Thị dân, luật pháp và văn chương trước 1945

Tiếng nói của một kí giả - thị dân (bài 3)

Thứ Năm, 03/11/2022, 08:34

Trong khuôn nền xã hội thuần nông, tập người mù mờ luật pháp không phải là hiếm. Mặc dù vẫn có các bộ luật của triều đình (nhà vua) nhưng về cơ bản, người dân chỉ đối mặt và ứng xử chủ yếu với các quy định thường xuyên gói gọn trong hương ước làng xã. Ý thức về một thứ dân luật liên quan đến cá nhân được chuyển hóa chủ yếu bằng các vụ kiện cáo vốn chưa bao giờ giảm nhiệt ở địa phương.

1. Hiếu kiện, hiếu tụng là nét tính cách phổ biến của dân chúng. Theo Đào Duy Anh, "đó cũng là một ảnh hưởng của nông nghiệp", dẫn đến thực tế rằng "pháp luật của nước ta chỉ trọng về hình luật, chứ không can thiệp đến dân luật, thản hoặc có những điều thuộc về dân sự thì chỉ thấy định cách trừng phạt chứ không định quy tắc cho dân theo".

Tiếng nói của một kí giả - thị dân (bài 3) -0
"Tội phạt cùm" - Tranh khắc gỗ của Henri Oger trong “Kỹ thuật của người An Nam”. Bộ Hoàng Việt hộ luật cho biết, phàm các tội nhân phạm tội nhẹ chưa đến mức dùng gông đi đường hoặc đàn bà phạm tội, thì đều dùng loại này.

Hình luật càng nghiêm khắc càng có tính răn đe, ngăn chặn tình trạng kiện tụng và gián tiếp giảm bớt vai trò của nghề thầy kiện, thầy cung lúc nào cũng sẵn sàng tham gia. Nguyễn Văn Vĩnh có thêm một bổ sung để lí giải vì sao các điểm nóng tại địa phương ít khi hạ nhiệt: "Ngoài các mụ già lắm điều, thích kiện cáo, chỉ thích gây sự với các ông hào lý bất lực, trong làng còn có các đầu bò chuyên nghề chọc ngoáy mọi lúc, mọi nơi, chúng tìm đủ mọi cách để khự nự và cãi lại các quyết định, dù đó là những quyết định đúng đắn nhất".

Bộ phận "đầu bò" ("đầu bò đầu bướu") không chính danh nhưng chẳng mấy khi bỏ qua các phi vụ kiếm chác lợi lộc từ xử kiện mà trách nhiệm, quyền hành đáng ra hoàn toàn thuộc về chính quyền làng xã. Cũng cần nói thêm, ngoại trừ tội ám sát hay mưu phản, các vụ tranh chấp ở làng xã thường được giải quyết tại chỗ và bộ phận hào mục sẽ kiêm "viên chức tư pháp" phải lui tới huyện lị hàng ngày nếu có một vài vụ kiện tụng cần giải quyết.

Các ý niệm về bình đẳng hay công bằng như vào giai đoạn giao thời được coi trọng rất khó tồn tại ở những làng mạc mà sự bình đẳng, vẫn theo Nguyễn Văn Vĩnh, "đòi hỏi trước tiên rằng, mọi người đều phải có cái ăn và không có người bị chết đói ngay bên cạnh các vựa thóc đầy ắp". Nhận định có phần chua chát này phản ánh khá chính xác những va chạm, xung đột quần ngư tranh thực kéo dài liên miên, đồng thời cũng cho thấy trong nếp nghĩ tiểu nông, miếng ăn quan trọng hơn rất nhiều so với vươn đến luật pháp công chính.

Trong thời trung đại, sự trưởng thành của tư duy quản lí nhà nước đương nhiên gắn với công việc san định luật pháp mà những Hình thư (đời Lý), Quốc triều thông chế, Hoàng triều đại điển (đời Trần), đặc biệt Quốc triều hình luật (Lê sơ) là các dấu mốc lớn. Tuy nhiên, cho đến đầu nhà Nguyễn, việc triển khai pháp luật nhà nước cũng không được cải thiện theo hướng phân rõ vai trò của tư pháp.

Bộ Luật Gia Long nổi tiếng (Hoàng Việt luật lệ) soạn từ năm 1812 và ban hành năm 1815, theo luật sư Vũ Văn Mẫu, được cho là sao chép "gần đúng toàn thể nguyên văn" bộ luật nhà Thanh, cách bố cục cũng "giống hệt". Bộ luật này vẫn mang tính chất tổng hợp (dân sự, hình sự, quân sự) nên yếu tố hình pháp và lễ đức, luân lí vẫn chưa tách bạch.

Đáng nói hơn, cho dẫu có luật nhà nước, dân chúng phần nhiều mù chữ càng khó biết được các điều luật cụ thể cho đến khi họ ra đến huyện đường, thậm chí, "đó là một thứ thánh kinh mà chỉ có những quan tư tế mới được quyền mở ra và giải thích". Không phổ biến, hoặc "cất giấu kĩ" văn bản pháp luật khiến cho các điều luật, bất chấp sự nghiêm minh hay nặng/nhẹ của nó, vẫn chỉ tồn tại, có lẽ, chủ yếu ở điểm nối giữa nhà nước/vua với làng xã/dân chúng: quan cai trị.

Bởi vậy, đúng như Nguyễn Thừa Hỷ nhận xét, sự công minh pháp lí "tùy thuộc rất nhiều vào đức độ cá nhân của từng vị quan cầm quyền, cũng là cầm cân nảy mực khi xét xử. Đó là một nền luật pháp ân đức". Trên bối cảnh tòa án mà các vị "đèn trời soi xét" còn bị chi phối bởi đạo đức, kinh tế và quyền lực, sẽ chẳng có gì đảm bảo cho thần dân đưa ra tranh biện, đối thoại lí lẽ nhằm bảo vệ bản thân mình.

Tiếng nói của một kí giả - thị dân (bài 3) -0
Tranh vẽ minh họa hình phạt trượng thời xưa. Ảnh: L.G

2. Dưới thời Pháp đô hộ, tổ chức tư pháp, thực thi pháp luật không tương đồng giữa các vùng miền. Nam kỳ áp dụng bộ Dân luật giản yếu của Pháp được ban hành năm 1883; ở Bắc kỳ là bộ Dân luật năm 1921; còn Trung kỳ là bộ Dân luật ban hành năm 1936. Riêng ở Bắc kỳ, việc ra đời Bộ Dân luật thi hành tại các tòa Nam án tại Bắc kỳ (Dân luật Bắc kỳ) là quá trình dài, qua nhiều sửa đổi với sự cố vấn án lệ của một ủy ban gồm người Pháp và Việt.

Tuy nhiên, tính hợp pháp của bộ luật này lại không được rõ ràng bởi Bắc kỳ (cũng như Trung kỳ) là đất nhượng địa, chỉ chính phủ Nam triều (Nguyễn) mới được quyền lập pháp. Chĩa vào sự bất hợp lý này, Phan Khôi, giữa năm 1935, đã đăng hai bài liền trên báo Tràng An về việc tòa án người Pháp xử vụ kiện của người An Nam ở "Tourance".

Theo Phan Khôi, Tourance (Đà Nẵng) là đất nhượng địa nên những vụ kiện như trên phải do Tòa án An Nam xử lí, bởi vì cả nguyên đơn và bị cáo "là người sanh đẻ trong đất An Nam, nhất là họ lại làm tôi của vua An Nam". Lý lẽ và thái độ của Phan Khôi, một nhà Nho duy tân và là ký giả xông xáo bậc nhất thời đó, sẽ cho chúng ta cảm nhận phần nào mối bận tâm và sức am hiểu luật pháp của tầng lớp trí thức bấy giờ. Điểm đáng chú ý ở đây còn là sự vào cuộc của báo chí như một kênh tư vấn luật pháp nhắm đến lớp độc giả thị dân trung thành.

Vẫn Phan Khôi, vào năm 1937, tiếp tục đăng khá nhiều bài liên quan đến luật pháp: Đọc cuốn “Hoàng Việt hộ luật” (loạt bốn bài trên Sông Hương, từ số 22-25), đến “Hoàng Việt hình luật” (Sông Hương, số 27), “Xin quan toàn quyền cho báo chí An Nam một đạo luật mới” (Sông Hương, số 30-31), “Vấn đề pháp luật ở Trung kỳ” (Sông Hương, số 32).

Với bản tính thẳng thắn và cái nhìn sắc sảo, Phan Khôi đã mạnh tay "phê bình" những bất cập trong Hoàng Việt hộ luật là bộ luật được áp dụng ở Trung kỳ từ 1936: Luật muốn giữ chặt chế độ đại gia đình; Khinh miệt quyền cá nhân; Ủng hộ phụ quyền; Đồng nhất những người ái quốc (phạm tội chính trị) với kẻ ăn cướp, giết người, đốt nhà; Mang danh phỏng theo luật Tây nhưng cốt lõi vẫn là luật Gia Long…

Phan Khôi cũng khẳng định trình độ dân Trung kỳ, nhất là thanh niên đã tiến lên trong khi bộ luật lại có nhiều điều nệ luật tục cổ mặc dù nó được nước Pháp văn minh, tôn trọng tự do bình đẳng chấp bút. Chỉ ra chỗ "chưa được hoàn toàn" của bộ luật, Phan Khôi dự sẵn những cuộc "cách mạng" ngay từ trong gia đình sẽ sớm nổ ra mà thanh niên là người cầm trịch. Phỏng đoán của Phan Khôi hoàn toàn có cơ sở bởi thời điểm lớp trẻ có học thức tiến đến đích cải cách, tri tân đang gấp gáp hơn bao giờ hết.

3. Nhận thức của người trẻ về luật pháp thay đổi như Phan Khôi ghi nhận nhưng, một lần nữa, phải đặt nó trong môi trường đô thị. Còn ở làng xã, dân chúng vẫn còn đấy đức tín mãnh liệt mà họ được truyền dạy từ bao đời: luôn luôn có một tòa án tối cao để phán xử công tội, tốt xấu của mỗi người. Tòa án thiên đình và tòa án âm phủ, hai sản phẩm hư cấu của Phật giáo, đã ăn sâu và có tác dụng thực tiễn rất cao.

Bất kì ai cũng nghe kể hoặc chứng kiến cảnh tượng tra khảo, trừng trị những người trọng tội dưới địa ngục âm phủ do cửa chùa truyền bá qua tranh dân gian. Người sống trong cõi thế tục từ khiếp sợ mà tu chỉnh, cố gắng làm việc từ tâm tích thiện hằng mong có được ân huệ chuyển kiếp tốt lành của tòa án âm phủ. Nhìn chung, đấy là một dạng "tòa án" vô hình nhưng chi phối toàn bộ tứ dân, kể cả anh nhà nho ít nhiều duy lý cố tỏ ra an nhiên hơn cánh đà bà sốt sắng lễ bái cầu xin. Bởi vậy, sẽ không lấy làm lạ khi nhiều truyện thơ Nôm sẽ trưng dụng bóng hình thế giới âm ti địa ngục để khuyên nhủ, giáo dục người trần mắt thịt đi theo lối sống giàu Phật tính.

Đến đây, ta đã nhận ra những chằng chéo phức tạp và cơ hồ không hề đứt gãy giữa xã hội thuần nông và thành thị xoay quanh đời sống pháp luật trong giai đoạn giao thời. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, các sự kiện pháp luật, pháp lý thường xuyên được truyền tin trên báo chí thay vì bị bưng bít hoặc chỉ truyền miệng trong phạm vi nhỏ.

Nói cách khác, công chúng độc giả, qua báo chí và sách vở, đang cùng nhau chia sẻ sự có mặt rộng khắp của pháp luật và tùy vào tính chất mỗi vụ án, sẽ có phản ứng khác nhau. Trong khi đó, giới ký giả và nhà văn tinh ý sẽ không bỏ qua dư luận và vị thế bắt đầu quan trọng của nghề luật sư bào chữa tại các phiên tòa. Bối cảnh này dần tạo ra các câu chuyện mới về xử án, trong đó tinh thần và nội dung luật pháp cải cách theo lối phương Tây sẽ là điểm nhấn tạo ra khác biệt.

 (Còn nữa)

Mai Anh Tuấn
.
.