Phỏng vấn ông đồ

Thứ Năm, 09/02/2017, 09:43
Phóng viên (PV): Thưa ông, hàng năm cứ đên mùa xuân là ông lại xuất hiện và lại ngồi khá im lặng trên vỉa hè để làm gì ạ?

Ông Đồ: Đầu tiên để viết câu đối. Sau đó là ngẫm nghĩ.

PV: Xin ông đừng buồn, chứ muốn thay đổi thời đại này, xã hội phải ngẫm nghĩ khác đi chứ không thể xưa cũ như ông được.

Ông Đồ: A, điều ấy cũng chưa chắc. Có khá nhiều thứ ta ngạc nhiên vì ngày nay khéo nghĩ còn chậm hơn xưa.

PV: Làm gì có chuyện kỳ lạ như thế?

Ông Đồ: Có đấy. Ví dụ như cho tới tận năm nay Bộ Giáo dục mới quyết định bỏ điểm sàn thi đại học thì phải. Chuyện đó các đồ nho đã làm cách đây cả trăm năm.

PV: Thiệt không?

Ông Đồ: Chắc chắn. Ngày xưa làm quái gì có điểm sàn. Ai muốn thi làm quan mà chả được.

PV:  Ý ông là sao?

Ông Đồ: Ý ta là không những bỏ điểm sàn, mà còn phải bỏ quách cả việc thi vào đại học mới là tiên tiến tận cùng.

PV: Ơ.

Ông Đồ: Tại sao phải thi vào đại học trong khi về cơ bản, quyền được học tập là quyền của mỗi con người.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Tại vì như thế sẽ chắt lọc hơn.

Ông Đồ: Có nhiều cách chắt lọc lắm. Ở rất nhiều quốc gia tiên tiến, bất kể trẻ già trai gái, bất kể tuổi tác, muốn học đại học thì cứ việc ghi danh và sau đó cứ việc đóng tiền.

PV: Rồi sao nữa?

Ông Đồ: Rồi nhà trường tổ chức thi các môn rất nghiêm ngặt. Từ năm thứ nhất rất khó lên năm thứ hai, từ năm thứ hai rất khó lên năm thứ ba… Cứ thế cả trăm sinh viên vào nhiều lúc chỉ có vài chục sinh viên ra nổi.

PV: Những em rớt nửa chừng thì sao?

Ông Đồ: Thì cứ đóng tiền và tự do… thi lại. Nghĩa là nếu cứ còn sức thì cứ việc học mãi mãi, nhưng điều đó không hề bảo đảm có bằng.

PV: Tóm lại, họ mở cửa cho mọi người vào trường nhưng lại siết chặt điểm ra phải không ạ?

Ông Đồ: Đúng thế. Giống hệt ngày xưa ai cũng có quyền đi thi hết, dù học ở ông giáo trường làng, nhưng lên tới tiến sĩ, mỗi năm khéo chỉ còn vài chục.

PV: Hay thật.

Ông Đồ: Việc bỏ thi đại học hàng năm sẽ tiết kiệm một đống kinh phí của quốc gia, rất tốt cho nền kinh tế đang khó khăn nhiều lắm.

PV: Vậy ông nghĩ sao nếu tất cả học sinh đều ùa vào ghi danh các trường danh tiếng.

Ông Đồ: Xin mời. Chỉ có điều các trường như thế học phí sẽ cực cao. Những đứa dốt sẽ chỉ có cơ hội đốt tiền chứ còn lâu mới có khả năng thành ông nọ bà kia.

PV: Thế những trẻ em thông minh học giỏi nhưng nghèo mất cơ hội à?

Ông Đồ: Tại sao lại mất khi tất cả các trường đều có chính sách học bổng, lo gì.

Tóm lại là chúng ta có tổ chức bao nhiêu cuộc thi đại học đi chăng nữa thì sinh viên ra trường vẫn ế khi mà ai vào thì cũng được nhận bằng; nhưng thực trạng hôm nay, tất cả mọi người đều chán nản và coi thường cử nhân khi biết rằng đã vào là ra được, do đó tấm bằng bị rẻ rúng là chuyện dĩ nhiên.

Nói theo khoa học, giáo dục phải là một hình chóp, càng lên cao càng thắt lại và lên tới đỉnh là khó khăn vô cùng chứ hiện nay chúng ta đang lật ngược cái hình chóp đó mà cho học sinh nhận kiến thức.

PV: Thay vì quản lý hàng vạn học sinh, phải chăng ông đề nghị quản lý các trường.

Ông Đồ: Chính xác. Hễ trường nào có hiện tượng buông lỏng trong thi tốt nghiệp phải bị đóng cửa ngay, chứ không để cho các tấm bằng loạn lên như bươm bướm.

Nhà báo hãy công nhận một điều là thời xưa rất nhiều lạc hậu, tuy nhiên ai đậu đến tiến sĩ đều có kiến thức khiếp đảm vô cùng, chứ đâu có tràn lan như thời đại hôm nay.

Lê Thị Liên Hoan
.
.