Phỏng vấn một cầu thủ

Thứ Năm, 05/01/2017, 05:05
Phóng viên (PV): Thưa anh, sau thất bại của Đội tuyển Quốc gia trong trận đấu với Indonesia vừa qua, tâm trạng của anh thế nào?

Cầu thủ: Tất nhiên là tôi buồn, không có gì khác được. Còn sau khi buồn xong, tôi bình tĩnh lại và suy nghĩ.

PV: Thưa anh, anh suy nghĩ đến ai?

Cầu thủ: Đến câu nói của một quan chức thể thao: "Thái Lan chơi bóng, còn Việt Nam đá bóng". Với tư cách một cầu thủ, tôi thấy câu nói ấy sâu sắc và thấm thía vô cùng.

PV: Thưa anh, đâu là sự khác nhau giữa đá và chơi?

Cầu thủ: Nhiều lắm. Khác tới cơ bản.

Thứ nhất, chơi là phải thoải mái, trong bất cứ trò nào. Người ta chỉ chơi khi vui vẻ, khi có một tinh thần phơi phới, thanh xuân. Chả bao giờ nên chơi lúc tức tối hay đang có nhiều dằn vặt.

PV: Đúng vậy.

Cầu thủ: Thứ hai, chơi là không cay cú, coi sự thắng cũng chả có gì ghê gớm và sự thua cũng là thường. Không cá nhân nào cũng như không dân tộc nào trở nên vĩ đại vì một trò chơi cả. Cuộc sống còn những thứ khác, giá trị hơn nhiều.

PV: Vâng. Chính xác.

Cầu thủ: Thứ ba, chơi là không gian lận. Mọi thứ là phải diễn ra công khai, bày ra đàng hoàng trước bàn dân thiên hạ. Chơi không phải là một trò được tiến hành trong sắp xếp, thì thầm hay mờ mờ ảo ảo.

PV: Chí phải.

Cầu thủ: Thêm nữa, chơi là không bạo lực. Không hành hung đối phương, không đe dọa khán giả, không than phiền trọng tài và không.. ném đá xe buýt.

PV: Ủa, sao phải ném đá xe buýt?

Cầu thủ: Chắc bởi vì xe buýt chở đội bạn.

PV: Vui thật.

Cầu thủ: Chơi cũng là không tạo ra áp lực. Không gia đình nào tiễn con cái ra phố đi chơi bắt nó thề, bắt nó hứa là sẽ thắng, chỉ chúc cho con cái đi chơi vui vẻ mà thôi.

PV: À há.

Cầu thủ: Và chơi thì phải vô tư, không vụ lợi. Đừng mong muốn biến trò chơi thành một cuộc làm ăn có lợi hoặc một nấc thang tạo danh tiếng cho mình hay cho bất cứ ai. Nói cách khác, chơi là trong sáng, thậm chí là có cao tuổi đến mấy thì người chơi vẫn ngây thơ.

PV: Đúng thật. Bản chất của bóng đá là ngây thơ. Trên khán đài, ông kỹ sư, ông giáo sư, ông xe ôm, ai cũng bình đẳng như đứa trẻ. Fan hâm mộ bóng đá không hề phân biệt tuổi tác, bằng cấp và sự giàu nghèo.

Cầu thủ: Cuối cùng, chơi là không dằn vặt. Thắng cũng đừng vênh vang quá, còn thua cũng đừng có tự sỉ vả mình, tôi xin nhắc lại trên hành tinh này có rất nhiều quốc gia dẫn đầu về hạnh phúc con người mà không hề dẫn đầu về bóng đá. Bóng đá chỉ là một trong những tiêu chuẩn xã hội mà thôi và cũng không phải là tiêu chuẩn quan trọng nhất.

PV: Rất đồng ý.

Cầu thủ: Nói tóm tại, theo tôi, có thể đã tới lúc chúng ta nên nhìn nhận mình với các chỉ số thể lực, với sự phát triển kinh tế và khoa học, chúng ta còn lâu mới vươn tới trình độ bóng đá thế giới, và đừng mang điều đó ra bực bội quá lâu, chúng ta còn rất nhiều những mục tiêu khác cần đạt tới, cần phấn đấu chứ không nên chỉ nhăm nhăm ghi bàn vào lưới đối phương.

Lê Thị Liên Hoan
.
.