Phỏng vấn “Người Mỹ trầm lặng”
Người Mỹ: Đúng thế. Chúng tôi nói to, nói thoải mái và nói khá nhiều.
Phóng viên: Một trong những lý do của nói nhiều là gì thưa ông?
Người Mỹ: Là chúng tôi biết ở đâu cũng có người nghe.
Phóng viên: Tại sao?
Người Mỹ: Tại ở đâu cũng có người biết tiếng Anh không ít thì nhiều.
Phóng viên: Thưa ông, tiếng Anh có quan trọng không?
Người Mỹ: Quan trọng vô cùng. Quan trọng đến mức tôi đọc báo thấy gần đây, một trí thức nổi tiếng của Việt Nam đã thỉnh cầu tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục hãy đưa tiếng Anh vào trường phổ thông như một môn bắt buộc.
Phóng viên: Bắt buộc tới cỡ nào?
Người Mỹ: Ít nhất cũng phải coi như một môn thi hằng năm và điểm số phải có tính quyết định chả kém gì Văn hay Toán.
Phóng viên: Xin ông giải thích cặn kẽ điều này.
Người Mỹ: Con người là động vật phát triển nhất trên trái đất. Lý do quan trọng nhất là do có thể dùng ngôn ngữ giao tiếp với nhau. Khả năng giao tiếp càng tăng, nhân loại càng phát triển.
Chúng ta đã trải qua thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng, đồ sắt, thời kỳ công nghiệp và bây giờ là thời kỳ công nghệ thông tin. Mà công nghệ thông tin là gì?
Suy cho cùng cũng là công nghệ phát triển giao tiếp đỉnh cao mở ra việc tiếp xúc cho tất cả những người trên thế giới, dù họ đang ở vị trí nào.
Minh họa: Lê Tâm. |
Phóng viên: Đúng vậy.
Người Mỹ: Tiếng Anh, bởi rất nhiều nguyên nhân, đã trở thành một ngôn ngữ phổ biến nhất, quan trọng nhất, được dùng trong tất cả các mục đích như văn hóa, khoa học, du lịch, thể thao…
Phóng viên: Vâng.
Người Mỹ: Trên thực tế, chỉ cần bước chân ra phố chúng ta sẽ thấy một cá nhân hay một tổ chức, một doanh nghiệp có khả năng trở nên bị động, nhút nhát và phát triển kém chỉ đơn giản do không biết tiếng Anh trước khi do bất cứ điều gì.
Phóng viên: À, chuyện đó thì tôi hiểu. Thậm chí, đã có rất nhiều vụ tai nạn máy bay thảm khốc xảy ra vì phi công với trạm kiểm soát không lưu không hiểu rõ tiếng Anh.
Người Mỹ: Ai cũng biết Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu có công lao với quốc gia đó và được thế giới công nhận ra sao. Nhưng cách đây khoảng nửa thế kỷ, ông Lý Quang Diệu đã đứng trước một lựa chọn vô cùng khó khăn, là quyết định ngôn ngữ nào sẽ trở thành ngôn ngữ chính của Singapore, một đảo quốc mà người gốc Hoa chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối nếu không nói chính cá nhân ông cũng là người gốc Hoa.
Phóng viên: Và đương nhiên rất nhiều người, kể cả những người trí thức lúc ấy muốn chọn tiếng Hoa?
Người Mỹ: Rõ ràng. Nhưng Lý Quang Diệu đã đưa ra một mệnh lệnh vô cùng dũng cảm, mang một yếu tố then chốt tới sự thành công của Singapore ngày hôm nay, đấy là chọn tiếng Anh trở thành quốc ngữ.
Phóng viên: Phải chăng, chính vì Lý Quang Diệu đã từng du học ở Anh?
Người Mỹ: Một phần là thế. Nhưng một phần lớn hơn do ông đã nhìn xa trông rộng. Ông hiểu không có hòa nhập về ngôn ngữ và coi đó là một lợi thế, sẽ rất khó khăn cho sự hòa nhập về kinh tế, ít ra với một quốc gia không có tài nguyên, không có đất đai.
Phóng viên: Nhưng Việt Nam thì có.
Người Mỹ: Ồ đúng. Việt Nam không giống Singapore về địa lý, về lịch sử và về rất nhiều yếu tố khác. Nhưng có một thứ Việt Nam sẽ giống: đó là cuối cùng tài nguyên lớn nhất của một quốc gia cũng nằm trong trí tuệ con người. Mà trí tuệ trong thế giới phẳng hôm nay không có giao tiếp chắc chắn không đầy đủ.
Phóng viên: À.
Người Mỹ: Tôi đã đi khắp năm châu, và nhiều nhân vật đã nói đùa rằng một trong những lý do để nước Mỹ hùng mạnh bởi dân Mỹ sinh ra đã có bằng tốt nghiệp tiếng Anh. Họ quên béng mất thật ra người Mỹ xa xưa là dân da đỏ. Cách đây vài trăm năm đã đuổi dân Anh ra khỏi nước mình, nhưng giữ ngôn ngữ lại.
Phóng viên: Một câu chuyện rất thú vị.
Người Mỹ: Nói không ngoa, ngôn ngữ là chìa khóa để mở ra mọi cánh cửa và tiếng Anh là một chìa khóa đa năng. Không được coi đó là một thứ phụ thêm, mà phải trở thành công cụ bắt buộc.
Phóng viên: Còn tiếng Việt?
Người Mỹ: Theo quan điểm cá nhân tôi, khi giỏi tiếng Anh đến một mức nào đó, ta sẽ phát hiện ra tiếng Việt có những vẻ đẹp hơn nhiều.