Diện mạo của tiền

Của sao – người vậy

Thứ Sáu, 23/12/2016, 12:14
Dạo này xổ số Vietlott thành cơn sốt của dân mình. Mới nghe, Vietlott được bán ở Hà Nội, bằng đường phát chuyển nhanh, giá đắt hơn giá gốc chừng 10-20%. Rồi lại nghe tiếp luôn, Vietlott chính thức được phân phối ở Thủ đô, khỏi cần phát chuyển nhanh nữa, khỏi mất thêm phần trăm chi phí nào.

Tiền mang khuôn mặt của ông chủ, phản ánh toàn bộ nhân cách, đạo đức hay thái độ của người sở hữu nó.


Sở dĩ sốt, vì người ta trúng dồn dập quá, toàn tiền triệu đô, nghe ai mà chẳng thấy ham.

Rồi rảnh rang, lên mạng tìm kiếm thông tin, thấy người lĩnh thưởng Vietlott không giấu nhẹm thông tin cá nhân thì cũng đeo cái mặt nạ như vũ hội hóa trang mà đi lĩnh thưởng. Chợt tự hỏi, dung mạo họ ra sao? Nhìn vóc dáng ấy, không biết người quen có nhận ra không? Có lẽ, đeo mặt nạ thế thì cũng nghĩ tới việc mua một bộ quần áo mới, kiểu chủ nhân chưa từng mặc bao giờ, mặc lĩnh giải xong, rồi quẳng đi, để khỏi ai đoán được chủ nhân giải thưởng là ai cũng nên?

Nhiều người nói này nói kia về Vietlott, không có thông tin, thôi thì ta cứ nghĩ lý do họ giấu tung tích cá nhân cũng vì người ta sợ. Trúng số tiền triệu đô bây giờ sợ lắm. Sợ cướp nó mò đến tận nhà, nó ở trong tối, mình ở ngoài sáng, tránh sao khỏi tai vạ. Rồi sợ chính người quen lẫn không quen, cứ thế kéo đến nhà, xin ít. Tiền mất đã phiền, mất thời gian mới phiền hơn, có khi rồi vì trúng số mà thành ra sạt nghiệp bởi tiền thì vẫn phải cho mà chẳng còn làm lụng kiếm ăn chi được nữa.

Thế mới à lên một tiếng được rằng: "Ờ, diện mạo của những chủ nhân trúng số kia như thế nào thì chưa biết, nhưng mặc định họ cùng chung một dung mạo rồi. Đó chính là nỗi sợ".

Không hề có ý chê bai hay ghen ghét với người trúng số tiền triệu đô, nhưng phải thừa nhận rằng, tiền trúng số nó là "lộc trời ơi", nên nhận cái lộc trời ơi nhiều như thế thì sợ hãi là phải rồi. Các cụ xưa chẳng có câu "của biếu là của lo, của cho là của nợ" đó sao?

Minh họa: Lê Phương.

Các cụ cũng nói câu "người làm sao, của chiêm bao làm vậy" nhưng đến thời này, ta cũng nên đáp lại các cụ bằng một câu ngắn hơn là "của sao - người vậy".

Thằng ăn cắp, nó lấy được món đồ lớn, đem đi bán, nó đâu thể dương dương tự đắc như thể món đồ đó là sở hữu của nó, do nó sắm sanh, rồi giờ không dùng nữa nên bán. Thẳm sâu vẫn là sự lén lút, và gương mặt nó, ánh mắt nó kiểu gì chẳng có chút lén lút mà chỉ cần tinh tế chút thôi, ta nhận ra ngay.

Xem ra, dung mạo của người cầm của, cầm tiền trong tay, nó sẽ thể hiện cái bản chất của đồng tiền người ấy kiếm được ra sao. Ví như ta đi ngang qua dinh thự cực lớn của ai đó, rồi được nghe nói rằng: "À, đó là nhà của ông A, ông này giỏi lắm, chuyên kinh doanh mặt hàng nông sản. Từ tay trắng làm nên sự nghiệp đấy" chẳng hạn. Ta sẽ cảm nhận ngay cái sự tự tin của cái ông A đó (tất nhiên ở đây là ví dụ về một ông A hoàn toàn làm ăn chính đáng) nếu ta gặp mặt.

Còn ngược lại, nếu ta nhận được câu kể lại rằng "bí hiểm lắm, chẳng biết tay này làm ăn gì nhưng giàu kinh khủng", ta có thể hình dung ngay một dung mạo bí ẩn như thế nào của chủ nhân. Dĩ nhiên, ví dụ phiếm ở đây gạt bỏ chuyện thất thiệt của tin đồn rồi. Chứ bản thân cuộc đời này, đồn đại về gia sản của nhau thì nhiều kiểu lắm.

Chợt nhớ đến chuyện mấy ông quan chức mới trốn ra nước ngoài gần đây và nhớ đến cái gia sản đồ sộ mà các ông ấy có trong tay, chợt thấy dung mạo đồng tiền ấy nó đớn hèn kinh khủng. 

Nó không có chút đường đường chính chính nào bằng được một phần của bà bán bún chửi khách ngoe ngóe ngoài Hà Nội. Bà ấy sỗ sàng thật, nhưng bà ấy dám xoe xóe vì bà ấy chẳng trộm cắp của ai, chẳng lừa lọc ai. Dung mạo đồng tiền của bà bán bún có thể bình dân, ít học, hôi hám mùi chợ búa nhưng bù lại, dung mạo đó được quyền tự tin, dù là tự tin hơi thái quá.

Còn bây giờ, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy có dám tự tin thế không? Nói ra bảo ngoa, chứ bản thân tôi cũng vài lần nghe bình phẩm ngoài quán café, có người bảo mặt Vũ Đình Duy giống mặt... Trư Bát Giới. Nghe thấy ví von mình ác miệng thật. Trư Bát Giới có làm gì bậy bạ đâu, tham ăn thực phẩm còn tốt hơn khối kẻ tham ăn những thứ khác.

Kiếm tiền ra sao, gia sản từ nguồn gốc nào, nó sẽ cho ta dung mạo như thế. Cha mẹ cho hình hài, trời cho tính, nhưng dung mạo và thần khí nó do chính mình. Bởi thế, tiền quý đấy, nhưng có nhiều loại tiền, nó độc như phóng xạ vậy. Đụng vào một cái, dung mạo thần khí chẳng còn ra gì đâu.

Hà Quang Minh
.
.