Myers-Briggs, Big Five và những đôi tay phẫu thuật

Chủ Nhật, 16/10/2022, 13:27

Dr.Glaucomflecken nổi đình đám trên mạng xã hội, với tài khoản TikTok gần 2 triệu người theo dõi. Là một bác sĩ kiêm diễn viên hài, Dr.Glaucomflecken dành thời gian quay những đoạn phim ngắn mô phỏng lại các chuyên khoa chăm sóc sức khỏe khác nhau cùng những phẩm chất nổi bật của người trong ngành. Điều lý thú nhất nhân vật này đem tới cho công chúng là hình ảnh nhập vai một bác sĩ phẫu thuật có cá tính đầy bất ngờ: cộc cằn, ưa quát nạt và cực kỳ khó gần.

Vai phản diện của quá khứ

Chăm chỉ lướt kênh TikTok của Dr.Glaucomflecken, chúng ta dễ dàng nhận thấy anh đang cố gắng phác họa một lịch sử đầy biến động về cá tính lý tưởng cùng khuynh hướng cảm xúc của giới chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Trong những khuôn mẫu này, bác sĩ phẫu thuật sở hữu một số đặc điểm nổi bật: chủ yếu là nam giới, lạnh lùng, độc đoán, với phiên bản "tồi tệ nhất" mà chúng ta tưởng tượng ra là con người ưa ca thán, thậm chí mang khuynh hướng bạo lực kiểu "bom nổ chậm". Chẳng ai đoán được họ nghĩ gì, chưa kể tới hành động. Dr.Glaucomflecken gọi họ là bác sĩ X, cắt trước, hỏi sau, tuyệt nhiên chẳng bao giờ nghi ngờ động cơ làm việc của mình.

Myers-Briggs, Big Five và những đôi tay phẫu thuật -0
Từng có thời điểm, những bác sĩ phẫu thuật được miêu tả với cá tính lạnh lùng, độc đoán, mang khuynh hướng bạo lực kiểu "bom nổ chậm".

Trong hình dung của Dr.Glaucomflecken, bác sĩ X giỏi chuyên môn về các ca khó, nhưng kỹ năng mềm lại tệ hại, không giỏi bày tỏ lòng trắc ẩn hay giao tiếp với thế giới loài người. Dường như X thiếu trí tuệ cảm xúc, dễ rơi vào trạng thái làm việc với thái độ khinh suất, đôi khi khả năng tách rời cảm xúc biến X thành "vai phản diện", gây tổn hại tâm lý cho cả bản thân và bệnh nhân. Ít người biết rằng X từng được nhà văn Scotland Dr.Glaucomflecken phác hoạ qua “Bác sĩ trong nhà” (1952) trước khi xuất hiện trên màn ảnh với chân dung bác sĩ phẫu thuật Lancelot Spratt đầy ám ảnh.

Tự nhận là kẻ độc tài, Lancelot Spratt sải bước ung dung ở hành lang bệnh viện, còn đám thực tập sinh sợ hãi rón rén theo sau. Trong một cảnh mang tính biểu tượng, Lancelot Spratt đứng trước giường một bệnh nhân, "nã" những tràng dài câu hỏi đậm chất y khoa vào lũ sinh viên ngơ ngác, xổ ra mấy từ khó nghe như thể triệt đường sống người bệnh, trước khi dùng tay vẽ một đường dài trên bụng bệnh nhân, rồi từ tốn nói với người đang nằm co ro trên giường với gương mặt tái nhợt: "đừng lo lắng, chỉ là ví dụ minh họa cho đám con nít mà thôi".

Vào thời điểm “Bác sĩ trong nhà” xuất bản, nguyên mẫu mà Lancelot Spratt nhân cách hóa thực chất ra đời trước đó... 50 năm. Tuy nhiên, sự kết thúc của triều đại Victoria chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thứ cá tính chịu đựng nghịch cảnh trong giới y khoa. Vào buổi bình minh của thế kỷ 20, văn hóa y học và xã hội đã thay đổi. "Thuốc thần" gây mê và khử trùng ra đời, đồng nghĩa với việc phẫu thuật trở nên hiệu quả hơn. Những cảm giác bộc phát trở nên ít được chấp nhận và, như nhà sử học Michael Brown đã chỉ ra, nghề chữa bệnh trở nên tập trung vào những đóng góp cho lợi ích quốc gia, đòi hỏi thứ cá tính ôn hòa, mềm mỏng và chiều lòng người bệnh hơn xưa.

Richard Gordon và Dr.Glaucomflecken chỉ là hai trong số những minh chứng cho tính thoạt nghe vô cùng tiêu cực của bác sĩ X phẫu thuật đã tồn tại qua những năm 1950, và vẫn còn đâu đó ở thời điểm hiện tại. Bản thân Richard Gordon từng chế giễu bác sĩ phẫu thuật, nhưng suy cho cùng cá tính là thứ chuyên biệt của một ngành nghe, ẩn chứa nhiều khía cạnh khác chỉ X mới thấu hiểu. Đối với Michael Brown, bên cạnh một vài đặc tính tiêu cực, ra quyết định nhanh chóng, khả năng trao quyền đối với bệnh nhân và đồng nghiệp, cùng kỷ luật cảm xúc mới tạo nên một bác sĩ phẫu thuật giỏi. Đây chính là "chế độ cảm xúc", hình thành những quy tắc ứng xử đạo đức bất thành văn rất đặc trưng của giới... cầm dao mổ.

Có ý kiến cho rằng, khi phẫu thuật là một công việc thường quy trong thời đại y học công nghiệp hóa, "vai phản diện" lại trở thành lợi thế. Tư duy này xóa bỏ hoàn toàn suy nghĩ phổ biến rằng cảm xúc phải tách rời hành động vì đa số quan ngại tâm lý con người hình thành bức tường rào vô hình, cản trở khả năng của bác sĩ phẫu thuật tiến hành công việc hiệu quả. Giờ đây, người ngoài cuộc, từ nhà văn, người sáng tạo nội dung TikTok cho đến nhà sản xuất truyền hình, hay đội ngũ hoạch định chính sách y tế, bắt đầu nhận ra bản chất thực sự của kẻ trong ngành.

Myers-Briggs, Big Five và những đôi tay phẫu thuật -0
Vẫn tồn tại tư tưởng chỉ có đàn ông sở hữu các tiêu chuẩn phù hợp mới thăng tiến trong môi trường phẫu thuật, còn phụ nữ tiếp tục gặp trở ngại vì định kiến xã hội.

Những bài kiểm tra tính cách

Trong quá khứ, bộ quy tắc ứng xử luôn được duy trì, còn phẩm chất của bác sĩ phẫu thuật thường do đồng nghiệp, bệnh nhân và cả xã hội đánh giá. Vào giữa thế kỷ 20, chúng ta chứng kiến xu hướng con ông cháu cha trong ngành, những cuộc chuyện trò chớp nhoáng, và lựa chọn đôi tay phẫu thuật chủ yếu dựa vào... cảm tính phù hợp với văn hóa bệnh viện. "Cơn đau mãn tính" của ngành đào tạo phẫu thuật hiện nay, như cách nhà báo Agnes Arnold-Forster miêu tả, khiến tỉ lệ bỏ việc của bác sĩ tại Mỹ lên đến 30%. Theo đó, cứ 1 trong 3 người bắt đầu với tư cách là bác sĩ phẫu thuật sẽ chuyển sang chuyên khoa khác hoặc quyết định ra khỏi ngành y.

Sự chuyển dịch mạnh mẽ bắt đầu vài thập kỷ trở lại đây, khi ngày càng nhiều bài kiểm tra năng lực, thư giới thiệu và phỏng vấn chuyên sâu được ưa chuộng. Chúng ta ủng hộ việc kiểm tra tính cách như phương pháp cốt lõi xác định người phù hợp nhất với nghề, đồng thời loại bỏ cá nhân không thể đáp ứng yêu cầu công việc. Agnes Arnold-Forster tin tưởng một bài kiểm tra tính cách khách quan được tiêu chuẩn hóa có thể loại bỏ bất bình đẳng, chuyên chế và thành kiến vẫn tiếp tục tràn ngập trong ngành phẫu thuật hiện tại. Ví dụ nổi bật liên quan đến trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs, với các chỉ số phân loại trắc nghiệm tâm lý để tìm hiểu cách con người nhận thức thế giới xung quanh.

Myers-Briggs phân loại tính cách dựa trên 4 nhóm cơ bản, mỗi nhóm là một cặp lưỡng phân, tạo thành 16 nhóm tính cách. Theo đó, chúng ta có thể Hướng ngoại hay Hướng nội, là kiểu người quyết định dựa vào Lý trí hay Cảm xúc, thích tìm hiểu và nhận thức qua Giác quan hay Trực giác, rồi cuối cùng hành động theo Nguyên tắc hay Linh hoạt. Dù phổ biến nhưng Myers-Briggs cũng bị chỉ trích rộng rãi bởi điểm yếu về phương pháp luận, cũng như kém hợp lệ về thống kê. Lúc này, chúng ta tìm kiếm sự hoàn hảo ở bài kiểm tra Big Five, ra đời năm 1980, đánh giá mức độ cao thấp của 5 yếu tố: Hòa đồng, Tự chủ, Ổn định cảm xúc, Hướng ngoại và Sẵn sàng trải nghiệm.

Agnes Arnold-Forster dẫn lại kết quả nghiên cứu Big Five mà anh cho rằng đáng tin cậy hơn so với Myers-Briggs. Những đôi tay phẫu thuật giỏi đạt điểm cao hơn đáng kể ở một số đặc điểm nhất định, bao gồm Hướng ngoại, Tự chủ và Ổn định cảm xúc. Không có gì bất ngờ khi một bác sĩ thạo việc thường quyết đoán, có tổ chức và kỹ lưỡng thay vì quá hào phóng, cảm thông, có xu hướng lo lắng hay thương hại người khác. Sự phong phú của nghiên cứu về tính cách bác sĩ phẫu thuật cho thấy chủ đề hấp dẫn như thế nào. Phần lớn trong số đó được tiến hành bởi chính người trong ngành, tham vọng nâng cao vị thế nghề nghiệp cùng danh tiếng thay vì chịu đựng cảnh con ông cháu cha, quyết định bỏ việc đầy nuối tiếc và cảm giác kiệt sức cuối ngày dài.

Tất nhiên, chúng ta thừa hiểu phẫu thuật là một nghề cực kỳ phức tạp. Mối quan hệ giữa các bài kiểm tra tính cách với giới tính, văn hóa, dân tộc và tuổi tác không hề đơn giản. Big Five tiết lộ sự khác biệt lớn về tính cách giữa hai giới tính, nhưng tùy thuộc vào việc chúng ta lựa chọn mình là nam hay nữ, những câu trả lời giống nhau có thể tạo ra các đánh giá tính cách khác nhau. Agnes Arnold-Forster từng viết trong “Cuộc đời phía sau phòng phẫu thuật”, ổn định cảm xúc từ lâu đã trở thành đặc tính quan trọng của bác sĩ lý tưởng, và chỉ có nam giới mới thể hiện yếu tố này. Trong khi đó, Big Five coi hoà đồng là chìa khoá cho thành công, vốn dĩ thuộc về cá tính nữ giới.

Rõ ràng, vẫn tồn tại tư tưởng chỉ có đàn ông sở hữu các tiêu chuẩn phù hợp mới thăng tiến trong môi trường phẫu thuật, còn phụ nữ tiếp tục gặp trở ngại vì định kiến xã hội. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, điều tạo nên một bác sĩ phẫu thuật giỏi là sự thay đổi liên tục, bên cạnh chuyên môn cao. Tư duy tính cách chỉ là phần nổi, chúng ta muốn giữ được đôi tay tài hoa của nghề thì phải nhìn sâu vào phần chìm của tảng băng. Chúng ta hướng đến những chính sách cải cách môi trường làm việc toàn diện, nâng cao quyền tự chủ, hoạch định giờ làm nhân đạo, và quan trọng nhất, xóa bỏ phân biệt đối xử trong ngành phẫu thuật để mọi người đều có cơ hội phát triển... 

Việt Dũng
.
.