Phỏng vấn một kiến trúc sư

Thứ Bảy, 27/05/2017, 19:13
Phóng viên (PV): Thưa anh, điều gì quan trọng nhất đối với anh? Sự nghiệp hay đời sống?

Kiến trúc sư: Riêng tôi, con cái mình trở thành người như thế nào, được giáo dục ra sao mới là khẩn thiết.

PV: Là một trí thức, chắc anh cũng thấy vấn đề giáo dục của nước ta luôn là điểm nóng, không năm nào không có những tranh cãi bất tận về cải cách, giảng dạy hoặc biên soạn sách giáo khoa.

Kiến trúc sư: Đúng thế. Nhưng có một thứ quan trọng nhất, vô hình nhất lại chẳng đòi hỏi tiền bạc gì, chỉ đòi hỏi tư duy thì chả thấy ai đề cập. Đó là triết lý giáo dục của chúng ta.

PV: Triết lý giáo dục?

Kiến trúc sư: Đúng thế. Tôi có thể khẳng định rằng không một công trình nào liên quan đến con người mà có thể hiệu quả nếu không được xây dựng với một triết lý rõ ràng.

PV: Và triết lý phải bắt nguồn từ đâu, thưa anh?

Kiến trúc sư: Từ tổng hợp nhiều thứ nhưng quan trọng hơn cả là kinh tế và chính trị.

PV: Ơ kìa, bao năm qua mục tiêu của giáo dục luôn là xây dựng con người toàn diện, có kiến thức và đạo đức, đó không phải là triết lý ư?

Kiến trúc sư: Không. Không phải. Hay nói chính xác hơn, chưa phải.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Thế theo anh thế nào mới phải?

Kiến trúc sư: Theo ý kiến riêng tôi, giáo dục cần nêu phương châm rõ: xây dựng con người độc lập sáng tạo hay con người thi hành nghiêm chỉnh.

PV: Thế thôi?

Kiến trúc sư: Vâng. Chỉ thế thôi. Ít à?

PV: Tôi không biết như thế là ít hay nhiều. Nhưng cảm giác có vẻ cô đọng quá.

Kiến trúc sư: Triết lý, trái với rất nhiều người, xưa nay cứ tưởng, thật ra không hề dài dòng. Nó rất cô đọng. Và chính xác. Nó là những mục tiêu.

PV: Xin anh nói rõ hơn?

Kiến trúc sư: Nếu chúng ta muốn nhà trường làm ra các học sinh sáng tạo. Có tính độc lập cực cao, chúng ta sẽ lập tức bỏ hết các bài văn mẫu, sẽ cho điểm thấp tất cả các sự giống nhau. Sẽ chỉ coi sách giáo khoa là cái cớ để thảo luận. Sẽ khen ngợi những học sinh thích phản biện và thắc mắc với giáo viên. Sẽ không còn coi lớp học trong bốn bức tường v.v…

PV: Còn nếu chúng ta muốn tạo ra các học sinh có tính nghiêm chỉnh chấp hành?

Kiến trúc sư: Thì chúng ta làm ngược lại.

PV: Nghĩa là nền giáo dục theo anh phải trả lời câu  hỏi: Tính cá nhân quan trọng hay tính tập thể quan trọng.

Kiến trúc sư: Chính xác.

PV: Nếu chỉ vậy. Đặt ra câu trả lời đã có từ lâu: Giáo dục coi cả hai điều đó quan trọng như nhau đã bao năm rồi?

Kiến trúc sư: Thế mới chết.

PV: Ai chết?

Kiến trúc sư: Học sinh.

PV: Chết như thế nào?

Kiến trúc sư: Như tất cả đã thấy: Vừa thụ động vừa kém cỏi, vừa nhút nhát, vừa học thêm lại vừa thiếu cá tính và tất cả đều sung sướng vì nhìn đâu cũng thấy điểm mười, tất cả học sinh đều là học sinh tiên tiến.

PV: Chỉ cần tìm ra triết lý giáo dục, nghe có vẻ đơn giản nhỉ.

Kiến trúc sư: Không đơn giản đâu. Thay đổi một triết lý có khi là thay đổi cả một ý thức hệ đó. Gay go và khó vô cùng. Động chạm đến rất nhiều thứ. Muốn làm phải thông minh và phải có cả lòng dũng cảm.

Lê Thị Liên Hoan
.
.