Thưởng, phạt bằng “tư”

Thứ Tư, 28/09/2022, 10:00

Đọc sử cũ, hẳn chúng ta nhớ sự kiện được “Đại Việt sử ký toàn thư” mô tả, khi nói đến vị vua mê mải ăn chơi quên việc triều chính Trần Dụ Tông: “Nhà vua buông tuồng chơi bời vô độ. Tính nghiện rượu, thường với quan chính chưởng phụng ngự ở cung Vĩnh An là Bùi Khoan đến cùng uống rượu. Bùi Khoan dùng kế giả vờ uống hết trăm thưng rượu, được thưởng tước 2 tư”. Vậy “2 tư” ở đây là gì?

Chúng ta có thể đoán “thưởng tư” là một cách thưởng. Đọc thêm trong “Toàn thư”, có thể thấy thêm ở thời Vua Trần Minh Tông, niên hiệu Đại Khánh năm thứ 2 (1315), chưởng phụng ngự Nguyễn Bính, nguyên là cận thần của Thượng hoàng Trần Anh Tông được cử đứng đầu hành nhân sang sứ nước Nguyên, khi  trở về không mua thứ gì, Thượng hoàng Trần Anh Tông khen ngợi, đặc cách ban thưởng cho Nguyễn Bính 2 tư.

Các sử quan thời xưa giải thích thêm, theo lệ cũ, những người đi sứ nước Nguyên về, mỗi người được ban tước 2 tư, người đứng đầu hành nhân trở xuống, thì mỗi người được ban 1 tư. Nhưng, do Nguyễn Bính là người trong sạch, thẳng thắn nên được thưởng tới 2 tư.

Thưởng, phạt bằng “tư” -0
Tái hiện sân khấu hóa buổi thiết triều đầu năm mới tại điện Thái Hòa, Huế. Ảnh: L.G

Đến đây, lần giở phần chú giải các cuốn sử cũ, chúng ta sẽ biết, “tư” ở đây là một thứ điểm mà các triều đại phong kiến xưa dùng để ghi thưởng hay ghi phạt các quan lại. Khi thưởng thì ban cho 1 hay nhiều tư, khi phạt thì giáng xuống 1 hay nhiều tư. Đến cuối khóa một hạn là 3 hay 6 năm, sẽ tính cộng số tư thưởng hoặc trừ số tư phạt, còn lại bao nhiêu, sẽ căn cứ vào đó mà thăng hay giáng chức.

Thường thì chỉ các quan lại mới được thưởng tư. Nhưng, cũng có khi, vua thưởng tư cho người dân. Như vào tháng 2 năm Nhâm Tuất, niên hiệu Thiệu Long năm thứ 5 đời Vua Trần Thánh Tông (1262), Thượng hoàng Trần Thái Tông về thăm đất tổ của nhà Trần là hành cung ở làng Tức Mặc, đã quyết định nâng làng Tức Mặc lên làm phủ Thiên Trường, dựng cung Trùng Quang (để thượng hoàng ở), Trùng Hoa (để nhà vua ở) và chùa Phổ Minh ở phủ ấy. Nhân sự kiện trọng đại này, Thượng hoàng ban yến tiệc cho dân, rồi ban thưởng cho mỗi ông già trong làng, người 60 tuổi trở lên, được quan tước 2 tư, đàn bà thì cho hai tấm lụa.

Các nhà làm sử thời Nguyễn, khi biên soạn bộ chính sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, đã chú giải cặn kẽ rằng: “Tư, có nghĩa là tư cách. Mục "Bách quan chí" trong bộ “Đường thư” chép rằng: Xét công trạng các quan chia ra nhiều tư: Thượng tư, thứ tư và hạ tư, người bạch đinh và vệ sĩ không có tư. Còn mục "Tuyển cử chí" trong “Đường thư” chép: Lại bộ thượng thư Bùi Quang Đỉnh mới đặt thể lệ theo tư cách, các viên chức không kể người hiền, người ngu, tất phải hợp tư cách mới được bổ dụng, nghĩa là theo địa vị để tuyển dụng có một cách thức nhất định”.

Như vậy, chuyện phân ra các “tư” để thăng, giáng các quan ở nước ta xuất phát từ thời Đường bên Trung Quốc. Thời nhà Hồ, niên hiệu Khai Đại năm thứ 3 đời Vua Hồ Hán Thương (1405), Thượng hoàng nhà Hồ là Hồ Quý Ly thấy mình tuổi đã 70 bèn ban ơn cho phụ lão các lộ, những người từ 70 tuổi trở lên, đàn ông được ban tước 1 tư, đàn bà được ban cho tiền giấy, phụ lão ở kinh thành được ban tước và được hội họp uống rượu.

Vua Lê Thánh Tông, vào năm Hồng Đức thứ 4 (1473), nhân sự kiện làm xong thần tỷ (ấn báu) vào tháng 6, cũng xuống chiếu ban ơn cho các quan và trăm họ, mỗi người 1 tư.

Vậy, tổng số “tư” mà mỗi chức quan có là bao nhiêu? Điều này được thể hiện trong đoạn sử chép sự kiện tháng 9 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), Vua Lê Thánh Tông cho định quan chế, quy định về việc phong các tước cho những người trong hoàng tông, từ thân vương, tự thân vương, công, hầu, bá, tử, nam, phân bậc cho trăm quan văn võ, trong đó bên văn có 9 bậc, từ chánh nhất phẩm đến tùng (tòng) cửu phầm. Võ giai có 6 bậc, từ chánh nhất phẩm đến tùng lục phẩm. Mỗi bậc lại có 2 cấp là chánh và tùng. Triều đình quy định từ phẩm trật cao nhất đến thấp nhất tổng cộng có 24 tư.

Cụ thể hơn, các quan văn võ, người được dự phong quốc công là thượng trật 24 tư, quận công thượng giai 23 tư, hầu thượng liên 22 tư, bá thượng ban 21 tư, tử thượng tự 20 tư, nam thượng chế 19 tư, chánh nhất phẩm thượng tuyển 18 tư, tùng nhất phẩm thượng liệt 17 tư, chánh nhị phẩm trung trật 16 tư, tùng nhị phẩm trung giai 15 tư, chánh tam phẩm trung liên 14 tư, tùng tam phẩm trung ban 13 tư, chánh tứ phẩm trung tự 12 tư, tùng tứ phẩm trung chế 11 tư; chánh ngũ phẩm trung tuyển 10 tư, tùng ngũ phẩm trung liệt 9 tư, chánh lục phẩm hạ trật 8 tư, tùng lục phẩm hạ giai 7 tư, chánh thất phẩm hạ tự 4 tư, tùng bát phẩm hạ chế 3 tư, chánh cửu phẩm hạ tuyển 2 tư, tùng cửu phẩm hạ liệt 1 tư.

Ngoài ra, năm Hồng Đức thứ 3 (1472), triều Lê cũng mới bắt đầu định về tư cách tiến sĩ, trong đó bậc đệ nhất giáp, đệ nhất danh (trạng nguyên) được hàm chánh lục phẩm, 8 tư; đệ nhị danh (bảng nhãn) được hàm tùng lục phẩm, 7 tư; đệ tam danh (thám hoa) được hàm chánh thất phẩm, 6 tư; đệ nhị giáp (hoàng giáp) được hàm tùng thất phẩm, 5 tư; đệ tam giáp (đồng tiến sĩ xuất thân, vẫn gọi chung là tiến sĩ) được hàm chánh bát phẩm, 4 tư. Các sử quan triều Lê ghi rõ: “Tiến sĩ có tư cách bắt đầu từ đây”.

Các vị vua không chỉ thưởng tư cho các quan đương thời mà còn truy tặng cho các công thần quá cố. Như sau khi Vua Lê Nhân Tông lên ngôi năm 1453 đã ban bố các điều đại xá cho cả nước, trong đó có điều khoản truy tặng cho các công thần khai quốc của nhà Lê như Lê Lễ, Lê Bị và Lê Triện, mỗi người thêm tước 1 tư.

Trong khi các công thần khai quốc chỉ được Vua Lê Nhân Tông thưởng có 1 tư thì Vua Lê Tương Dực, sau lật đổ Vua Lê Uy Mục để lên ngôi, vào năm Hồng Thuận thứ 2 (1510), đã ban thưởng hậu hĩnh cho những người phò giúp mình, có người được thưởng tới 5 tư.

“Toàn thư” chép lại chi tiết nội dung tờ chiếu ra ân của Vua Lê Tương Dực rằng: “Những viên nhân các xứ Sơn Nam có dự theo nghĩa quân ở Tiêu Viên và theo nghĩa quân doanh tại các huyện Yên Ninh, Yên Mô, Phụng Hóa, Gia Viễn, ai có quan chức thì thưởng 5 tư, ai chưa có quan chức thì tha không phải tuyển lính, theo như lệ đòi bắt cũ, thay phiên nhau tập luyện võ nghệ và túc trực. Người nào tạm ở lại túc trực thì tính công cũng như người túc trực, đã có quan chức thì thăng 1 cấp, chưa có quan chức thì bổ chánh cửu phẩm.

Người nào có túc trực được tuyển vào hộ vệ mà không theo nghĩa quân thì bổ tòng cửu phẩm. Các hạng vệ sĩ, tuấn sĩ, con cháu công thần, nho sinh, giám sinh, văn thuộc, người nào siêng năng, tài cán, mạnh khỏe thì bổ làm hộ vệ, người nào siêng năng, tài cán nhưng không khỏe mạnh thì bổ các chức bên ngoài. Quân lính và nhân dân, ai có quân công, đều cho quan có trách nhiệm tùy theo thứ bậc mà bổ dụng, con cháu đều được tập ấm. Viên nhân các xứ, người nào có đến thành Tây Đô theo xa giá, có công thì thưởng quân công cũng như viên nhân xứ Thanh Hoa.

Còn như nhân viên các huyện Thanh Đàm (Thanh Trì), Thượng Phúc, Thanh Oai, Từ Liêm trấn giữ hoặc thay phiên gác các điếm ngoài hoàng thành, người đã có quan chức thì thưởng 1 cấp, người chưa có quan chức thì được tha tuyển lính phỏng theo lệ đòi bắt cũ, thay nhau 20 phiên giữ các điếm ngoài hoàng thành và tập võ nghệ. Nếu là người thay phiên nhau túc trực mà không trấn giữ thì thưởng 5 tư, thay nhau 20 phiên mà giữ điếm ngoài hoàng thành. Các nho sinh, sinh đồ được thưởng 5 tư”.

Đời Vua Lê Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ 3 (1665), nhà Lê chỉnh lại điều lệ phẩm thứ bổ dụng, để xét những quan quân từng có quân công, trước đã được trao chức và thêm tư, lại được chiếu theo thứ bậc về công trạng và theo phẩm cấp mà thăng bổ.

Đến cuối thời Lê Trung Hưng, viên tân khoa tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường được bổ làm chức Giám sát ngự sử, rồi Cẩn sự lang Giám sát Ngự sử đạo Hưng Hóa, được chúa An Đô vương Trịnh Cương tin dùng, cho nhậm chức tiến triều thao tác, thưởng 4 tư.

Không chỉ người có công phò giúp nhà vua mới được thưởng tư, những người có công vận tải thóc cũng nhận được ân điển như vậy. Như đời Vua Lê Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 2 (1517), nhà vua thấy hững người vận tải thóc công ở Thuận Hóa 2 lần đều siêng năng cả nên ra lệnh thưởng công, nếu là quan viên thì thăng 1 cấp, thưởng 2 tư; nếu là hạng lực sĩ, dũng sĩ, võ sĩ cũ làm lâu năm đã có xuất thân thì gửi về bản quán, nếu tình nguyện, cho như hạng nhất thân, bổ làm trung úy; còn hạng mới tuyển, có chân xuất thân từ bổ vũ úy, trật chánh bát phẩm, chia vào các vệ túc trực. Về văn thuộc, nếu có xuất thân cùng quân sắc và dân chúng thì bổ phó vũ úy, trật tùng bát phẩm.

Lịch sử cũng ghi lại những trường hợp các quan mắc lỗi bị phạt tư. Như thời Vua Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 6 (1448), nhà vua thấy Thẩm hình đại phu là bọn Trình Mân, Nguyễn Văn Kiệt và Lê Bá Viễn để đọng hình ngục nên sai Ngự sử trung thừa Hà Lật đến viện Ngũ hình để kiểm soát, thấy còn đọng lại đến 125 bản án chưa xét xử dứt khoát. Bấy giờ, các đại thần mới tâu xin nhà vua sai các quan ở Ngự sử đài 5 đạo kết hợp với ti Tường hình duyệt hết các bản án, đừng để cho việc hình ngục phải ứ đọng, gây đau khổ cho dân. Sau đó, Vua Lê Nhân Tông biếm truất bọn Trình Mân và Văn Kiệt mỗi người xuống 1 tư.

Số “tư” liên quan mật thiết đến việc thăng, giáng chức quan. Vì vậy, năm 1823, Vua Minh Mạng khi sai thự Tiền quân Trần Văn Năng vào làm Phó tổng trấn Gia Định, đã dặn ông này rằng: “Trẫm từ khi nối ngôi đến nay, một tư hay nửa cấp chưa từng khinh suất mà cho là vì thế”.

Lê Tiên Long
.
.