Choáng váng!

Thứ Năm, 26/08/2021, 08:16

Trong khi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang còn tranh cãi là làm cách nào để thực hiện chiến dịch sơ tán các quan chức Mỹ và cả những người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ khỏi Kabul thì các thủ lĩnh Taliban đã chễm chệ ngồi trong phòng tổng thống ở Kabul...

 

Tảng bơ tan chảy trước ngọn lửa

Cả thế giới choáng váng!

Mà choáng nhất chắc chắn là các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, những người luôn tin tưởng vào các báo cáo tình báo. Tháng 4-2021, khi Tổng thống Mỹ J.Biden chính thức thông báo lịch trình rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, bắt đầu từ 1-5, kết thúc muộn nhất vào ngày 11-9-2021, báo cáo tình báo của Mỹ vẫn đánh giá: “Kabul tiếp tục đối mặt với những thất bại trên chiến trường và Taliban tự tin rằng họ có thể đạt được chiến thắng quân sự. Chúng tôi đánh giá rằng triển vọng về một thỏa thuận hòa bình sẽ vẫn ở mức thấp trong năm tới”.

Như vậy là tình báo Mỹ (và tất nhiên là các nhà hoạch định chính sách của Mỹ), vẫn còn nói đến một triển vọng về thỏa thuận hòa bình ở Afghanistan (các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Taliban vẫn đang diễn ra ở Doha, thủ đô Qatar), vẫn còn tin rằng có “một năm tới”, dẫu khó khăn ở phía trước...

Choáng váng! -0

 Tháng 4-2021, Tổng thống Joe Biden chính thức thông báo lịch trình rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Ảnh: L.G.

Còn phía Mỹ thì tin rằng ngay cả sau khi rút quân, cũng vẫn có đủ năng lực để tiếp tục chi phối cục diện ở Afghanistan. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, mạnh miệng tuyên bố rằng sau khi rút quân, Mỹ sẽ trang bị năng lực cho các lực lượng Afghanistan “từ bên ngoài”. Các nhà thầu do Mỹ tài trợ, những người đảm nhận việc huấn luyện lực lượng quân sự Afghanistan và bảo trì những thiết bị quân sự của nước này, bị bắt buộc phải theo chân quân đội Mỹ rút đi nhưng cũng sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động đó “từ bên ngoài” (Afghanistan).

Rốt cục, đã không có “một năm tới” nào cả. Và tất nhiên, cũng chẳng có thỏa thuận hòa bình nào hết. Được cổ vũ từ quá trình rút quân của Mỹ và liên quân, Taliban tiến công với tốc độ vũ bão. Trước sức tấn công của Taliban, các lực lượng vũ trang của Chính phủ Kabul nhanh chóng tan rã như tảng bơ trước ngọn lửa bỏng rát. Chỉ trong vòng 9 ngày, Taliban chiếm 18 thủ phủ và chiếm luôn cả thủ đô Kabul. Tổng thống Afghanistan đã nhanh chân lên máy bay rời khỏi thủ đô, không biết đi về đâu.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang còn tranh cãi là làm cách nào để thực hiện chiến dịch sơ tán các quan chức Mỹ và cả những người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ khỏi Kabul thì các thủ lĩnh Taliban đã chễm chệ ngồi trong phòng tổng thống ở Kabul. Cảnh tượng chiếc máy bay vận tải khổng lồ C-17 của quân đội Mỹ tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul đã lăn bánh trên đường băng trong khi hàng ngàn người chạy theo, bám víu vào mọi thứ trên chiếc máy bay với hy vọng có thể rời khỏi Afghanistan, cho thấy cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ đã kết thúc thảm thương đến như thế nào.

Cuộc chiến báo thù

Luôn có một câu hỏi được đặt ra: vì sao Mỹ quyết định nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan và từ đó, trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của các lực lượng Chính phủ Afghanistan?

Câu trả lời tương đối đơn giản: Mỹ đã thay đổi mục tiêu chiến lược ở Afghanistan.

Cách đây 20 năm, Mỹ đưa quân vào Afghanistan, đánh sập chính quyền Taliban, vốn là bệ đỡ và là nguồn dung dưỡng chủ yếu cho tổ chức khủng bố Al Qaeda của Bin Laden, những kẻ đứng đằng sau vụ khủng bố 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ. Đó là một cuộc chiến báo thù cho nước Mỹ.

Nhưng, sau khi đã lật đổ Taliban, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ tìm thấy mục tiêu chiến lược mới: xây dựng một chính quyền, một quân đội ở Afghanistan để đảm bảo rằng quốc gia này sẽ không bao giờ còn là nơi trú ngụ cho những tổ chức khủng bố tương tự như Al Qaeda để đe dọa an ninh và mạng sống của người Mỹ nữa.

Để thực hiện mục tiêu này, trong 20 năm, Mỹ đã đổ vào vào Afghanistan hơn 1.000 tỷ dollar, đã huấn luyện và trang bị cho một lực lượng quân đội khoảng 300.000 người Afghanistan. Đây là lực lượng quân đội thậm chí còn lớn hơn quân đội của nhiều đồng minh Mỹ trong NATO, được trang bị cực kỳ tốt. Mỹ đã trả lương, cung cấp mọi trang bị thiết yếu cho quân đội và chính quyền Afghanistan, đã giúp duy trì lực lượng không quân của Afghanistan, lực lượng chiếm ưu thế tuyệt đối so với Taliban (Taliban không có lực lượng không quân).

Kết quả là sau 20 năm, Washington nhận được hơn 4.000 túi xác quay trở về nước Mỹ và một quân đội của chính phủ Kabul không muốn đánh nhau với Taliban. Nhiều Tổng thống Mỹ, từ George Bush (con), người đã quyết định điều quân đến Afghanistan 20 năm trước, cho đến các tổng thống kế nhiệm Barack Obama hay Donald Trump, không chỉ một lần tuyên bố ý định rút quân toàn bộ khỏi Afghanistan nhưng đều không thể làm được.

Choáng váng! -0

 Sau khi Kabul sụp đổ nhanh chóng, điều gì tiếp diễn ở Afghanistan? Ảnh: L.G.

Từ một cuộc chiến báo thù, nước Mỹ lâm vào cuộc chiến tranh dằng dai nhằm xây dựng một quốc gia theo mô hình kiểu Mỹ.

Di sản của chính quyền Tổng thống D.Trump để lại cho chính quyền của Tổng thống J.Biden là bản thỏa thuận đạt được vào tháng 2-2020 giữa Mỹ và Taliban, theo đó các lực lượng Mỹ sẽ bắt đầu rời Afghanistan từ 1-5, kết thúc vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2021.

Những lý do ẩn giấu

Ông J.Biden đứng trước 2 sự lựa chọn: hoặc rút quân theo thỏa thuận với Taliban, hoặc tiếp tục gửi quân đến Afghanistan để leo thang xung đột, tiếp tục cuộc chiến tranh dài nhất lịch sử nước Mỹ.

Ông J.Biden lựa chọn rút quân theo thỏa thuận.

Tổng thống Mỹ có nhiều lý do để biện hộ cho quyết định này. Nếu đã là một cuộc chiến báo thù, kẻ thù là Al Qaeda bị đập tan, thủ lĩnh Osama Bin Laden đã bị bắn hạ, chính quyền Taliban trước đây đã bị lật đổ thì cần gì phải tiếp tục một cuộc chiến hao người tốn của, không biết bao giờ mới có thể chấm dứt. Nhiệm vụ xây dựng một quốc gia thuần Hồi giáo theo mô hình phương Tây rõ ràng là không tưởng, nếu như xét đến lịch sử lâu dài của đất nước này.

Ông Biden nhận ra rằng quân đội Mỹ không thể tham chiến và chết trong một cuộc chiến mà các lực lượng quân Chính phủ Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu cho chính mình. Mỹ đã trang bị cho các lực lượng Chính phủ Afghanistan một lượng vũ khí, khí tài quân sự khổng lồ nhưng đã không thể trang bị ý chí chiến đấu cho đội quân này.

Sự tan rã nhanh chóng của quân đội Chính phủ Afghanistan trước những đòn tấn công của Taliban đã chứng tỏ điều này. Rất nhiều thành phố lớn, các cứ điểm chiến lược, thủ phủ các tỉnh và kể cả thủ đô đã rơi vào tay Taliban mà không hề có sự chống cự đáng kể nào.

Tổng thống Biden không thể trả lời câu hỏi của người dân Mỹ là bao thế hệ người Mỹ sẽ tiếp tục được gửi tới Afghanistan trong một cuộc chiến tranh đã trải qua 2 thập niên, chuẩn bị bước sang thập niên thứ ba? Bao nhiêu hàng bia mộ mang “nhãn hiệu” Afghanistan sẽ được dựng thêm ở nghĩa trang quốc gia Arlington?

Điều quan trọng là Mỹ đã điều chỉnh lại chiến lược toàn cầu, xác định lại các đối thủ chiến lược chính. Trên bàn cờ chiến lược ấy, Afghanistan chỉ là một quân cờ, không còn đóng vai trò quan trọng như sau vụ khủng bố 11-9 từ 20 năm trước nữa. Các tổ chức khủng bố đã bị đánh dạt ra khỏi Afghanistan, chuyển vùng sang Syria, Somalia, Iraq, bán đảo Ảrập...

Trong khi ấy, những đối thủ cạnh tranh chiến lược mà Mỹ đã xác định là Nga, Trung Quốc không có mong muốn gì hơn là Mỹ tiếp tục sa lầy ở Afghanistan, dành hàng tỷ USD và thêm nhiều mạng sống của lính Mỹ ở vùng đất được cho là “mồ chôn của các đế quốc”. Washington không muốn điều này.

Đấy là những lý do ẩn giấu phía sau quyết định rút quân vội vã khỏi Afghanistan của Washington.

Một Taliban 2.0?

Sau khi Kabul sụp đổ nhanh chóng, câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ tiếp diễn ở Afghanistan?

Taliban đã phát đi những tín hiệu ban đầu cho thấy lực lượng này muốn thể hiện mình là Taliban 2.0 chứ không phải là phong trào 1.0 đã gây nên sợ hãi và thù nghịch nhiều năm trước đây.

Sau khi vào Kabul, một trong những thủ lĩnh cấp cao của Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar tuyên bố rằng: “Trước đây, chúng tôi từng hành động thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi sẽ phục vụ đất nước bằng cách đảm bảo an toàn cho người dân và mang lại cho họ hy vọng về tương lai”.

Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi giành chính quyền, người phát ngôn Taliban cũng cam kết sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ phù hợp với luật Hồi giáo, trẻ em được tự do tới trường và “ân xá” cho tất cả kẻ thù, trong đó có các quan chức chính quyền cũ được phương Tây hậu thuẫn; các nhà thầu, phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế sẽ không bị truy cứu trách nhiệm. Taliban đồng thời kêu gọi các quan chức chính phủ trở lại làm việc bình thường.

Người phát ngôn Taliban cũng đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ bên nào và không để quốc gia Trung Nam Á này trở thành nơi chứa chấp các tổ chức khủng bố.

Liên quan tới Mỹ, Văn phòng đại diện chính trị của Taliban tại Qatar khuyến cáo rằng các quân nhân Mỹ tại Afghanistan phải rút hết khỏi nước này trước ngày 11-9 tới (thời điểm tròn 20 năm ngày xảy ra vụ khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ). Các tay súng Taliban cam kết không tấn công quân nhân Mỹ và mục tiêu trước mắt của Taliban là đảm bảo an ninh trật tự, tránh xảy ra hỗn loạn xung quanh sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul...

Sau cơn choáng váng ban đầu, thế giới chỉ còn cách kiên nhẫn quan sát xem những gì Taliban tuyên bố có trở thành hiện thực hay không, từ đó mới có thể đưa ra quyết định ứng xử đối với chính quyền mới ở Afghanistan.

Yên Ba
.
.