Bàn về nguyên tắc rường cột của Đảng: Dấu ấn từ “luồng gió mới”

Thứ Tư, 29/09/2021, 20:30

Để ngăn ngừa tệ độc đoán, chuyên quyền, phá vỡ các nguyên tắc tập trung dân chủ, xâm hại lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra. Ngoài hoạt động thanh tra, kiểm tra với những kết luận “nóng” của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì việc giám sát bằng hình thức chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm được xem như “luồng gió mới”! 

“Luồng gió mới” phát huy dân chủ

Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” xác định nhiệm vụ: “Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp. Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế để kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác”.

Trước đó, Bộ Chính trị Khóa X đã ra Quyết định số 158-QĐ/TW, ngày 12-5-2008, ban hành Quy chế chất vấn trong Đảng. Đây là văn bản đầu tiên quy định chất vấn trong Đảng, xác định rõ mục tiêu “phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên”.

Bàn về nguyên tắc rường cột của Đảng: Dấu ấn từ “luồng gió mới” -0
Lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 9, Khóa XII.

Nếu như phê bình và tự phê bình thường đánh giá theo định kỳ thì chất vấn lại hỏi thẳng, đáp ngay vào những vấn đề nóng, trực diện những tồn tại, bức xúc. Với tính chất đó, chất vấn có vai trò thúc đẩy công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tiến hành kịp thời hơn, sớm ngăn chặn những hạn chế, sai lầm, những quan điểm, hành vi tiêu cực. Đồng thời, chất vấn có ý nghĩa cảnh báo, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí và sự tùy tiện, bất chấp nguyên tắc tập trung dân chủ, coi thường kỷ cương, kỷ luật. Với việc ban hành và thực hiện Quy chế chất vấn, đây là một bước tiến có ý nghĩa trong công tác xây dựng Đảng.

Đến năm 2014, Bộ Chính trị ban hành Quy định 262/QĐ-TƯ về lấy phiếu tín nhiệm. Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy các cấp, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo ở cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ. Những người có tín nhiệm thấp, tùy theo mức độ sẽ xem xét không quy hoạch chức vụ cao hơn hoặc cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Năm 2018, 2019, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành đồng bộ trong các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương. Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương 9 (Khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hãy coi đây là dịp tốt để nhìn nhận lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, cố gắng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng với niềm tin và hy vọng của Ban Chấp hành Trung ương, của toàn Đảng và toàn dân”.

Tại các bộ, ban, ngành, địa phương, việc lấy phiếu đã phản ánh phần nào chỉ số tín nhiệm của cán bộ lãnh đạo. Năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng...

Dàn lãnh đạo được điểm tên gồm Bí thư Tỉnh ủy Lê Thanh Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Công Thiên, giám đốc một số sở... Những cá nhân đó đều từng qua các kỳ lấy phiếu tín nhiệm năm 2014, 2018. Năm 2014, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là một trong 4 người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất (5 phiếu). Đến kỳ lấy phiếu năm 2018, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường nhận số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất (19/49 phiếu), đứng nhì là ông Lê Văn Dẻ, Giám đốc Sở Xây dựng với 13/49 phiếu tín nhiệm thấp. Ông Lê Đức Vinh có 6 phiếu tín nhiệm thấp, ông Đào Công Thiên 4 phiếu tín nhiệm thấp... Chỉ số tín nhiệm này phản ánh khá rõ diễn biến tình hình tại địa phương khi sai phạm trong quản lý đất đai gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan trực tiếp đến Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng cùng các quyết định trái pháp luật thuộc trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh. Thực tế, tại nhiều cuộc họp của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, những người này cũng đã bị các đại biểu chất vấn gay gắt về trách nhiệm quản lý nhà nước dẫn đến những sai phạm trong quản lý tài nguyên, xây dựng. 

Như vậy, sai phạm, mất tập trung dân chủ, vụ lợi cá nhân của những cá nhân này đã được nhận diện từ trước và họ không được tín nhiệm, không qua được tai mắt cán bộ, đảng viên. Tương tự, tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Điện Biên... thì những vị trí có nhiều phiếu tín nhiệm thấp chính là lĩnh vực nhiều điều tiếng, kiện cáo, sai phạm. Thực tế trên cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đã phần nào phản ánh được “chân dung” của nhiều cán bộ lãnh đạo, người có sai phạm, làm việc mất tập trung dân chủ thì không được tín nhiệm, không có uy tín trong cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp chỉ số tín nhiệm chưa phản ánh đúng tình hình. Như trường hợp ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa trong kỳ bỏ phiếu năm 2014 nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất và không có phiếu nào tín nhiệm thấp nhưng sau đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định những vi phạm nghiêm trọng của ông trong nhiệm kỳ này. Tại cuộc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ (tháng 12-2018), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đứng thứ 8 trong danh sách phiếu tín nhiệm cao và cao thứ 2 trong khối UBND (82 phiếu tín nhiệm cao, 14 tín nhiệm, chỉ có 4 tín nhiệm thấp). Thông số này không phản ánh đúng thực tế với những “vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước” như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với ông Nguyễn Đức Chung.

Những vấn đề đặt ra

Từ thực tiễn việc lấy phiếu tín nhiệm và chất vấn, trả lời chất vấn cho thấy những vấn đề sau:

Thứ nhất, đây là “luồng gió mới” để đánh giá cán bộ lãnh đạo, là hình thức giám sát sinh động, góp phần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là cách giám sát mới giữa nhiệm kỳ để nhắc nhở, động viên, đồng thời cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe đối với tất cả cán bộ chức sắc trong Đảng, Nhà nước, trong hệ thống chính trị. Thực tế, qua việc lấy phiếu tín nhiệm, nhiều người ở mức “cảnh báo đỏ” về tín nhiệm thấp đã có sự điều chỉnh về hành vi, thái độ, tác phong làm việc, qua đó nâng cao vai trò, uy tín, trách nhiệm bản thân. Tương tự, thông qua chất vấn đã xác định rõ hơn trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh vi phạm.

Thứ hai, lấy phiếu tín nhiệm là một kênh để đánh giá uy tín cán bộ lãnh đạo nhưng chỉ số này không bao quát toàn diện. Về cơ bản, người được tín nhiệm cao hẳn nhiên phải có năng lực, lối sống chuẩn mực, được nhiều người quý mến và ngược lại. Tuy nhiên, cũng có trường hợp độc đoán, chuyên quyền, mất tập trung dân chủ song khi bỏ phiếu vẫn tín nhiệm cao. Điều này cho thấy vẫn có độ vênh giữa kết quả lấy phiếu và thực tiễn mà nhiều khi kết quả có thể bị tác động bởi những vấn đề nằm ngoài kiểm soát của cơ quan chức năng.

Thứ ba, lấy phiếu tín nhiệm và chất vấn cần được kết hợp chặt chẽ với các biện pháp khác như phê bình, tự phê bình, đặc biệt là thanh, kiểm tra, điều tra. Nhiều sai phạm trắng trợn, lộ rõ ra bên ngoài khiến cán bộ, đảng viên bức xúc, việc đó tác động rõ tới lá phiếu tín nhiệm hay các hoạt động chất vấn. Tuy nhiên, không ít sai phạm kín kẽ và chỉ được phanh phui, lộ diện qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra. 

Thứ tư, cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh quy chế lấy phiếu tín nhiệm và chất vấn trong Đảng. Hiện nay, việc lấy phiếu chỉ tiến hành một lần trong nhiệm kỳ 5 năm là khá dài khiến việc giám sát dễ lạc hậu vì độ trễ. Trong khi đó, xét trên nhiều khía cạnh, chất vấn trong Đảng dù đã đổi mới song vẫn ít sôi động so với chất vấn tại Quốc hội, HĐND. Nguyên nhân do tính chất quan hệ giữa người chất vấn và người bị chất vấn. Tại Quốc hội, các đại biểu là bình đẳng và đại biểu các đoàn, hội không có sự ràng buộc, lệ thuộc gì về hành chính với người bị chất vấn. Điều này rất khác so với chất vấn giữa các đảng viên và cấp ủy đảng. Do đó, cần mở rộng thành phần, chẳng hạn các cơ quan thanh, kiểm tra có thể tham gia các buổi chất vấn và đặt câu hỏi chất vấn các vấn đề liên quan.

(Còn tiếp)

Đăng Trường
.
.