Bàn về nguyên tắc rường cột của Đảng: Vén màn những báo cáo đẹp

Thứ Hai, 13/09/2021, 19:04

Nhiều tập thể, cá nhân chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, làm rõ mới lộ diện hàng loạt sai phạm, nội bộ mất đoàn kết, mất dân chủ nghiêm trọng. Điều dư luận băn khoăn là tại sao cũng tập thể đó, cá nhân đó, thời gian trước vẫn báo cáo với hàng loạt thành tích "đoàn kết, nhất trí, giữ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ", nhiều người còn được khen thưởng và… tín nhiệm cao!?

Báo cáo đều sáng đẹp khi chưa bị khui lộ

Những tập thể, cá nhân mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn tới nhiều sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng thì trước đó, các tập thể, cá nhân đó tự đánh giá, báo cáo như thế nào?

Tỉnh ủy Bình Dương là một điển hình về vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ khi rất nhiều thành viên từ bí thư, phó bí thư, tỉnh ủy viên đến các bộ phận trực thuộc sai phạm.  Tại phiên họp hồi tháng 8-2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của Tỉnh ủy; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức đảng và đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2), gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát lớn ngân sách nhà nước. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh, các sở, ngành và tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Vén màn những báo cáo đẹp -0
Từ những phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều sai phạm của tập thể, cá nhân tại các cơ quan, đơn vị được “lộ tẩy”.

Trong khi đó, bản tin về việc Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2020 lại nêu, Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt và đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tham nhũng. Báo cáo cũng nêu tinh thần làm việc "đoàn kết, trí tuệ, tập trung dân chủ" của Tỉnh ủy và các cơ quan hữu quan. Còn tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI đã đánh giá công tác nhiệm kỳ 2015-2020: "Dân chủ trong Đảng tiếp tục được mở rộng; công tác tự phê bình và phê bình có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí... được thực hiện nghiêm túc". Đọc những báo cáo trên, thành tích nào cũng rõ, đẹp. Thế nhưng, đó cũng chính là thời điểm đang có nhiều khiếu kiện xảy ra tại Bình Dương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang vào cuộc làm rõ hàng loạt sai phạm. 

Một viện dẫn khác, ngày 22-12-2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiến hành Hội nghị kiểm điểm tập thể, cá nhân. Thông tin báo chí nêu, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã làm rõ trách nhiệm trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; công tác tổ chức cán bộ; các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Hội nghị cũng lần lượt kiểm điểm đối với các cá nhân trong Ban Thường vụ Thành ủy, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố. Các thành viên được kiểm điểm, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung đều được ghi nhận rất tích cực, kể cả bỏ phiếu biểu quyết nhận xét, đánh giá và phân loại cán bộ, ông Chung đều... tín nhiệm cao! Tại các hội nghị kiểm điểm, tổng kết năm 2019, 2020 cũng nêu thành tích rất sáng của ông Nguyễn Đức Chung. Chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận thì sự thể hoàn toàn khác: "Đồng chí Nguyễn Đức Chung đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm".

Tại Khánh Hòa, ngày 11-11-2019, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Báo cáo tại hội nghị đánh giá, việc chấp hành và nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt "đạo đức, lối sống, tác phong chuẩn mực, gương mẫu; nêu cao tinh thần, ý thức tổ chức kỷ luật; xây dựng và giữ vững khối đoàn kết, thống nhất, dân chủ". Trong khi đó, ngày 5-11-2019, tại trụ sở Trung ương Đảng, xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020 và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016, nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Một hội nghị kiểm điểm diễn ra sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và kết luận của Ban Bí thư, khi mà nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh đã bị xử lý kỷ luật mà báo cáo vẫn sáng đẹp như vậy thì thử hỏi báo cáo đó viết cho ai, viết để làm gì? 

Cũng có những tập thể đã nhận ra tồn tại, khuyết điểm từ sớm, thẳng thắn kiểm điểm nhưng lại không khắc phục được như lời hứa. "Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xin nghiêm túc tự phê bình và nhận lỗi với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, với nhân dân, với Đảng bộ thành phố và sẽ cố gắng làm hết sức mình để khắc phục hạn chế, khuyết điểm" - Bí thư TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải bày tỏ trong lễ bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX, chiều 29-11-2012. Đáng tiếc, dù đã sớm nhận ra tồn tại, hạn chế nhưng sau đó, tình hình không được chấn chỉnh dẫn tới nhiều sai phạm, trong đó có sai phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng của ông Lê Thanh Hải như kết luận Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu.

Cùng với đó, việc bổ nhiệm lãnh đạo hiện là "vùng nóng" với rất nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận, mất tập trung dân chủ nhưng cơ quan chủ quản vẫn bảo lưu quan điểm, không thừa nhận điều này. Vụ bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ở tuổi 31, báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc gửi Bộ Nội vụ cho biết, việc bổ nhiệm là đúng quy trình, đúng quy định. Tuy nhiên, kiểm tra vụ việc này và một số vấn đề liên quan, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc "đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về trách nhiệm nêu gương và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc bổ nhiệm một số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý". Trước đó, tháng 10-2015, Bộ Nội vụ làm việc với tỉnh Quảng Nam về việc bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ở tuổi 30. Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh cho biết, ông Bảo "là một cán bộ trẻ có triển vọng phát triển, được đào tạo cơ bản" và khẳng định bổ nhiệm là dân chủ, đúng quy trình. Sự việc chỉ bị lật tẩy khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận việc bổ nhiệm "không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục", cá nhân ông Bảo ý thức tổ chức kỷ luật kém, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng... Như vậy, cùng vụ việc nhưng khi Ủy ban Kiểm tra chưa vào cuộc thì cơ quan sở tại thường vẫn xác định "đúng quy trình" khiến dư luận bức xúc.

Kiểm tra giám sát, làm rõ bản chất

Qua thực tiễn việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ và sắc màu trên các báo cáo, cho thấy những bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, để đánh giá đúng thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương chấp hành các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điển hình là nguyên tắc tập trung dân chủ thì không thể chỉ dựa vào báo cáo. Mọi báo cáo đều được kiểm duyệt trước khi trình bởi người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương mà như chúng tôi đã phân tích, sai phạm, mất tập trung dân chủ hay không trước hết phụ thuộc vào người đứng đầu.

Thứ hai, hình thức kiểm tra bằng hội họp để lấy ý kiến cũng chưa đảm bảo giúp người có thẩm quyền nhìn ra được bản chất sự việc. Bởi các cuộc họp vẫn nặng về báo cáo, trong khi các ý kiến phát biểu tại cuộc họp chưa đảm bảo thực chất việc phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn.

Thứ ba, công tác thanh, kiểm tra được xem là biện pháp thiết yếu để phát hiện, xử lý sai phạm, đồng thời ngăn ngừa sai phạm. Cùng với đó là công tác nắm tình hình, lắng nghe quan điểm, ý kiến phản ánh của cán bộ, đảng viên. Qua các vụ việc đã diễn ra, chủ yếu sai phạm được phát hiện, làm rõ từ kiểm tra, giám sát, hiếm có trường hợp sai phạm được phát hiện, xử lý từ cách tự báo cáo, kiểm điểm.

Thứ tư, thời gian tới cần thực hiện tốt Quy định số 22-QĐ/TƯ ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Quy định này đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Quy định 22 nêu rõ, công tác kiểm tra, giám sát "phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng". Đồng thời, "khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng". Về nguyên tắc giải quyết tố cáo, Quy định bổ sung nội dung quan trọng: "Nếu đơn tố cáo giấu tên, mạo tên nhưng rõ địa chỉ, đối tượng và nội dung tố cáo thì tổ chức đảng có thẩm quyền nắm tình hình để làm cơ sở kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo".

(Còn tiếp)

Đăng Trường
.
.