Tưởng tượng về một người mất chân dung

Thứ Bảy, 01/09/2012, 09:30
Tháng Bảy năm 2005, trong một buổi tối mùa Hạ bên lề đường Nguyễn Trung Trực, sau lưng Toà án, dưới ánh đèn vàng vọt xuyên qua những hàng me Sài Gòn, bên một quán vắng thưa người, tôi được người chủ quán, cũng là một kẻ yêu mến nghệ thuật, giới thiệu gặp hai vợ chồng trẻ. Họ và tôi bắt đầu kết thân từ đó, một mối quan hệ đẹp, kéo dài và nhiều sẻ chia trong đời sống giữa những người đồng niên trạc tuổi.

Người chồng chơi guitar và người vợ hát nhạc Pháp rất hay, với cặp kính cận giấu che một đôi mắt nghịch ngợm nhưng tình cảm. Và trong một đêm trò chuyện bất ngờ, tôi được biết, người vợ chính là cháu ngoại cụ Tạ Tỵ. Để rồi tôi chỉ có thể thốt lên một điều: “Ôi, bây giờ anh mới biết. Ngoại của em là một nghệ sỹ lớn, rất lớn. Và anh kính phục ông em từ bấy lâu nay rồi”.

Có một điều mà tôi cũng không ngờ đến là thời cuộc có thể phũ phàng đến nhường ấy. Cô cháu ngoại xinh xắn lại không biết nhiều về quá khứ nghệ thuật oai hùng của ông ngoại mình. Cô chỉ biết ông mình có viết, có vẽ và có định danh nhưng không dám hình dung ra sự lớn lao của cái tên mà với cô đã quá thân thuộc. Thậm chí, về những gì gắn liền với đời nghệ thuật của ngoại cô, tôi còn biết nhiều hơn, và có thể kể cho cô nhiều hơn để đến nỗi cái ngạc nhiên ban đầu đã đổi chỗ từ tôi sang phía cô, với một niềm tự hào ánh lên trong đôi mắt đen sau cặp kiếng cận nhỏ nhỏ…

Bẵng đi một thời gian dài, không nhắc nữa, không kể với nhau về cụ Tạ Tỵ nữa, tình bạn giữa chúng tôi vẫn chỉ là những câu chuyện đời thường, với mưu sinh, với những hình khối khác của cuộc sống đang nặng đè lên vai mỗi người. Thi thoảng gặp nhau, nói với nhau dăm ba câu, uống với nhau ly café, chai beer bên lề đường, chúng tôi cũng quên dần đi những câu chuyện chung về cụ Tạ Tỵ. Nhưng tôi vẫn nhớ, và thi thoảng nhắc cô bạn rằng: “Nhớ đấy, em hứa trộm của mẹ cho anh một bức tranh của cụ mà chưa thực hiện đấy nhé”.

Tôi muốn được đối diện một tác phẩm của một người mình ngưỡng mộ, mỗi ngày, để tôi có thể hình dung rõ hơn về một thời đã xa, một thời tôi không bao giờ được đặt chân qua, nhưng lại là một thời ám ảnh tôi đến lạ. Tôi vẫn hình dung, luôn luôn, mình là một thanh niên sống ở nơi đó, thời khắc đó, với những không khí của biến động đó như thể đó là một thứ mà tôi tạm gọi là “déjà vu ngược chiều thời gian”, một déjà vu về một tiền kiếp…

Rồi một ngày, tháng Bảy năm 2012, tôi đọc được những dòng của ông Du Tử Lê viết về cụ Tạ Tỵ, ngắn gọn, súc tích nhưng đủ để tôi chấn động lại những niềm xưa nỗi cũ. Việc đầu tiên là tôi gửi bài viết ấy cho cô bạn thân và hối hả gọi cho cô. Để rồi tôi nhận được câu trả lời: “Bài viết xúc động quá. Đọc xong thấy ông ngoại em hoành tráng quá”. Một câu trả lời đơn giản nhưng tôi biết là nó thật. Và thật nhất ở chỗ cô cháu gái không được biết về tầm vóc của ông mình nhiều mà chỉ được biết điều ấy về sau này qua những người nghệ sỹ đồng trang hiếm hoi còn thi thoảng kể về cụ một cách trân trọng hay qua những người như tôi, những người mù mờ muốn hiểu thật rõ về một thời văn nghệ đã qua từ quá lâu rồi…

Từ đó, tôi bắt đầu với một câu hỏi đeo mang về cái sự “không biết” của người cháu gái cụ Tạ Tỵ. Tại sao một con người như thế, với những tác phẩm như thế lại bị lãng quên trên chính lãnh địa của mình, trên chính mảnh đất quê hương của mình? Và không phải người ta cố tình lãng quên cụ chỉ vì thời gian mà chính từ trong thời gian trước, thời của cụ.

Điều tôi băn khoăn, cũng là điều một người bạn cầm bút vong niên của tôi băn khoăn, và người ấy đã đôi dòng gửi tôi rằng “chú cũng không hiểu sao, tại lý do nào mà truyền thông miền Nam trước 1975 đã cố tình tảng lờ một người có công LỚN, RẤT LỚN với nền hội họa non trẻ của nước nhà”. Và lá thư cho tôi ấy cũng đã kể ra được một câu chuyện thật, một sự thật rằng chính một tượng đài hội họa Việt Nam, cụ Bùi Xuân Phái, đã vô cùng kính trọng tài năng cũng như con người của cụ Tạ Tỵ. Tôi còn nhớ, ở cuối thư, người bạn cầm bút vong niên của tôi cũng đã phải thốt lên ông kính phục nhân cách của cụ Bùi Xuân Phái khi ông được biết về những điều mà cụ Phái đã dành cho gia đình cụ Tạ Tỵ ở những thời đoạn khắc nghiệt nhất, khó khăn nhất.

Có những suy nghĩ rất chung giữa chúng tôi rằng, gạt ra ngoài những chuyện thuộc về thời cuộc, có thể chính vì sự tỵ hiềm tài năng mà cụ Tạ Tỵ đã không được người ta đánh giá đúng mực. Cái tỵ hiềm trong giới nghệ thuật là một điều có thực mà không ai có thể chối bỏ và với tài năng của cụ Tạ Tỵ, người được coi là đã đặt nền móng ban đầu cho trường phái lập thể và trừu tượng trong nền hội họa Việt Nam (từ những năm 40 của thế kỷ trước), chuyện bị người ta tỵ hiềm có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Phải chăng, chính cái tên của cụ đã là cái thiên mệnh ám vào cả cuộc đời nghệ thuật của cụ nên người ta tảng lờ những đóng góp của cụ bất chấp sự đồ sộ, sự vạm vỡ ngoại khổ của tài năng mà có những người hiếm hoi hiểu về cụ bằng sự vô tư trong sáng của sự tri nhận vượt ra ngoài thói thường đã gọi cụ là “người mở những cánh cổng lớn nhất cho hội họa hiện đại Việt Nam”.

Nhưng cho dù có sự tỵ hiềm, có sự dối trá với lòng mình đi nữa thì người ta không thể dối trá được một điều đơn giản nhất: cụ Tạ Tỵ là một trong số ít ỏi những họa sỹ đầu tiên của Việt Nam có tranh được nhà đấu giá uy tín Sothebys đưa lên sàn với những lời đánh giá trân trọng đúng mức về giá trị nghệ thuật. Và tranh của cụ vẫn được săn lùng, sưu tầm, được trưng bày ở nhiều bảo tàng mỹ thuật lớn trên thế giới, trong khi cái tên của cụ lại bị người ta lãng quên trong những cuộc tri ân những cây đa, cây đề của hội họa Việt Nam. Điều đó là một bất công lớn, rất lớn, như một cán cân ngang bằng với đóng góp và tài năng của cụ cho hội họa hiện đại Việt Nam hôm nay.

Nhưng cụ không chỉ bị người ta tảng lờ ở thời đại của chúng ta, của tôi, những người trẻ không trải qua chiến tranh mà đã bị tảng lờ kể từ thời của cụ, như ông Du Tử Lê đã kể tôi nghe. Và một câu hỏi đã được tôi tự đặt ra, tự mường tượng rằng phải chăng vì người ta không thích cái chất Bắc trong con người cụ mà người muốn gạt cụ ra khỏi những ghi nhận trân quý nhất mà cụ là người xứng đáng nhất? Là trai Hà Nội, sống giữa Sài Gòn, tôi hiểu có thể cụ cũng bị những định kiến trăm năm rồi về trai Bắc giữa trời Nam. Sự cao ngạo của trai Hà Nội nhiều khi bị đánh đồng với sự kiêu ngạo, coi thường người đối diện một cách ác ý. Có thể, cụ cũng mang cái cao ngạo của trai Hà Nội như thế nên người ta đối xử với cụ như thể “chiếc chiếu hoa chúng tôi trải ra không thể có ông ngồi đó, mâm đầu”.

Người đời vẫn hay dạy nhau rằng đừng đánh đồng con người với tác phẩm nhưng vì sao họ không bao giờ vượt qua được chuyện để những định kiến về con người cá nhân làm rào cản cho việc kính trọng một tài năng, kính trọng những tác phẩm đúng theo tầm vóc của nó. Với tôi, cụ Tạ Tỵ là một tài năng NGOẠI KHỔ, một tài năng ở tầm vóc khác mà lẽ ra, đừng nên vì bất kỳ lý do nào đó, người ta cần xướng tên cụ cùng những cái tên hàng đầu, ở cả vai trò của một nghệ sỹ lẫn ở cả vị thế của một người tiên phong mở cửa cho những thế hệ nối tiếp sau.

Tôi không bao giờ quên những câu thơ của cụ trong bài “Thương về năm cửa ô xưa”. Có thể, ở giai đoạn ấy, sự cô đơn của một tài năng, sự cô đơn của một nỗi buồn lạc phận đã khiến cụ thèm được về lại với năm cửa ô xưa, với người bạn tri giao Bùi Xuân Phái, với những ngày tháng của toan, của màu, của bay, của cọ… Nhưng nếu cụ có trở về với những cửa ô xưa, liệu có chăng người ta không tảng lờ cụ như họ đã làm ở miền Nam hay không? Số phận luôn luôn là số phận, luôn luôn đã được định trước và con đường cụ đi hẳn phải qua những thời đoạn như thế, những khổ nạn như thế… Để lũ chúng tôi hôm nay phải tìm lại, khẳng định lại về cụ và tài năng của cụ.

Tôi vẫn ngồi đây, giữa trung tâm Sài Gòn, hình dung mơ hồ về chân dung một người đã bị chính những đồng nghiệp trên quê hương mình để lạc mất chân dung. Cuộc đời cụ đã vẽ không biết bao nhiêu chân dung người, vẽ cả chân dung chính mình, nhưng không ngờ bức chân dung cần nhất, không toan, không màu, không hình khối, không đường nét mà lẽ ra người ta cần “vẽ” cụ, lại không bao giờ tồn tại. Tôi bỗng ước gì cái déjà vu ngược chiều thời gian kia của mình tồn tại thực sự. Để tôi đến tìm gặp cụ, nhìn chân dung ấy thật lâu, nghe chân dung ấy thật sâu và viết về chân dung ấy thật đủ đầy-vạm vỡ, đủ đầy-vạm vỡ như chính tài năng của cụ, như chính hình hài to lớn, tiếng nói hào hoa của cụ, tiếng nói mà cụ đã gọi to tên người bạn Bùi Xuân Phái trong lần cuối cụ tìm đến nhà cụ Phái.

Tháng Bảy đã qua, và, trong nỗi niềm của tháng Bảy của 7 năm trước, tôi chợt nghĩ, đã đến lúc người ta phải trả lại cho cụ bức chân dung đúng mực nhất kia, trả lại cho cụ vị trí lớn lao bậc nhất của cụ trong nền hội họa Việt Nam chứ không chỉ là một bức sơn dầu lớn nhất trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, bức Mùa Hè đỏ lửa mà cụ vẽ năm 1972, năm mà cụ, có lẽ, đã quá hiểu thân phận và thời cuộc của mình, như câu vọng mà cụ đã viết trước đó khá lâu:

Có biết chăng ai, mái tóc bồng bềnh chảy xuôi ý đẹp
Có nhớ chăng ai, lệ nào ướt đẫm tình người
Tê tái tiếng cười
Từng cánh hoa đời khép lại
Thương về năm cửa Ô xưa!...

Hà Quang Minh
.
.