Từ vụ tai nạn xe khách thảm khốc ở Hà Tĩnh, nhìn lại trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải
Việc xe khách sử dụng phù hiệu hết hạn hay bị thu hồi phù hiệu mà vẫn cố tình hoạt động là một vấn đề nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro và vi phạm pháp luật. Mới đây nhất, vụ tai nạn xe khách thương tâm xảy ra tại Hà Tĩnh khiến 10 người tử vong lại một lần nữa đòi hỏi cơ quan chức năng nhìn lại vấn đề này, cần sớm đưa ra những giải pháp chặt chẽ để ngăn các nguy cơ tiềm ẩn.
Đã thu hồi phù hiệu, chủ xe vẫn cho "chạy chui"
Ngày 27/7, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đơn vị đã có văn bản gửi Sở Xây dựng TP Đà Nẵng yêu cầu kiểm tra, xử lý về kinh doanh và điều kiện kinh doanh đối với tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu xe chở khách trong vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng lật xe khách tại Hà Tĩnh làm 10 người tử vong ngày 25/7 vừa qua.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, ngày 16/7/2025, Sở Xây dựng đã ban hành Thông báo số 704/TB-SXD về ngừng hoạt động của xe tuyến vận tải khách cố định bằng ôtô đối với xe BKS 43F-007.76 và xe BKS 43F-008.47 trên tuyến vận tải khách cố định Đà Nẵng (Bến xe trung tâm Đà Nẵng) đi Lâm Đồng (Bến xe liên tỉnh Đà Lạt) đồng thời thu hồi phù hiệu và chuyển đổi trạng thái trên phần mềm https://qlvt.moc.gov.vn/ sang trạng thái: Hết hiệu lực.
Ngoài ra, qua tra cứu thông tin tại địa chỉ: https://qlvt.moc.gov.vn/, đến thời điểm hiện tại, xe ôtô mang biển kiểm soát 43F-007.76 không đăng ký kinh doanh vận tải tại Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đồng thời chưa thấy cơ quan cấp thẩm quyền cấp phù hiệu để phương tiện BKS 43F-007.76 hoạt động.
Tuy nhiên, chủ phương tiện Vương Thị Kim Chi (địa chỉ: K121/14 Hoàng Văn Thụ, Đà Nẵng) vẫn đưa phương tiện vào hoạt động kinh doanh vận tải dẫn đến vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng nêu trên. Vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Xây dựng TP Đà Nẵng khẩn trương tham mưu UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo triển khai thực hiện ngay chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 25/7/2025 và Văn bản số 7407/BXD-VT&ATGT ngày 25/7/2025 của Bộ Xây dựng.
Sở Xây dựng TP Đà Nẵng kiểm tra làm rõ đối với chủ phương tiện BKS 43F-007.76 Vương Thị Kim Chi. Trường hợp đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải thì Sở Xây dựng báo cáo UBND TP Đà Nẵng có biện pháp tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
Điều đáng chú ý, trước đó, ngày 8/2 vừa qua, một chiếc xe khách giường nằm cũng của nhà xe Kim Chi tuyến Đà Nẵng - Đà Lạt lưu thông trên Quốc lộ 1A theo hướng Bắc - Nam, khi đến địa phận tỉnh Phú Yên cũng xảy ra vụ TNGT khi tự đâm vào dải phân cách, hậu quả 3 người tử vong.
Đáng nói là, qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, tài xế Phạm Quốc H (40 tuổi) chỉ có giấy phép lái xe hạng C, trong khi loại xe khách giường nằm (24 giường và 2 ghế ngồi), để điều khiển, tài xế cần có giấy phép lái xe hạng E. Chưa kể, thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe chở 30 người (quá số người theo quy định là 26 người).
Như vậy, chỉ trong chưa đầy 6 tháng, hai chiếc xe khách của cùng một doanh nghiệp vận tải gây ra hai vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, cướp đi tính mạng của 13 người và làm cuộc sống của hàng chục hành khách khác bị ảnh hưởng do bị thương. Cả hai vụ tai nạn đều bộc lộ những lỗ hổng về sử dụng, quản lý lái xe, phương tiện của doanh nghiệp.
Cần một phần mềm kết nối dữ liệu để thuận lợi hơn khi kiểm tra
Nhìn nhận vấn đề trên, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng: TNGT là điều không ai mong muốn. Vụ TNGT xảy ra sáng 25/7 khiến 10 người tử vong có nhiều điểm tương đồng với các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Lạng Sơn và Lâm Đồng trước đây. Khi đó, doanh nghiệp vận tải phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề, đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị xử lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Điều này cho thấy rõ, trách nhiệm của doanh nghiệp rất lớn khi vẫn để phương tiện không đủ điều kiện tham gia kinh doanh vận tải, dẫn đến sự cố đáng tiếc", ông Hùng nói. Để ngăn tình trạng doanh nghiệp ngang nhiên sử dụng xe không phù hiệu hoạt động vận tải, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị cơ quan quản lý khi thực hiện thu hồi phù hiệu của phương tiện cần có biện pháp phối hợp với lực lượng CSGT để giám sát, kiểm soát chặt chẽ qua hệ thống giám sát hành trình.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Vận tải và quản lý phương tiện (Sở Xây dựng Hà Nội) thẳng thắn cho biết: Cấp phép, cấp phù hiệu là biện pháp bắt buộc nhằm kiểm soát xe kinh doanh vận tải, đồng thời bảo vệ các xe hoạt động đúng quy định.
Để chủ động phòng ngừa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô và đảm bảo ATGT, hàng tháng Sở Xây dựng TP Hà Nội thông báo trên trang web của mình về các xe mới được cấp phép, hoặc sắp hết hạn hiệu lực của phù hiệu để doanh nghiệp và người dân biết.
Đồng thời, Sở Xây dựng TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị vận tải kinh doanh vận tải bằng xe ôtô tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của phương tiện và nhân viên lái xe thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ vận tải cho nhân viên lái xe về các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của các phương tiện trước khi tham gia giao thông…
Ông Nguyễn Tuyển nói thêm, tuy nhiên, việc xe bị thu hồi phù hiệu nhưng vẫn kinh doanh vận tải tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn là rất lớn. Điều này phụ thuộc nhiều vào ý thức của từng nhà xe. Về mặt quản lý nhà nước gây khó khăn trong việc truy xuất, truy vết các phương tiện này trong quá trình tham gia giao thông, đặc biệt xảy ra vi phạm hoặc tai nạn. Mặt khác, hiện vị trí dán phù hiệu xe chạy dù đã có mã quét QR nhưng dán ở trên cao. Nếu quan sát bằng mắt thường chỉ nhìn thấy ngày tháng hiệu lực của phù hiệu, chứ khó quét mã.
Từ những rủi ro đó, theo ông Tuyển, hiện nay các Sở Xây dựng địa phương đã cập nhật thông tin các xe có phù hiệu sắp hết hạn hoặc trong diện bị thu hồi lên trang web. Nhà xe nào có ý thức sẽ chủ động tra cứu trước khi phân công nhiệm vụ.
Để việc xử lý được kịp thời, hiệu quả, thay vì phải vào từng trang web của từng tỉnh, thành, ông Tuyển đề xuất nên sớm có một phần mềm đủ lớn, kết nối liên thông dữ liệu giữa trang web các tỉnh, để bất cứ khi nào lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường và người dân đều có thể vào đấy truy xuất nguồn gốc của nhà xe, của chiếc xe mình dự định đi, hoặc chiếc xe có những dấu hiệu nghi ngờ.