Thị dân, luật pháp và văn chương trước 1945

Một cuộc bào chữa (bài 5)

Thứ Tư, 30/11/2022, 21:30

Thật hợp lí, Hoàng Đạo, người quá rành với các vụ xử án, đã viết tựa cho “Đoạn tuyệt” (1936) của Nhất Linh, cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời cô Loan mang tội giết chồng. Theo Hoàng Đạo, Loan “là một cô gái mới”, nhưng vì cha mẹ, phải chọn cuộc đời làm dâu “nô lệ trong nơi tối tăm tù hãm” trong chế độ “đại gia đình”.

Nhiễm tư tưởng cá nhân, tự do của phương Tây, Loan nhận ra những xung đột không thể hòa giải giữa đám người thủ cựu nhiễm nặng thói lễ nghi lạc hậu với người trẻ có lối sống, nhận thức mới. Loan trở thành “một trong trăm ngàn người đã bị hy sinh cho sự xung đột ấy”.

Một cuộc bào chữa (bài 5) -0
Hình ảnh phiên toà xét xử Loan: Minh hoạ trên báo Phong Hoá số 143, ra ngày 7/4/1935.

Loan là “gái mới” bởi Loan có học thức và hơn hết, hiểu rõ nghĩa lí của học thức. Loan từng so sánh mình với Dũng và có thể nói, đặt mình vào những mục tiêu được coi là mới mẻ: “Học thức mình không kém gì Dũng, sống một đời tự lập, cường tráng, can chi cứ quanh quẩn trong vòng gia đình, yếu ớt sống một đời nương dựa vào người khác để quanh năm phải kình địch với những sự cổ hủ mà học thức của mình bắt mình ghét bỏ. Mình phải tạo ra một hoàn cảnh hợp với quan niệm mới của mình”.

Tự tri nhận về mình báo hiệu năng lực kiểm soát, thực hiện hành vi của Loan sẽ rất khác biệt. Loan cũng tự tin biết chắc “cái học kia chỉ làm cho mình biết và cảm thấy rõ những nỗi đau khổ phải gặp trên đường đời”. Sức hiểu biết của Loan, không gì khác, là phát hiện ra những tác nhân gây đau khổ, và đồng thời, tranh đấu để chống lại những phi lí, ngang trái. Ý nghĩ “phải tạo ra một hoàn cảnh hợp với quan niệm mới của mình” khiến Loan lấy chính không gian gia đình bắt đầu cho sự bật gốc khỏi các lớp phẩm hạnh cổ truyền. Khá nhiều lần, Loan  tự thấy mình còn “tân thời” hơn những người bạn  “sang trọng trong bộ quần áo tối tân”, “để đường ngôi lệch”, đặc biệt tự dằn vặt “ta bắt ta giả đạo đức”.

Tố chất tự thức nhận như thế đương nhiên khó tìm được chỗ đứng trong chế độ “đại gia đình” còn vững chắc bởi người chồng, mẹ chồng bảo thủ. Nhất Linh không những tiếp nối “Tố Tâm” (1925), “Nửa chừng xuân” (1933) mà còn tô đậm hình tượng người phụ nữ mới có khả năng cắt lìa cái cũ, bảo vệ và lựa chọn các quan niệm mà mình cho là xứng đáng. Nhưng hơn hết, trong lịch sử văn chương Việt Nam hiện đại, Loan là kiểu nhân vật nữ đầu tiên sử dụng năng lực am hiểu luật pháp để tìm được cơ hội công bằng, công lý cho mình. Biến không gian tòa án thành không gian diễn thuyết và bào chữa, Loan như một sự thấu tụ các phẩm tính xã hội mà nữ giới trong ba thập niên trước đó từng theo đuổi thông qua các nghề nghiệp hiện đại (kí giả, viết văn, diễn thuyết, dạy học…).

Phiên tòa xử án Loan không phải là trường đoạn đắc dụng trong mắt nhiều người đọc đương thời. Trương Chính, bấy giờ mới ngoài hai mươi, nồng nhiệt khen ngợi Đoạn tuyệt nhưng không chấp nhận việc Nhất Linh đẩy đến cùng chi tiết Loan ra tòa án: “Dư luận bênh vực Loan, ủng hộ Loan, ông cũng chưa bằng lòng ông còn đem pháp luật ra ủng hộ nàng, bênh vực nàng nữa. Nhưng phải thú nhận rằng chính ở đấy là một sự vụng về của tác giả”.

Nhận xét thẳng thắn của Trương Chính dường như chỉ xuất phát từ cảm thụ nghệ thuật thuần túy mà không đặt “Đoạn tuyệt” trong dòng mạch văn chương/phóng sự có đề tài xử án, càng không nhận thấy yếu tố chủ thể trong việc xử án không phải là Loan mà là các tập tính lạc hậu. Trương Chính muốn Loan thoát ra gia đình cũ mà “tay vẫn sạch” trong khi không cho phép nhà văn “nấp sau những nhân vật trong truyện mà biện luật. Như thế thiếu thành thực và hại cho nghệ thuật”. Thực ra, chi tiết “biện luật” mà Trương Chính cho là thiếu thành thực ấy, nếu ghép vào các hoạt động của Tự lực văn đoàn cho đến giữa 1935 (thời điểm “Đoạn tuyệt” kết thúc trên Phong Hóa), lại có sự nhất quán, sắc sảo và hiệu quả.

Tìm đến phiên tòa là lựa chọn đích đáng để Nhất Linh, người cầm trịch tờ Phong Hóa, muốn củng cố niềm tin, ý chí nơi độc giả về quá trình cải biến xã hội. Như vậy, phiên tòa mang chức năng kép, vừa thuộc về câu chuyện tiểu thuyết, vừa thuộc về thế giới quan Phong Hóa, để một lần nữa khẳng định sự xung đột cũ-mới, đến thời điểm đó, đã mang màu sắc của sự phân chia giới tuyến mà điểm nối hoàn toàn có thể là một vết cắt rất sắc, đủ để kết thúc cái này và tạo sinh cái kia. Phiên tòa xét xử trước hết là cuộc khẩu chiến giữa hai ý hệ cũ - mới nhưng nó quá quan trọng và cần thiết cho số đông nhân quần đang do dự, chần chừ trước các lằn ranh.

Loan xuất hiện trước vành móng ngựa với nét mặt “thản nhiên, không lộ một chút sợ hãi, lo lắng”; Loan trả lời ông chánh án “bằng tiếng Pháp một cách dõng dạc, điềm đạm”. Và sau màn luận tội, bào chữa căng thẳng giữa chưởng lí và trạng sư, Loan “lạnh lùng đứng dậy”, “thong thả” trình bày tình cảnh “bọn chị em gái mới”. Lời tự bào chữa của Loan còn nhắm rõ đối tượng “chị em gái mới đến đây nghe”. Tất cả, dưới bàn tay đạo diễn của Nhất Linh, trở thành một trường đoạn kịch tính, lôi cuốn với nhiều điểm thắt mở hấp dẫn. Trọng tâm trong lời bào chữa là phụ nữ phải tìm cách “sống một đời riêng, một đời tự lập, tránh sự chung sống với bố mẹ, họ hàng nhà chồng”.

Sau những biện giải của trạng sư thì tiếng nói của Loan, thay vì vin vào luật định, lại chủ yếu truyền tải tích đích xác, ngắn gọn những suy nghĩ, tư tưởng của mình. Điều tưởng là rơi vào cái nhìn lãng mạn quá đà này, thật đáng chú ý, vì dù có thể không nằm trong dự tính của Nhất Linh, nó lại tương đồng với đặc tính của luật pháp. Luật pháp, trước hết, là văn bản thể hiện những mong muốn, kì vọng, dĩ nhiên bằng ngôn từ, của những chủ thể nhất định (nhà nước chẳng hạn) và không thiếu tính chủ quan.

Cũng giống như luật pháp, các thể loại văn chương được viết ra để bày tỏ những điều mà chủ thể/ tác giả cảm thấy hài lòng (công bằng, nhân văn chẳng hạn). Không thể không coi chiến thắng tại tòa án của Loan là kết quả làm Nhất Linh hài lòng, đặc biệt khi ông đã tiểu thuyết hóa chủ đích giải phóng phụ nữ bằng sức mạnh của lý tính thay vì thái độ cầu cạnh, mơ ước hão huyền. Như một vị trạng sư ẩn ngầm, Nhất Linh biến lời lẽ văn chương thành các điều luật (với tất cả góc nhìn cá nhân) phê phán, kết tội xã hội. Và đồng thời, như bất kì một điều luật nào viết ra để bảo vệ các quyền tốt đẹp, Nhất Linh cũng đặt kỳ vọng vào ngọn cờ mà Loan phất lên trước tòa án.

Loan trắng án như sự khẳng định cuộc “cách mạng gia đình” không còn đơn lẻ, âm thầm mà đã thành trào lưu, được pháp luật bình quyền hậu thuẫn. Những diễn biến sôi nổi, gay cấn của trào lưu đó phần lớn thuộc về đô thị như ghi nhận của Đào Duy Anh vào năm 1938: “Hiện nay nhất là ở thành thị, ta thường thấy vấn đề gia đình biểu hiện bằng những cuộc xung đột của con cái và cha mẹ, những cuộc để vợ của đàn ông làm nên, những vụ trai gái trốn nhà, những án tự sát của thanh niên nam nữ. Những việc ấy trên nhật báo và tạp chí thường thấy đăng luôn”.

Nhân vật Loan, do đó, không phải là một tưởng tượng, một “phán đoán thẩm mỹ” văn chương kì khôi, càng không phải được lý tưởng hóa chỉ để thỏa mãn bộ phận độc giả tinh hoa. Loan phù hợp với chuẩn mực số đông thị dân có cùng hoàn cảnh, cùng tâm trạng khủng hoảng, chán chường lối sống cũ. Dĩ nhiên, Nhất Linh cũng cho thấy, để trở thành một người phụ nữ tự lập, Loan phải tìm cách xoay xở sinh kế và gặp nhiều thử thách sau hôn nhân. Nhìn theo chiều hướng này, Loan của Nhất Linh là một “vụ việc” để đội ngũ “trí thức” thời đại có phần hưởng lợi, tức là nhìn ra ở đó những động cơ, mục đích khó diễn đạt thấu suốt của nhóm phái mình.

Nhãn dán “gái mới” không phải là độc quyền của Nhất Linh hay Tự lực văn đoàn. Nhưng nếu trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, “gái mới” là hệ quả tai hại của quá trình Âu hóa, là một sản phẩm không hoàn hảo của đô thị, thì Nhất Linh lại coi đó là đích đến của tầng lớp thị dân, của xã hội hiện đại. Khi Vũ Trọng Phụng châm biếm thời trang, ngôn ngữ, hành động, tính cách của “gái mới”, vô hình trung, ông đã đồng nhất mọi cái mới với sự hư hỏng, đồi trụy và xa rời truyền thống.

Ngược lại, Nhất Linh coi các yếu tố trên là những vi mạch đảm bảo sự vận hành tiến bộ của đời sống. Vấn đề không phải là sự khác biệt tiêu chuẩn giữa “hiện thực” hay “lãng mạn” mà sâu xa từ ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa: liệu có thể đón nhận được gì từ văn hóa – tư tưởng phương Tây dưới áp lực của đạo đức, luân lí và thẩm mỹ truyền thống. Các tác giả theo xu hướng tả thực được đề cao cho đến hôm nay vì họ gần sát với lối phản ứng mang tính phòng vệ trước sự xuất hiện của bất kì làn sóng văn hóa - tư tưởng mới nào.

Các tác giả theo xu hướng canh tân, cải cách thường bị nghi ngờ vì họ tỏ ra nồng nhiệt, cởi mở hòa nhập vào quỹ đạo thế giới. Có thể lấy hành động chị Dậu chống lại lính lệ, một phản kháng được ghi nhận là sức mạnh bên trong, là tính cách người nông dân “tức nước vỡ bờ” rất được các bình giảng văn chương về sau tán tụng, và hành động tự bào chữa của Loan, nói tiếng Pháp trước tòa Tây án, một tính cách thị dân không được đánh giá cao, để nhận ra những khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận quyền sống, quyền cá nhân của văn giới bấy giờ. 

Mai Anh Tuấn
.
.