Đạo đức lối sống Đảng viên

Một lối sống xa rời nhân dân

Thứ Sáu, 14/06/2019, 15:47
Cách đây vài năm, khi tôi làm việc với một nghệ sỹ trẻ trong một dự án giải trí, chàng trai ấy có ghé thăm nhà đúng dịp sinh nhật tôi. 

Phải thừa nhận một thực tế là lâu nay vẫn còn nhiều hoài nghi về đạo đức lối sống của một bộ phận Đảng viên  giữ chức vụ, cán bộ lãnh đạo. Những biệt phủ xa hoa, những người thân thụ hưởng vật chất sang trọng, những tiện nghi mà con em của họ khoe khoang trên mạng xã hội...

Rồi những phẩm chức đạo đức nền tảng điển hình bằng vi phạm chế độ một vợ một chồng... Và những kỷ luật của Đảng với các cá nhân cụ thể vi phạm đạo đức lối sống trong thời gian gần đây cho thấy điều lệ Đảng, nguyên tắc Đảng không phải để viết ra cho có. Đấy cũng là hành động rõ ràng nhất để minh chứng với nhân dân về tính nghiêm minh của Đảng.

Quà tặng cho tôi là một cái ví hàng hiệu. Tôi đã cố từ chối, vì biết  món quà ấy đắt tiền quá, nhưng chàng trai nọ cứ cố nài.

Sau này, tôi tặng lại nó cho một nghệ sỹ đàn chú. Nhưng câu chuyện đọng lại với tôi là câu nói của chàng trai kia. “Ôi, cái này nhà em nhiều lắm. Người ta biếu bố em đầy anh ạ”. Đó là nguyên văn và chàng trai kia cũng là con nhà gia thế, có bố làm sếp ở cấp giám đốc sở một tỉnh.

Một cái ví như thế, tôi biết giá cả ngàn USD và dấu hỏi trong đầu tôi là: “Người ta có thể dễ dàng biếu nhau một thứ trị giá ngàn đô thì phải lấy lại cái lợi từ kẻ nhận quà biếu kia những thứ kinh khủng hơn nhiều?”.

Miên man chuyện một món quà  để nói về cái để nói về cái thú tặng quà như một thói quen thời thượng trong một tầng lớp VIP nào đó hiện nay. Nó thịnh hành như một trào lưu thực sự. Rồi bên cạnh đó là gì? Là đánh golf, là rượu ngoại loại sang và thậm chí là cả gái đẹp! Những xa hoa đó xa lạ với người cộng sản lắm.

Minh họa: Lê Tâm.

Chúng càng xa lạ hơn khi chính mỗi đảng viên vẫn luôn nói câu “noi gương Hồ Chủ tịch”. Vâng, Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân kính trọng, thần tượng và tôn thờ vì chính sự giản dị của mình. Và một bộ phận hậu bối nào đó của Người thì đang noi gương Người bằng cách nào? Nói thẳng, một bộ phận này (không phải là tất cả) chỉ noi gương bằng miệng.

Và nếu chúng ta chỉ cần gõ hai chữ “biệt phủ” để tìm kiếm trên google, chúng ta sẽ gặp không hề ít những kết quả đến từ báo chí chính thống trong nước. Thậm chí, có những kết quả còn nêu đích danh chủ nhân của biệt phủ như trường hợp ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái.

Nhìn vào những căn biệt phủ đó, rồi đọc lại tất cả những bài phản ảnh hiện thực lầm than của nhân dân Việt Nam dưới thời phong kiến, thực dân Pháp, chúng ta sẽ thấy thậm chí chúng còn xa hoa hơn cả phủ quan đầu tỉnh của hơn một thế kỷ trước. 

Cái xa hoa đó ngoài mục đích để hưởng thụ cho sướng thân mình, phải chăng còn tồn tại cả một sự khoe khoang ngầm kiểu hàm ý “làm đến chức vụ ấy thì phải có biệt phủ hoành tráng như thế mới xứng tầm, cho biết ai thực sự là người quyền lực ở địa phương này”? 

Mà nếu như tồn tại một dạng khoe mẽ như thế, liệu rằng đạo đức của người Đảng viên (quan chức tất nhiên phải là Đảng viên rồi) có còn nữa hay không, điều lệ Đảng có còn được họ gìn giữ, trân trọng như một kim chỉ nam để hành động nữa hay không?

Thực tế càng ngày càng chứng minh một bộ phận quan chức hôm nay xa rời quần chúng đến mức độ nào. Một bộ phận này hình thành nên một tầng lớp khác hẳn trong xã hội, với biệt phủ, ví tiền hàng hiệu, đồng hồ hàng hiệu, điện thoại hàng hiệu, với cả những đôi giày, những chiếc thắt lưng hàng hiệu trị giá bằng cả một năm thu nhập của người khác. Các cụ có câu “quen sợ dạ, lạ sợ quần áo”.

Người dân bây giờ mà tiếp xúc với quan chức, chắc chắn chỉ nhìn vẻ ngoài ấy thôi đã sợ mất vía rồi. Cái sự quyền quý và kiểu cách ấy cuối cùng chỉ cho thấy một bộ phận không nhỏ quan chức hôm nay chẳng khác gì quan lại thời phong kiến ngày xưa. 

Vậy thì hoá ra bao nhiêu máu xương tranh đấu cả một thế kỷ cuối cùng cũng chỉ để mọi thứ quay lại từ đầu, với một định dạng khác hơn là những ông quan Đảng viên hay sao?

Thậm chí, điều mỉa mai hơn cả là trong số những quan chức hôm nay, nếu có một ai đó xuất hiện trong vẻ ngoài giản dị, mộc mạc, người ấy sẽ trở nên lạc lõng ngay giữa những người đồng chí của mình. Nhưng đổi lại là gì? 

Chính những người giản dị và lạc lõng đó lại là những người giàu có nhất. Thứ mà họ giàu có chính là lòng tin của người dân, những người luôn có đánh giá rất chung về một cá nhân quan chức nào đó qua vẻ bề ngoài.

Chúng ta vẫn quen nghe câu “lấy dân làm gốc” và thực tế, nhân dân chính là đất đai nuôi dưỡng những cái cây, tức là những người làm việc trong bộ máy chính quyền. Cái cây không thể lớn nếu thiếu đất nhưng nếu cái cây bòn rút từ đất quá nhiều, khi đất bạc màu đi rồi, cái cây cũng sẽ còi cọc dần mà thôi. 

Và hơn nữa, nhân dân là một loại đất đai rất lạ. Loại đất ấy có khả năng đào thải những cái cây đang bám rễ trong lòng mình. Thế nên, cái cây muốn không bị đào thải thì phải tự biết rụng lá khô làm phân bón đất, biết đơm hoa kết trái mang lại mùa màng bội thu chứ không phải là sống như một ông vua con ở ngay trong địa hạt của riêng mình. 

Hà Quang Minh
.
.