Dập tắt Hỏa Diệm Sơn

Thứ Năm, 27/10/2022, 12:38

“Phải có được lý trí của sự bùng nổ, chứ không phải là sự bùng nổ của lý trí”. Tức là ngay cả khi những trạng thái cảm xúc như đau buồn, cáu giận lên tới đỉnh cực thì cũng làm chủ được nó. Nhưng, sao có thể làm chủ được?

Ai đó vay ta một khoản tiền lớn không trả, giờ còn quay lại thách thức ta. Ai đó bán đứng sau lưng ta, khiến ta mất nhà mất cửa, mất vợ mất con, giờ còn quay lại trêu người ta. Ai đó luôn chòng ghẹo, đố kị ta, sẵn sàng làm mọi cách để ta thất bại và khi ta đã thất bại thì họ hả hê ra mặt, dương dương tự đắc. Trước những người như thế, cảm xúc của ta có bùng nổ không? Lý trí của ta có bùng nổ không? Toàn bộ guồng máy tâm - thân ta có bùng nổ không?

Có chứ! Nó có thể bùng nổ như một “Hỏa Diệm Sơn”, thiêu cháy người kia và cũng sẵn sàng thiêu cháy luôn chính mình. Chẳng có chiếc xe cứu hỏa nào có thể phun nước, dập tắt “Hỏa Diệm Sơn” ngùn ngụt ấy. Vậy thì chẳng nhẽ hết cách rồi? Đúng! Nếu đợi tới khi “Hỏa Diệm Sơn” bốc lên mới đi “cấp cứu” thì quả là vô phương cứu chữa.

Dập tắt Hỏa Diệm Sơn -0
Ảnh: L.G..

Nhưng, khi “Hỏa Diệm Sơn” chưa bốc lên, ta đã có thể hành động trước rồi. Ở trong bất cứ ai cũng vậy, luôn có một mầm mống “Hỏa Diệm Sơn”. Ngày thường, mầm mống ấy nằm tận đẩu tận đâu trong thế giới tâm thức. Mà không chỉ nằm tận đẩu tận đâu, nó còn nhắm mắt ngủ. Thậm chí là ngủ dài, ngủ lâu, ngủ kĩ. Chính vì thế ta cứ nghĩ trong mình không thể có “Hỏa Diệm Sơn” và ta phải trả giá vì ý nghĩ đó. Nếu xác định ngay từ đầu rằng những cảm xúc tiêu cực có thể bùng lên trong mình bất cứ lúc nào, sau một kích thích đủ độ nào đó của hoàn cảnh thì chắc chắn ta đã chuẩn bị những phương án... dập lửa từ xa.

Chuẩn bị cách nào? Ý thức về sự tồn tại của nó, đấy chính là sự chuẩn bị đầu tiên, quan trọng nhất. Sau đó cũng phải ý thức rằng, bên cạnh một “Hỏa Diệm Sơn” ngủ ngầm ở sâu thẳm trong ta cũng có một đại dương ngủ ngầm. Việc của ta là hằng ngày, hằng giờ không ngừng quan sát đại dương ấy, chăm sóc đại dương ấy, nuôi nấng đại dương ấy, để làm sao nó không còn ngủ ngầm nữa, mà hiện hữu rõ ràng. Nó đã hiện hữu rồi lại càng phải tìm cách làm nó hiện hữu mạnh mẽ hơn. Đấy là đại dương của cái đẹp, của lòng trắc ẩn, của tinh thần nhân ái, của biết bao nhiêu năng lực rung động tích cực trước cuộc đời.

Khi ta không ngừng làm việc thiện, nghĩ điều thiện thì chắc chắn đại dương đó không ngừng phình ra. Khi ta không ngừng biết ơn những giá trị mà đời sống cho ta, từ chỗ cho ta một sinh mạng đến chỗ cho ta cái ăn, cái thở, cái năng lực giao tiếp người - người thì đại dương đó cũng không ngừng phình ra. Chăm sóc cho sự mênh mông của nó, nuôi nấng cho màu xanh của nó thì chắc chắn nó không ngừng phình ra. Nếu nó phình ra đủ lớn trong tâm thức ta, chiếm một dung lượng đủ nhận diện trong tâm hồn ta thì khi “Hỏa Diệm Sơn” bốc lên, trong ta đã có năng lực “cứu hỏa” tự thân rồi.

Dập tắt Hỏa Diệm Sơn -0
Ảnh: L.G..

Tại sao cả hai nhân viên cùng tham gia một dự án, cùng bị sếp mắng, mắng oan, nhưng một người do không chịu được cái oan nên đùng đùng nổi giận, mất ăn mất ngủ cả tuần lễ, còn một người chỉ bức xúc tức thời rồi mau chóng cho qua. Tại vì, trong lòng người thứ hai, đại dương lớn hơn núi lửa; còn trong lòng người thứ nhất, đại dương nhỏ hơn núi lửa. Mà có khi trong lòng người ấy, đại dương chưa bao giờ được gọi lên. Thành thử, ý thức về sự hiện hữu của cả núi lửa và đại dương trong lòng mình, không ngừng chăm sóc, nuôi dưỡng đại dương qua năm tháng, đấy là điều quan trọng vô cùng.

Tuy nhiên, nuôi được đại dương không có nghĩa là dập tắt hoàn toàn được núi lửa. Có lẽ, chỉ những bậc cao nhân đắc đạo lắm mới dập tắt được núi lửa trong mình. Đa số chúng ta là những con người bình thường, không phải cao nhân đắc đạo. Vậy khi núi lửa ngọ nguậy, sân hận nổi lên, cáu giận xuất hiện, chúng ta tiếp tục phải làm gì?

Đầu tiên, phải lập tức chất vấn tri kiến của ta. Ta cáu giận, nổi trận lôi đình là câu chuyện của cảm xúc, nhưng cảm xúc thường bao giờ cũng phát sinh từ một tri kiến, một nhận thức nào đó. Ta nghĩ người kia ác với ta nên ta giận. Ta nghĩ người kia phản bội ta nên ta giận. Ta nghĩ người kia gian dối ta nên ta giận. Ý nghĩ đó đã thực sự chuẩn xác chưa? Ở đời có nhiều khi “thấy vậy mà không phải vậy”. Như khi ta thấy mặt trời mọc và cứ tưởng là mình đang nhìn thấy mặt trời mọc. Kỳ thực các nhà khoa học chứng minh mặt trời đã mọc từ khoảng 8 phút trước rồi vì phải mất khoảng 8 phút tia sáng mới có thể di chuyển từ mặt trời đến trái đất.

Cũng như khi ta thấy một người đi theo giặc và lập tức cho rằng người đó làm tay sai của giặc, nhưng sau đó lịch sử chứng mình người ấy thực chất là người của bên mình được “cài” vào, chấp nhận sống bằng một vỏ bọc khác, chấp nhận mọi sự hiểu lầm, phán xét từ phía bên mình. Đấy là một sự hy sinh hết sức lớn lao. Hay, khi ta thấy người yêu ta kiên quyết đòi bỏ ta và ta nghĩ anh ấy/cô ấy chạy theo một người khác, phải đến cả năm sau, khi anh ấy/cô ấy nằm xuống ta mới biết rằng người yêu ta mắc bệnh nan y, quyết định “giải thoát” cho ta, để ta sớm có cơ hội đi tìm chân trời mới. Rất nhiều người tự tin với nhận thức/tri kiến của mình và vì sự tự tin một chiều đó mà trách nhầm, mắng nhầm, cáu giận nhầm, từ đó “Hỏa Diệm Sơn” cũng hiện hữu nhầm.

Soi xét lại tri kiến rồi, ta vẫn giận thì sao?

Lúc này bắt buộc phải tách ta khỏi ta, để tự quan sát cơn giận của ta. Nếu ta cứ đồng nhất mình với cơn giận, cho rằng mình là cơn giận và cơn giận là mình thì chắc chắn cơn giận không thể hết đi. Năng lực phân tách do vậy rất quan trọng. Và, năng lực này phải được tập luyện một cách định kỳ. Khi niềm vui đến, ta tự phân tách để quan sát niềm vui. Khi nỗi buồn đến, ta tự phân tách để quan sát nỗi buồn. Và, khi cơn giận đến, ta tự phân tách để quan sát cơn giận. Dân gian hay nói: “Giận tím người”. Giận là tâm, người là thân, như vậy ở đây có mối liên hệ thân - tâm. Vậy, bản chất của mối liên hệ này là gì? Các nhà khoa học chứng mình cáu giận suy cho cùng chính là những phản ứng sinh hóa bên trong cơ thể ta.

Nếu trí tuệ nhân tạo (AI) đủ phát triển, không loại trừ khả năng loài người trong tương lai sẽ được đeo trên tay một chiếc vòng tạm gọi là vòng sinh trắc học, có liên hệ mật thiết với những phản ứng của thân. Khi một quá trình sinh hóa xảy ra trong thân, chiếc vòng ấy sẽ báo hiệu cho ta. Nhờ chiếc vòng ấy, ta biết một cơn giận chuẩn bị nổi lên, một “Hỏa Diệm Sơn” chuẩn bị nổi lên. Và, việc biết trước đó rất quan trọng, vì biết trước sẽ giúp ta đủ tỉnh táo để ngăn chặn/đối diện/vượt qua. Một chiếc vòng sinh trắc học như thế không phải trong thế giới viễn tưởng, mà là câu chuyện hoàn toàn khả thi, được sử gia Harari đề cập hết sức thuyết phục trong tác phẩm “21 bài học cho thế kỷ 21”.

Nhưng, trong lúc đa số nhân loại chưa có một chiếc vòng báo động và báo hiệu quan trọng ấy thì tự ta phải trở thành một chiếc vòng báo hiệu của ta. Năng lực phân tách bản thân, quan sát bản thân giúp ta làm điều ấy. Trong thiền học, người ta gọi đấy là tâm quan sát. Dòng tâm quan sát (nếu có) thường nổi sau dòng tâm phản ứng. Và, nhờ dòng tâm thứ hai mà dòng tâm thứ nhất được điều chỉnh. Sự điều chỉnh này được gọi là chánh niệm.

Khi “Hỏa Diệm Sơn” trong ta nổi lên, đó là tâm phản ứng nổi lên. Khi ta tách mình khỏi mình để quan sát “Hỏa Diệm Sơn” trong mình, đó là tâm quan sát nổi lên. Tâm quan sát không chiến đấu với tâm phản ứng, bởi lòng ta không phải là một chiến trường và hai dòng tâm không phải những chiến binh. Lấy tâm quan sát đấu lại tâm phản ứng là một quan niệm sai lầm. Trái lại, tâm quát sát nhìn ngắm tâm phản ứng, vuốt ve tâm phản ứng, như một bà mẹ đang nhìn ngắm, quan sát đứa con mình. Lúc đó năng lượng từ bi sẽ nổi lên. Đại dương tiềm ẩn trong ta sẽ nổi lên. Và, đại dương càng nhích lên, “Hỏa Diệm Sơn” càng co lại.

Vẫn biết mời gọi sự hiện hữu của “Hỏa Diệm Sơn” dễ hơn nhiều mời gọi sự hiện hữu của đại dương. Nuôi nấng “Hỏa Diệm Sơn” dễ hơn nhiều nuôi nấng đại dương. Mà thực ra, chẳng cần mời gọi, chẳng cần nuôi nấng, “Hỏa Diệm Sơn” luôn thường trực trong ta rồi. Nhưng, đại dương từ bi thì thực sự phải chú tâm, nuôi nấng, thực hành. Khi chúng ta ý thức đủ lớn về nó, thực hành đủ nhiều cho nó thì khi một hoàn cảnh không như ý xảy ra, thay vì cáu giận, nổi trận lôi đình, ta hoàn toàn có thể làm chủ năng lực cảm xúc của mình. Không làm nó phát tác lên tới cực đoan/cực đỉnh.

Ta làm được, chắc chắn ta làm được. Vì suy cho cùng, ta có tất cả những quyền năng để nhận thức/điều khiển tất cả những gì hiện hữu trong thế giới tâm thức của chính mình.

Phan Mỹ Chí
.
.