Tài sản cán bộ cao cấp

Phải xây dựng nền tảng phục vụ giám sát

Thứ Hai, 26/06/2017, 07:17
Không chỉ là chuyện kiểm tra, giám sát tài sản của một ngàn cán bộ lãnh đạo cao cấp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng theo chỉ thị của Bộ Chính trị, tôi xin phép được lạm bàn thêm về câu chuyện giám sát tài sản cán bộ của một cơ quan khác là Thanh tra Chính phủ nhằm bổ sung cái nhìn rộng hơn, toàn diện hơn cho chuyên đề này.

Lâu nay, tài sản của cán bộ lãnh đạo cao cấp đều là một vùng nhạy cảm, ngoại trừ những trường hợp cá biệt bị phát hiện sau khi đã về hưu.


Cách đây chừng 3 năm, chúng ta từng nghe dư luận ồn ào xoay quanh khối tài sản khổng lồ của một quan chức Thanh tra Chính phủ. Thực sự, trong bối cảnh hiện nay, sẽ không có gì đáng giật mình nếu nghe tin một quan chức nhà nước nào đó có tài sản rất lớn. 

Điều mà dư luận, quần chúng quan tâm không phải là tài sản của quan chức lớn mức nào mà chỉ là nguồn gốc của tài sản ấy ra sao, có dính đến tham nhũng hay không.

Và khi một quan chức Thanh tra Chính phủ, cơ quan được coi là một trong những công cụ giám sát và chống tham nhũng lại bị đặt dấu hỏi về tài sản, điều ấy có phải là một nghịch lý trớ trêu hay không?

Trong hoàn cảnh Hội nghị Trung ương 5 vừa quyết nghị việc phát triển kinh tế tư nhân, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ rằng trong suốt nhiều năm qua, khi phát sinh các mối quan hệ kinh tế giữa các đơn vị tư nhân với nhau và cần có một sự giám sát minh bạch để đảm bảo các hợp đồng được thực hiện trọn vẹn mọi phần nghĩa vụ các bên, các công ty, tập đoàn tư nhân đều tìm đến một đơn vị trung gian (cũng là tư nhân) và đa phần là đơn vị quốc tế nếu như giá trị của các hợp đồng là lớn.

Sử dụng những đơn vị kiểm tra, giám sát, kiểm toán độc lập sở dĩ trở thành nhu cầu lớn bởi lẽ các đơn vị trung gian ấy không bị chi phối bởi bất kỳ một thế lực nào và mọi hoạt động của họ, mọi hành vi của họ chỉ tuân thủ đúng một nguyên tắc duy nhất: các quy ước nghề nghiệp. 

Và điều đó khiến chúng ta nghĩ về cơ quan Thanh tra Chính phủ hiện nay. Liệu chăng cơ quan ấy đã đủ quyền lực, sức mạnh, tính độc lập để thực hiện công việc chỉ theo nguyên tắc nghề nghiệp đơn thuần.

Một ví dụ mà chúng ta cần tham khảo chính là cơ quan Đạo đức Chính phủ (US Office of Government Ethics - OGE) của Hoa Kỳ. OGE là cơ quan chủ đạo trong việc chống tham nhũng cũng như giám sát tình hình khai báo tài sản công khai và bí mật của các quan chức chính quyền.

Dù Giám đốc OGE được tổng thống bổ nhiệm (phải thông qua Thượng nghị viện) nhưng OGE lại là một cơ quan độc lập trong bộ máy Chính phủ Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ của một Giám đốc OGE cũng là 4 năm nhưng luôn không trùng nhiệm kỳ với tổng thống.

Điều đó có nghĩa là một OGE thường làm việc trải qua 2 đời tổng thống trong nhiệm kỳ của mình và nguyên tắc này thực tế để tránh việc tổng thống có thể tạo tầm ảnh hưởng tuyệt đối lên Giám đốc OGE.

Minh họa: Lê Phương.

Và một thông tin chúng ta cũng cần tham khảo thêm về OGE là cả cơ quan ấy chỉ có tổng cộng 70 nhân viên, với ngân sách hoạt động hằng năm là 12 triệu USD. Trong 70 nhân viên ấy, có khoảng 15 luật sư. Vậy mà họ có thể quản lý, giám sát được gần 4 triệu công chức Hoa Kỳ, trong đó có cả các bộ trưởng, tổng thống và phó tổng thống.

Thực tế, cơ quan Thanh tra Chính phủ Việt Nam có thể được xây dựng như thế hay không, với một người Tổng Thanh tra được bổ nhiệm bởi Chủ tịch nước nhưng phải được Quốc hội phê chuẩn và nếu Chủ tịch nước muốn bãi nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ thì cũng phải được chấp thuận bởi Quốc hội? Xây dựng một cơ chế hoạt động độc lập như thế là không khó, chỉ cần một quyết tâm cải cách mạnh mẽ mà thôi. Cái khó là giữa muôn trùng khó khăn khác, một cơ quan giám sát chính phủ độc lập như vậy có thể hành động được hay không mà thôi.

Tình hình kinh tế xã hội Việt Nam hôm nay đang tồn tại quá nhiều bất cập mà chúng ta đã từng liệt kê ra không biết bao nhiêu năm nay rồi. Nào là bất cập của việc sử dụng tiền mặt với khối lượng lớn; sử dụng ngoại tệ để thanh toán; sử dụng cả vàng để thanh toán... một cách công khai và dễ dàng.

Các công cụ cho giám sát như ngân hàng, thuế... không cách nào phát huy được công lực của nó trước một thị trường vẫn trôi theo quán tính lạc hậu. Việc mua một căn biệt thự cả triệu đô và được thanh toán bằng cả bao tải tiền là chuyện chẳng có gì lạ và chính sợi dây lạc hậu đó đã thít chặt khả năng của giám sát khi chính nó giúp xóa sạch mọi vết dấu của nguồn thu nhập vốn dĩ vô cùng mập mờ.

Như vậy, muốn giám sát chính phủ được hoạt động một cách hiệu quả, kiến tạo được niềm tin trong dân, dứt khoát phải có một cuộc cải cách mạnh mẽ để tạo dựng các nền tảng. Đầu tiên là cải cách lại hành vi thanh toán trên thị trường, cải cách lại các sắc luật về thuế.

Kế đến là cải cách và nâng cấp để Thanh tra Chính phủ trở thành một cơ quan độc lập và có thực quyền, một thứ quyền năng thuộc về nhân dân. Song, vượt trên hết phải là cải cách dân trí, đặc biệt là về tri thức pháp lý. Chúng ta vẫn nói "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhưng nếu không có kiến thức ở lĩnh vực mình muốn kiểm tra thì làm sao có thể kiểm tra nổi?

Một ví dụ rất nhỏ là chuyện gợi ý về thuế tài sản cách đây chừng 2 năm chẳng hạn. Rất nhiều người đã vội vã phản ứng mà không chịu tìm hiểu rằng đó là một đề xuất về một sắc thuế văn minh, là công cụ để kiểm tra, giám sát các nguồn tài sản cá nhân mà các nước tiên tiến đã thực hiện từ lâu rồi. Ví dụ ấy cho thấy ngay dân trí về pháp lý hiện nay thế nào.

Và ở một nền tảng xã hội mà sự am tường luật pháp của quần chúng còn hạn chế thì sẽ khó lòng để việc thực thi luật pháp, giám sát được thấu cảm và được tiến hành trong một môi trường thuận lợi nhất.

Hà Quang Minh
.
.