Diện mạo của tiền

Tiền sạch - tiền bẩn

Thứ Ba, 20/12/2016, 12:09
Đồng tiền không hề có dung mạo riêng, sạch hay bẩn tùy thuộc vào người giữ nó qua cách họ kiếm tiền và tiêu tiền.

Tiền mang khuôn mặt của ông chủ, phản ánh toàn bộ nhân cách, đạo đức hay thái độ của người sở hữu nó.


1. Hẳn là không ai có thể bàn cãi về mặt tích cực của đồng tiền là nó có thể nâng cao dân trí, cải thiện đời sống con người, đưa đất nước tiến bước theo nền văn minh đương đại, làm thay đổi vận mệnh đất nước, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội... Một xã hội lớn mạnh, chắc chắn đó là một xã hội giàu có.

Cuộc sống càng phát triển, đồng tiền càng đóng một vai trò chính yếu trong đời sống sinh hoạt của con người hằng ngày. Hãy thử tưởng tượng nếu chúng ta không có tiền, một ngày bình thường sẽ thế nào khi có quá nhiều thứ để chi tiêu? Từ tiền lo thực phẩm nuôi sống bản thân đến tiền chi trả cho các dịch vụ khác để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. 

Nếu không có tiền, thú thật chúng ta không thể có gì cả. Bởi từ nhà cửa, trang phục, thực phẩm, phương tiện đi lại, phương tiện giải trí, thông tin truyền thông, mọi tiện nghi của đời sống... đều được trao đổi bằng tiền.

Không những mọi thứ trong đời sống vật chất đều có thể đánh đổi bằng tiền mà bây giờ, tiền còn có thể giúp người sở hữu nó mua cả một số giá trị tinh thần chẳng hạn như quyền lực, danh tiếng, sự trọng vọng của xã hội... Đồng tiền cũng đã đưa đẩy con người tới thành công hay thất bại. Việc được thiên hạ nể, nhân nhượng hay khinh khi coi thường cũng một phần lớn dựa trên số tiền mà người đó đang sở hữu...

Chính vì những lẽ đó, tiền bạc đã biến thành một thứ quyền lực vô song, có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống con người. Xã hội sinh nhiều chuyện đảo điên, luân thường đạo lý bị xáo trộn... phần lớn xuất phát từ đồng tiền. 

Minh họa: Lê Phương.

Đồng tiền có thể khiến cho nhiều gia đình cốt nhục chia lìa, tình cảm anh em ruột thịt bị chia cắt. Biết bao người vì đồng tiền mà vào tù ra khám; vì đồng tiền mà cướp bóc giết người; vì đồng tiền mà bất chấp thủ đoạn, sẵn sàng triệt hạ đồng loại mình để đứng lên...

Nhắc đến mãnh lực của tiền, chợt nhớ đến những câu thơ nổi tiếng trong bài thơ Thế thái nhân tình của cụ Nguyễn Công Trứ để lại rằng: "Thế thái nhân tình gớm chết thay/ Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy/ Hễ không điều lợi, khôn thành dại/ Ðã có đồng tiền dở cũng hay/ Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi/ Hẳn hoi không hết một bàn tay/ Suy ra cho kỹ chi hơn nữa/ Bạc quá vôi mà mỏng quá mây...".

2. Nhưng nếu chỉ nhìn vào những tiêu cực sinh ra từ đồng tiền mà vội kết án đồng tiền thì càng không phải, bởi bản chất của đồng tiền không hề có dung mạo riêng mà nó mang dung mạo của người giữ nó qua cách họ kiếm tiền và tiêu tiền.

Kiếm tiền bằng công sức của chính mình, bằng cách thức, phương tiện chân chính, đó là tích cực. Sử dụng đồng tiền vào mục đích tốt đem lại lợi ích bản thân, gia đình và xã hội, đó là tích cực. 

Còn ngược lại, bất chấp hậu quả, dùng mọi thủ đoạn bất chính, phi pháp làm tổn hại nhân phẩm, đạo đức bản thân, vi phạm lợi ích, hạnh phúc an vui của người khác để tạo ra tiền cho mình, đó là tiêu cực. Cũng như việc sử dụng đồng tiền vào mục đích sai trái, gây ra tội lỗi, làm hại cho cộng đồng và xã hội là việc khiến dung mạo của đồng tiền trở nên méo mó, xấu xí.

Trong xã hội hiện nay, giá trị đồng tiền chi phối rất lớn đến cuộc sống nên những giá trị khác đang dần bị bỏ quên, bởi khi đó người ta mù quáng vì tiền. Chính vì thế mà việc làm ra tiền và sử dụng tiền một cách tích cực đang thật sự là một thử thách rất lớn đối với mọi người.

Trong câu chuyện thời sự hằng ngày, chúng ta gặp không ít câu chuyện liên quan đến dung mạo của tiền. Trong đó, không phủ nhận là có nhiều câu chuyện đẹp, từ chuyện nhiều người đã nhịn phần ăn của mình để đóng góp cùng xã hội giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hơn; đến câu chuyện có những ông quan sẵn sàng từ chối lợi lộc cá nhân từ những dự án kinh doanh lớn khi những dự án đó có nguy cơ tác động xấu đến cộng đồng mình...

Nhưng bên cạnh đó, những câu chuyện về đồng tiền xấu cũng đang khiến người ta trở nên băn khoăn hơn bao giờ hết về cái gọi là ma lực của đồng tiền ở hiện tại. Tiền vô cùng cần thiết cho cuộc sống mỗi con người, vì thế đồng tiền đã tạo nên một áp lực rất lớn với con người và nó trở thành tâm điểm buộc con người phải xoay quanh nó. 

Nhưng từ chuyện áp lực kiếm tiền để phục vụ cuộc sống đến chuyện bất chấp mọi giá trị vì đồng tiền là chuyện hoàn toàn khác nhau. Và tùy con người mà quyết định sự khác biệt ấy.

Trong câu chuyện truyền thông về nước mắm gây bức xúc dư luận xã hội thời gian qua, người ta dễ dàng cảm nhận được trong đó có đồng tiền "bẩn". Rồi mới đây, thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, người phát ngôn Chính phủ cho biết, kết quả khảo sát nước mắm công bố hồi tháng trước bởi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) được khẳng định không tin cậy và minh bạch do không xây dựng đề án và kế hoạch khảo sát rõ ràng, việc khảo sát chủ yếu do Chủ tịch Hội và một số cá nhân thực hiện, nhiều khâu khảo sát không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giám sát... 

Trong đó, đáng lưu ý là việc khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ của Công ty T&A Ogilvy, không đảm bảo tính độc lập theo quy định, mà T&A Ogilvy lại là một công ty truyền thông. Tới đây, người ta lại thắc mắc rằng, doanh nghiệp nào đã đứng đằng sau T&A làm điều "bất lương" đó? Và phải chăng, tất cả chỉ vì chuyện kiếm tiền?

Cũng vì tiền mà một số cán bộ công chức bị thanh bại danh liệt, vướng cảnh tù tội, có những người phải vội vàng "ra nước ngoài chữa bệnh", chuốc lấy cái hèn, cái nhục vào thân. Những đồng tiền ấy, liệu có đáng hay không?

Đồng tiền có hai mặt, như đã nói, tốt - xấu tùy vào người sở hữu nó qua cách họ kiếm và tiêu. Về cơ bản, tham là một đặc tính của con người, trong đó có tham tiền. Nhưng tham tiền không đồng nghĩa bất chấp để có nó, có nhiều. Tiền là cần thiết nhưng rõ ràng là nhiều thứ không thể mua hay đánh đổi bằng tiền. 

Đồng tiền có thể mua được các thú vui hưởng thụ nhưng không mua được an vui đích thực. Đồng tiền có thể mang lại giàu có chứ không mang lại hạnh phúc... Và đồng tiền có thể giúp người ta trốn tránh tội lỗi nhưng không thể khiến lương tâm thảnh thơi!

Hoàng Lãm
.
.