơ hội này ngày càng khan hiếm. Đã từ lâu người ta không còn nhắc đến “Giấc mơ Mỹ”.

Công nghệ được cho là làm thay đổi cách thức tương tác của con người.

Mắt xích nằm ở đâu?

Ở chỗ người thành công dường như quên mất khung cảnh, điều kiện thuận lợi mà họ được trao, được kế thừa, thừa hưởng các mối quan hệ... mà mặc định và giải thích mọi thành công đến từ tài năng và nỗ lực của chính họ.

Nói cách khác, thành công giờ đây là do cá nhân định đoạt và mình xứng đáng với điều đó. Thất bại của người khác cũng thế. Họ đã được trao cơ hội nhưng họ đã thất bại [và vì thế họ “xứng đáng”]. Ý tưởng về các cuộc cạnh tranh như thế đã làm thay đổi cách con người tư duy về thành công và thất bại.

Thay vì cảm thông, chia sẻ và đặt mình trong hoàn cảnh của người thất bại, tầng lớp elite tin rằng luật cạnh tranh công bằng là chìa khóa cho sự thăng tiến xã hội và khuyến khích những người thất bại hãy vào đại học. Tiền bạn kiếm được phụ thuộc vào bằng cấp và kỹ năng. Vì thế hãy đi học đi.

Chính điều này đẩy quan niệm thành-bại thêm một bậc mới của bi kịch, đơn giản nếu bạn không vào đại học, bạn không nói được ngoại ngữ, bạn không thể gia nhập vào thị trường mới, thất bại là của bạn, do bạn gây ra.

Đó là lí do vì sao trong thập niên qua chứng kiến sự trỗi dậy của tầng lớp bình dân chống lại giới tinh hoa qua các đại diện dân túy của họ, từ Thái Lan đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ Mexico đến Brazil... Họ phản ứng lại với sự thờ ơ và thái độ mặc định của tầng lớp tinh hoa, rằng bi kịch của tầng lớp dưới đến từ khả năng của chính họ, từ sự thất bại của những người này trong việc tham dự vào toàn cầu hóa.

Cũng từ niềm tin này mà việc kiếm tiền trở thành hằng số trung tâm để đo đếm thành công ở các xã hội. Tài năng của con người được rút gọn [và đơn giản hóa] bằng khả năng kiếm được bao nhiêu tiền. Từ đó, đóng góp của một cá nhân cho xã hội được quy đổi về việc tài sản của họ có bao nhiêu.

Sự đánh giá này là cần thiết. Nhưng chưa đủ. Thành công của một cá nhân trên lĩnh vực văn hóa chẳng hạn, khó có thể quy đổi ra tiền.

Đó là lí do chúng ta nên thay đổi thái độ đối với việc nhìn nhận thành công, thất bại. Bên cạnh yếu tố kinh tế, lao động, cống hiến, sự sáng tạo, ảnh hưởng lên cuộc sống của người khác... là các yếu tố cần được tính đến bởi xã hội loài người không đơn giản là một thị trường.

Cuối cùng, viết những điều này không phải chống lại một xã hội bình đẳng, thúc đẩy công bằng và tự do cá nhân, hay chống lại việc đãi ngộ xứng đáng với tài năng và đóng góp. Nó cũng không vận động cho việc Harvard mở cửa cho tất cả mọi người. Câu chuyện được kể ở đây tìm kiếm những góc cạnh nhân văn bị khuất lấp trong một xã hội mà tư duy về người thành công, kẻ thất bại đã và đang được định hình một cách tàn nhẫn.

Vũ Đức Liêm
.
.