“Cơn đau đầu” của nước Pháp: Hậu đảo chính Niger

Thứ Năm, 10/08/2023, 14:06

Cuộc đảo chính tại Niger khiến Pháp và đồng minh đối mặt nguy cơ tuột mất một đối tác Tây Phi quan trọng vào vòng ảnh hưởng của đối thủ cạnh tranh, đồng thời bộc lộ những "lỗ hổng" trong chính sách chung của phương Tây ở khu vực, cũng như tạo ra hệ lụy với an ninh tổng thể tại châu Âu.

Tây Phi đang tuột khỏi tay Pháp?

Sau cuộc đảo chính gay cấn lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum do lực lượng cận vệ tổng thống, dẫn đầu bởi tướng Abdourahmane Tchiani, thực hiện hôm 26/7, thủ đô Niamey của Niger những ngày qua rơi vào cảnh lộn xộn vì sự xuất hiện dày đặc của các nhóm vũ trang trên đường phố cùng các cuộc biểu tình nhen nhóm bạo lực. Cuối tháng 7, một nhóm người quá khích tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Pháp, hô các khẩu hiệu phản đối phương Tây, sau đó đốt cờ Pháp, đập phá xe cộ và tìm cách xông vào bên trong tòa nhà đại diện ngoại giao nhưng bị đẩy lùi bởi đạn hơi cay của lực lượng an ninh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lập tức thể hiện sự tức giận và cảnh báo tướng Tchiani - người đứng đầu chính quyền quân sự đang nắm quyền thực tế và được quân đội ủng hộ ở Niger - rằng, phản ứng của Paris là "ngay lập tức và không khoan nhượng" nếu công dân Pháp bị tổn hại.

“Cơn đau đầu” của nước Pháp: Hậu đảo chính Niger -0
Người biểu tình tràn xuống đường phố Niger cùng khẩu hiệu phản đối Pháp, ủng hộ Nga sau cuộc chính biến.

Theo BBC, dù Tổng thống Bazoum được phương Tây hậu thuẫn và chi hàng trăm triệu USD hỗ trợ phát triển trong giai đoạn ông nắm quyền, nhưng một nửa người dân quốc gia Tây Phi vẫn sống trong cảnh nghèo khổ với thu nhập dưới 2,15 USD/ngày, dẫn đến cách nhìn về ông Bazoum và phương Tây kém tích cực. Cuộc sống khó khăn của người dân trở nên tuyệt vọng bởi hành vi cực đoan của các nhóm thánh chiến Hồi giáo có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda. Chúng ngày càng hoạt động tích cực ở châu Phi trong thập kỷ qua, thực hiện nhiều tội ác mà Pháp dù đã gửi quân đến khu vực nhưng không thể đẩy lùi.

Trước Niger, các cuộc đảo chính tương tự đã xảy ra ở hai quốc gia Tây Phi trên dải Sahel là Mali và Burkina Faso, nơi quân đội giành quyền lực một phần nhờ lời hứa làm nhiều hơn để bảo vệ dân chúng khỏi phiến quân. Pháp từng đưa quân đến Mali và Burkina Faso trong các chiến dịch Barkhane (Mali) và Sabre (Burkina Faso) nhưng không đạt kết quả nào đáng kể. Người dân tại các quốc gia đó cho rằng, Pháp không muốn hành động mạnh mẽ chống phiến quân mà chỉ tìm cách duy trì hiện diện quân sự nhằm bảo vệ các lợi ích địa chính trị và kinh tế. Năm 2022, chính quyền Mali cắt đứt hợp tác quốc phòng với Pháp, buộc Paris rút 4.500 quân khỏi nước này. Đầu năm 2023, Burkina Faso cũng chấm dứt hợp tác an ninh với Paris.

Bằng cách tiếp cận giống nhau, Mali và Burkina Faso đều ủng hộ đảo chính ở Niger, cảnh báo bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào Niger sẽ được hai nước coi là lời tuyên chiến chống lại họ. Tuyên bố đó được cho là nhằm đáp trả việc Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) gồm 13 nước yêu cầu chính quyền quân sự Niger khôi phục quyền lực cho ông Bazoum hoặc ECOWAS sẽ sử dụng "mọi biện pháp", bao gồm cả vũ lực, để khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger.

Trở lại các cuộc biểu tình ở Niamey, trong khi đám đông đốt cờ Pháp, truyền thông phương Tây đăng tải hình ảnh cho thấy nhiều người biểu tình mang theo cờ Nga, thậm chí, mặc áo tự may in hình cờ Nga. Truyền thông phương Tây thừa nhận đây là dấu hiệu của cảm tình của một bộ phận không nhỏ người Niger với Moscow, tương tự những gì xảy ra ở Mali, Burkina Faso hay một loạt quốc gia châu Phi khác.

Trong phản ứng chính thức, Điện Kremlin đề nghị thả tự do cho Tổng thống Bazoum và kêu gọi lập lại trật tự hiến pháp ở Niger. Tuy nhiên, ông Yevgheni Prigozhin, lãnh đạo Tập đoàn an ninh Wagner, hoan nghênh đảo chính ở Niger và cho biết lực lượng của ông sẵn sàng tham gia lập lại trật tự. Wagner có nhiều năm hiện diện ở châu Phi và họ đã chứng minh hiệu quả chiến đấu thực tế. Ở Mali, khoảng 1.000 binh sĩ Wagner được triển khai để huấn luyện và trực tiếp tham chiến, "thế chân" binh sĩ Pháp, chống các nhóm Hồi giáo cực đoan. Một số hãng tin cho rằng Wagner cũng đang đàm phán các thỏa thuận an ninh với Burkina Faso.

Dù Nga được xem là bên hưởng lợi trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực, giới chuyên gia nhận định các giả thuyết cho rằng Moscow đứng sau đảo chính Niger không có cơ sở. Bà Aneliese Bernard, Giám đốc Nhóm Cố vấn ổn định chiến lược, trước đây làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ ở Niger, cho biết: "Có rất nhiều người nói về việc người Niger đang cố gắng trút bỏ mối quan hệ thuộc địa cũ với Pháp và cố gắng thoát khỏi những nước phương Tây. Cũng có người nói rằng, Nga đứng đằng sau việc này nhưng chúng ta không có bằng chứng cho việc đó".

"Tiến thoái lưỡng nan"

Tầm ảnh hưởng kéo dài của Pháp ở Tây Phi và Sahel là một trong những yếu tố đóng góp vào vị thế chính trị tổng thể của Paris trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Pháp và đồng minh phản đối đảo chính, nhưng thừa nhận can thiệp quân sự vào Niger không phải giải pháp, khiến phương Tây rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khi còn rất ít lựa chọn hành động.

“Cơn đau đầu” của nước Pháp: Hậu đảo chính Niger -0
Lực lượng an ninh Niger giải tán người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Pháp tại Niamey, ngày 30/7.

Niger dưới thời Tổng thống Bazoum là một trong những quốc gia cuối cùng còn hợp tác với Pháp và Mỹ trong nỗ lực chống khủng bố ở vùng Sahel và Vịnh Guinea. Việc Niger không còn nằm trong "vòng ảnh hưởng" có thể các chiến dịch tấn công các nhóm thánh chiến Hồi giáo do phương Tây dẫn đầu khó khăn hơn, khi chúng dễ dàng di chuyển xuyên biên giới. Pháp hiện có 1.500 quân nhân ở Niger, gấp rưỡi số lính Mỹ. Toàn châu Phi, số binh sĩ Pháp đã giảm từ 5.000 cách đây 2 năm xuống còn 3.000. Theo tờ Le Monde, hàng trăm binh sĩ Pháp sắp rời khỏi Bờ Biển Ngà, Senegal và Gabon.

Bên cạnh đó, mỗi cuộc đảo chính thành công sẽ khích lệ những kẻ khác có ý định tương tự tại những nơi phương Tây hiện diện. Cuộc đảo chính ở Niger là nỗ lực lật đổ chính quyền thứ 9 trong hơn 3 năm qua ở Tây và Trung Phi. Hôm 2/8, truyền thông khu vực cho biết một âm mưu đảo chính được ghi nhận ở Sierra Leone nhưng bị lực lượng an ninh ngăn chặn. Sierra Leone cũng thuộc nhóm ECOWAS.

Đối với Liên minh châu Âu (EU), Niger là một phần của bức tường kiểm soát dòng người di cư châu Phi khi "án ngữ" tuyến đường từ vùng cận Sahara đi lên Algeria và Lybia để tràn vào châu Âu qua tuyến Địa Trung Hải. Trong thập kỷ qua, Niger và Algeria đã phối hợp hồi hương hàng ngàn người di cư. Khi "bức tường" không còn, châu Âu sẽ nhanh chóng cảm nhận được áp lực từ làn sóng di cư mới.

Một vấn đề đau đầu khác với Pháp liên quan đến khủng hoảng ở Niger là an ninh năng lượng, vốn gặp muôn vàn thách thức từ căng thẳng với Nga, bị tác động tiêu cực. Niger những năm qua cung cấp nguồn nguyên liệu uranium lớn phục vụ các cơ sở hạt nhân trọng yếu khắp châu Âu, nhất là Pháp. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Niger ngày 1/8 đã ra lệnh cấm lập tức hoạt động xuất khẩu uranium và vàng sang Pháp.

Theo France24, do chính sách được phát triển từ thời Tổng thống Charles de Gaulle, Pháp sử dụng 70% nguồn điện từ năng lượng hạt nhân, nhiều hơn bất cứ nước nào khác. Paris mỗi năm "bỏ túi" 3 tỷ Euro, tương đương 1/5 GDP của Niger, từ xuất khẩu năng lượng hạt nhân, cao nhất thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng hạt nhân của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Niger chiếm 4-6% thị phần uranium toàn cầu trong thập kỉ qua. Với Pháp, nước này cung cấp 18% uranium giai đoạn 2005-2020, sau Kazakhstan và Australia (tỷ lệ lần lượt 20% và 19%). Trong khi đó, hoạt động khai thác uranium ở Kazakhstan do Tập đoàn Rosatom của Nga đảm nhiệm. Bối cảnh căng thẳng với Nga có thể đẩy Pháp vào tình huống rất phức tạp nếu nguồn cung từ Kazakhstan bị thu hẹp trong trường hợp phương Tây tìm cách trừng phạt Rosatom trong các gói cấm vận tương lai. Với EU, Cơ quan hạt nhân Euratom mua 1/4 nhu cầu uranium từ Niger. Euratom khẳng định với Reuters rằng việc mất nguồn cung Niger không "tạo rủi ro với an ninh điện trong ngắn hạn" nhờ nguồn dự trữ, nhưng dài hạn thì chưa rõ.

Pháp đến nay không công nhận chính quyền quân sự Niger nên chưa rõ các biện pháp cấm xuất khẩu uranium vừa được ban bố có tác động ra sao. Tại Niger, các doanh nghiệp Pháp đã nắm giữ quyền khai thác uranium ở đây hơn 50 năm qua. Tập đoàn nhà nước Orano của Pháp đang điều hành mỏ uranium lớn ở Niger, đầu tháng 8/2023 tuyên bố họ sẽ tiếp tục khai thác, bất chấp "các sự kiện an ninh" xảy ra.

Trong bài bình luận mới đây, tờ Le Monde nhận xét, đảo chính ở Niger nên được phương Tây thẳng thắn nhìn nhận là cơ hội để cân nhắc lại về những bước lùi liên tiếp trong chính sách ở khu vực. Paris và phương Tây vẫn có lựa chọn để níu giữ ảnh hưởng ở Niger thông qua việc tiếp cận mềm mỏng hơn với phe đảo chính. Tuy nhiên, một động thái như vậy sẽ khiến niềm tin vào những giá trị mà phương Tây cố gắng thiết lập tại châu Phi bị nghi ngờ. Nó cũng có thể dẫn đến một tình huống không mấy khả quan, giống cuộc chính biến xảy ra ở Sudan.

Nguyễn Phùng
.
.