Người gốc Phi đi tìm chỗ đứng giữa lòng nước Pháp

Thứ Năm, 13/07/2023, 08:15

Bất bình bùng lên ở Pháp sau vụ thiếu niên da màu 17 tuổi bị cảnh sát bắn chết đã trở thành làn sóng biểu tình quy mô đáng kể trong nhiều năm, cho thấy bức tranh xã hội còn nhiều bất đồng và phản ánh nỗ lực mòn mỏi của một bộ phận người nhập cư trong xác lập chỗ đứng giữa lòng nước Pháp.

Không chỉ là "công lý cho Nahel"

Nước Pháp vừa trải qua những ngày không yên ả. Nửa tuần đầu tiên tháng 7/2023, hàng triệu người Pháp ngủ quên trong âm thanh rền vang của báo động, tiếng súng, pháo hoa chói tai, rồi thức dậy chứng kiến hàng chục ô tô cháy đen ven đường, cửa hàng bị cướp phá, tòa thị chính cùng trường học tan hoang vì bị phóng hỏa. Truyền thông mô tả nhiều khu vực của nước Pháp trông như thể vừa xảy ra xung đột vũ trang do hậu quả của biểu tình bạo lực kéo dài xuyên đêm.

Nhiều thành phần của nước Pháp, từ các chính trị gia đến giới cầu thủ bóng đá, đã kêu gọi công chúng bình tĩnh. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron triển khai tới 45.000 cảnh sát mỗi đêm để kiểm soát bạo lực. Từ sáng 4/7, tình hình lắng dịu. Tuy vậy, trên các bức tường ở Paris và nhiều nơi còn nguyên thông điệp viết nguệch ngoạc: "Công lý cho Nahel".

Người gốc Phi đi tìm chỗ đứng giữa lòng nước Pháp -0
Vụ thiếu niên Nahel bị bắn thiệt mạng đã châm ngòi làn sóng biểu tình và bạo động diện rộng ở Pháp. Ảnh: The Times

Nahel, thiếu niên 17 tuổi gốc Pháp-Algeria, bị một sĩ quan cảnh sát bắn chết sau màn rượt đuổi do cậu không chấp hành hiệu lệnh dừng xe hôm 27/6. Người cảnh sát trong vụ việc ban đầu tố cậu cố gắng lao xe vào cảnh sát, nhưng các đoạn video ghi lại vụ việc cho thấy Nahel không làm vậy. Thế là phẫn nộ bùng lên. Đám đông biểu tình, phần lớn là người Pháp trẻ có nguồn gốc nhập cư, nhất là châu Phi, đổ xuống đường để đòi công lý cho Nahel và phản đối phân biệt chủng tộc, sau đó lan thành bạo lực.

Nhiều nhà quan sát đã so sánh tình hình hiện nay với năm 2005, khi hai cậu bé tuổi teen bị điện giật khi trốn cảnh sát trong một trạm biến áp ở ngoại ô Clichy-sous-Bois ở thủ đô Paris. Cái chết của họ đã gây ra làn sóng bạo loạn dài 3 tuần, gây thiệt hại thiệt hại hơn 200 triệu USD. Đối với nhóm "banlieues", tên gọi khác của cộng đồng người gốc nhập cư sinh sống chủ yếu tại các khu vực kém phát triển hơn ở ngoại ô các thành phố lớn tại Pháp, cái chết của Nahel cho thấy mọi bất cập vẫn còn nguyên.

Họ cho rằng mình vẫn bị phân biệt đối xử, bị chính sách bỏ rơi và không có cơ hội phát triển bản thân. "Kể từ năm 2005, không có gì thay đổi! Cảnh sát Pháp vẫn đang nhắm vào những đứa trẻ ở banlieues", Laurence Bedé, một bà mẹ người Pháp gốc Algeria có 3 con gái sống ở vùng ngoại ô Nanterre của Paris hô lớn khi tham gia biểu tình, tờ Christian Science Monitor dẫn lời. Con gái bà Bedé, cô Maissane nói thêm: "Chúng tôi chán ngấy tình hình này. Chúng tôi chỉ muốn được trao một cơ hội".

Trong thông điệp trấn an người biểu tình, Tổng thống Macron gọi vụ nổ súng là "không thể giải thích và không thể bào chữa". Phát ngôn viên Điện Elysee sau đó nhấn mạnh sự cố là "hành động cá nhân", không đại diện chính sách của cảnh sát Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp cũng mô tả "bất cứ cáo buộc nào rằng cảnh sát Pháp phân biệt chủng tộc có hệ thống hoặc phân biệt đối xử là vô căn cứ". CNN cho biết, "triết lý" của nước Pháp là mọi công dân đều là người Pháp và chính quyền cần kiên quyết tránh các hình thức phân biệt, thậm chí yêu cầu công chức hạn chế mang theo mình các biểu tượng tôn giáo. Các quy tắc bình đẳng đó ngăn nhà chức trách làm bất cứ điều gì trông có vẻ phân loại công dân Pháp dựa trên chủng tộc, bao gồm cả trong thu thập số liệu thống kê. "Nhưng, có một khoảng cách lớn giữa lý tưởng của chúng ta và thực tế", Daniele Obono, một nhà lập pháp Pháp thuộc đảng France Unbowed nói.

Các gia đình gốc Phi không chiếm đa số trong cộng đồng người nhập cư tại Pháp, nhưng họ sống tập trung quanh các đô thị lớn nên dễ tạo cảm giác những người có màu da đen và những người có gương mặt kiểu Arab có mặt khắp nơi. Bên cạnh đó, lối sống tuân theo giáo lý Hồi giáo, những định kiến về vấn đề khủng bố cùng tỷ lệ thất nghiệp, tội phạm cao hơn trung bình được mô tả là đã khiến người gốc Phi bị đánh đồng và chịu thiệt thòi. Một báo cáo năm 2017 cho thấy, nam giới gốc Phi có khả năng bị chặn lại cao hơn gấp 20 lần so với phần còn lại của dân số khi di chuyển trên đường. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, các nhóm ứng viên có tên gốc Arab nhận được phản hồi tích cực thấp hơn 25% trong quá trình tìm kiếm việc làm, tờ Christian Science Monitor nêu.

Theo chuyên gia Mounira Chatti thuộc Đại học Bordeaux Montaigne, đấu tranh "vì phẩm giá thực sự là cốt lõi của những gì đang xảy ra" ở Pháp. "Ngay bây giờ, những người thanh niên đó cảm thấy họ bị phân biệt đối xử tại trường học, nơi làm việc... Họ cũng xem mình là nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc", bà Chatti nói. Bà đánh giá, nếu Pháp muốn thoát khỏi tình trạng hiện nay, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron cần "gửi đi tín hiệu rất mạnh mẽ tới những người trẻ nguồn gốc nhập cư: Bạn thuộc về đất nước này và bạn có vị trí của riêng mình ở đây".

Người gốc Phi đi tìm chỗ đứng giữa lòng nước Pháp -0
Đám đông biểu tình sau sự kiện thiếu niên Nahel thiệt mạng. Ảnh: AP

Đau đầu vì những kẻ "té nước theo mưa"

Biểu tình được mô tả là "đặc sản" trong lịch sử Pháp. Người Pháp ưa thích sử dụng sức mạnh đám đông mỗi khi họ muốn thay đổi hoặc nêu yêu cầu với nhà chức trách. Tuy nhiên, ý kiến của đám đông chỉ có thể được lắng nghe trọn vẹn trong các cuộc biểu tình ôn hòa. Làn sóng biểu tình bạo lực mới nhất bùng lên ra sau khi chính quyền Tổng thống Macron vừa dẹp yên các cuộc biểu tình kéo dài nửa năm phản đối chính sách cải cách tuổi nghỉ hưu. Tác động tức thì của cuộc biểu tình bạo lực với chính sách tăng cường vị thế đối ngoại của ông Macron là ông phải hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, cắt ngắn thời gian dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels.

Cuộc biểu tình cũng gây thiệt hại nặng về kinh tế. Thống kê ngày 4/7 của Medef, liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp, cho hay 200 cơ sở kinh doanh bị cướp phá, 300 chi nhánh ngân hàng và 250 cửa hàng thuốc lá bị phá hoại, thiệt hại 1,1 tỷ USD. Con số này chưa bao gồm thiệt hại đối với trường học, tòa thị chính và cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng. Geoffroy Roux de Bézieux, người đứng đầu Medef lo ngại ngành du lịch của Pháp hứng ảnh hưởng nghiêm trọng vì làn sóng biểu tình mới nhất: "Chắc chắn lượng đặt phòng sẽ giảm xuống vào mùa hè năm nay. Nhiều người đã hủy kế hoạch đi lại".

Nhiều chuyên gia tin rằng, tình trạng hỗn loạn trong biểu tình một mặt bộc lộ sự bất đồng lâu nay trong xã hội Pháp, nhưng cũng có ý kiến đánh giá bạo lực, đốt phá nổ ra bắt nguồn từ những kẻ cơ hội, "té nước theo mưa" lợi dụng biểu tình để cướp bóc và phá hoại. Nhóm này khiến mong mỏi chính đáng của đám đông bị lu mờ. Rõ ràng, thất nghiệp hay bất cứ lí do nào khác không thể biện minh cho các hành vi phá hoại, khi hầu hết các cuộc tấn công, đốt phá những ngày gần đây đều nhằm vào các dịch vụ công cộng như tòa thị chính, thư viện, trường học, xe bus, đồn cảnh sát. Sau làn sóng biểu tình "Áo vàng" năm 2018, giáo sư sử học Pháp Michel Pigenet từng nhận xét: "Bạo lực trong các cuộc biểu tình không phải là một truyền thống đặc trưng của Pháp". Ông nhận thấy bạo lực chỉ ngày càng nguy hiểm kể từ những năm 2000.

Tổng thống Pháp Macron cũng đưa ra một nguyên nhân, đó là trang mạng xã hội và các trò chơi điện tử bạo lực. "Chúng ta đã ghi nhận chúng - Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác đóng vai trò là nơi tổ chức các cuộc tụ tập bạo lực, nhưng cũng có một hình thức bắt chước bạo lực (từ trò chơi điện tử) khiến giới trẻ xa rời thực tế", ông Macron nói. Tổng cộng, cảnh sát Pháp đã bắt gần 4.000 người, trong đó có hơn 1.200 trẻ vị thành niên. Tổng thống Macron thậm chí đề xuất phạt bố mẹ của những trẻ vị thành niên này vì không quản lý được con cái.

Ở một góc độ nào đó, quan điểm trên cũng được gia đình nạn nhân Nahel chia sẻ. Dù phản đối hành vi của người nổ súng khiến Nahel thiệt mạng nhưng Nadia, bà của thiếu niên này, kêu gọi mọi người bình tĩnh và chỉ trích những kẻ tổ chức bạo loạn chỉ lợi dụng cái chết của Nahel như "một cái cớ" gây rối. "Hãy dừng lại và đừng gây bạo loạn nữa. Tôi muốn nói với những thanh niên đang gây bạo loạn điều này: Đừng đập phá cửa hàng, đừng tấn công trường học hay đốt phá xe bus. Hãy dừng lại! Trên xe bus và ngoài đường phố là những người mẹ của các bạn đó", bà nói.

Trong một diễn biến khác được cho là có thể "thêm dầu vào lửa", Reuters cho biết, một quỹ online do Jean Messiha, cựu cố vấn của chính trị gia Pháp Marine Le Pen, lập trên trang GoFundMe đã nhận được hơn 1,6 triệu USD, tính đến ngày 5/7, để hỗ trợ cảnh sát Florian M, 38 tuổi, được xác định là người đã nổ súng vào Nahel. Ngược lại, quỹ để hỗ trợ gia đình Nahel nhận chưa đầy 400.000 USD. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne khẳng định chính phủ không quyết định sự tồn tại của quỹ trên, nhưng việc một nhân vật cánh hữu quyên góp quỹ chắc chắn không mang lại một sự xoa dịu nào đối với tình hình căng thẳng hiện tại.

Thái An
.
.