Trong đôi mắt nhân dân

Hình hài cán bộ

Thứ Năm, 27/04/2017, 07:02
Có đền thờ các bậc tiên hiền vì gấm vóc sơn hà này mà phụng hiến, có đền thờ cán bộ lãnh đạo vì nhân dân ra sức mà phụng sự. Chuyện này, thời nào cũng có. Điều này, lúc nào cũng hiện hữu. Trong đôi mắt nhân dân, yêu ghét, ơn hận đều rất rõ ràng.

Trong đôi mắt của nhân dân bao giờ đúng sai cũng minh bạch, rõ ràng. Đôi mắt công bằng, chưa bao giờ thiên kiến.


1. Công tác cán bộ được xác định là vô cùng quan trọng trong cả quá trình vận hành xã hội. Nghị quyết Trung ương IV cũng nhấn mạnh: “Đổi mới công tác xây dựng Đảng là đổi mới đồng bộ, toàn diện, trong đó đổi mới công tác cán bộ là khâu then chốt, là phần việc quyết định thành bại của công tác xây dựng Đảng”.

Rõ ràng là nếu không thực hiện tốt công tác cán bộ, thì cho dù Nghị quyết có đúng đắn đến đâu, có hợp lý đến đâu, vẫn không có người triển khai. Mà nguy hại hơn, nếu có triển khai cũng chỉ là chiếu lệ, hình thức.

Chưa lúc nào, công tác cán bộ lại có nhiều vấn đề như ở thời điểm hiện tại. Ngay Thủ tướng Chính phủ trăm công nghìn việc, vẫn phải chỉ đạo những vụ việc liên quan đến đề bạt người thân làm lãnh đạo, rồi bổ nhiệm vị trí lãnh đạo quá nhiều ở một đơn vị, sở ngành.

Điển hình như vụ việc ở Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam, có những phòng ban chỉ có lãnh đạo, hoàn toàn không có nhân viên. Phòng Thanh tra có Trưởng phòng và Phó phòng, Phòng Kế hoạch Tài chính chỉ có duy nhất Trưởng phòng.

Rồi ngay Bộ Giao thông - Vận tải, Thanh tra Bộ có đến 20 lãnh đạo quản lý, trong khi chỉ có 18 chuyên viên và người lao động. Hay như Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, số lãnh đạo nhiều hơn nhân viên 10 người, 41 lãnh đạo so với 31 nhân viên. Thậm chí như Cục Quản lý xây dựng đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lượng lãnh đạo quản lý gần gấp đôi nhân viên, 28 lãnh đạo so với 15 nhân viên.

Còn ở Thái Nguyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này bổ nhiệm thừa đến 23 cán bộ, đó là theo kết luận của thanh tra tỉnh này.

Chưa dừng lại ở đó, còn có những chuyện như cha đề bạt con, chồng đề bạt vợ hoặc hai vợ chồng cùng làm lãnh đạo một trung tâm.

Minh họa: Lê Phương.

Nếu viết công tác cán bộ hiện tại cứ sờ đâu sẽ có chuyện ở đó có lẽ không có gì là đại ngôn. Thậm chí, có cán bộ mắc sai phạm nghiêm trọng vẫn được đề bạt lên vị trí lãnh đạo, như cái ông đội trưởng đội an ninh ở sân bay quên trả lại tiền cho hành khách bỏ quên vẫn được đảm nhiệm cương vị phó giám đốc trung tâm huấn luyện đào tạo thuộc cảng hàng không quốc tế.

Thật chẳng biết phải cười hay khóc cho hợp nhẽ nữa.

2. Song song với sự tồn đọng này, cán bộ lãnh đạo còn có những biểu hiện khác rất xấu về mặt hình ảnh trong đôi mắt của nhân dân.

Như vừa rồi có 2 ông lãnh đạo một sở ở tỉnh KonTum đi công tác rồi chén chú chén anh ở cơ sở cho đã xong lên xe cãi nhau. Mà cãi chuyện gì, cãi nhau chuyện ban nãy uống bia sao không chịu mời khách mà cứ mời người nhà hoài kỳ vậy.

Cãi nhau xong đấm nhau, đấm nhau chưa đã còn kéo cả dân xã hội đến tận nhà nhau quậy phá. Cái này thì điều tra làm gì nữa, sa thải rồi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra cho rồi. Phải có xử lý làm gương chứ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị rất rõ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp về chuyện bia rượu rồi, cứ theo đấy mà thực hiện thôi.

Tôi nói thật là không có gì sướng bằng làm cán bộ lãnh đạo, Thủ tướng Chính phủ đã hướng dẫn tận tình rồi, cứ theo hướng dẫn mà làm là được. Vậy mà cũng không xong, cứ năm hồi ba chuyện là lại hát bài hát cũ: “Xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”.

Năm xưa, hai ông cán bộ Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Phước cũng tẩn nhau vì bia rượu, xấu hổ vô cùng tận.

Đã dừng lại ở đó đâu, ông Phó Ban Nội chính Đắk Lắk vừa bị phạt vì xây nhà trái phép thì đến lượt ông Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai bị phát hiện xây nhà trên đất nông nghiệp. Còn ở Hà Tĩnh thì nhà thờ họ của đương kim chủ tịch tỉnh bị phanh phui vi phạm hành lang an toàn giao thông. Rồi còn biệt phủ, còn nhà gỗ, còn biệt thự của một số cán bộ lãnh đạo bị bêu khắp các báo.

Độc đáo hơn, còn có ông phó giám đốc sở bị chính vợ tố cáo bỏ tiền mua căn bộ cho bồ nhí. Một ông to hơn vừa về hưu thì trước thừa nhận có con ngoài giá thú, sau lại đính chính là nói giỡn cho vui. Rồi đến ông khác mất tiền trăm triệu, tiền tỷ trong phòng làm việc.

Ông cán bộ lãnh đạo công ty nhà nước dính kết luận vi phạm tiền bạc của cơ quan, điều tra thì sai tài xế lái xe công vào nghĩa trang liệt sĩ thề: “Có tham ô sẽ bị xe tải cán chết”.

Chẳng ra làm sao cả.

3. Chính phủ đã kêu gọi rất nhiều, đã chấn chính rất nhiều, đã xử lý rất nhiều. Nhưng cuối cùng có vẻ như đâu lại vào đấy. Nhiều khi mơ hồ cảm nhận, có mỗi Chính phủ chuyển động cho mục tiêu kiến tạo để thúc đẩy kinh tế, xã hội, dân sinh... còn lại mấy ông cán bộ cứ ai làm gì thì làm, còn mình muốn làm gì kệ mình.

Y phục phải xứng với kỳ đức, kỳ đức phải xứng với vị trí, chứ trong đôi mắt nhân dân mà cán bộ lãnh đạo cứ hiện thân như vậy thì còn hy vọng gì vào tính chính danh khi chỉ đạo, khi làm việc nữa.

Nhân dân biết cả đấy thôi, không thể nào vin vào có sai phạm xíu xiu, đã đúng quy trình hay sẽ xử lý nội bộ mà lờ đi hết được đâu.

Quan trọng hơn, tôi nghĩ rằng không thiếu cán bộ đến mức ông say xỉn đánh nhau vẫn được trọng dụng, ông xây nhà sai phép vẫn được tin tưởng, ông sai phạm vẫn được tạo điều kiện.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.