Thị dân, luật pháp và văn chương trước 1945

Trường hợp “trước vành móng ngựa” (bài 4)

Thứ Bảy, 12/11/2022, 20:39

Với “Trước vành móng ngựa”, đăng nhiều kỳ trên Ngày Nay, Phong Hóa, lần đầu tiên có một tác giả chuyên viết về xử án, luật pháp từ góc nhìn chuyên môn và khả năng vận dụng khéo léo thể tài báo chí. Tác giả đó là Nguyễn Tường Long dưới bút danh Tứ Ly, Hoàng Đạo.

Loạt bài tiểu phẩm pha ghi chép này, cho đến nay, dường như không được coi trọng, nghiên cứu kĩ càng nhưng theo tôi, chính đây mới là phần độc đáo, riêng khác và quan trọng bậc nhất của Phong Hóa, Ngày Nay cũng như của cả Tự lực văn đoàn.

1. Vốn xuất thân từ trường Luật Đông Dương (1924-1927), từng chuyển sang ngạch tư pháp và làm tham tá lục sự trong các tòa “Tây án”, Hoàng Đạo hoàn toàn có lợi thế khi theo dõi mảng đề tài pháp luật và có am hiểu thực tế để sớm lên tiếng về sự cần thiết giáo dục người dân am hiểu pháp luật.

1a.jpg -0
Xuất hiện lần đầu trên báo Ngày Nay số 1 (30/1/1935), “Trước vành móng ngựa” được ký tên Tứ Ly.

Trong tiểu luận “Dân và luật” đăng trên Phong Hóa số 183 (17/4/1936), sau khi giễu bộ Luật Gia Long được soạn bởi “những thi sĩ để móng tay dài và cong như xe điếu trúc, tâm trí mờ tối như những bài thơ cổ”, không phổ biến đến dân chúng khiến “họ không thể phân biệt thế nào là quyền lợi của mình, thế nào là quyền lợi của người khác; họ không biết thế nào là công lý nữa; việc trái, họ tưởng phải, còn việc phải, họ cũng không rõ là phải hay trái”, dẫn đến tình trạng bi hài “ông huyện tư pháp ngồi ngáp ruồi một nơi, còn dân gian có việc kiện tụng, đều đổ xô lại trước thẻ bài ngà của ông huyện hành chính”, Hoàng Đạo đặc biệt nhấn mạnh việc “cải cách trí não của dân chúng”. Bởi đó mới là gốc của mọi cải cách, và riêng về phương diện pháp luật, là phải “tìm phương làm cho dân hiểu rõ luật pháp như họ thấy ánh sáng mặt trời, mặt trăng chiếu xuống quả đất”.

Theo Hoàng Đạo, cần đưa vào chương trình các trường học môn “công dân giáo dục”, cho các thầy kiện “quyền  cãi trước các tòa Nam án”, tổ chức những cuộc “diễn thuyết dạy cho dân biết nghĩa vụ, quyền lợi của mình”. Phương án của Hoàng Đạo, rõ ràng, nhắm chủ yếu vào tầng lớp dân chúng chưa hoặc không có khả năng nắm luật pháp như một công cụ để bảo vệ mình. Một xã hội không dân trí hóa luật pháp nhưng lại muốn vươn tới văn minh, hiện đại thì là điều bất khả.

Mặt khác, có một sự bất cập và vì thế, bất công, giữa các tòa “Tây án” và “Nam án” vì các tòa “Tây án” thường nhân nhượng tội phạm là người Pháp, người nhập quốc tịch Pháp hoặc Hoa kiều, riêng người bản xứ thì bị quy luật khắt khe hơn. Trong khi đó, các tòa “Nam án”, theo Hoàng Đạo, “không phải là tòa án” bởi vì không phân biệt được tư pháp (xử án theo luật) với hành chính (quản lí nhà nước). Tính chất tạp lẫn ấy khiến Hoàng Đạo xem cải cách tư pháp là một yêu cầu thiết yếu, cấp bách nếu muốn có công bằng, an sinh xã hội.

Hoàng Đạo sử dụng văn chương “Trước vành móng ngựa” không chỉ vì yếu tố giải trí, thông tin mà hẳn còn vì các tội danh được nhắc đến rất gần gũi với thực tế đời sống, chính xác hơn thì đó là đời sống dân sự được tòa án hóa. Vì thế, Hoàng Đạo sẽ đặt cái nhìn của mình trong tâm thế trí thức thuộc địa: vừa hy vọng vào sự công bằng, công tâm và cách vận hành minh bạch của quan tòa, vừa thẳng thắn chỉ ra những bất cập của hệ thống luật pháp An Nam, mức độ hiểu biết luật pháp sơ sài của tội nhân, và như là hệ quả của hai điều đó, ông bày tỏ lòng xót xa, thương cảm trước những tội nhân An Nam nghèo khổ, ấu trĩ dính vào những án phạt đáng lý không nên có. Đây cũng chính là khó khăn của xã hội trên đà hiện đại khi phải giải quyết các vướng mắc, thử thách sinh kế bằng luật pháp.

2.jpg -0
Tiểu luận “Dân và luật” của Hoàng Đạo đăng trên Phong Hóa số 183 (17/4/1936).

2. Quả thật, không khó để bắt gặp Hoàng Đạo lúng túng trước nhiều cảnh huống xử án mà tội nhân là những người nông dân nghèo khổ, ít hiểu biết. Chẳng hạn, trong “Hai nghìn quan tiền Tây”, những người mắc tội nấu “rượu lậu” bị đem ra xử khiến tác giả không khỏi ngậm ngùi: “Không có gì buồn và chán nản bằng một phiên tòa xử “tù rượu”, nghĩa là những người bị cáo về tội buôn rượu lậu.

Cũng không có gì làm cho ta nghĩ ngợi bâng khuâng hơn” và sau đó, là đoạn mô tả cảnh tượng: “Một dãy người khốn khổ, ốm yếu, áo nâu tã, váy đụp, không dám ngồi hẳn lên chiếc ghế dài để riêng cho tội nhân, sợ làm bẩn mất ghế của nhà nước, một dãy người hốc hác, hôi hám như những tang chứng hoạt động của sự lam lũ, nheo nhóc ở nơi bùn lầy nước đọng, trông tưởng như một lũ ma đói hiện hồn lên trách thầm cái phú quý của những người khác”.

Mỗi tội nhân, bất kể già nua đói khổ, đều bị phạt hai nghìn quan, dĩ nhiên vượt quá khả năng tài chính của họ. Phiên tòa vì thế, là nơi chốn gây niềm cộng cảm với tha nhân hơn là với tinh thần pháp luật và do đó, cảm hứng nhân văn dần nghiêng về phía bác bỏ các luật định bất nhẫn. Xu hướng mô tả chân dung phạm nhân theo điểm nhìn của lòng cảm thông gần như kéo dài suốt mục “Trước vành móng ngựa” nên từ các ghi chép, có thể dựng lại sắc thái diện mạo của dân tình khốn khó.

Tuy nhiên Hoàng Đạo không có ý trở thành nhà văn tả chân theo kiểu phê phán giai tầng thống trị, thực dân. Chủ đề ông lựa chọn là luật pháp tại phiên tòa nên chỉ có phán quyết, án phạt và sự đúng, sai trong các luận chứng, biện hộ. Từ đó, Hoàng Đạo nhấn mạnh thiết chế luật pháp còn cao hơn tính nhân đạo thuần túy, “luật lệ và luật lệ, nặng thì chịu”, không thể can thiệp bằng lòng từ bi.

Trái ngược với mô hình truyện cổ khi đứng ra bênh vực người nghèo khổ, Hoàng Đạo cho thấy các hình phạt (phạt tiền, phạt tù vào “nhà pha”) thường trút lên tầng lớp dưới đáy một khi họ không có điều kiện tốt để cải thiện mức sống. Liệu pháp “cổ tích” chẳng còn hiệu nghiệm trong lời cầu xin, than khóc tại các phiên tòa cứng rắn.

Nói khác đi, loạt bài “Trước vành móng ngựa” trưng ra một kiểu “thi pháp công bằng”, có thể gọi như vậy, khi nó cho thấy mối quan hệ rõ ràng giữa định chế pháp luật với quyền lực nhà nước, đời sống kinh tế. Không có cá nhân nào đứng ngoài pháp luật và câu ngạn ngữ “luật pháp là luật pháp” (“dura lex, sed lex”) được Hoàng Đạo nhắc lại với hàm ý khẳng định sự có mặt rất trực tiếp của nhà nước ngay ở mỗi phiên tòa.

Chính quyền quản lí, chi phối dân chúng bằng pháp luật, bằng các quy tắc xử phạt và các quy tắc này sẽ tiết lộ một phần diện mạo kinh tế xã hội. Nhưng đồng thời, nó cũng chi phối cảm quan của người viết trong khi nhìn nhận, đánh giá tính nhân văn, công bằng trong xã hội tại thời điểm đó. Vì vậy, diễn ngôn luật pháp trong “Trước vành móng ngựa” là sự dịch chuyển của chủ nghĩa nhân văn hiện đại vào bối cảnh Việt Nam mà điểm cốt lõi xoay quanh giá trị con người, sự tôn trọng quyền được bào chữa, tranh biện tại tòa án và khả năng ngăn chặn tình trạng phạm pháp, tái phạm ở người dân.

Ngay từ đầu, trong câu chuyện luật pháp của Hoàng Đạo, đã là sự liên đới giữa luật pháp, chính quyền và kinh tế. Phần lớn các phiên tòa đều xử tội “tiểu hình”, tức là các tội dân sự (ăn cắp, móc túi, ghen tuông, xin ăn trong thành phố, quỵt nợ, vay nợ không trả, nghiện thuốc phiện, xô xát, tranh chấp, đồng bóng, nấu rượu lậu,…), phản ánh thực trạng xáo trộn, đa tầng bậc của hệ thống quản lý, điều hành xã hội bấy giờ. Tuy phạm tội là hành vi cá nhân nhưng lai lịch, nguồn cơn, tính chất của từng loại tội lại biểu thị những chiều kích khác nhau của thực tế. Nhìn chung, dưới phổ quan sát rộng của Hoàng Đạo, không vấn đề và cá nhân nào có thể đi ngoài tòa án, không một sai phạm và tình cảnh nào có thể vượt mặt quan tòa.

Điều cốt lõi của những tội tiểu hình mà tòa xử, qua giọng điệu thường xuyên châm biếm, giễu nhại của Hoàng Đạo, chính là sự khúc xạ của một xã hội đô thị thuộc địa đầy biến động đang chịu ảnh hưởng của tư duy hành pháp phương Tây nhưng đà níu của tập tục sinh hoạt nông nghiệp thì chưa mất. Nguyên nhân sâu xa và cơ bản nhất khiến tòa án tiểu hình luôn đầy áp “bị cáo nhân” là do nghèo đói và ít học. Trong môi trường xã hội “bùn lầy nước đọng” như nhận xét của Hoàng Đạo, tiếp cận cái gì gây nên tội trạng là thái độ tiếp cận từ bên trong, truy nguyên căn gốc và nhờ đó, nắm bắt chính xác hiện tình cụ thể.

3. Hoàng Đạo không được văn học sử đề cập đến nhiều, ít nhất trong tương quan với các thành viên Tự lực văn đoàn, ngoài lý do bị xếp vào khung “lãng mạn” tiểu tư sản, hẳn còn vì chưa có lớp độc giả thực sự mở rộng phạm vi quy chiếu văn chương. Nếu chỉ xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm và sau đó, đưa ra bằng cứ hai năm rõ mười về các xung đột, mâu thuẫn giai cấp, các đối kháng ngấm ngầm liên quan đến dân sinh, dân quyền thì văn chương Hoàng Đạo có thể không thật thỏa mãn.

Tuy thế, vẫn từ mục tiêu nhìn lại bối cảnh xã hội theo một đòi hỏi rộng hơn, đặc biệt là sinh động và phức tạp hơn trong các bước chuyển đổi, các quan sát của Hoàng Đạo rất xứng đáng được lựa chọn, một phần vì ở chúng có sự lay động lớp độc giả trẻ đương thời nhìn thấu sự bệ rạc, già nua của các thiết chế phong kiến lạc hậu, và đồng thời, cho thấy cái mới trong tư tưởng, hành vi không phải bỗng dưng mà thành.

 (Còn nữa)

Mai Anh Tuấn
.
.