Đề xuất sửa chữa cầu Vĩnh Tuy 1 nhằm đảm bảo an toàn giao thông
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông vừa báo cáo Sở GTVT Hà Nội kết quả kiểm định cầu Vĩnh Tuy 1 và đề xuất sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Theo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội (Ban Duy tu), cầu Vĩnh Tuy được khánh thành và đi vào khai thác năm 2009.
Qua nhiều năm khai thác, kết quả kiểm định cho thấy đã xuất hiện một số hư hỏng. Dầm cầu có vết nứt. Gối cầu trên các nhịp cầu chính vượt sông xuất hiện các gối chậy bằng thép han gỉ, chưa được bôi mỡ hay sơn bảo vệ. Mố cầu tường đỉnh xuất hiện các vết nứt theo phương xiên và thẳng đứng. Do đó, Ban Duy tu đề xuất sửa chữa, xử lý vết nứt bê tông; trên các trụ, tường định mố đảm bảo yêu cầu về giới hạn cho phép của bề rộng vết nứt trong môi trường ăn mòn khí về bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu xây dựng.
Sửa chữa thay thế các khe co giãn cao su, nối dài các ống thoát nước trên các nhịp dầm Super T giữa sông để thuận lợi cho công tác bảo trì sau này.

Đối với các gối chậu, Ban Duy tu kiến nghị sửa chữa bằng một trong hai phương án: Cụ thể, phương án 1 đối với các gối chậu thép bị han gỉ mà chưa được bôi mỡ bảo vệ cần tẩy gỉ và sơn lại bằng hệ sơn có độ bền cao, nhiều lớp hoặc tẩy gỉ, sơn lại bằng sơn chống gỉ rồi bôi mỡ bảo vệ.
Phương án 2, đối với các gối đã được bôi mỡ, kiến nghị kiểm tra lớp mỡ bảo vệ tránh trường hợp lớp mỡ dính bám vào trong miếng tấm trượt làm ảnh hưởng khả năng trượt đến tấm teflon của gối. Trên bề mặt cầu, kiến nghị cào bóc thảm lại các nhịp xuất hiện hiện tượng hằn lún, không bằng phẳng ở trên cầu.
Cầu Vĩnh Tuy 1 được khánh thành vào cuối tháng 9/2010 và được gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách. Cầu dài 5,8km gồm cầu vượt sông, đường hai đầu cầu và các nút giao khác mức.