Phỏng vấn một nhà báo

Chủ Nhật, 17/01/2016, 16:53
Phóng viên (PV): Thưa anh, lý do gì anh nhăn nhó thế?
Nhà báo: Nhăn nhó vì tôi vừa đọc xong hai cuốn sách.

PV: Sách gì ạ?

Nhà báo: Sách hồi ký của hai nghệ sĩ nổi tiếng. Họ vừa làm sân khấu vừa làm điện ảnh.

PV: Thế thì hay quá còn gì.

Nhà báo: Ừ, đáng lẽ thì hay quá, vì hai nghệ sĩ này có cuộc đời hoạt động rất phong phú, kéo dài mấy chục năm. Thế nhưng càng đọc tôi càng thất vọng và tuyệt vọng.

PV: Vì sao thế ạ?

Nhà báo: Vì tôi nghĩ mình có quyền chờ đợi tất cả những thứ mà một người có chút nhận thức chờ đợi. Đấy là qua cuộc đời các nghệ sĩ ấy, thấy cả một giai đoạn thăng trầm của kịch nói và điện ảnh. Không có ai ở trong cuộc có cái nhìn và thực tế sống động hơn họ. Có thể nói cuộc đời của họ cũng chính là cuộc đời của cả một nền văn hoá thăng trầm với bao nhiêu biến đổi, bao nhiêu nhận thức, bao nhiêu ý thức hệ đã khác đi.

PV: Tuyệt vời.

Nhà báo: Nhưng thực tế, khi đọc hai cuốn sách mỏng dính, tôi xin nhấn mạnh, đúng là mỏng dính ấy thì sao? Thì chả thấy cái gì liên quan đến văn hoá cả. Chỉ thấy tiết lộ các anh yêu ai, ai yêu các anh, ai ly dị các anh và các anh ly dị ai. Chấm hết.

PV: Thật sao?

Nhà báo: Thật. Có cảm giác mấy chục năm ở trên màn ảnh và trên sân khấu, hai vị chả làm gì, ngoài chuyện săn đuổi các cô và bị các cô săn đuổi.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Thì họ đẹp trai. Họ nổi tiếng. Họ bị gái đẹp săn như thế là thường.

Nhà báo: Đồng ý. Thậm chí tôi còn đoán rằng họ còn chưa kể hết. Số người hâm mộ và sẵn sàng “xả thân” có thể còn cao gấp chục lần. Nhưng nói ra bấy nhiêu thì giúp ích gì cho cuộc đời? Họ đã đóng phim, đóng kịch, đã trăn trở ra sao trong từng giai đoạn, từng thời kỳ mới là điều lịch sử văn hoá cần ghi.

PV: Chính xác.

Nhà báo: Bất kỳ thể loại văn học nào suy cho cùng cũng ra đời vì lý do chân chính là giúp cho nhận thức của độc giả có nhiều điều chân thực và tiến bộ, giúp cho bạn đọc hiểu thêm về con đường phát triển và nhận thức. Hồi ký lại càng quan trọng vì đó là một dạng văn đặc biệt, trong đó tính trung thực luôn được đề cao. Tuy nhiên ta phải chọn những gì trung thực có ý nghĩa cho cuộc sống, chứ đâu phải chỉ giúp cho khán giả thoả trí tò mò.

PV: Vâng.

Nhà báo: Cho nên tất cả hồi ký của những danh nhân văn hoá bao giờ cũng có đời tư xen lẫn với quá trình nghệ thuật, và quá trình ấy mới là phần chính, phần cần miêu tả kỹ càng, chính xác và thẳng thắn.

PV: Đằng này, có nghệ sĩ lại kể cẩn thận và chu đáo hồi ấy yêu và bị yêu chi tiết ra sao?

Nhà báo: Do đó tôi đọc và tiếc vô cùng. Và tôi cũng vô cùng tức tối vì nghệ sĩ không trực tiếp viết mà nhờ hai nữ tác giả chấp bút.

Tôi có thể khẳng định, cả hai nữ tác giả này đã hoàn toàn thiếu tầm nhìn, hoàn toàn không có trách nhiệm với đối tượng, biến đối tượng miêu tả thành hai gã đào hoa chứ không cho người ta thấy cả một sự nghiệp đầy biến động và đa dạng, phức tạp xen lẫn hào hùng, xót xa mà các nghệ sĩ kia là tiêu biểu. Nói cách khác, những người chấp bút hồi ký đã “lãng phí” cơ hội một cách kinh khủng, bởi những diễn viên có tầm cỡ như thế trong văn hoá không nhiều; “ăn non”, “ăn xổi”, số phận của họ như thế thật là tai hại.

PV: Nhà báo nói khiến tôi nhớ tới “Hồi ký Vương Hồng Sển”. Hễ đọc nó là ta thấy văn hoá, xã hội tràn đầy. Trong đó có cái riêng, có cái chung nhưng cái chung luôn luôn lớn, vẽ lên cả một bức tranh xã hội sâu sắc vô cùng.

Nhà báo: Tất cả hồi ký của các danh nhân đều theo nguyên tắc đó. Nói lên hoàn cảnh và thời đại họ sống có đặc điểm ra sao. Điều ấy phụ thuộc vào tầm cỡ của người kể; và hơn hết, của người ghi.

PV: Thật ra, nguyên tắc của hồi ký cũng đơn giản thôi mà: qua số phận của một con người, chúng ta sẽ thấy số phận của một thời đại.

Nhà báo: Để hiểu và làm được sự đơn giản đó, phải có một tầm cỡ nhận thức rất cao. Tiếc thay, hai vị chấp bút hai cuốn hồi ký kia hoàn toàn không có!

Lê Thị Liên Hoan
.
.