Phỏng vấn một giáo viên

Thứ Tư, 27/07/2016, 15:48
Phóng viên (PV): Thưa anh, tâm trạng của anh hiện giờ ra sao?
Giáo viên: Phải nói thành thực là lúc nào cũng buồn, nhưng mấy hôm nay buồn vô hạn.


PV: Vì đâu như thế, thưa anh?

Giáo viên: Vì gần đây rộ lên phong trào đã trở nên quyết liệt "cấm dạy thêm, cấm học thêm".

PV: Anh phản đối điều đó à?

Giáo viên: Thẳng thắn mà nói, tôi không còn sức để phản đối nữa. Tôi buông xuôi. Tôi chấp nhận. Tôi chấp hành. Tôi đành tin rằng những người ra lệnh cấm có lý do chính đáng của họ.

PV: Vâng.

Giáo viên: Nhưng tôi vẫn muốn nói một lần cuối cùng, kiểu như phạm nhân nói lời cuối cùng trước khi tòa tuyên án, không phải để vớt vát, không phải để thanh minh, không phải để níu kéo. Tôi chỉ muốn cho mọi người hiểu thêm một chút mà thôi.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Vâng.

Giáo viên: Đầu tiên, xin bà con lưu ý rằng chả có ai muốn đi làm rồi sau đó lại làm thêm cả. Ngành nào cũng thế, nghề nào cũng thế, người ta làm thêm khi làm chính không đủ sống.

PV: Tôi tin điều đó.

Giáo viên: Mà nghề giáo viên là không đủ sống. Thậm chí không đủ đến trầm trọng. Ví dụ như báo Tuổi trẻ vừa đăng tại Thanh Hóa có gần 400 giáo viên bị cắt hợp đồng đang kêu khóc. Mà lương của họ chỉ 1,7 triệu đồng mỗi tháng. Xin hỏi có mấy người hôm nay sống nổi với đồng lương đó?

PV: Không có!

Giáo viên: Khi người ta không đủ sống, người ta phải làm thêm để kiếm sống. Đó là quy luật của muôn đời. Mà giáo viên khả năng làm nhiều nhất là dạy thêm chứ còn làm gì nữa nhỉ?

Dạy thêm suy cho cùng không phải buôn lậu, cũng không phải ăn cắp. Đúng không nào?

PV: Cũng đúng. Nhưng thưa anh, có nhà nghiên cứu nói rằng dạy thêm làm ảnh hưởng đến dạy chính ở trường.

Giáo viên: Thế nếu một công chức làm ở cơ quan ban ngày, buổi tối về nhà lại bán hàng ở chợ thì việc chính có ảnh hưởng không? Có chứ.  Đâu phải chỉ mỗi các giáo viên.

PV: Ừ nhỉ.

Giáo viên: Quá trình giảng dạy cho học sinh là quá trình hai chiều. Sao chẳng ai hiểu rằng nhờ dạy thêm mà nhiều mà giáo viên nâng cao kiến thức và nâng cao năng lực.

Dạy thêm là một thứ lao động bình đẳng với lao động khác. Chả hiểu tại sao lại bị "đưa ra khỏi vòng pháp luật" và đua nhau lên án. Hãy chỉ cho tôi ai dạy thêm mà mua biệt thự, ai dạy thêm để sắm xe hơi? Hay chỉ có dạy thêm để thêm vào mâm cơm đĩa rau, đĩa thịt sơ sài.

PV: Thôi anh đừng xúc động quá.

Giáo viên: Trong khi bao nhiêu ngành nghề khác, khi xoay sở làm thêm được ca ngợi là "năng động", được ca tụng là "sáng tạo" thì gần như toàn thể các giáo viên dạy thêm bị dè bỉu cứ như đang gian lận không bằng.

PV: Buồn thật.

Giáo viên: Chất lượng giáo dục của chúng ta có vấn đề? Điều ấy tôi biết. Nhưng đó là do các nhà hoạch định chính sách hay do các giáo viên dạy thêm. Tôi tin rằng nhân tố đầu tiên quan trọng hơn nhiều.

Và đừng tưởng dạy thêm là đặc sản của Việt Nam. Ở một số quốc gia như Nhật Bản hay Hàn Quốc, việc học thêm và dạy thêm còn hơn chứ chả kém gì mình. Tại sao các giáo viên bên đó không ai bị lên án?

PV: Thế ư?

Giáo viên: Xin nhắc lại là nếu sau giờ lên lớp, giáo viên chúng tôi đi bán xôi, đi bán nước mía hoặc chạy xe ôm chứ đừng dạy thêm thì sẽ trong sáng vô cùng, nhưng chắc gì điều đấy đã lợi cho giáo dục?

PV: Dù anh nói gì thì nói, kết quả của việc dạy thêm và học thêm là không thể đảo ngược.

Giáo viên: Tôi biết. Và tôi cũng không muốn đảo ngược. Nói thẳng ra tôi kiệt sức rồi. Nhưng tôi chỉ muốn phát biểu lần cuối cùng là xin mọi người hãy đọc báo Tuổi trẻ ngày 6-7-2016 đưa tin gần 400 giáo viên sắp bị thất nghiệp dù họ lãnh lương trừ các khoản còn 1,1 triệu đồng. Trong cuộc sống hôm nay, đồng lương đó sẽ khiến ai sung sướng? Và có tồn tại được không? 
Lê Thị Liên Hoan
.
.