Nguy hiểm rình rập nhìn từ các vụ ôtô đâm gãy barie đường sắt
Trong hai ngày 8-9/4, cả nước xảy ra 3 vụ ôtô đâm hỏng barie để vượt qua đường ray. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cảnh báo hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn rất nguy hiểm.
Chuông báo kêu, gác chắn hạ, ô tô vẫn lao qua
Ngày 9/4, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, thời gian qua người vi phạm Luật Đường sắt có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tình trạng vi phạm qua các đường ngang có cần chắn tự động (barie), gây thiệt hại lớn về tài sản và uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường sắt.

Cụ thể, vào tối 8/4, trong vòng 60 phút đã có 2 vụ ô tô cố tình vượt đường ngang trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Đến sáng 9/4, lúc 4h40, tại đường ngang Km 1684+780, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Khi đoàn tàu SE3 chuẩn bị thông qua, tín hiệu cảnh báo tự động tại đường ngang đã bật, cần chắn đang hạ xuống thì ô tô biển kiểm soát 50H-540.89 cố tình vượt qua làm hỏng cần chắn.
Trước đó, ngày 5/4, VNR phối hợp với lực lượng CSGT, Công an tỉnh Bình Định đã xác minh, xử lý vi phạm hành chính đối với tài xế ôtô tải BKS 77H-8017 có hành vi không chấp hành tín hiệu cảnh báo đường ngang, cố tình vượt qua đường sắt khi tàu sắp đến; hậu quả đã làm gãy một cần chắn dài 3,3m. Với hành vi trên, lái xe đã bị xử phạt 11 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng theo quy định của pháp luật.
Cùng thời gian này, Đội CSGT đường sắt số 1 (Phòng 6, Cục CSGT Bộ Công an), cho biết lực lượng chức năng vừa lập biên bản đối với một tài xế xe tải do có hành vi vượt rào chắn đường ngang khi chắn đang dịch chuyển và điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ làm hỏng cần chắn tại đường ngang. Theo đó, sáng cùng ngày, tại điểm giao giữa đường ngang dân sinh và đường sắt thuộc Km696+160, tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua địa phận phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, TP Huế, ôtô tải 75C-030.93 vượt đường ngang khi đèn đỏ, chuông kêu và làm hư hỏng hệ thống cần chắn.
Đội CSGT đường sắt số 1 phối hợp với Trạm CSGT Phú Lộc xác minh, làm rõ người điều khiển ôtô tải là ông Huỳnh Văn Q (59 tuổi, trú phường Kim Long, quận Phú Xuân). Lực lượng chức năng lập biên bản đối với ông Q về hai hành vi trên; đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại 10.800.000 đồng.
Mức phạt thấp khiến người dân chủ quan với an toàn giao thông đường sắt
Theo thống kê của VNR, tính riêng trong quý I, cả nước đã xảy ra 116 vụ tài xế cố tình vượt đường ngang giao cắt với đường sắt. Trước những nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường sắt, VNR đã tăng cường thực hiện công tác giám sát và kịp thời xử lý, khắc phục khi có những sự cố xảy ra. Đồng thời, đơn vị đã phối hợp với lực lượng CSGT để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp xử lý các ô tô vi phạm còn gặp rất nhiều khó khăn như tài xế gây hư hỏng cho hệ thống cần chắn tự động và phụ kiện 100% bỏ trốn khỏi hiện trường; xe vi phạm ở tỉnh này nhưng nơi xảy ra lại ở tỉnh khác. VNR cảnh báo, việc không chấp hành tín hiệu cảnh báo đường ngang, cố tình vượt qua đường sắt khi tàu sắp đến không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có thể gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, đe dọa an toàn chạy tàu nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Trưởng ban An ninh An toàn VNR Trần Cao Thắng cho biết, theo quy định, cự ly hãm an toàn của đoàn tàu tối thiểu phải 800m, chỉ chậm tích tắc vì lỗi cố tình đi, đứng trong khổ giới hạn đường sắt khi đang có tàu chạy qua cũng có thể dẫn đến tai nạn. Một chuyên gia giao thông cho rằng, xâm nhập đường sắt trái phép, không đảm bảo an toàn có thể dẫn đến các tai nạn nghiêm trọng.
Để ngăn ngừa rủi ro, nên tập trung vào 3 giải pháp chính gồm: Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân; cải thiện cơ sở hạ tầng an toàn giao thông đường sắt và xây dựng chế tài xử phạt nghiêm minh, phù hợp. Theo vị chuyên gia này, mức phạt thấp sẽ khiến người dân cảm thấy việc vi phạm các quy định giao thông đường sắt là hành vi ít bị kiểm soát, không có hậu quả nghiêm trọng, từ đó làm giảm động lực tuân thủ luật và dễ dàng chấp nhận rủi ro. Đồng thời, cũng khiến người dân cảm thấy các hành động vi phạm chỉ là vấn đề cá nhân và không ảnh hưởng đến cộng đồng, làm giảm tinh thần trách nhiệm chung trong việc duy trì an toàn giao thông.
Thực tế cho thấy, Nghị định 168/2024/NĐ-CP về tăng nặng hình phạt đối với vi phạm giao thông đường bộ đã tạo ra những chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của người dân, từ đó kéo giảm tai nạn và các trường hợp vi phạm giao thông. Do đó, với đường sắt, mức phạt với các hành vi gây nguy hiểm cũng cần được điều chỉnh hợp lý và có tính răn đe cao hơn, kết hợp với các biện pháp giáo dục cộng đồng để nâng cao ý thức tuân thủ và sự hiểu biết về nguy cơ khi tham gia giao thông đường sắt.
Bên cạnh việc tăng nặng chế tài xử phạt, cũng cần áp dụng hình phạt bổ sung như tạm giữ phương tiện (nếu có) hoặc yêu cầu tham gia các lớp học về an toàn giao thông đường sắt. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tái vi phạm an toàn giao thông đường sắt nên xem xét tăng nặng mức phạt, thậm chí, công khai trên các phương tiện truyền thông nhằm tạo áp lực cho những người có thói quen vi phạm, qua đó, nâng cao ý thức cộng đồng về sự quan trọng của việc tuân thủ các quy định an toàn.