Phỏng vấn một bác sĩ

Chủ Nhật, 20/08/2017, 08:33
Phóng viên (PV): Thưa ông, có gì khác nhau giữa bệnh của một con người và bệnh của một xã hội?

Bác sĩ: Bệnh của con người đôi khi rất khó đoán. Còn bệnh xã hội có thể nhìn thấy ngay, nhưng chữa trị thì không hề đơn giản.

PV: Vậy bệnh xã hội thông thường hiện nay nhất là gì ạ?

Bác sĩ: Ai chả biết, đó là quan liêu giấy tờ, thủ tục hành chính… Một căn bệnh trầm kha.

PV: Nhưng được cái là nó không gây chết người anh nhỉ.

Bác sĩ: Cũng chưa chắc đâu nhé. Cũng có khi biến chứng nặng vô cùng.

PV: Nhân chuyện thủ tục, thưa anh, chắc anh biết vụ mới gần đây xôn xao ở phường Văn Miếu Hà Nội, khi một người dân đi lấy giấy chứng tử bị phiền hà.

Bác sĩ: Tôi biết. Và tôi vô cùng ngạc nhiên cho chuyện đó, và cho tất cả các giấy chứng tử nói chung.

PV: Tại sao vậy?

Bác sĩ: Tại cái chết là một hiện tượng khoa học chứ không phải là hoạt động hành chính, đúng không nào?

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Dạ đúng.

Bác sĩ: Chỉ có bác sĩ chứ không một ai khác có thể kết luận một con người đã chết thật hay chưa, đúng không nào?

PV: Dạ đúng.

Bác sĩ: Vậy tại sao giấy chứng tử không do bác sĩ cấp mà lại do phường.

PV: Ừ nhỉ?

Bác sĩ: Phường dù có tận tâm đến đâu cũng không túc trực bên giường bệnh, không rút hay cắm ống thở, không viết giấy đưa xuống nhà xác… Phường căn cứ vào điểm gì để chứng nhận một ai đã từ trần?

PV: Dạ, chắc là căn cứ vào giấy của bệnh viện ạ.

Bác sĩ: Thế tại sao giấy của bệnh viện là chưa đủ? Rõ ràng phường chỉ xác nhận thêm một lần nữa mà thôi.

PV: Ừ đúng.

Bác sĩ: Nghĩa là nếu tôi không nhầm phường căn cứ vào giấy của bệnh viện để làm chứng tử, có nghĩa là ai chết cũng làm giấy tới hai lần.

PV: Hiểu rồi, thưa anh, nhưng tôi đoán thế này: Phường phải cấp giấy, vì căn cứ vào đó phường mới lập tức cắt lương hưu, mới cắt hộ khẩu… nghĩa là phường mới làm được các thủ tục liên quan.

Bác sĩ: Do đường dây của phường không "link" với các đường dây của bệnh viện chứ gì?

PV: Dạ, hiểu nôm na là như thế ạ?

Bác sĩ: Vậy mấu chốt của vấn đề là phải nghiên cứu làm sao cho sự kết nối ấy diễn ra chứ không phải thế mà bắt người dân đi lại nhiều lần.

PV: Ừ nhỉ.

Bác sĩ: Chúng ta có thói quen hễ cái gì phức tạp về hành chính là người dân phải è cổ ra giải quyết đầu tiên, đấy mới là căn bệnh.

Việc của mỗi công dân sinh ra là phải lao động, đóng thuế rồi… chết. Còn việc của chính quyền là xử lý các khâu đó chứ sao lại bắt người ta đi tìm cách xác nhận người thân của họ đã băng hà.

PV: Ừ nhỉ.

Bác sĩ: Nếu như một chàng trai có thể nói với một cô gái  "Em chỉ việc đẹp, cả thế giới để anh lo" thì một phường có thể tuyên bố "Mọi người chỉ việc chết đàng hoàng, các thứ khác để chúng tôi lo". Chứ sao lại bắt người ta… khổ cho đến sau khi chết.

Tôi thiết nghĩ trong thời đại tin học bây giờ, tìm ra một giải pháp để cho mỗi công dân lìa đời bệnh viện xác nhận, đưa tên tuổi, đưa số chứng minh lên mạng là những thứ khác đồng bộ theo đâu có khó. Chả lẽ những việc ấy làm được mà việc chứng tử không làm được. Rõ ràng người ta lười, thế thôi. Căn bệnh ấy muốn chữa phải xuất phát từ bên trong chứ đâu phải chỉ thay thế mấy cậu làm thủ tục ngồi trực ở phường.

Lê Thị Liên Hoan
.
.