Cách mạng công nghiệp và hiểm họa ăn liền

Thứ Hai, 22/01/2018, 07:39
Nếu nói rằng lao động là quan trọng đối với con người, hẳn là ai cũng đồng ý. Nếu nói thêm rằng cần phải dạy cho trẻ em biết lao động, hẳn là đa số chúng ta sẽ đồng ý, mặc dù có đôi chút ngần ngừ.

Nhưng nói rằng lao động là quan trọng và cần phải dạy cho trẻ em biết lao động thì vẫn còn lâu mới đủ. Cần phải nói rằng lao động đã làm ra con người.

Không phải vô cớ mà thay cho câu “Khởi thủy là lời” của kinh Thánh, Johann Wolfgang von Goethe, đại văn hào của nước Đức, nói: “Khởi thủy là công việc”. Đó cũng chính là khẳng định của Friedrich Engels trong Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người.

Ông nói: “Trước hết là lao động; sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ; đó là hai sức kích thích chủ yếu đã ảnh hưởng đến bộ óc của con vượn, làm cho bộ óc đó dần dần biến chuyển thành bộ óc của con người”. 

Vì lao động quan trọng như thế, việc dạy cho trẻ em biết lao động không đơn thuần là dạy đạo đức hay kỹ năng. Nhưng xã hội loài người dường như đang đi theo một xu hướng ngược lại - đó là điều chúng tôi muốn bàn đến trong bài viết này.

Nhưng trước hết, chúng ta cần phải làm rõ sự khác nhau giữa lao động của con người với hoạt động sống mang tính bản năng của loài vật. Lao động, đó là hoạt động có định hướng với sự hỗ trợ của công cụ mà hình dạng và công năng đã được dự liệu trước khi chúng được sản xuất. 

Karl Marx, trong cuốn Tư bản, viết rất hay rằng cái phân biệt lớn nhất và thoạt kỳ thủy giữa một kiến trúc sư tồi nhất với một con ong thành thạo nhất là trước khi xây dựng công trình ngoài thực địa, người kiến trúc sư đã xây dựng nó trong đầu.

Câu hỏi đặt ra là năng lực thiết kế của người kiến trúc sư đến từ đâu? Khái quát hơn, quá trình hình thành tư duy đã diễn ra như thế nào? Đó là câu hỏi của Trần Đức Thảo trong Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức. 

Ông viết: “Một trong những khó khăn chính của vấn đề cội nguồn của ý thức là biết đặt chính xác những bước khởi đầu của nó vào đâu. Phải vạch cụ thể ở đâu đường phân giới giữa cái tâm thần cảm giác - vận động của các động vật với cái tâm thần hữu thức mà chúng ta thấy được phát triển ở người?”.

Để trả lời câu hỏi rất lớn này cần phải có nhiều trang sách. Ở đây, chúng tôi đề nghị bạn đọc hình dung một bức tranh giản lược. Một con vượn dạng người phát hiện thấy những trái cây chín rụng trên mặt đất, nó bèn nhanh chóng tiến đến nhặt ăn và mang về hang. 

Hành động của con vượn trong trường hợp này chưa phải là lao động - đó chỉ là một hành động kiếm mồi thuần túy theo bản năng. Nếu trái chín trên cây và con vượn có thể trèo lên hái quả, đó cũng chưa phải là lao động. 

Trong trường hợp vì lý do nào đó con vượn không thể trèo lên được, nó có thể dùng cành cây để hái, hoặc nếu trái cây quá cao, con vượn có thể dùng đá ném. Cành cây và hòn đá - đó là dạng sơ khai nhất của công cụ, những thứ nối dài bàn tay của con vượn, đồng thời là vật trung gian kết nối con vượn với những trái chín trên cây.

Hãy thử hình dung rằng hoạt động này lặp đi lặp lại. Đến một lúc nào đó, khi con vượn rời khỏi hang để kiếm ăn, ngay cả khi nó chưa hề trông thấy những trái cây, nó đã chuẩn bị sẵn những hòn đá - những hòn đá có kích thước phù hợp nhất mà nó tìm được hoặc chế tác được bằng cách đập các hòn đá với nhau - dĩ nhiên là ở một thời điểm nào đó đủ muộn. Khi đó, hòn đá cuối cùng đã trở thành một công cụ đích thực.

Sự ra đời của công cụ không chỉ là một bước tiến trong việc cải thiện nguồn thực phẩm nhằm duy trì và nâng cao khả năng sinh tồn. Quan trọng hơn, nó còn là một bước ngoặt trong quá trình tiến hóa - nói như Bacon, cả bàn tay trần lẫn trí tuệ bẩm sinh cũng không có sức mạnh to lớn, các công việc hoàn thành là nhờ sự trợ giúp của công cụ và phương tiện. 

Trong mô hình của chúng ta, đến một lúc nào đó, con vượn dạng người nhận ra mối liên hệ giữa hình dạng và trọng lượng của hòn đá với chức năng của nó, và sau đó là với hiệu quả của công cuộc tìm kiếm thức ăn. 

Tiếp đó, nó dần dần ý thức được một quá trình, hay chúng ta có thể gọi là logic, ít nhiều ổn định, bắt đầu từ việc chế tác hòn đá, việc mang đá theo người, việc tìm kiếm trong rừng, việc ném đá, việc nhặt quả... 

Những quá trình như vậy ngày càng phức tạp hơn và ngày càng ít phụ thuộc vào những hoạt động cụ thể. Ý thức của con người được sinh ra và phát triển như vậy.

Tư duy về quá trình - đó là yếu tố nằm ở cội nguồn của văn hóa.  Không những thế, chúng ta có thể nói rằng tính phức tạp của tư duy về quá trình là thước đo sự phát triển của con người với tư cách một động vật có trí tuệ. 

Ý thức về quá trình, con người sáng tạo ra các câu chuyện: Các câu chuyện về công việc chính là các kiến thức để lao động; Các câu chuyện về thế giới là tôn giáo, triết học và khoa học. 

Quá trình lao động cũng đem lại cho người lao động sự thông thái thực. Ảnh: Đ.N.

Các câu chuyện về quan hệ xã hội là luật pháp, đạo đức. Các câu chuyện về các thân phận người là văn chương. Các câu chuyện về quá khứ là lịch sử. Các câu chuyện về sự tiếp nhận thế giới là nghệ thuật...

Trí tuệ của từng cá nhân cũng hình thành theo cách tương tự. Khi chúng ta lần đầu tiên nấu một bữa ăn, chúng ta không chỉ làm ra một mâm cơm cụ thể mà còn học được cách làm ra một mâm cơm nói chung, và xa hơn nữa là học cách tổ chức các hoạt động sản xuất: chuẩn bị nguyên vật liệu (các loại thực phẩm), xác định mục đích, khối lượng, chất lượng và phong cách (món gì, cho mấy người ăn, hàm lượng chất dinh dưỡng và khẩu vị), cùng các yếu tố khác như thời điểm, địa điểm và trình tự thao tác... 

Quá trình lao động cũng đem lại cho người lao động một loại kiến thức đặc biệt sự thông thái thực tiễn mà không một loại sách vở nào có thể dạy được - chúng ta đều biết rằng cùng một món ăn được làm từ cùng một loại thực phẩm có thể khác nhau như thế nào khi chúng được chế biến bởi hai đầu bếp khác nhau. 

Chính vì lý do đó, ở giai đoạn đầu của trẻ, học thông qua làm là cách học tốt nhất. Học thông qua làm giúp hình thành ở trẻ tư duy hệ thống, logic và biện chứng, đồng thời phát triển trí tưởng tượng, khả năng lập kế hoạch hành động - đó cũng là những tiền đề cho năng lực cảm thụ và tình yêu với nghệ thuật.

Tuy nhiên, nhưng chúng tôi đã nói ở trên, xã hội hiện đại dường như đang đi theo hướng ngược lại. Cách mạng công nghiệp với sự sản xuất hàng loạt ngày càng tạo ra những sản phẩm làm sẵn dùng một lần - từ các loại thực phẩm như giò, chả, bơ sữa, cà phê và mì ăn liền..., đến các sản phẩm điện tử như tivi, tủ lạnh, điện thoại, máy tính... và cả đồ chơi của trẻ em.

Nếu như trước đây, bạn bè của chúng tôi đều tự làm bi, làm diều, con quay, hay những chiếc ô tô bằng gỗ, thì ngày nay hầu như tất cả đều được nhà máy sản xuất hàng loạt. Nhiều trẻ em ở các thành phố lớn phương Tây thậm chí không hề biết đến những loài vật nuôi thông thường. 

Một thí nghiệm ở Pháp cho thấy rằng khi được yêu cầu vẽ con gà, nhiều em vẽ con gà đông lạnh trong siêu thị. Nhưng không chỉ có các sản phẩm vật thể, mà cả những sản phẩm phi vật thể cũng trở thành những thứ ăn liền vậy. Trẻ em ngày nay không còn thuộc bảng cửu chương, không còn biết tính nhẩm, không còn thói quen học thuộc lòng - tất cả đã có ở smart phone. 

Ở đại học, nhiều sinh viên không còn hứng thú đọc sách - những động tác quen thuộc của họ bây giờ là Google, copy và paste.

Xã hội hiện đại và các thành tựu khoa học kỹ thuật đem lại cho chúng ta thật nhiều điều kỳ diệu, nhưng những điều nó lấy đi cũng nhiều không kém. Đánh mất tư duy quá trình, chúng ta cũng có nguy cơ đánh mất khả năng tư duy logic và hệ thống để trở về với bản năng và tư duy máy móc. 

Mất tư duy quá trình, chúng ta cũng sẽ đánh mất niềm vui thích với những câu chuyện phức tạp - những kiệt tác triết học, thơ ca, hội họa... - để tìm đến những tác phẩm nông cạn, những câu chuyện tầm phào. Sẽ ra sao nếu cuộc đời chúng ta chỉ co lại với chủ nghĩa vật chất tầm thường: những sản phẩm công nghệ làm sẵn dùng một lần và thường xuyên thay đổi?    

Chúng tôi không có ý định lên án các thành tựu của thời đại công nghiệp, nhưng chúng tôi cho rằng cần phải ý thức và vượt qua hiểm họa ăn liền của nó. Các ông bố bà mẹ không vì yêu con mà tước mất của chúng cơ hội được học thông qua lao động. Bởi vì sự học đích thực không thể tách rời cuộc sống. Giáo dục, nói như John Dewey, chính là cuộc sống.

Ngô Tự Lập
.
.