Nhiều dự án BOT vẫn còn bất cập, sụt giảm doanh thu

Thứ Hai, 25/03/2024, 07:11

Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), trong 53 dự án BOT do Bộ quản lý thì đến tháng 10/2023 có 4 dự án doanh thu vượt so với phương án tài chính, 26 dự án đạt 70-100%, 19 dự án đạt 30-70% và 4 dự án dưới 30%.

Cả nước có 8 dự án có trạm thu phí còn vướng mắc

Trong tổng số 140 dự án BOT triển khai trước thời điểm Luật PPP ban hành, có 50 dự án triển khai giai đoạn trước năm 2010, 63 dự án triển khai giai đoạn 2011 - 2015 và 27 dự án triển khai giai đoạn sau năm 2016. Về cơ bản, khó khăn, vướng mắc hiện nay tập trung chủ yếu tại các dự án triển khai giai đoạn trước năm 2015.

Sau khi Luật PPP có hiệu lực, Bộ GTVT và các địa phương đang tiếp tục chuẩn bị đầu tư 15 dự án đường bộ cao tốc theo hình thức BOT, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 388.036 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH, từ năm 2018 Bộ GTVT đã rà soát, đánh giá tổng thể các trạm thu phí dự án BOT, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư thực hiện nhiều giải pháp xử lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Đến nay, về cơ bản, các dự án BOT đã khai thác, thu phí ổn định, còn lại 6 dự án có trạm thu phí còn vướng mắc.

Nhiều dự án BOT vẫn còn bất cập, sụt giảm doanh thu -0
Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 và xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới là một trong 8 dự án đang gặp vướng mắc về thu phí.

Cụ thể, có 3 dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án. Đó là dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang thu phí ổn định để hoàn vốn tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài. Từ năm 2012, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất di dời trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện đúng theo Hợp đồng BOT đã ký kết với nhà đầu tư. Năm 2018, phát sinh tình trạng người dân tụ tập phản đối, sau khi tuyên truyền, vận động, từ năm 2020 đến nay đã thu phí ổn định. Tuy nhiên gần đây, Bộ GTVT nhận được đề nghị của Đoàn ĐBQH và UBND TP Hà Nội đề nghị di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài về tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên để thu phí nhằm giảm nguy cơ ùn tắc, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa dự kiến thu phí hoàn vốn tại trạm Bỉm Sơn trên Quốc lộ 1, vị trí trạm cách phạm vi tuyến tránh khoảng gần 40km. Mặc dù dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2018, tuy nhiên do tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự nên chưa được thu phí. Hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân thuộc Dự án BOT hầm Đèo Cả: Trong điều kiện vốn ngân sách khó khăn, không cân đối đủ để tham gia dự án, cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (hướng tuyến song song với Quốc lộ 1) để hỗ trợ nhằm bảo đảm phương án tài chính khi đầu tư mở rộng hầm Hải Vân thay vì nhà nước tham gia bằng ngân sách. Đến nay, dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng Bộ GTVT chưa cho phép thành lập trạm thu phí do nằm ngoài phạm vi dự án, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thay thế cơ chế hỗ trợ bằng vốn nhà nước.

Bên cạnh đó có 2 dự án có trạm thu phí thuộc phạm vi dự án nhưng có bất cập nên chưa được thu phí bao gồm Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 và xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới; dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 thu phí hoàn vốn tại trạm T1 và trạm T2 đặt trong phạm vi dự án. Ngoài ra, còn có dự  án đã đầu tư nhưng do quy hoạch thay đổi nên không thể thu phí. Đó là Dự án BOT cải tạo luồng sông Sài Gòn và xây dựng mới cầu đường sắt Bình Lợi dự kiến thu phí các phương tiện tàu thủy để hoàn vốn thông qua 3 cảng đường thủy (các cảng An Sơn, Rạch Bắp và Bến Súc); đến nay cầu đường sắt Bình Lợi đã đưa vào khai thác nhưng không thể thu phí tại các cảng đường thủy theo phương án tại hợp đồng do Bình Dương điều chỉnh quy hoạch cảng thủy nội địa trên sông Sài Gòn.

Tương tự các dự án do Bộ GTVT quản lý, giai đoạn trước đây một số dự án BOT của địa phương cũng phát sinh những bất cập về trạm thu phí; có 5 dự án của 4 địa phương đã và đang chủ động xử lý bất cập theo phương án bố trí ngân sách địa phương để thanh toán, chấm dứt hợp đồng; 2 dự án BOT của 2 địa phương có trạm thu phí bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự, địa phương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhưng chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để xử lý. Như vậy, trong tổng số 140 dự án BOT, đến nay cả nước có 8 dự án có trạm thu phí còn vướng mắc cần xử lý.

Doanh thu sụt giảm với mức độ khác nhau

Cũng theo Bộ GTVT, các dự án không đạt phương án tài chính do tăng trưởng kinh tế không đạt như dự báo, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhiều năm các dự án không được cơ quan nhà nước cho phép tăng phí trong khi theo hợp đồng 3 năm được tăng phí một lần. Một số dự án bị sụt giảm doanh thu do phương tiện lựa chọn tuyến đường khác để tránh trạm thu phí.

Bốn dự án doanh thu dưới 30% gồm: Xây đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 mới được thu phí một trong hai trạm; dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang dừng thu phí 5 năm; dự án cầu Thái Hà bị chia sẻ phương tiện sang đường song hành; dự án Quốc lộ 10 đoạn tránh thị trấn Đông Hưng phải dừng thu phí để dời trạm về tuyến tránh thị trấn Đông Hưng (Thái Bình). Sau khi tăng phí cuối tháng 12/2023 kết hợp với lưu lượng gia tăng dịp cận Tết Giáp Thìn 2024, doanh thu bình quân các dự án trong tháng 1 đã tăng khoảng 17% so với tháng 12/2023.

Các dự án do địa phương quản lý cũng sụt giảm doanh thu so với dự báo trong hợp đồng, điển hình là xây cầu Bạch Đằng và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh; đầu tư xây dựng đường 319 nối dài và nút giao với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương (tỉnh Quảng Ninh); dự án BOT đường bộ ven biển Thái Bình... Hàng loạt dự án bị sụt giảm doanh thu tác động đến doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Doanh nghiệp không đủ bù đắp chi phí khai thác và bảo trì tuyến đường khiến đường nhanh xuống cấp và không thể thanh toán lãi vay nên các khoản vay tín dụng chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.

Bộ GTVT đánh giá các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trên đều thực hiện trước năm 2020 khi Luật PPP chưa ra đời, hệ thống pháp luật còn bất cập, quy định về trạm thu phí và chính sách phí chưa chặt chẽ, chưa có chính sách chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và doanh nghiệp đầu tư. Dự án BOT cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu thường thu phí lượt nên khó bảo đảm công bằng cho người sử dụng…

Để xử lý bất cập, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ phương án xử lý 8 dự án BOT giao thông gặp khó khăn lớn mà không phải lỗi của nhà đầu tư. Đó là dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam 3 năm liền doanh thu chỉ đạt 15-19% so với hợp đồng và dự án cầu Việt Trì - Ba Vì 3 năm qua doanh thu chỉ đạt khoảng 30%. Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả trước đây, nhà nước cho phép thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan thay cho nguồn hỗ trợ của nhà nước, song sau đó nhà đầu tư không được thu phí. Hai dự án đã hoàn thành song không được thu phí là cầu đường sắt Bình Lợi, cải tạo luồng sông Sài Gòn và đường vành đai phía tây TP Thanh Hóa. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đăk Lăk bị sụt giảm doanh thu còn 36-43% so với hợp đồng do địa phương đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ.

Với các dự án khác, Bộ GTVT đề xuất các bên cùng đàm phán sửa đổi hợp đồng (bao gồm bổ sung vốn nhà nước tham gia hoặc các giải pháp hỗ trợ phù hợp khác) để bảo đảm khả thi về tài chính. Trường hợp bổ sung vốn nhà nước thì mức hỗ trợ tối thiểu đủ bù đắp chi phí quản lý vận hành và bảo trì công trình, thanh toán lãi vay theo hợp đồng tín dụng. Mức vốn nhà nước bổ sung không vượt quá 70% tổng vốn đầu tư của dự án BOT xác định theo giá trị đã được quyết toán hoặc kiểm toán.

Phạm Huyền
.
.