Bàn về nguyên tắc rường cột của Đảng: Trách nhiệm “đầu tàu”

Thứ Tư, 25/08/2021, 11:50

Tại sao vấn đề tập trung dân chủ được nói nhiều, bàn nhiều mà sai phạm vẫn phức tạp, hậu quả để lại không chỉ về mặt vật chất, gây thiệt hại bao nhiêu tiền, tài sản mà còn tạo ra môi trường tiêu cực, tác động xấu đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xét từ thực tiễn các vụ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ nổi cộm, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân trực tiếp và cơ bản nhất chính là ở người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Người đứng đầu ở đây được hiểu là người giữ chức vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc giữ vai trò đứng đầu tổ, nhóm để giải quyết một vấn đề, vụ việc cụ thể (trong trường hợp này, họ có thể là cấp phó hoặc người được giao thẩm quyền quyết định thanh, kiểm tra, xử lý vụ việc).

Nếu người đứng đầu có tác phong làm việc khoa học, dân chủ, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến tập thể, từ ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân viên đến những người có thẩm quyền trong cấp ủy đảng thì bất kỳ vấn đề gì cũng sẽ được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo. Ở đâu, nơi nào người đứng đầu có tư tưởng, tác phong, lề lối làm việc độc đoán, chuyên quyền, vụ lợi cá nhân thì ở đó không thể có tập trung dân chủ, thậm chí quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tại đó bị xâm hại nghiêm trọng, hậu quả rất nguy hại, khó lường. Các vụ việc mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) kết luận hay nhiều vụ án được cơ quan điều tra thụ lý đã xác định rõ vai trò “cầm trịch” của người đứng đầu gây ra tình trạng mất tập trung dân chủ, sai phạm nghiêm trọng.

Bàn về nguyên tắc rường cột của Đảng: Trách nhiệm “đầu tàu” -0

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chỉ đạo giải quyết những vụ việc lớn.

Vụ việc xảy ra tại Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ trước là điển hình. Sau khi xem xét đề nghị của UBKTTƯ, Ban Bí thư khẳng định, ông Tất Thành Cang trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã “vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây thiệt hại, thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước”.

Trong kết luận điều tra bổ sung lần 2 vụ án “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO), Cơ quan điều tra khẳng định, ông Tất Thành Cang có chức vụ cao nhất trong các bị can bị khởi tố, “có tầm ảnh hưởng lớn, có vai trò đầu vụ”.

Thời điểm xảy ra vụ án, ông Tất Thành Cang là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đã có bút phê đồng ý để SADECO (công ty con của Công ty Tân Thuận IPC - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) phát hành 9 triệu cổ phiếu và bán cho Công ty CP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim không qua đấu giá, thẩm định giá theo quy định. Trước đó, sau khi xem xét đề nghị của UBKTTƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Thành ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. “Cá nhân đồng chí Lê Thanh Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Thành ủy, trực tiếp kết luận về nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy”, Bộ Chính trị đánh giá.

Tại kỳ họp lần thứ 5 mới đây, UBKTTƯ quyết định kỷ luật khai trừ khỏi Đảng đối với 3 đảng viên vi phạm pháp luật, trong số này có ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn MTV (Sagri) - doanh nghiệp 100% vốn thuộc UBND TP Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, ông Hùng bị cán bộ, nhân viên phản ánh, tố cáo nhiều sai phạm, quá trình hoạt động mất tập trung dân chủ nghiêm trọng nhưng qua nhiều cuộc thanh, kiểm tra trước đó, ông chỉ bị “phê bình, rút kinh nghiệm” và cao nhất là kỷ luật khiển trách. Tháng 5-2019, ông Hùng bị xác định có đến 18 sai phạm nhưng chỉ đề nghị... hạ bậc lương! Tuy nhiên, sau đó, ông Hùng bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Vậy, tại sao ông Hùng vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, để xảy ra hàng loạt sai phạm nhưng lại “lọt lưới” nhiều cuộc thanh, kiểm tra? Chỉ đến khi ông Lê Thanh Hải - anh trai ông Hùng bị UBKTTƯ vào cuộc làm rõ và Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật cách chức thì “chân tốt” mới lộ diện.

Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan cũng là dẫn chứng cho thấy rõ khi người “cầm trịch” có động cơ vụ lợi đã bỏ qua nguyên tắc tập trung dân chủ, chỉ đạo một cách áp đặt. Khi báo chí phản ánh, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP ký quyết định thành lập đoàn thanh tra toàn diện việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn. Điều trớ trêu là trong quá trình đoàn thanh tra đang tiến hành làm việc và xác định có một số sai phạm thì bị ông Chung lấy tư cách Chủ tịch UBND TP nhiều lần tổ chức họp, chỉ đạo, thậm chí “to tiếng với thanh tra”, ép kết luận theo hướng không có sai phạm.

Kết luận điều tra nêu rõ: “Bản thân bị can Nguyễn Đức Chung thừa nhận đã phát biểu, đưa thông tin không chính xác và can thiệp, gây sức ép, ép buộc, đe dọa, chỉ đạo chánh thanh tra và đoàn thanh tra liên ngành phải ban hành kết luận thanh tra theo hướng không có sai phạm gì, không đúng sự thật”. Đó là biểu hiện rõ của việc bất chấp nguyên tắc tập trung dân chủ, cậy vị thế để ép các bên liên quan phải làm theo ý mình, khi có ý kiến khác thì lập tức bị “phủ đầu”, yêu cầu không được trái lệnh.

Với hiện trạng như vậy cho thấy mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, khi người đứng đầu chỉ làm theo ý mình, theo động cơ, mục đích cá nhân thì nguyên tắc tập trung dân chủ, các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước tại nơi đó dễ dàng bị bỏ qua. 

Thứ hai, khi người đứng đầu bất chấp nguyên tắc tập trung dân chủ thì rất khó khăn để cán bộ, đảng viên, nhân viên dưới quyền thể hiện được tiếng nói; các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cấp dưới không có giá trị. Trong các vụ án trên, ông Nguyễn Đức Chung, ông Tất Thành Cang thậm chí còn đe nẹt những ai có ý kiến khác với quan điểm của mình. Thực tiễn này cho thấy, nhiều ý kiến khi nói về giải pháp cho vấn đề tập trung dân chủ đòi hỏi cán bộ, đảng viên, nhân viên phải “mạnh dạn đấu tranh, nêu chính kiến” cũng khó khả thi vì chính họ có nguy cơ đối diện những hệ lụy từ người đứng đầu. 

Thứ ba, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng mất tập trung dân chủ tại cơ quan, đơn vị, địa phương thì phải xử lý nghiêm người đứng đầu. Khi người đứng đầu sai phạm mà không bị xử lý, họ sẽ nhờn luật, thậm chí hống hách, cửa quyền hơn. Nhiều giải pháp cũng nói đến vấn đề tăng cường thanh, kiểm tra, tuy nhiên phải đi đôi xử lý nghiêm. Trường hợp ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Sagri là dẫn chứng khi trước đó thanh, kiểm tra liên tục nhưng chỉ bị “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” khiến sai phạm kéo dài, nghiêm trọng. 

Từ những dẫn chứng đó, dư luận hiểu được vấn đề phức tạp như thế nào và lý giải cội nguồn của hành vi coi thường kỷ cương phép nước, bất chấp nguyên tắc tập trung dân chủ. Nói về nguyên nhân, có ý kiến cho rằng trước hết do tính cách, nhiều người gọi là cá tính. Họ quy do cá tính nóng nảy, bảo thủ nên thường dễ mất kiểm soát khi cáu giận, bực mình, dẫn tới không chấp nhận ý kiến trái chiều, ép buộc tất cả phải nghe mình. Tuy nhiên, cá tính chỉ là một vế nhỏ. Khi đặt vào môi trường, hoàn cảnh buộc phải chấp hành kỷ cương, kỷ luật thì không ai có thể tự cậy quyền thế, áp đặt bởi nếu trái, họ sẽ bị xử lý. Những người coi thường nguyên tắc, quy định thường là họ cậy gia thế, quan hệ, có người còn thách thức cán bộ, đảng viên tố cáo, thách thức cơ quan thanh, kiểm tra vì họ cho rằng, với vị thế của mình, không ai làm gì được. Từ khi UBKTTƯ với quan điểm kiểm tra “không có vùng cấm”, nhiều “ung nhọt” mới bị vỡ, mới lộ tẩy thực trạng mất tập trung dân chủ ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Do đó, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ chính là cơ sở để đưa mọi hoạt động vào quy củ, là cánh cửa để ngăn ngừa mọi sai phạm, tiêu cực, ngăn ngừa tham ô, tham nhũng. Và, để nguyên tắc tập trung dân chủ được thực thi, được bảo đảm thì yêu cầu trên hết, trước hết là người đứng đầu, người lãnh đạo phải nêu gương thực hiện. Ở đâu người đứng đầu quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, coi trọng kỷ cương, kỷ luật thì ở đó môi trường làm việc sẽ đảm bảo đúng lề lối. Ngược lại, khi người đứng đầu, người lãnh đạo bất chấp, coi thường kỷ cương, phớt lờ nguyên tắc tập trung dân chủ thì ở đó, sai phạm nối sai phạm, hậu quả rất khó lường. Vì vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đã chỉ rõ một trong 3 vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay là: “Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị”. Vấn đề này đã nêu rõ tại Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị khóa XII “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

(Còn tiếp)

Đăng Trường
.
.