Tại sao con người không thể không tưởng tượng?

Thứ Ba, 21/08/2018, 09:20
Năm 1900, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Zurich, Anhxtanh thất nghiệp, phải sống nhờ trợ cấp của bố mẹ và công việc gia sư. 

Mãi sau đó, rất khó khăn ông mới được giới thiệu làm ở Cục liên bang Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ - một công việc nhàn rỗi, khiến ông chỉ mất 2 đến 3 giờ mỗi ngày.

Anhxtanh từng kể: "Bất cứ khi nào có người đi qua, tôi sẽ để giấy tờ vào ngăn kéo, giả vờ như vẫn đang làm việc". Vậy, khi không có người đi qua ông sẽ làm gì? 

Nếu bạn là một người làm văn phòng, đặt mình vào vị trí của Anhxtanh khi đó, rất có thể câu trả lời của bạn sẽ là: dán mắt vào điện thoại thông minh. 

Nếu hỏi tiếp "dán mắt vào điện thoại thông minh để làm gì", bạn sẽ dễ dàng bảo: để chơi game, để lướt web, để check in, để comment, để tham gia vào vô số những cuộc tranh luận vô bổ trên facebook. 

Có thích thú không? Thích thú quá đi chứ! Mà nếu như Anhxtanh không phải ở Thụy Sĩ, trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, mà lại ở Việt Nam, trong những thập niên đầu của thế kỷ 21 này, Anhxtanh cũng sẽ làm y như bạn cũng chưa biết chừng. 

Nhưng hẳn nhiên là trên thực tế, Anhxtanh không làm như vậy, mà làm một điều rất đơn giản nhưng rất vĩ đại, điều mà thượng đế ưu ái ban tặng cho tất cả chúng ta, nhưng chỉ có số ít những người như Anhxtanh mới biết cách sử dụng và tận dụng nó một cách hữu ích, đó là tưởng tượng!

Anhxtanh không để thời gian chết của công việc văn phòng nhàm chán cầm tù đầu óc mình. Ông để đầu óc bay bổng trong những tưởng tượng mà nếu không có nó chắc chắn đã chẳng có một Anhxtanh. Điều gì sẽ xảy ra nếu mình chạy đua cùng một tia sáng nhỉ? 

Điều gì sẽ xảy ra nếu mình có thể cưỡi lên cả một chùm ánh sáng? Sau này nhiều người gọi những tưởng tượng ấy là "những thí nghiệm tưởng tượng thị giác". Và nhờ những "thí nghiệm tưởng tượng thị giác" ấy mà thuyết “Tương đối hẹp” đã ra đời. 

Quá hiểu vai trò của tưởng tượng trong những phát minh khoa học của mình, Anhxtanh đã nói một câu nổi tiếng: "Logic sẽ đưa chúng ta từ điểm A đến điểm B, còn trí tưởng tượng sẽ đưa chúng ta tới mọi nơi". 

Quan điểm này trùng khít với một diễn ngôn nổi tiếng của Ti-mi-ria-zép: "Con người không biết tưởng tượng vẫn có thể thu thập được dữ kiện. Nhưng nếu không có tưởng tượng sẽ không có phát minh vĩ đại, loài người sẽ không phát triển cả văn minh vật chất lẫn văn minh tinh thần".

Khi Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng (năm 1969) thì chúng ta hiểu rằng đó là kết quả của một khát vọng ngàn năm, bắt đầu từ những tưởng tượng về cung trăng với những câu chuyện khác nhau của từng dân tộc khác nhau, mà gần gũi nhất với chúng ta là câu chuyện chị Hằng chú Cuội. 

Khi anh em nhà Wright làm nên một động cơ có thể bay cách mặt đất dẫu chỉ vài trăm mét (năm 1903) thì chúng ta hiểu những tưởng tượng về một ngày con người có thể bay lên không trung rốt cuộc đã thành sự thực. 

Những tưởng tượng ấy có từ thủa xa xưa với hình ảnh những vị thần được lắp vào đôi cánh trong thần thoại phương Tây hay một Tề Thiên Đại Thánh với khả năng bay lộn trên mây (cân đẩu vân) trong văn hoá học phương Đông. 

Và khi những chiếc tàu ngầm hiện đại nhất với những tính năng ưu việt nhất chính thức xuất hiện thì chúng ta trầm trồ: Ồ, sao nó có nhiều nét giống với con tàu Nautilus của thuyền trưởng Nemo trong những trang văn viễn tưởng cuối thế kỷ 19 của Jules Verne đến vậy? 

Có rất nhiều phát minh khoa học vĩ đại được chắp cánh từ sự tưởng tượng, cả tưởng tượng cá nhân lẫn tưởng tượng tộc loài. Cho nên có rất nhiều nhà khoa học lỗi lạc coi việc tận dụng tối đa quyền năng tưởng tượng là điều quan trọng bậc nhất giúp nhân loại có thể vững vàng tiến về phía trước.

Quyền năng tưởng tượng ấy có vẻ là thứ quan trọng nhất để phân bật Homo Sapiens - loài người tinh khôn, tổ tiên của chúng ta với những loài động vật khác. Chỉ có Homo Sapiens, thông qua công cụ ngôn ngữ mới có thể nghĩ và nói về mọi thứ mà thậm chí mình chưa từng nhìn thấy bao giờ. 

Cũng chỉ có Homo Sapiens mới có khả năng nghĩ cùng nhau, tưởng tượng cùng nhau để rồi nhờ đó tạo ra một kết dính tộc loài vượt trội hơn bất cứ một kết dính tộc loài nào khác. Đã có những nghiên cứu khoa học chứng minh rằng quy mô tự nhiên tối đa của một loài thường chỉ dừng lại ở mức 150 cá thể. 

Vượt qua con số 150 ma quái đó, một loài sẽ không thể tương tác tốt với nhau, không thể kiểm soát nhau, và do đó sẽ đối diện với nguy cơ tan rã. 

Vậy thì lý do gì đã giúp không chỉ 150 Sapiens, mà là 1.500 Sapiens, rồi 1.500.000 Sapiens... vẫn có thể kết dính với nhau thành một cộng đồng, một bộ tộc, một quốc gia? Câu trả lời là: Vì tất cả đều cùng nhau tưởng tượng, và cùng tin vào sự dẫn dắt của những đấng tối cao trong những tưởng tượng của cộng đồng mình.

Nhà nghiên cứu Yoval Harari người Israel có lý khi viết trong tác phẩm Lược sử loài người rằng: "Bất kỳ sự hợp tác nào của con người ở quy mô lớn - dù là một quốc gia hiện đại, một nhà thờ trung cổ, một thành phố cổ đại hay một bộ lạc cổ xưa đều bắt nguồn từ những huyền thoại phổ biến vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng tập thể của nhân dân". 

Harari chứng minh cụ thể: "Hai người công giáo chưa từng gặp nhau vẫn có thể cùng tham gia thập tự chinh hoặc gây quỹ xây dựng một bệnh viện, vì họ đều tin rằng Thiên Chúa đã nhập thế dưới hình hài con người và chịu đóng đinh để chuộc tội cho chúng ta. 

Hai người Serbia chưa từng gặp nhau vẫn có thể liều mạng để cứu nhau vì cùng tin vào sự tồn tại của dân tộc Serbia, quê hương Serbi và lá cờ Serbi. 

Hai luật sư chưa từng gặp nhau vẫn có thể cùng chung nỗ lực bảo vệ một người hoàn toàn xa lạ, vì tất cả họ đều tin vào sự tồn tại của luật pháp, công lý, nhân quyền - và cả số tiền lệ phí được trả". 

Như thế có nghĩa, những sự tưởng tượng tập thể đã dẫn dắt tổ tiên chúng ta đi những bước đi vĩ đại - điều không có ở bất cứ một tộc loài nào khác.

Phân tích tất cả những giá trị tưởng tượng lớn lao như vậy để trở lại với một thực tế: chúng ta bây giờ có vẻ ít tưởng tượng hơn rất nhiều.

Cơm áo gạo tiền với những gánh nặng của đời sống hiện đại khiến chúng ta ít tưởng tượng, đã đành rồi. Nhưng sự lên ngôi của công nghệ, của máy móc, đặc biệt là những thiết bị máy tính, điện thoại thông minh có vẻ mới là thủ phạm quan trọng đẩy lùi sự tưởng tượng. 

Ở công sở, bên bàn ăn hay trên giường ngủ, dường như cứ rảnh tay một chút là chúng ta lại vào điện thoại, tìm đến những thông tin cụ thể, những hình ảnh cụ thể, những video cụ thể - để rồi những cái cụ thể càng dâng cao thì năng lực tưởng tượng vốn có trong chúng ta càng có nguy cơ lụi tàn.

Nicholas Car - một bậc thầy về sách khoa học, tác giả của cuốn Trí tuệ nhân tạo nổi tiếng có lý khi đặt vấn đề: Con người tạo ra công nghệ, làm chủ công nghệ, nhưng trong quá trình đó có vẻ lại bị công nghệ cảm hoá mà không hay biết (?). 

Có lẽ cũng vì thế mà người Đức từng đặt ra một câu hỏi lớn: con người và smatphone - ai thống trị ai? Nếu một cộng đồng nào đó, hoặc cá nhân ai đó đang bị smatphone thống trị thì sự tưởng tượng sẽ bị thui chột đến mức tội nghiệp nhường nào?

Điều đáng báo động ở đây không chỉ nằm ở chúng ta, mà nghiêm trọng hơn: nằm ở con cái chúng ta. Những đứa trẻ lớn lên với smatphone, trưởng thành cùng smatphone, trở thành người tình chung thuỷ của smatphone - một thế hệ những đứa trẻ như thế liệu có thể tiếp tục duy trì năng lực tưởng tượng của những thế hệ đi trước được không? 

Cho nên, quản lý mối quan hệ giữa những đứa trẻ với smatphone có lẽ không chỉ là câu chuyện riêng của một gia đình, mà cần phải được xem xét như một vấn đề xã hội.

Tôi vẫn muốn trở lại với câu chuyện của Anhxtanh trong quãng thời gian nhàn rỗi ở Cục liên bang Thụy Sĩ hơn 100 năm về trước, để trằn trọc với một câu hỏi rằng: nếu lúc ấy ông cũng liên tục thả mình vào điện thoại thông minh - giống như chúng ta bây giờ, mà không để trí óc tưởng tượng về những chùm ánh sáng thì từ một Anhxtanh tuyệt vọng có thể trở thành một Anhxtanh thiên tài được không? 

Tôi đã nhiều lần kể cho những đứa trẻ xung quanh câu chuyện này, và có đứa từng hỏi ngược lại tôi: Thế ánh sáng là gì và ở đâu?

Ánh sáng là gì ư? Hãy vứt điện thoại thông minh đi, nhắm mắt vào, ánh sáng nằm ở đó!

Phan Mỹ Chí
.
.