"Bão tố" trong lòng nước Pháp

Thứ Hai, 10/04/2023, 20:32

Làn sóng biểu tình tại Pháp phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron có dấu hiệu ngày một leo thang với sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, để lại nhiều hệ luỵ về kinh tế, đồng thời phản ánh thế bế tắc chính trị đang lan rộng giữa lòng châu Âu.

Nước Pháp không yên ả

Pháp khởi động năm 2023 trong không khí sôi sục bởi các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron. Trung tuần tháng 3/2023, có thời điểm hơn 3 triệu người, phần lớn là công nhân viên, trên khắp nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu đổ xuống các tuyến phố ở Paris, Marseille, Toulouse, Nantes và Nice cùng biểu ngữ kêu gọi chính quyền từ bỏ việc nâng độ tuổi nghỉ hưu. Biểu tình lúc đầu khá trật tự, nhưng nhanh chóng leo thang bạo lực. Các vụ đụng độ nổ ra nhiều nơi, buộc hàng ngàn nhân viên an ninh sử dụng biện pháp mạnh ứng phó. Tính đến hết tháng 3, gần 460 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình, 441 nhân viên an ninh bị thương.

qh5carvswnoyvon7dn3fqueoya.jpeg -0
Tổng thống Pháp Macron khẳng định không nhượng bộ người biểu tình. Ảnh: Reuters.

Tại nhiều đô thị, bao gồm thủ đô Paris, công nhân môi trường không chịu làm việc, đường sá có lúc bị phong tỏa, rác thải ùn ứ, chất thành đống rồi bị đốt, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ các ngõ ngách khiến "kinh đô ánh sáng" đánh mất vẻ lung linh. Trái ngược với không khí sôi sục trên đường phố mỗi lúc người biểu tình tập hợp, trong các nhà ga xe lửa vắng bóng người qua lại do nhân viên không làm việc, tàu không chạy; các trường học có lúc buộc phải đóng cửa và tháp Eiffel cũng không đón du khách…

Theo tạp chí TIME, kế hoạch của ông Macron không mới. Nhà lãnh đạo Pháp đã tính chuyện thay đổi hệ thống lương hưu khi ông đắc cử năm 2017. Tuy nhiên, kế hoạch đó bị trì hoãn do biểu tình và do tác động của mấy năm dịch bệnh. Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động của COVID-19, lạm phát và cuộc xung đột ở Ukraine, Chính phủ Pháp tin rằng ngay lúc này là thời điểm cần khởi động cải cách hưu trí, với nội dung chính là tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 64 tuổi theo lộ trình đến năm 2030 và yêu cầu người lao động làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu.

Ông Macron lập luận, việc cải cách là không thể tránh khỏi để giữ hệ thống lương hưu không thâm hụt vì Pháp, giống như nhiều quốc gia giàu có hơn, phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp hơn và tuổi thọ người dân ngày một tăng. Theo ước tính của Bộ Lao động Pháp, việc tăng tuổi nghỉ hưu như kế hoạch mới nhất sẽ giúp mang lại hơn 19 tỷ USD/ năm cho quỹ lương hưu và giúp hệ thống trả lương hưu đạt điểm cân bằng giữa thu và chi trong năm 2027. Washington Post thông tin thêm, nếu tuổi nghỉ hưu không được điều chỉnh thì sẽ chỉ còn 1,2 người lao động ở Pháp nộp thuế để trả lương 1 người nghỉ hưu vào năm 2070, giảm từ mức 1,7 người của năm 2020.

Tuy nhiên, với hầu hết người lao động Pháp, độ tuổi nghỉ hưu là một trong những "lằn ranh" không được thay đổi. Sau thời gian dài cống hiến với công việc, nhiều người Pháp tin rằng, chỉ đến lúc nghỉ hưu họ mới có thời gian để tận hưởng cuộc sống. Theo Reuters, trong khi chính phủ muốn mọi người cùng tăng thời gian làm việc để góp quỹ lương, các công đoàn và người lao động tin rằng, nguồn thu từ quỹ lương phải được bổ sung từ việc đánh thuế người siêu giàu hoặc tăng phần đóng góp của doanh nghiệp sử dụng người lao động, cũng như cải thiện điều kiện làm việc để tăng năng suất.

Ngày nay, những người nhận lương hưu mức trung bình ở Pháp có thể sống khá thoải mái. Họ nhận số tiền tương đương 75% thu nhập thời đi làm, trong khi tiêu ít hơn. Một người Pháp trung bình dành hơn 1/4 cuộc đời để nghỉ hưu. Phần lớn trong số này có trạng thái tinh thần tốt. Theo thống kê, những người sống đến 65 tuổi vào năm 2021 có thể "vui khỏe" thêm 11-12 năm nữa. "Đừng quên, cuộc sống không chỉ có công việc", chuyên gia quản lý tài chính Hervé Bossetti, 58 tuổi, nói với truyền thông khi tham gia biểu tình ở Paris. Vị này mặc một bộ đồng phục tù nhân, đeo tấm bảng ghi: "Tù nhân của công việc". "Ở Pháp, chúng tôi tin có thời gian dành cho công việc, sau đó là thời gian để phát triển cá nhân", ông nói. Trong khi đó, Heather Connolly, giáo sư một trường đại học, cho biết: "Ở Pháp, nghỉ hưu mang đến "một cuộc sống khác sau cuộc sống làm việc".

ejdr34qmiblmlp7glgtthd23pa.jpeg -0
Hàng chục ngàn người biểu tình xuống kín một tuyến phố ở Paris Ảnh: Reuters.

Ai sẽ xuống thang?

Trước khi trở thành Tổng thống ở tuổi 39, ông Macron là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế, từng giữ chức Bộ trưởng Kinh tế Pháp. Trong tuyên bố đanh thép hôm 30/3, Tổng thống Macron khẳng định các cuộc biểu tình phản đối sẽ không ngăn được cải cách lương hưu hoặc các thay đổi chính sách cần thiết khác. Tuyên bố này tiếp tục phản ánh thái độ cương quyết của chính quyền do ông đứng đầu, sau khi Chính phủ Pháp cách đây vài tuần tuần quyết định sử dụng quyền hành pháp đặc biệt để thông qua kế hoạch cải cách lương hưu mà không cần nhận được sự phê duyệt đa số tại quốc hội.

Ở chiều ngược lại, người Pháp tiếp tục chứng minh họ rất yêu thích xuống đường để bày tỏ quan điểm. Bàn về sức mạnh của đường phố trong lịch sử chính trị Pháp, một số chính phủ đã vượt qua các cuộc đình công và biểu tình để ban hành các cải cách trong những thập kỷ gần đây. Đáng chú ý nhất là chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy đã thành công thuyết phục công chúng ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 tuổi vào năm 2010 với một vài nhượng bộ. Tuy nhiên, không ít lần người biểu tình đã chiến thắng. Trong các cuộc khủng hoảng cải cách lương hưu năm 1995 và cải cách luật lao động năm 2006, các phong trào quần chúng đã buộc chính phủ của cựu Tổng thống Jacques Chirac phải lùi bước mà không chấp nhận bất cứ nhượng bộ nào.

France24 dẫn kết quả các cuộc thăm dò cho thấy thái độ phản đối cải cách hưu trí của Tổng thống Macron tồn tại ở khoảng 2/3 dân số Pháp. Một vấn đề đáng lưu tâm nữa là, trong khi ông Macron tin việc cải cách hưu trí giúp giảm áp lực cho thế hệ trẻ, thì số người trẻ, nhất là sinh viên, đi biểu tình ngày một tăng. Wall Street Journal nói rằng, 71% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi ủng hộ các cuộc biểu tình, bởi họ lo cho ngại không chỉ cho mình mà còn cho cha mẹ, người thân.

"Rất nhiều người không kiếm đủ tiền để tận hưởng cuộc sống và họ vẫn đi làm hàng ngày trong hơn 40 năm", Julia Perez, 28 tuổi, nói khi tham gia biểu tình ở Paris. "Vì vậy, tôi nghĩ rằng nghỉ hưu không có ý nghĩa như nhau đối với tất cả mọi người, đặc biệt là giữa người giàu và người nghèo". Theo lời cô Perez, "lạm phát rất tồi tệ, lương không tăng nên không có gì giúp tăng động lực làm việc".

gettyimages-1064698448.jpeg -0
Người biểu tình đốt phá đồ đạc trên đường phố Paris. Ảnh: GettyImages.

Châu Âu "lo ngay ngáy"

Pháp không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với tình trạng thay đổi nhân khẩu học. EuPoliticalReport cho biết, châu Âu sẽ có ít hơn 35 triệu lao động vào năm 2050 nhưng có tới 50 triệu người nghỉ hưu. Những người trên 60 tuổi sẽ chiếm khoảng 1/3 dân số và OECD dự báo rằng chi phí lương hưu sẽ chiếm 12% GDP, một con số đáng báo động. Ngay lúc này, chi lương hưu cũng là gánh nặng của Tây Ban Nha (chiếm 11% GDP) và Đức (10% GDP), dù thấp hơn con số 13,6% của Pháp (dữ liệu năm 2021). Trong nhóm các nền kinh tế lớn ở châu Âu, Tây Ban Nha đang tăng dần tuổi nghỉ hưu lên 67 vào năm 2027, Anh muốn tăng lên 68 vào năm 2044, còn Đức muốn tăng lên 67.

Nếu biểu tình ở Pháp thành công, đó có thể là ví dụ hoàn hảo cho người dân các quốc gia trong khu vực ồ ạt xuống đường đòi quyền lợi. Bản thân các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) hiện cũng đang đối mặt với làn sóng đình công, biểu tình và đòi hỏi khác nhau của người dân ở độ tuổi lao động, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt đang gia tăng chóng mặt, một phần do cuộc khủng hoảng năng lượng, một phần do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan đến tình hình Ukraine.

Ở Bồ Đào Nha, hàng ngàn người đã xuống đường ở thủ đô Lisbon và nhiều đô thị khác phản đối tình trạng giá nhà tăng vọt hôm 1/4. Trước đó vài tuần, họ tuần hành nhiều ngày để kêu gọi chính phủ tăng lương ít nhất 10%, nhưng chưa được đáp ứng.

 Ở Anh, các y tá và nhân viên cứu thương Anh đã tổ chức cuộc đình công quy mô lớn nhất trong lịch sử 75 năm của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) vào đầu tháng 2/2023 để kêu gọi tăng lương bù đắp vào lạm phát. Kể từ khi các cuộc biểu tình của người lao động trong nhiều ngành nghề của Anh bùng nổ từ giữa năm 2022 đến nay, đã có khoảng 500.000 lao động Anh tham gia các cuộc đình công, xuống đường. Đối với một quốc gia vốn không mấy nổi tiếng về biểu tình như Anh, đây là một con số lớn hiếm có. Hôm cuối tháng 3 vừa qua, nhân viên đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không trên khắp nước Đức tiến hành một cuộc tổng đình công quy mô lớn nhất trong vòng 30 năm với hi vọng được tăng lương, khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng.

Để ứng phó với các cuộc đình công và biểu tình, chính phủ các nước châu Âu đã đưa ra không ít lời hứa cải thiện phúc lợi cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn về kinh tế khiến những lời hứa đó khó thực hiện trong một sớm một chiều. Giới quan sát cảnh báo, trong trường hợp làn sóng phẫn nộ của người dân không được hóa giải, nền kinh tế châu Âu sẽ hứng thêm những thiệt hại nặng nề, thậm chí tê liệt, do người lao động không làm việc, khiến năng suất giảm và đẩy các ngành du lịch, dịch vụ vào cảnh suy sụp; đó là chưa kể việc các phần tử cực đoan có thể lợi dụng tình trạng hỗn loạn để kích động bạo lực, gây mất trật tự. Với EU là một trụ cột kinh tế của thế giới, bất ổn ở "lục địa già" được dự báo là sẽ trực tiếp tác động tới tình hình kinh tế toàn cầu. 

Thái Hà
.
.