Tài sản cán bộ cao cấp

Việc cần làm ngay

Thứ Ba, 20/06/2017, 15:35
Có một điều chắc chắn là không phải lãnh đạo cao cấp nào cũng có nhiều tài sản, tuy nhiên điều đáng tiếc là trong ánh nhìn của đại đa số người dân thì vẫn luôn tồn tại nhiều hồ nghi. Tôi tin rằng, chính bản thân của các cán bộ lãnh đạo cũng hiểu điều này.

Lâu nay, tài sản của cán bộ lãnh đạo cao cấp đều là một vùng nhạy cảm, ngoại trừ những trường hợp cá biệt bị phát hiện sau khi đã về hưu.


Thế nên, việc kiểm tra giám sát tài sản của lãnh đạo cao cấp là một chủ trương đúng đắn, cần thiết và phải làm ngay.

1. Bộ Chính trị vừa ban hành quy định việc kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. 

Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết thêm trên báo giới: "Kê khai tài sản là một trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng được đánh giá chưa hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ, chứ không phải chưa kiểm tra, giám sát. 

Do đó, vừa rồi, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng quy định kiểm tra, giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này đã được Bộ Chính trị chính thức ban hành vào ngày 23-5 vừa qua và có hiệu lực ngay. Trong quy định này, Bộ Chính trị quy định rõ, chủ thể kiểm tra đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Hiện có khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Về quy định kiểm tra, từ nay trở đi sẽ có lộ trình, kế hoạch cụ thể về việc kiểm tra, giám sát tài sản. 

Bên cạnh đó, khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ này, cán bộ kia thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ thực hiện. Thứ hai, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực và khi cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản, các cơ quan sẽ kiểm tra, giám sát để làm rõ".

Cần phải ghi nhận một điều là khi câu chuyện kiểm tra giám sát tài sản của một nghìn cán bộ cao cấp ra công luận, thì rõ ràng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã xác định không có vùng cấm, không có yếu tố nhạy cảm.

Lẽ thông thường, muốn thực hiện nghiêm túc một vấn đề lớn thì đầu tiên phải dũng cảm đưa vấn đề đó đến đại chúng, theo đúng tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Kế đến, mới xét đến quyết tâm thực hiện.

2. Từ trước đến nay, câu chuyện tài sản của cán bộ luôn tạo sóng trong dư luận được đưa đến từ những nguồn tin không chính thống. Đó là một trang web không được cấp phép, một blog ẩn danh với hằng hà sa số thông tin không thể nào kiểm chứng (Mà theo quan điểm của tôi luôn là những luồng thông tin một nửa sự thật trộn lẫn với những thông tin xuyên tạc, sai trái - N.N.L). 

Đáng tiếc là, đại bộ phận nhân dân khi tiếp xúc với những thông tin ấy lại thường thiếu sự điềm tĩnh để đánh giá đúng sai và từ đây nảy sinh ra cảm xúc hoang mang thậm chí là chán nản, suy diễn.

Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra mà bất cứ ai cũng nhận thấy đó chính là nhiều cán bộ địa phương hay cấp tỉnh đang giàu lên một cách nhanh chóng.

Những biệt thự của ông bí thư huyện này, những biệt thự của ông giám đốc sở kia, những khu đất vàng của ông phó chủ tịch tỉnh nọ... là điều vẫn được các cơ quan truyền thông chính thống có uy tín loan tin. 

Ngay cả một nữ trưởng phòng một sở thuộc tỉnh Thanh Hóa cũng nghiễm nhiên sở hữu nhiều bất động sản, siêu xe. Rồi đến những vị trí là lãnh đạo sở ngành khi về hưu bỗng dưng trở thành đại gia với khối tài sản vô cùng đồ sộ.

Tất nhiên là không thể kết luận những cán bộ này trục lợi từ quyền hạn và chức vụ khi còn đương nhiệm, vì đó thuộc về kết luận của Ủy ban Kiểm tra. Nhưng rõ ràng là với bức tranh thực tế ấy dễ khiến nhân dân có cái nhìn không đúng về cán bộ lãnh đạo. Đây chỉ mới là cán bộ lãnh đạo địa phương, chưa bàn đến cán bộ lãnh đạo cao cấp Trung ương.

Tôi biết có một lãnh đạo cao cấp về hưu vẫn sống hết sức thanh bạch, của nả không có gì. Nhưng có lẽ những câu chuyện này nếu viết cũng không khiến dư luận tin rằng đó là sự thật, bất chấp người còn đó, câu chuyện còn đây.

3. Chính vì vậy, quyết định của Bộ Chính trị về việc kiểm tra, giám sát tài sản của một nghìn cán bộ cao cấp chính là cơ hội để khôi phục lại niềm tin trong nhân dân. Nếu thực hiện tốt thì đó còn là niềm hy vọng cho cả thể chế, cho quốc gia.

Muốn làm được điều này, cần thiết phải tính đến phương án một mức thu nhập hợp pháp tương xứng với vị trí lãnh đạo. Phải có một mức thu nhập tương xứng thì cán bộ lãnh đạo mới toàn tâm toàn ý cho công việc của mình, tránh những cám dỗ do quyền lực được giao mang lại.

Thật sự không công bằng nếu cứ yêu cầu cá nhân cống hiến cho cái chung, cho sự nghiệp kiến quốc trong bối cảnh thu nhập của cá nhân ấy không tương xứng với công sức mà cá nhân ấy đã bỏ ra để phục vụ cho cái chung.

Yếu tố còn quan trọng hơn chính là nếu công tác kiểm tra giám sát tài sản của cán bộ được thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch thì cũng chính là công tác bảo vệ danh dự, uy tín cho cán bộ lãnh đạo cao cấp. Bởi ai cũng hiểu rằng y phục xứng kỳ đức, phải có tính chính danh thì lời nói mới thuận, việc làm mới đàng hoàng, nhân dân nhìn vào đó mới có thêm sự tin tưởng.

Muốn để quy định không trôi vào quên lãng, bằng tất cả tinh thần xây dựng và tin tưởng vào sự tốt đẹp, tôi vô cùng mong muốn Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ sớm cung cấp một kết luận giám sát kiểm tra tài sản của hơn một nghìn cán bộ cao cấp trong tương lai gần. 

Ngô Nguyệt Lãng
.
.