Diện mạo của tiền

Tiền không chỉ là tiền

Thứ Bảy, 17/12/2016, 12:04
Nhu cầu kiếm tiền, tích lũy là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và xứng đáng nhận được sự khích lệ, tôn trọng của những người xung quanh. Tuy nhiên, phải là tiền sạch.

Tiền mang khuôn mặt của ông chủ, phản ánh toàn bộ nhân cách, đạo đức hay thái độ của người sở hữu nó.


Tiền mua được sự vương giả, nhưng không mua được sự tôn trọng. Tiền mua được sự thụ hưởng, nhưng không mua được sự bình an.

1. Vụ vu oan cho nước mắm truyền thống hay còn gọi khác đi là truyền thông bất lương vẫn chưa có hồi kết, những cơ quan báo chí bị xử phạt, những nhà báo bị thu thẻ, danh tính của đơn vị tài trợ cho Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) bị công bố... công luận vẫn tiếp tục yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ ai đứng sau toàn bộ kế hoạch ném đá giấu tay này để xử lý thật nghiêm khắc.

Chung quy toàn bộ câu chuyện này cũng xoay về một chữ tiền. Vì tiền họ bất chấp tất cả; vì tiền họ sẵn sàng tiếp tay cho cái xấu, cái không đúng; vì tiền họ sẵn sàng đơm đặt, dựng chuyện, biến không thành có, biến thứ vô hại thành nguy hại; vì tiền họ sẵn sàng chấp nhận làm nô lệ cho người khác sai khiến. Họ hành động theo thứ mách bảo duy nhất chính là "ta kiếm được bao nhiêu tiền từ phi vụ này?".

Thêm một thông tin ngoài vụ việc nước mắm, đó chính là thông tin mỗi năm người nông dân mất khoảng 50 nghìn tỷ đồng vì phân bón giả. Thật sự rất khốn cùng.

Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, khẳng định có từ 30%-50% các loại phân bón đang lưu thông trên thị trường là giả, kém chất lượng. Theo ông Môn, nông dân đang bị bủa vây trước sự tràn ngập của phân bón giả. Số liệu còn cho thấy cứ mỗi năm trung bình có khoảng 4 nghìn vụ việc liên quan đến phân bón giả, phân bón kém chất lượng bị phát hiện. Tính bình quân là hơn 10 vụ/ngày.

Người nông dân đang bị bỏ rơi trong mê trận phân bón giả do gian thương dựng nên, đương nhiên nếu không có sự tiếp tay thì ma trận ấy không thể nào hoàn hảo. Người nông dân một nắng hai sương, vất vả khổ nhọc quanh năm chỉ mong đến ngày thu hoạch, vậy mà đến mùa thu hoạch chỉ thấy thành quả là sự xác xơ.

Tôi nghĩ rằng, chắc khó có thể chuyển tải bằng ngôn từ tội ác của bọn gian thương ấy. Chung quy, cũng chỉ xoay quanh một chữ tiền.

Minh họa: Lê Phương.

2. Các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đang bàn nhiều về những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng, ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đình Duy... những cán bộ lãnh đạo đầu ngành, những người lãnh đạo các đơn vị kinh tế quốc doanh lớn, những số tiền nghe qua toàn nghìn tỷ, chục nghìn tỷ. Tiền ngân sách, tiền quốc gia mà cứ làm như cát trong sa mạc, muốn thu chi, hạch toán sao thì muốn, để rồi thua lỗ sao thì thua lỗ. Gây ra hậu quả thì tiên hạ thủ vi cường đào tẩu là thượng sách.

Đó là chuyện Trung ương, ở địa phương thì có ông Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, ông Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương.

Tôi tin rằng, ai cũng hiểu rõ vì sao lại đề bạt dồn dập, vì sao lại đề bạt nhiều đến mức lãnh đạo đông hơn cán bộ nhân viên. Một suất có việc làm trong cơ quan nhà nước còn được tính toán chi li cặn kẽ bao nhiêu tiền, nếu quen thì giảm giá không quen thì cứ ai sao tui vậy. Huống hồ là để bạt làm lãnh đạo.

Chung quy, cũng chỉ xoay quanh một chữ tiền.

3. Tìm mọi cách đề bạt cho người thân vào vị trí lãnh đạo, cha đề bạt con, chồng đề bạt vợ, chị gái đề bạt em trai, anh trai đề bạt em gái. Cảm thấy chưa đủ còn đề bạt cả anh vợ, em vợ.

Một gia đình làm lãnh đạo chưa đủ, còn để bạt luôn cả dòng họ vào vị trí lãnh đạo. Nhìn quanh toàn thấy người thân, anh A làm bí thư thì em B làm phó chủ tịch, em C làm giám đốc sở. Đều đúng quy trình cả, đều không sai cả.

Đúng quy trình nhưng vẫn nảy sinh ra Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy... những kẻ gây thiệt hại nghìn tỷ đồng vẫn ung dung nhảy từ nơi này với cương vị làm lãnh đạo sang nơi khác với cấp hàm làm người đứng đầu.

Người ta làm lãnh đạo để làm gì? Bất chấp phản ứng, bất chấp dư luận xì xầm vẫn cứ cố đưa người thân vào làm lãnh đạo để làm gì? Điều tôi tính viết cũng là điều bạn đọc đang nghĩ, thôi thì không luận bàn thêm cho dài dòng, càng luận bàn càng khiến nhau thêm buồn lòng mà thôi.

Chung quy, cũng chỉ vì tiền.

Có phải suy cho cùng người ta lao tâm khổ tứ, khó nhọc thân xác kiếm tiền chỉ nhằm cầu mong một giấc ngủ bình an hay không? Có phải người ta cố gắng phấn đấu có vị trí này có vị trí kia trước là khẳng định danh vọng vị thế với đời, sau là có thêm điều kiện lo cho người thân hay không? Có phải đời người bôn ba vất vả chỉ để mong an lành hay không?

Thế cho nên, đồng tiền luôn mang khuôn mặt người sở hữu nó, người làm ra nó. Đồng tiền sạch thì mang khuôn mặt của người lương thiện, của sự sung túc đầy minh bạch, của sự nhẹ nhàng trong tâm trí. 

Đồng tiền không sạch thì mang mùi tanh tưởi của khuôn mặt gian tham, của những kẻ trục lợi, của những kẻ mang dáng dấp phường hạnh tai lạc họa, đó là những kẻ chỉ biết thu vén cho riêng mình, chỉ biết bất chấp luân thường kỷ cương, sống chỉ có mục tiêu duy nhất là vơ vét cho bản thân được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Còn ai vì đồng tiền của mình mà lâm cảnh bất hạnh, lâm cảnh túng bấn hay hàm oan đều mặc kệ.

Đồng tiền chứa đầy oán khí. 

Ngô Nguyệt Lãng
.
.