Cái gốc kiến tạo
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn với thời lượng hơn 2,5 giờ. Một thời gian kỷ lục đối với người đứng đầu Chính phủ. Hàng loạt vấn đề của đời sống xã hội từ vấn nạn thể chất người Việt, phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư cho doanh nghiệp đến các vụ án tham nhũng, bất cập trong dự án BOT… đã được Thủ tướng Chính phủ trả lời cặn kẽ, chính xác, phong thái tự tin, đĩnh đạc. Với tinh thần ủng hộ tuyệt đối Chính phủ kiến tạo, nói đi đôi với làm, phục vụ nhân dân, tôn trọng cảm xúc của nhân dân, trong Chuyên đề này chúng tôi xin lạm bàn một ý nhỏ trong phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ: “Cán bộ kém, dân kêu mà mãi không thay được thì kiến tạo cái gì?”. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về cốt lõi của Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Nội hàm của Chính phủ kiến tạo trước hết là chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước phát triển. Thứ hai, Nhà nước không làm thay thị trường. Thứ ba, Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi. Thứ tư, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế để phục vụ người dân. Nói chung, một Chính phủ kiến tạo là phục vụ người dân tốt nhất bằng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội mà trước hết là y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… Thứ năm, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm”.
Rõ ràng, muốn thực hiện được các mục tiêu đó thì tiền đề để hình thành Chính phủ kiến tạo vẫn là con người.
1. Sự chuyển động mạnh mẽ của Chính phủ, năng lượng tích cực được tỏa ra từ phát ngôn, hành động, cách giải quyết vấn đề của Thủ tướng Chính phủ là điều bất cứ ai cũng có thể nhận thấy và cảm nhận rõ ràng, không cần phải bàn cãi hay chú giải thêm.
Tuy nhiên, sẽ thật khó khăn nếu mọi chuyện chỉ trông vào Chính phủ, còn các bộ ngành, địa phương vẫn cứ thụ động, trì trệ trong điều hành, xử lý việc công. Đó là còn chưa kể đến những văn bản gây ức chế cho nhân dân, những quyết định không thấu tình đạt lý, những chỉ đạo khó hiểu.
Trong cơn bão số 12 vừa qua, một hộ dân ở thành phố Nha Trang bị cưỡng chế vì dựng lại nhà bằng sắt thép, xi măng. Lý do, căn nhà cũ bị bão đánh sập. Chính quyền địa phương yêu cầu chủ nhà phải dựng nhà bằng vật liệu cũ bởi phần đất này nằm trong diện quy hoạch giải tỏa, bây giờ dựng nhà kiên cố thì mai sau giải tỏa thì chính quyền biết lấy tiền đâu mà đền bù.
Minh họa: Lê Phương. |
Ông Chủ tịch Thành phố cũng cùng quan điểm với chính quyền địa phương, bất chấp đây là gia đình chính sách, là con của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có bố và chú ruột hy sinh trong kháng chiến. Mà hiện trạng căn nhà cũ dựng lên từ vật liệu chủ yếu là gỗ, nhiều năm mối mọt ăn đã mục ruỗng, hư hỏng nặng. Câu chuyện bé xíu ấy lập tức trở nên ầm ĩ khi báo giới vào cuộc.
Ngay lập tức diễn ra sự so sánh về những công trình khách sạn sai phạm khi xây dựng được mang ra đối chiếu với tinh thần cưỡng chế quyết liệt của chính quyền địa phương trong trường hợp này.
Thật ra, không cần phải là cán bộ quản lý cũng có thể giải quyết vấn đề trên bằng một cam kết giữa chủ gia đình và chính quyền địa phương. Chưa thực hiện giải tỏa theo quy hoạch thì đồng ý cho dựng lại nhà với lý do thiên tai, khi giải tỏa thì chủ hộ không được phép tính bồi thường từ lần xây dựng này.
Giấy trắng mực đen pháp lý rõ ràng là xong, vừa đúng tinh thần uống nước nhớ nguồn đền ơn đáp nghĩa, lo lắng cho nhân dân chịu thiệt hại nặng sau bão lại vừa đúng pháp luật.
Có như vậy thôi mà nhùng nhằng, có như vậy thôi mà cứ phải cương quyết “giành chiến thắng đối với nhân dân” mới chịu.
Đây mới chỉ là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều câu chuyện liên quan đến cán bộ địa phương, từ cách làm cứng nhắc quá mức, cho đến sử dụng bằng giả, rồi thoái hóa đạo đức như bí thư xã cùng nữ nhân viên của xã vào khách sạn xong về đánh vợ, Chủ tịch xã thì bị bắt tại trận khi đang quan hệ tình cảm với vợ người khác, tiền hàng cứu trợ trôi vào nhà của người thân cán bộ địa phương, Chủ tịch huyện ra văn bản sai bị UBND tỉnh yêu cầu thu hồi thì cứ tiếp tục ra văn bản sai khác đến mức dân phải kiện ra Tòa và bị Tòa xử thua kiện…
Đó là chuyện nhỏ của địa phương, còn chuyện lớn hơn thì hiện tại đang có tình trạng đùn đẩy việc cho Chính phủ, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng phải đến Chính phủ chỉ đạo, chuyển văn bản.
Ngay tại Hà Nội, có cái cống không thoát nước được khiến mấy hộ dân bị ngập nặng do một hộ dân kiên quyết không cho đoàn kiểm tra khảo sát xem cống của nhà này có bị tắc hay không cũng phải do Chính phủ chỉ đạo…
Mà nhiều lúc, Chính phủ chỉ đạo rồi nhưng chuyện lại vẫn đâu vào đấy, hệt chuyện Chính phủ chỉ đạo là chuyện của Chính phủ còn thực hiện hay không lại là chuyện của địa phương.
Trong một bài viết của mình, ông Nguyễn Văn Lâm, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải thừa nhận: “Trong nhiều nhiệm kỳ Chính phủ trước, việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông qua các chỉ thị, quyết định, kết luận, mệnh lệnh tại chỗ dường như bị bỏ ngỏ vì thiếu việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc.
Họp rất nhiều, Thủ tướng và các Phó thủ tướng kết luận rất nhiều, ra chỉ thị cũng nhiều, quyết định cá biệt được ban hành không ít, toàn những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội, nhưng sau đó thì sao? Những nội dung chỉ đạo đó, có việc thì được thi hành, có việc không, tùy theo thái độ tiếp ứng của các bộ, ngành và UBND các cấp”.
Đó là còn chưa kể những cán bộ trực thuộc Chính phủ cũng gây ra những cảm xúc tiêu cực cho nhân dân, điển hình như các phát ngôn của một ông Cục trưởng trong vụ việc liên quan đến khối tài sản, phần diện tích đất được chuyển đổi có vấn đề của ông nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ở một tỉnh, rồi một ông quyền Vụ trưởng ở Thanh tra Chính phủ kiên quyết phản đối kết luận của Thanh tra Chính phủ đến cùng, rồi nhiều vấn đề tồn đọng ở các ban ngành của nhiều bộ…
2. Nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào quyết tâm của Thủ tướng, thế nhưng sẽ thật khó khăn nếu chỉ có mỗi Chính phủ hành động.
Cốt lõi của kiến tạo hay bất cứ sứ mệnh nào khác cũng phải bắt nguồn từ con người, đúng như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ: “Về vấn đề sính bằng cấp mà không chọn người tài, đây là thực tiễn trong xã hội chúng ta, là vấn đề nhận thức. Chúng ta phải hướng tới người thật, việc thật. Người tài cần được trọng dụng”.
Có cán bộ tốt, có cán bộ vừa đảm bảo năng lực vừa giữ được đạo đức, chuẩn mực và thái độ vì nhân dân phụng sự thì mới hy vọng vào những thành quả tốt đẹp cho nhân dân, cho xã hội, cho quốc gia.
Muốn làm được điều này, có lẽ Chính phủ phải đẩy mạnh công tác loại bỏ dần những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất để thay thế bằng những cán bộ tốt hơn.
Đây là điều rất khó để thực hiện, nhưng tôi tin rằng một Chính phủ kiến tạo là một Chính phủ không ngại va chạm vì cái chung, vì tương lai tốt đẹp, vì nhân dân.