Phỏng vấn một giáo viên

Chủ Nhật, 28/02/2016, 23:55
- Phóng viên (PV): Thưa anh, sao mới sau Tết mà thấy anh suy tư, buồn thế?
- Giáo viên: Vì tôi vừa đi ra quán ăn mỳ.

- PV: Ăn mỳ mà buồn à? Chả lẽ do bát của anh ít thịt?

- Giáo viên: Ồ, không phải, ít thịt là chuyện giáo viên quen rồi. Tôi buồn do vừa tới một quán mỳ rất lạ ở TP Hồ Chí Minh. Nó do một ông chủ người Nhật đích thân nấu, chỉ có 8 chỗ ngồi nên ai đến chậm phải chờ. Nơi ăn là một căn phòng rất chật hẹp, mà kiểu đó hình như người Nhật đã quen.

- PV: Rồi sao?

- Giáo viên: Hôm tôi đến, có 1 bà mẹ người Nhật mang theo 2 đứa con rất bé, khoảng chừng 3, 4 tuổi cũng đang chờ khiến tôi nản quá định về, vì tôi đoán lúc vào ăn hai đứa bé đó sẽ làm căn phòng náo loạn.

- PV: Đúng thực.

- Giáo viên: Ôi chao, chả đúng tí nào. Tôi hoàn toàn bất ngờ và sáng mắt ra. Lúc được vào ăn, hai đứa trẻ không hề phát ra một tiếng động. Chúng tự ngồi vào ghế, tự tay cầm bát đũa, ăn hết sạch rồi tự uống nước trong ly do chúng tự rót ra. Không hề quấy khóc, không hề đòi mẹ đút và không hề rời khỏi chỗ ngồi. Tóm lại chúng xử sự y như một người lớn trưởng thành.

Minh họa: Lê Tâm.

- PV: Đó là lý do suy tư của anh à?

- Giáo viên: Vâng, tôi tin rằng với nhân cách có tính độc lập và kỷ luật cao như thế, hai đứa trẻ Nhật Bản kia lớn lên rất dễ thành công.

- PV: Tôi cũng tin.

- Giáo viên: Tôi dám đánh cuộc với nhà báo nếu hai đứa trẻ Việt Nam cùng cha mẹ vào một quán ăn, chúng sẽ hoặc chạy lung tung tứ phía hoặc đòi hết cái nọ đến cái kia, hoặc khóc lóc ầm ĩ và chắc chắn chờ cha mẹ đút cho. Kinh nghiệm của tất cả những người Việt Nam đều hầu như đến nơi nào cần yên tĩnh cũng tránh xa những bàn có trẻ con.

- PV: Chính xác.

- Giáo viên: Chúng ta có thói quen luôn luôn đòi cải cách giáo dục, đòi chính sách nọ chính sách kia trong huấn luyện con người. Nhưng hai đứa trẻ Nhật Bản đó chưa biết sách giáo khoa, chưa biết các điều luật của nhà trường cũng như của chính phủ cho giáo dục. Chúng chỉ nhận được sự quan tâm từ cha mẹ mà thôi. Sự quan tâm này không cần một ủy ban nào hoạch định hết.

- PV: Nghĩa là sao?

- Giáo viên: Nghĩa là từ rất nhỏ trẻ con Nhật Bản được sự giáo dục rất hoàn hảo từ gia đình. Chắc mọi người còn nhớ câu chuyện khi có sóng thần xảy ra, người dân Nhật Bản xếp hàng chờ cứu trợ, một đứa bé 9 tuổi đã cương quyết xếp hàng chứ không chịu tiến lên nhận phần ưu tiên dù những người tổ chức đã mời. Còn các gia đình Việt Nam chúng ta thì nuông chiều trẻ em, không có một thái độ nghiêm khắc đúng đắn, sau đó chờ trẻ lớn lên có vấn đề gì thì gào thét, than phiền, đổ lỗi cho các nhà giáo dục bên ngoài từ thấp đến cao.

- PV: Tôi cũng cảm thấy vậy.

- Giáo viên: Chính tôi cũng đã vài lần điện thoại tới nhà vài người bạn gái có con nhỏ lúc buổi tối. Hầu như bà mẹ nào cũng vừa trao đổi điện thoại vừa quát tháo vì trong lúc đó con họ đang nghịch, đang giằng hoặc đang kéo tay. Đứa bé rất vô kỷ luật và quen bám váy, bám chân, bám tay khiến những buổi tối gia đình trở thành náo động.

Còn bên Nhật Bản thì sao? Trẻ con tự mang cặp lồng cơm, tự đeo cặp xách dù nặng đến đâu và tự đi bộ đến trường, ăn rồi tự đưa rác vào thùng. Những hành động đó có cần phải đưa ra Quốc hội tranh cãi hay không? Có cần ông bộ trưởng nào thanh minh và kể công hay không?

- Phóng viên: Không.

- Giáo viên: Chính vì thế, sau khi ăn ở quán mì về, tôi trở nên suy tư. Tôi hiểu giáo dục bắt đầu từ gốc, từ rất nhỏ và từ chính gia đình chứ không phải chỉ trong cách viết sách giáo khoa thế nào hay cách thi cử ra sao. 

Có cảm giác tuy nền giáo dục của chúng ta còn nhiều khuyết điểm nhưng nó không phải và không thể chịu trách nhiệm hết về tư cách công dân nếu như mỗi người cha người mẹ không cải cách trước ở gia đình mình.

Lê Thị Liên Hoan
.
.