“Hãy tưởng tượng” tất cả chung sống hòa bình

Thứ Hai, 14/12/2015, 11:13
Khi nước Pháp để cờ rủ và Tháp Eiffel tắt đèn ba ngày quốc tang thì quốc ca Pháp cùng ánh sáng ba màu lá cờ Pháp thắp sáng ở nhiều thành phố lớn trên toàn cầu...

(thư gửi từ Paris, ngày 3-12-2015)

Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Trần Thu Dung tuổi Bính Thân, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài (Pháp) tại ĐH Tổng hợp Bucarest, Romania (1974-1979). Từng là giảng viên ĐH Sư phạm 1 Hà Nội. Là nữ tiến sĩ văn chương Việt Nam đầu tiên kể từ khi Pháp - Việt lập quan hệ ngoại giao 1973. 

Định cư tại Paris từ 1987. Sách đã xuất bản: Đồng tác giả với các nhà nghiên cứu Pháp: Chữ viết ở Việt Nam (Bộ Văn hóa Pháp tài trợ, 1998); Đồng tác giả Nguyễn Thương Thương: Sách luyện thi tú tài môn ngoại ngữ: Tiếng Việt (NXB Tri thức, 2006); Đồng tác giả Hoàng Ngọc Hiến: Thư mục song ngữ Pháp Việt về những tác phẩm văn học Pháp liên quan đến Việt Nam (NXB Lao Động và TTVHNN  Đông Tây, 2010). Tác giả: Đạo Cao Đài và Victor Hugo (NXB Thời đại và TTVHNN Đông  Tây, 2011); Ôm Ma Ni Bát Mê Hồng (Thơ, minh họa Công Quốc Hà, NXB Thế giới, 2012); Hội Tam Điểm (NXB Sáng-Illuminati, Paris, 2013).


Tôi viết thư này từ Paris, nơi tôi đã sống từ năm 1987. Đâu chỉ vì mang quốc tịch Pháp mà tôi yêu Pháp, tôi đã yêu từ khi học ngôn ngữ này lúc là thiếu nữ. Ngoài trời lạnh 6°C. Paris đã trang hoàng đón Noel trước hơn một tháng, ba tuần nữa là Giáng sinh. Ngày Lễ trọng này của người Công giáo đã thành ngày hội toàn cầu với lời chúc an lành. Nhưng sự an lành bây giờ khó lắm thay!

Giờ đây, khi đã là người mẹ của bốn đứa con, đang ở thủ đô của quốc gia đặt an ninh báo động ở mức cao nhất, tôi gửi thư về cho đồng nghiệp, đồng bào Việt Nam với niềm sẻ chia lớn. Khoảng cách một vạn kilômet địa lý không chỉ được nối gần bằng một cú click, mà là ở sự đồng cảm của chúng ta với khát vọng bình yên. Cách đây ba tuần, các vụ khủng bố kinh hoàng Paris đã xảy ra.

Ngày 13-11-2015, trận đấu bóng giao hữu Pháp - Đức tại Stade de France (sân vận động lớn nhất nước Pháp, mà các nghệ sĩ danh tiếng hay chọn để biểu diễn) đã phải ngưng và nhà hát Bataclan thành nơi thảm sát khi ban nhạc Mỹ đang trình diễn. Tổng cộng có 7 địa điểm (kể cả khu ăn uống giải trí) bị đặt bom với những cuộc tấn công liên tiếp. Đầu năm nay, trưa 7-1-2015, trong vụ thảm sát tại tòa soạn tuần báo hý họa Chalie Hebdo, 12 phóng viên bị bắn chết đã làm rung động thế giới. Những tên ác quỷ muốn tiêu diệt tự do, chọn Paris là nơi châm ngòi chiến tranh.

Paris thủ đô ánh sáng, biểu tượng của nghệ thuật, điểm hẹn của nhiều tài năng quốc tế. Cả thế giới yêu hòa bình, tự do đã ủng hộ nước Pháp. Nhiều nơi đã tổ chức tuần hành. Tại Paris, 1,7 triệu người xuống đường tuần hành ủng hộ tự do báo chí. Lần thảm sát thứ hai này một lần nữa khiến những trái tim yêu hòa bình và nghệ thuật đã phải thổn thức trước tội ác dã man của kẻ khủng bố đã cướp đi mạng sống của những người dân vô tội, trong đó có các nhà báo đang tác nghiệp.

Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP 21) khai mạc ngày 30-11-2015 tại Paris, hội tụ 150 nhà lãnh đạo khắp thế giới không quên thông điệp đoàn kết chống kẻ thù chung IS. Đêm 29-11-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay sau khi đáp xuống sân bay Orly trên chuyên cơ Airforce one đã đến thẳng Nhà hát Bataclan đặt hoa hồng trắng tưởng niệm những nạn nhân của vụ khủng bố.

Sau khi cúi đầu, tay siết chặt trước ngực mặc niệm, ông chủ Nhà Trắng quay lại ôm vai Tổng thống Pháp Francois Hollande và bà Anne Hidalgo - Thị trưởng Paris, hai người đồng hành cùng đem hoa hồng trắng đến nơi này. Nghệ thuật đích thực vì nhân loại, vì hòa bình. Nghệ thuật là tình yêu. Giới nghệ sĩ, vận động viên đã chia buồn cùng nước Pháp và hưởng ứng “hòa bình và đoàn kết” chống khủng bố. Tôi không bao giờ đứng ngoài cuộc, không thể nào lãnh đạm.

Bài hát “Hãy tưởng tượng” chép tay được đặt dưới nến và bó hoa hồng.

Chiều 14-11, Davide Martello, đã mang đàn piano đến trước nhà hát Bataclan hát ca khúc bất hủ Imagine (Hãy tưởng tượng) mà John Lenon - thủ lĩnh của ban nhạc huyền thoại The Beatles sáng tác và biểu diễn tháng 10/1971. Davide là nghệ sĩ Đức đã kéo chiếc đàn bằng xe đạp xuyên biên giới đến chia sẻ với Paris. Anh từng lưu diễn ở 30 thành phố, đặc biệt là những nơi vừa bị khủng bố, bom đạn hoặc tại mặt trận. Anh tin sức mạnh của âm nhạc có thể an ủi, xoa dịu và khơi dậy lòng bác ái của người nghe. Imagine phản chiến từng dùng trong các phong trào chống chiến tranh Việt Nam, dịch ra các thứ tiếng, và được ca sỹ  khắp nơi trình diễn.

Imagine được chọn là bài hát tiêu biểu chống chiến tranh do John Lennon sáng tác khi khởi xướng phong trào “Hòa bình và tình yêu” lúc chiến tranh ác liệt khi bom Mỹ trút xuống bệnh viện, trường học ở miền Bắc Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam sớm chấm dứt một phần nhờ sự góp phần của giới văn nghệ sĩ và của nhân loại tiến bộ khắp địa cầu. Tôi đã biết đến ca khúc này trước khi đi du học Đông Âu.

John Winston Ono Lennon (1940-1980) - sáng lập viên ban nhạc Beatles, ca sĩ - nhạc sĩ  người Anh. Ban nhạc của ông được nổi tiếng khắp thế giới. Tiếc rằng ông ra đi sớm vì một viên đạn của kẻ cuồng tín mê nhạc ông. Nhiều người nghĩ rằng ông nổi tiếng hơn cả chúa Giêsu không chỉ về âm nhạc và mà cả về lập trường hòa bình của ông. Ông cùng bạn bè đã dấn thân đấu tranh cho hòa bình trên thế giới, đặc biệt kêu gọi binh sĩ Mỹ phản chiến, không tham chiến ở Việt Nam.

Ông là hiện thân cho phong trào “Hòa bình và tình yêu” của những năm 1960-1970. Ông đã vinh dự được nhiều nơi lập đài kỷ niệm. Imagine - tựa đề của một album của J.Lennon mà nhiều nhà sản xuất đĩa tái bản. Tên những bài hát của ông bộc lộ tình yêu và khát vọng hòa bình: Chiến tranh đã chấm dứt; Hãy đến với nhau; Tự do như chim; Tình yêu đích thực…

Bạn hãy cùng tôi nghe Imagine chất chứa khát vọng thế giới đại đồng không tôn giáo, không hiềm khích nhau vì chính kiến. Giọng tác giả tâm tình, như tiếng ru của mẹ trong đêm xen tiếng dương cầm trầm lắng: Hãy tượng tưởng xem chẳng có thiên đường/ Bạn cứ thử đi dễ dàng lắm nhé/ Chẳng có địa ngục dưới chân/ Trên đầu chúng ta chỉ có bầu trời/ Hãy tưởng tượng xem tất cả mọi người/ Sống vì hôm nay/ Hãy tưởng tượng xem chẳng có nơi nao/ Không khó lắm đâu bạn nhé/ Chẳng có lý do để chết hay chém giết/ Và chẳng có tôn giáo nào/ Hãy tưởng tượng xem mọi người/ Tất cả chung sống hòa bình/ Bạn nghĩ rằng tôi mơ/ Nhưng tôi không đơn độc/ Tôi hy vọng một ngày/ Bạn đến với chúng tôi/ Cả thế giới kết đoàn (điệp khúc)/ Hãy tưởng tượng chẳng ai sở hữu/ Tôi tự hỏi rằng bạn có thể làm/ Chẳng tham và chẳng đói/ Tình bác ái nhân đạo/ Hãy tưởng tượng xem tất cả mọi người/ Cùng chia sẻ chung cả thế giới này”.

Tối 14-11-2015, Colplay - ban nhạc Rock của Anh đã trình diễn Imagine để tưởng nhớ nạn nhân vụ khủng bố ở Paris, được đông đảo khán giả Los Angeles hưởng ứng. Cùng thời gian, tại sân khấu lớn ở Stockholm, sau phút mặc niệm nạn nhân vụ khủng bố ở Paris, nữ ca sỹ Madonna vừa khóc vừa hát Lavie en rose (Cuộc đời màu hồng, 1945) - tình ca nổi tiếng của Pháp được nhiều ca sỹ trứ danh hát như Edith Piaf, Yves Montant, Mireille Mathieu, Céline Dion, Lady Gaga…

Tác giả chụp ảnh cùng các nghệ sĩ tự do từ châu Mỹ Latinh.

Lần đầu tiên ở New York, cũng đêm thứ bảy, để mở đầu đêm biểu diễn Tosca de Puccini, dàn nhạc giao hưởng dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Placido Domingo đã làm khán giả ngạc nhiên khi chơi dạo đầu Quốc ca Pháp La Marseillaise (từ 1792) như nối trái tim đồng cảm với nước Pháp và tưởng niệm 150 nạn nhân thiệt mạng ở Paris.

Khi nước Pháp để cờ rủ và Tháp Eiffel tắt đèn ba ngày quốc tang thì quốc ca Pháp cùng ánh sáng ba màu lá cờ Pháp thắp sáng ở nhiều thành phố lớn trên toàn cầu.

Văn hóa chính là ánh sáng giúp con người tìm thấy niềm vui cuộc sống, vươn tới chân - thiện - mỹ. Kẻ cuồng tín tàn ác toan dập tắt văn hóa, dập tắt ánh sáng, dập tắt tự do của con người, ánh sáng của Paris, nhưng chúng mãi mãi thất bại. Một nhà nước tự xưng của những kẻ hiếu sát, phi nghĩa hoạt động chui lủi trá hình, ưa phá hoại, cố ý nhằm vào kinh đô ánh sáng để “nổi tiếng”, nhằm gây chú ý và khiến nước Pháp chấn động đang là nỗi căm thù, lên án và mục tiêu tiễu trừ của nhân loại văn minh và quân đội nhiều nước.

Các văn nghệ sỹ nhiều nơi hát quốc ca Pháp và treo cờ Pháp để chứng minh nghệ thuật và tình yêu hòa bình mãi mãi chiến thắng. Paris mãi mãi là biểu tượng của nghệ thuật và ánh sáng. London, Berlin, Sydney, Madrid, Rio de Janeiro… thắp rực đèn ba màu cờ xanh lam - trắng - đỏ tượng trưng cho tình đoàn kết, tất cả liên minh vì một thế giới hòa bình, tự do và nghệ thuật.

Do tình hình giới nghiêm, không tổ chức nào kêu gọi tuần hành, song với ý thức của mỗi công dân thế giới vì hòa bình, nhiều người lặng lẽ đến đặt hoa, thắp nến tại chỗ thảm sát và quanh quảng trường Cộng hòa - nơi tượng trưng cho “sự kiêu hãnh và vinh quang” của Cộng hòa Pháp với khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Tôi cùng bạn đến thắp hương tưởng niệm. Tôi cảm kích trước tình đoàn kết và ý thức công dân khi thấy ở đó vạn bông hoa, những dãy nến lung linh đặt xung quanh tượng đài và nơi đau thương. Tôi xúc động thấy tờ giấy của cô bé 9 tuổi chép tay Imagine bằng tiếng Anh đặt dưới lọ nến đang cháy và bó hoa hồng.

Paris không sợ hãi. Ngay những nơi mới thảm sát, trai gái vẫn trao nhau những nụ hôn trong màn đêm huyền nhiệm. Paris vẫn là thủ đô của nghệ thuật, của tình yêu. Sau vụ thảm sát, Paris lại đẹp hơn, kiêu hãnh hơn. Từ 17-11-2015, cả tháp Eiffel cao 325m lại sáng rực màu cờ nước Pháp, tỏa chiếu ánh sáng nghệ thuật, tự do, hòa bình đi khắp bốn phương.

Paris thường không có tuyết Noel... Nhịp sống trở lại trong cái hẹn thường niên tháng mua sắm quà tặng, mọi người sum họp, náo nức đón Noel. Tôi cùng con trai và những người bạn thân dạo bước trên đại lộ Champs Élysées lộng lẫy. Sức mạnh của bác ái, của niềm tin về chiến thắng của chính nghĩa bởi các quốc gia cùng liên minh bảo vệ hòa bình làm tôi thấy mùa đông ấm giữa không gian đầy gió...

Trần Thu Dung
.
.