Người sắt trong thế giới của thực tại: Thức tỉnh sau nghịch lý

Thứ Ba, 01/11/2022, 09:31

Con người chúng ta không chỉ sống ở thực tại mà còn xây dựng những “Trái Đất song song” chứa đựng ảo mộng của trí tưởng tượng vô hạn. Trong “Tự do tâm trí”, tác giả Luke Lafitte tin rằng nhờ phim ảnh và hiệu ứng mờ ảo, chúng ta tạo nên vũ trụ siêu anh hùng hiện đại, mở ra cánh cửa khám phá thế giới tính cách, tựa hy vọng người Hy Lạp cổ đại gieo vào từng áng sử thi bi tráng về những nhân vật vĩ đại.

Nhận ra nghịch lý

Mỗi siêu anh hùng được xác định bởi một sức mạnh, việc thực hiện quyền năng đó mang lại góc nhìn độc đáo về những gì tạo nên chúng ta. Vũ trụ điện ảnh Marvel tạo dựng nhân vật Hulk (Người khổng lồ xanh) không nói về triết lý của bức xạ gamma, mà là trải nghiệm về cơn tức giận. Spider-Man (Người nhện) không phải hiện thân của một loài chân khớp, hướng tới trách nhiệm của tuổi trưởng thành - một quá trình tự nhiên bao quanh bởi thất bại, giới hạn và mỏi mệt. Tương tự, hình tượng Tony Stark đầy mê hoặc, mà bản ngã bên trong là Iron Man (Người sắt), ám chỉ sự siêu việt của loài người.

Người sắt trong thế giới của thực tại: Thức tỉnh sau nghịch lý -0
Tony Stark từng là một kẻ nghiện rượu, sắm vai phản diện, thậm chí đưa ra một số quyết định sai lầm trong suốt sự nghiệp.

Nhà văn Kevin Smith tuyên bố biệt đội siêu anh hùng Avengers, và khi những kẻ phi thường nhất chiến đấu bên nhau, dù tới “Hồi kết” (2018), sẽ luôn truyền cảm hứng cho thế hệ hiện tại và tương lai về hiệu ứng tâm lý. Hệt như một cuốn tự truyện về nhân loại, nơi mà chúng ta sẽ thấy bản thân của tương lai với tư cách là những vị thần đặc biệt, dung hợp với máy móc để tiếp diễn cuộc sống. Sức hấp dẫn của Avengers đối với chúng ta là đồ họa, nhân vật, cốt truyện, nhưng với Kevin Smith lại xoay quanh “mớ bòng bong” câu hỏi hóc búa trong cuộc sống, chẳng hạn bản chất thực sự của ý thức là gì. 

Khi cố gắng trả lời những câu hỏi này, chúng ta phải nhờ đến Song quan luận giả tạo - lối ngụy biện yêu cầu chọn một trong hai lựa chọn vốn dĩ tự mâu thuẫn, không nhất quán. Sự nguy hiểm của lối lập luận này nằm ở chỗ nghe nó... rất hợp lý, và nếu không chấp nhận nó thì chúng ta đang vi phạm nguyên tắc chống mâu thuẫn. Phim ảnh đem tới tư duy anh hùng đứng giữa lằn ranh sinh - tử, vượt qua thách thức bằng cách nhận thấy sai lầm trong quá trình đưa ra quyết định đầy gian khổ. Đó là hành trình tìm kiếm ý thức và cuối cùng xác định những nghịch lý cần phải giải quyết để rồi giác ngộ.

Những năm 1960, người Mỹ bắt đầu ý tưởng siêu anh hùng để truyền tải thông điệp chúng ta phải nhận ra những nghịch lý để tiến lên bản thể cao hơn. Chúng ta nhớ đến người máy Gort trong “Ngày trái đất ngừng quay” (1951), Robby từ “Hành tinh cấm” (1956), và trước đó cả trăm năm “Người hơi ở đồng cỏ Bắc Mỹ” (1868) của Edward Ellis về những cỗ máy biết suy nghĩ. “Điểm siêu việt” khởi phát khi một cỗ máy cố gắng tìm ra thời điểm tự hủy - khoảnh khắc cân não tìm lối đi an toàn sinh tồn nếu không chấp nhận buông xuôi.

Cho đến khi “Chuyến du hành không gian” (2001) ra đời, trong sứ mệnh Sao Mộc của con tàu Discovery One do siêu máy tính HAL-9000 điều khiển, nó gặp lỗi và quyết định thủ tiêu toàn bộ phi hành đoàn để che đậy khiếm khuyết. Ở vào khoảnh khắc tự diệt, HAL-9000 nhận thức về chính mình, thức tỉnh vào giây cuối cùng để cầu xin loài người bằng những từ đầy bất lực: “Làm ơn, xin đừng...”. Nhân vật kiểu HAL-9000 ẩn ý rằng sự hy sinh sau cuối, thậm chí hủy hoại bản thân, không phải là cách để chúng ta tìm thấy bản ngã tốt đẹp hơn của chính mình.

Người sắt trong thế giới của thực tại: Thức tỉnh sau nghịch lý -0
Nhờ phim ảnh và hiệu ứng mờ ảo, chúng ta tạo nên vũ trụ siêu anh hùng hiện đại, mở ra cánh cửa khám phá thế giới tính cách đa chiều.

Trong cuộc sống, nhiều người, thay vì kiếm tìm giải pháp cho vấn đề cá nhân, lại ngập chìm trong rượu, chất kích thích, những thú vui trụy lạc hay bất cứ thứ gì khiến tâm trí tạm thời quên đi mọi khó khăn. Thứ họ nhận được, hay “cảm giác cao siêu” mà Luke Lafitte miêu tả, chỉ là giả tạo. Tony Stark từng như thế, là một kẻ nghiện rượu, trong cảnh tiệc tùng đã gây nguy hiểm cho nhiều người và phá hủy ngôi nhà của mình. Trong suốt sự nghiệp,Tony Starkđã đưa ra một số quyết định sai lầm, đôi khi còn sắm vai phản diện, tạo ra các loại thiết bị tàn phá để chống lại các vị thần. Bản chất vô trách nhiệm là một phần lý do khiến chính phủ muốn kiện anh.

Niềm tin và trách nhiệm

Ở những thế giới giả tưởng khác, như “Thế giới miền viễn tây” chẳng hạn, dù ra đời từ năm 2016 nhưng vẫn cho thấy tham vọng của loài người tìm ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Xoay quanh một công viên robot nhằm thỏa mãn nhu cầu giết chóc, tình dục và du ngoạn của người tham gia, “Thế giới miền viễn tây” là hành trình của những robot có được ý thức và khát khao tự do. Luke Lafitte tự hỏi phải chăng ngoài đời thực chúng ta cũng muốn điều tương tự, thoát khỏi mọi kìm kẹp, tìm thấy hướng đi cho từng ngày sống trên Trái Đất bằng cách nhìn sâu vào nội tâm?

Đã có vô số lời tưởng nhớ trìu mến về “ông trùm Marvel” Stan Lee kể từ khi người đàn ông vĩ đại này qua đời năm 2018. Dưới ngòi bút của ông, nhiều siêu anh hùng huyền thoại ra đời, mở cánh cửa huyền bí cho phép loài người đối diện mơ hồ và mâu thuẫn trong trải nghiệm không gian ba chiều trước khi đem những lợi ích về trí tuệ cùng tính siêu việt quay trở về thực tại. Hồi ký “Một cuộc đời kì diệu” nhắc lại hy vọng của Stan Lee về những người hùng khuấy động tư duy giải quyết vấn đề, từ đó kích động sự thao thức và chấm dứt sự tự mãn trong con người.

Tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, người thường, giống như siêu anh hùng, luôn tìm cách chạm tới điều không thể. Mê cung cuộc sống vốn rối rắm, chúng ta mượn hình tượng siêu anh hùng để kiểm soát và thu thập thông tin tốt hơn về chính mình, về mục đích tồn tại của mỗi cá thể. Tony Stark, nhà phát minh tỷ phú và người đứng đầu Stark Industries, lần đầu tiên xuất hiện trên truyện tranh Marvel vào tháng 3/1963, trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Nhưng Stan Lee đã không chỉ đơn thuần tạo ra một siêu anh hùng phản trực giác với Tony Stark. Ông đã phát triển một nhân vật phức tạp với tính cách nhân văn thực sự chi phối toàn bộ mạch truyện.

Một cậu bé thiên tài không thể cưỡng lại nhận thức “tôi biết mình phải làm gì và trong lòng hiểu rằng điều đó là lẽ dĩ nhiên”. Thật khủng khiếp khi trở thành thiên tài, hiểu được những bí ẩn của vật lý và cơ học, nhưng lại không biết lời đáp cho câu hỏi hiện sinh, đơn giản nhất: “Tôi nên làm gì”. Người sắt là một anh hùng của nghịch lý và siêu việt. Anh ấy nói với chúng ta rằng tất cả những gì xảy ra với con người - tất cả những gì do anh ta làm, tất cả những gì đến từ anh ta - đều xảy ra do trạng thái ý thức của anh ta. Câu hỏi đặt ra là có nên hành động hay không.

Người sắt trong thế giới của thực tại: Thức tỉnh sau nghịch lý -0
Tin vào bản thân là tuyên bố đanh thép về lòng trung thành với bản ngã hoàn thiện hơn của chính mình trong tương lai.

Tony Stark tồn tại trong mối quan hệ với ý thức, với nhận thức về sức mạnh và trách nhiệm để hiện thực điều không thể. Nhờ khả năng tưởng tượng, Stan Lee sáng tạo hình ảnh người hùng không ai khác chính là bản sao cao cấp của chính ông ở “Trái Đất song song”. Trên thực tế, bộ đồ Người sắt tự đảm nhận một cuộc sống riêng, bảo vệ người tạo ra nó theo nhiều cách. Người sắt hiểu rằng sức mạnh anh mang trong mình cản trở ước mơ về tình yêu đôi lứa và gia đình, bởi lẽ siêu anh hùng phải hoàn thành trọng trách bảo vệ loài người. Đối diện với khó khăn, anh nhận ra bản thân có thể gây dựng những mối quan hệ, miễn là anh nhận thức được những vấn đề mà chúng tạo ra.

Trong số nhiều nghịch lý mà Tony Stark phải vượt qua, trở ngại khó khăn nhất là phát hiện và đánh giá các biến số vô danh trước khi bắt tay hành động. Vượt qua nghịch lý không có nghĩa là bỏ qua vấn đề - mặc dù Tony Stark từng có suy nghĩ rằng mọi khó khăn đều xuất phát từ một nguồn cố định rõ ràng. Cuối cùng, anh ấy hiểu rằng trực giác và trái tim quan trọng hơn thứ logic lạnh lùng điều khiển hầu hết các hành động hàng ngày. Sự biến chuyển diễn ra khi Tony Stark tự thấy mình phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng sai siêu năng lực, để rồi thay đổi và hướng đến nhiệm vụ bảo vệ tương lai.

Thông qua xáo trộn nội tâm, hình tượng Người sắt đã giải đáp những thắc mắc về con người thực của chúng ta, về lý do chúng ta có mặt trên cõi đời này, về mục đích tối thượng trong cách chúng ta hành động. Cảm giác tội lỗi mang lại cho Người sắt mục đích hành động rõ ràng, định hình tư duy của một siêu anh hùng, nhưng hướng đến con người ngoài đời thực: nếu từng mắc sai lầm trong quá khứ thì phải sửa chữa ở tương lai. Luke Lafitte kết luận chúng ta phải từ bỏ việc đầu độc cơ thể bằng rượu hay chất kích thích, dừng nhồi nhét vào tâm trí những nỗi sợ ảo tưởng. Giống như Người sắt, tin vào bản thân không chỉ phản ánh sự lạc quan mà còn thể hiện tuyên bố đanh thép về lòng trung thành với bản ngã hoàn thiện hơn của chính mình trong tương lai...

Việt Dũng
.
.