Trong đôi mắt nhân dân

Soi mình trong gương

Thứ Tư, 10/05/2017, 07:13
Khi ta đứng trước một tấm gương phẳng, trong vắt, tấm gương ấy không bao giờ nói dối. Ta gầy (ốm) béo (mập); cao thấp; đẹp xấu... thế nào, tấm gương phản ảnh trung thực ta thế ấy. Nhưng não ta thì có thể nói dối.

Trong đôi mắt của nhân dân bao giờ đúng sai cũng minh bạch, rõ ràng. Đôi mắt công bằng, chưa bao giờ thiên kiến.


Đôi mắt tiếp nhận hình ảnh của mình trong gương, chuyển tải về não, để rồi não quyết định hình ảnh cuối cùng mà nhiều khi lại là hình ảnh ta mong muốn hơn là hình ảnh mà gương kể lại.

Đôi mắt chỉ là trung gian, nhận thức mới là tất cả. Nhiều khi tấm gương bảo rằng “này cái bụng to lắm rồi, bớt bia rượu lại đi, thể dục thể thao vào cho điều độ” nhưng rốt cuộc, chính ta lại tự tả mình rằng “còn đẹp chán, chiều nay cứ lai rai thôi”.

Nói chuyện tấm gương, nói chuyện đôi mắt, và nói về nhận thức để chúng ta cùng hiểu rằng ở thời đại này, khi mà những thứ tưởng như khó có thể công khai vẫn được công khai bằng quá nhiều phương tiện thông tin, đôi mắt nhân dân chính là tấm gương phản ảnh rất rõ bóng dáng của người cán bộ công quyền. 

Một lời khen trên mạng xã hội, ngàn lời chê trên mạng xã hội, chắt lọc lại có thể có chuẩn xác, có tin đồn nhảm, nhưng nó đều chính là nhận thức của đôi mắt nhân dân về hình ảnh cán bộ mà họ tiếp xúc mỗi ngày.

Minh họa: Lê Phương.

Chúng ta có thể sẽ rất đau, đau đến tột cùng, khi nhận câu trả lời nhưng nếu chúng ta dũng cảm đặt ra một câu hỏi với bất kỳ một người dân nào đó rằng “theo anh/chị, hình ảnh người cán bộ công quyền hiện nay như thế nào?”, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy nỗi đau ấy đã trở nên quá bình thường, vì hình ảnh phổ biến trong mắt nhân dân về người cán bộ công quyền bây giờ không còn nhiều thiện cảm nữa. 

Người dân không thù ghét; người dân không sợ hãi nhưng người dân đang mất dần lòng tin, khi mỗi ngày, họ lại mỗi nhận được những thông tin tương tự kiểu như Vĩnh Phúc chi 65 tỷ tiền quà tặng kỷ niệm ngày tái lập tỉnh hay ở đâu đó có hai ông chức sắc sẵn sàng “thọi” vào mặt nhau chỉ vì một xích mích nào đó dồn nén hằng ngày. 

Cái uy mất đi, chữ tín cũng chẳng còn nữa. Thế thì còn nói gì đến hình ảnh cao đẹp mà dân ngưỡng vọng về một vị quan chức thanh liêm, công chính và tận tụy vì dân, vì nước, vì quyền lợi chung của mọi đồng bào?

Tôi không bao giờ quên hình ảnh ông ngoại mình, hơn 90 tuổi, ở Đà Nẵng. Ngày đưa tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông mặc quân phục chỉnh tề, đứng trước màn hình tivi đang truyền hình trực tiếp hình ảnh đoàn xe tang chạy chầm chậm rời nhà tang lễ, và ông đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh. Liệu còn vị tướng nào nhận được một nghi lễ như thế hay không ở thời bình này? Đôi mắt của ông tôi là đôi mắt của một người dân. 

Đôi mắt ấy tôi chắc chắn cùng chung một phản chiếu tương tự như nhiều đôi mắt nhân dân khác, khi một vị tướng như Võ Nguyên Giáp soi vào. Bao nhiêu thế hệ đã nằm xuống, mất một phần máu xương vì Tổ quốc, nhưng tôi cũng tin rằng, vì họ tin vào một con người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và bởi thế, họ tự hào được là lính của người.

Tôi không còn chắc hôm nay, có những người dõng dạc công khai rằng mình tự hào vì lãnh đạo của mình. Bởi trong đôi mắt họ, có phản chiếu hình ảnh của ngờ vực, về những hành vi mà họ tin chắc một công bộc của dân, đã tuyên thệ trước lá cờ Đảng, không bao giờ được phép thực hiện.

Bên cạnh nơi tôi ở là một quán nhậu nổi tiếng, rất rộng lớn, với nhiều đặc sản đắt tiền. Và mỗi khi tôi nghe người bạn nào đó xuýt xoa rằng: “Quán gì mà khách toàn đi xe đẹp, xe xịn không. Xe nào cũng che biển số hết cả”, tôi chợt nhận thấy, có những người trong đó, bịt biển số xe vì họ sợ hãi không dám soi vào tấm gương là đôi mắt nhân dân. Họ còn biết sợ hãi, sao họ không còn biết tự trọng? Hay họ đổ tại lý do gì khác? Như quy trình, hay guồng máy, những đổ tại nghe thực sự rất “đời”.

Nhưng đôi mắt nhân dân cũng chính là “đời”. Cuộc đời nhìn người lãnh đạo ra sao, đều qua lăng kính của những đôi mắt như thế. Ngày xưa, chúng ta đi học, được học truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, và hôm nay, giả như có một Nam Cao còn sống, chắc ông sẽ viết phần tiếp theo của Đôi mắt với một ngụ ý khác, những nhân vật khác, những hoàn cảnh khác, và những mỉa mai khác.

Những năm gần đây, chúng ta nhận thấy ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc lẽ ra không đáng xấu đến thế, nhưng chỉ vì người quan chức chịu trách nhiệm không chịu đối thoại với dân, nên những ức chế có môi trường tốt để được nuôi dưỡng và phát triển đến mức khó lường. Và điều đó ắt khiến chúng ta suy nghĩ. Khi mình dối ai đó, mình không dám nhìn thẳng vào mắt họ mà nó cho mạch lạc nổi. 

Vậy thì phải chăng, đã bắt đầu có một xu hướng không dám nhìn vào đôi mắt nhân dân, và đối thoại, bởi những dối trá đã khiến họ không thể nào bình thản tiếp nhận một hình ảnh trung thực nhất về chính bản thân mình?

Hà Quang Minh
.
.